Đại án “chuyến bay giải cứu”: “Thí tốt” Hoàng Văn Hưng để “cứu tướng” Nguyễn Anh Tuấn (Kỳ 3)

TS Luật Cù Huy Hà Vũ

Chứng cứ 4 – Viện Kiểm sát áp dụng sai pháp luật vì định hướng “Hoàng Văn Hưng có tội”

Theo Cáo trạng, Tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh Lê Hồng Sơn và phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hằng đã nhờ Thiếu tướng, phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đưa 2,65 triệu USD cho Hoàng Văn Hưng là điều tra viên chính của vụ án “chuyến bay giải cứu”. Mục đích của việc đưa hối lộ này là để Hưng cứu Sơn và Hằng khỏi bị xử lý hình sự do đưa hối lộ để được cấp phép tổ chức các chuyến bay. Vụ việc bị phát hiện, Sơn và Hằng bị truy tố về “Tội hối lộ”, Tuấn về “Tội môi giới hối lộ” và Hưng về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuấn khai: "Tôi nhận từ Hằng bao nhiêu tôi chuyển thẳng cho Hưng chứ không ghi chép gì cụ thể cả. Tôi rất vô tư trong chuyện này. Sau khi ngồi tính toán lại, tôi đã nhận của Hằng 2,65 triệu USD để lo việc". Thế nhưng Cơ quan điều tra xác định Tuấn chỉ đưa cho Hưng 800 nghìn USD. Mặc dù vậy, Hưng bác bỏ toàn bộ cáo buộc của Viện kiểm sát, khẳng định mình đã không nhận tiền hối lộ dù đó là bao nhiêu.

 

Hoàng Văn Hưng tại tòa, Ảnh: Tuổi trẻ

Trong các bài viết trước, đặc biệt bài “Viện Kiểm sát đã không chứng minh được trong cặp số có 450 nghìn USD”, tôi đã đứng về phía Hưng khi chứng minh cáo buộc chống cựu điều tra viên là hoàn toàn dựa trên suy diễn, áp đặt, đi ngược nguyên tắc “suy đoán vô tội” và quy định về chứng cứ được đặt ra bởi Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS). Trong bài viết này tôi sẽ cho thấy cũng chỉ vì quyết làm oan Hưng bằng được nên Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã áp dụng sai pháp luật khi khép Hưng vào “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước hết, cần khẳng định rằng việc sử dụng tiền hay giá trị khác để hối lộ là một hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, gọi là hành vi phạm tội. Tiền được sử dụng để hối lộ dù chưa được giao vẫn được coi là tiền hối lộ đồng nhất với tài sản phi pháp. Vì lý do này, tiền hối lộ phải bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tịch thu và sung công quỹ. Tóm lại, việc hối lộ dù chưa thành vẫn là một hành vi bất hợp pháp và người đưa hối lộ có thể bị truy cứu hình sự.

Khoản 7 Điều 364 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 (BLHS) quy định: “Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”.

Do Sơn và Hằng chủ động đưa hối lộ và không chủ động khai báo về hành vi hối lộ của họ nên việc truy cứu hai người này về “Tội đưa hối lộ” là hoàn toàn đúng pháp luật. Bất luận thế nào thì tiền mà họ đã sử dụng để hối lộ Hưng thông qua Tuấn không phải là tài sản mà là tài sản phi pháp.

Cũng như hành vi hối lộ, hành vi môi giới hối lộ hoàn thành khi ngay người môi giới nhận tiền hối lộ hoặc giá trị khác từ bên hối lộ và cam kết sẽ chuyển tiền hoặc giá trị này cho đối tượng nhận hối lộ. Nói cách khác, việc môi giới hối lộ không nhất thiết phải được xác định bằng việc chuyển tiền hối lộ ngay lập tức cho đối tượng nhận hối lộ. Do đó, việc Tuấn đã nhận 2,65 triệu USD từ Hằng và Sơn (hơn 2,8 triệu USD theo lời khai của Hằng và Sơn) để hối lộ Hưng đã đủ để cấu thành “Tội môi giới hối lộ” quy định tại Điều 365 BLHS.

Tiếp theo, vấn đề đặt ra là tại sao Viện kiểm sát truy tố Hưng về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong khi truy tố Hằng và Sơn về “Tội đưa hối lộ” và Tuấn về “Tội môi giới hối lộ”, đồng nghĩa theo logic thì Hưng phải bị truy tố về “Tội nhận hối lộ”. Để tháo gỡ, nhất thiết phải xem đối tượng mà hối lộ nhắm tới là ai.

“Tội đưa hối lộ” được quy định tại Khoản 1 Điều 364 BLHS như sau: “Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.

“Tội nhận hối lộ” được quy định tại Khoản 1 Điều 354 BLHS như sau: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.

