Tạ Duy Anh
Đó là linh cảm và cũng là kiến nghị khẩn thiết của tôi, sau một đêm mất ngủ và đọc lại các tài liệu.
Qua báo chí; qua kiến nghị của các luật sư liên quan trực tiếp đến vụ án; qua các ý kiến, tranh luận của thành viên trong Ủy ban Tư pháp Quốc hội khi thực hiện quyền giám sát về tình hình oan sai; qua Kháng nghị của Viện kiểm sát tối cao và đặc biệt qua TÂM TRẠNG BẤT AN của xã hội … rõ ràng cho thấy một điều khiến không ai có thể yên tâm: Việc kết án tử hình Nguyễn Văn Chưởng là chưa thuyết phục.
Không thể coi thường cảm giác tập thể về công lý.
Theo tôi, “vụ án Nguyễn Văn Chưởng”, dù nói như ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thời điểm 2015 là “đã hết đường”, vẫn chưa thể kết thúc.
(Lý do ông Hiện đưa ra là theo trình tự pháp luật thì Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã bác kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và được xem là là phán xét cuối cùng).
Chúng ta đã có quá nhiều án oan sai, thậm chí đến mức thảm họa về luật pháp và đạo đức.
Từ trường hợp Hàn Đức Long và Nguyễn Thanh Chấn (chỉ xin nêu hai ví dụ đã được chính thức minh oan), chúng ta không thể có kết luận nào khác: Khi còn hiện tượng ÉP CUNG, thì mọi bản án đều không đáng tin, bởi khi đó sự thật đã bị bóp méo, bị ngụy tạo, bị đánh tráo.
Về hiện tượng ÉP CUNG, thì khi trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội sáng 13 tháng 3 năm 2015, ông Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định là “có việc đó”. Ông còn đưa ra ví dụ vụ án Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên đã có tới 4-5 cán bộ công an bị xử lý.
Nguyễn Văn Chưởng khẳng định mình bị ÉP CUNG, bằng nhục hình.
Các nhân chứng gỡ tội cho Nguyễn Văn Chưởng cũng khẳng định mình bị ÉP CUNG, bằng việc bị hành hạ cả thể xác và tinh thần.
Vấn đề ở đây là, theo báo chí và dư luận, thì Tòa án, trong các phiên xét xử, đều không xem xét thấu đáo việc Nguyễn Văn Chưởng và các nhân chứng tố cáo bị cán bộ điều tra ÉP CUNG.
(Dẫn theo báo Tuổi trẻ và Tiền phong…)
*
Sau đây là định nghĩa về ÉP CUNG:
“ÉP CUNG, cũng còn gọi là BỨC CUNG, là hành vi của những người có trách nhiệm lấy lời khai trong quá trình điều tra, truy tố hay xét xử đã sử dụng các thủ đoạn trái pháp luật (chủ yếu là nhục hình) nhằm cưỡng ép người bị lấy lời khai hoặc hỏi cung phải KHAI SAI những điều họ biết”.
Mọi phiên xét xử đều vô giá trị, thậm chí là hành động tiếp tay cho tội ác, nếu các bằng chứng cũng như lời khai, lời chứng không dựa trên sự thật.
T.D.A.
Nguồn: FB Lao Ta