Như vậy, “người nhận hối lộ” phải là “người có chức vụ, quyền hạn” bởi chỉ có thế thì mới có thể làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Theo bản luận tội của Viện Kiểm sát, ngày 16/9/2022, Hoàng Văn Hưng bị điều chuyển công tác từ Trưởng phòng 5 sang Trưởng phòng 2 Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, không còn nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền trong việc điều tra, giải quyết vụ án. Tuy nhiên, Hưng vẫn nhiều lần gặp Tuấn, Hằng tại nhà Tuấn để cung cấp một số thông tin giải quyết vụ án liên quan đến Hằng, Sơn mà Hưng nắm được; tiếp tục hứa hẹn về việc “lo” cho Hằng, Sơn không bị xử lý hình sự; thông tin sai sự thật về vai trò của Hưng đối với việc điều tra, xử lý vụ án là Hưng vẫn “kiểm soát được tình hình”, vẫn chỉ đạo điều tra và trực tiếp báo cáo đề xuất chủ trương xử lý vụ án; thông qua Tuấn, yêu cầu Hằng chuyển cho Hưng 800.000 USD. Hằng, Sơn đã đưa cho Tuấn 1.000.000 USD trong giai đoạn này; Tuấn chuyển cho Hưng 800.000 USD (1).

Đại diện Viện Kiểm sát tại tòa. Ảnh: Đầu tư chứng khoán

Tóm lại, vì xác định Hưng không còn là “người có chức vụ, quyền hạn” kể từ ngày 16/9/2022 nên Viện Kiểm sát đã không có căn cứ để truy tố cựu điều tra viên về “Tội nhận hối lộ” do đã có hành vi “nhận từ Tuấn 800 nghìn USD tiền hối lộ”. Thế nên liệu việc truy tố Hưng về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là chính xác.

Khoản 1 Điều 174 BLHS quy định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng” là phạm “Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Như vậy, tội danh này được cấu thành bởi hai dấu hiệu: dùng thủ đoạn gian dối và chiếm đoạt tài sản Cụ thể, người có ý định chiếm đoạt tài sản đưa ra những thông tin không đúng sự thật và làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản tưởng đó là những thông tin đúng sự thật (dùng thủ đoạn gian dối) để họ chuyển giao tài sản cho mình (chiếm đoạt tài sản). Nói cách khác, có sự dịch chuyển tài sản do nhầm lẫn từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản sang người có ý định chiếm đoạt tài sản.

Điều cần chú ý là “tài sản” được mặc định là “tài sản hợp pháp”, tức không phải là tiền hoặc tài sản khác liên quan hành vi vi phạm luật pháp hoặc tội phạm, như tiền hối lộ, tiền bất hợp pháp, tiền từ hoạt động tội phạm và các tài sản thu được từ các hoạt động phi pháp khác. Do đó, 800 nghìn USD mà Hằng và Sơn đưa cho Tuấn để hối lộ Hưng không phải là tài sản hợp pháp của Sơn và Hằng mà ngược lại, là tiền phi pháp và vì vậy phải bị tịch thu và sung công quỹ. Nói cách khác, không có chuyện trả lại số tiền hối lộ nói trên cho hai người này. Do đó, việc Cơ quan điều tra khởi tố và tiếp đó Viện kiểm sát truy tố Hưng về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vốn áp dụng cho tài sản hợp pháp rõ ràng là áp dụng sai pháp luật.

Oái oăm là chính Hưng, nạn nhân này của định hướng “có tội” của hai cơ quan tiến hành tố tụng nói trên, cũng mắc cùng sai lầm khi tố cáo Tuấn phạm “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cựu điều tra viên lập luận: “Anh Tuấn nhận của chị Hằng 1 triệu 850 nghìn USD. Anh Tuấn nói với chị Hằng rằng số tiền đó mang đi xử lý việc cho chị Hằng và anh Sơn. Và anh Tuấn nói với chị Hằng rằng anh Tuấn đã đưa cho bị cáo. Trước cơ quan điều tra anh Tuấn cũng khai như vậy. Nhưng đến nay thì chứng minh được rằng số tiền đó anh Tuấn hoàn toàn không đưa cho bị cáo. Vậy thì hành vi của anh Tuấn chiếm giữ của chị Hằng 1 triệu 850 nghìn USD này là gì? Tại sao bị cáo bị cáo buộc nhận 800 nghìn USD mà bị khởi tố về tội lừa đảo. Vậy thì hành vi này của anh Tuấn không được xem xét có phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không” (2).

Thế nhưng, như trên vừa phân tích, “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không thể áp dụng cho người có dấu hiệu chiếm giữ tiền hay giá trị khác được dùng để hối lộ. Do đó, nếu Tuấn không nộp toàn bộ số tiền mà Sơn và Hằng đưa để hối lộ Hưng thì cựu Tướng Công an cũng không thể bị truy cứu hình sự theo tội danh này.

Về phần Tuấn, dĩ nhiên là người này bác bỏ cáo buộc của Hưng, lập luận rằng việc mình nộp Cơ quan điều tra 1,85 triệu USD trên tổng số 2,65 triệu USD mà Hằng và Sơn đưa để hối lộ Hưng không phải là bằng chứng chiếm đoạt số tiền này. Tuấn nói: “(…) trong kết luận của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát thể hiện rất rõ hành vi của tôi là môi giới hối lộ. Tôi phải chịu trách nhiệm dân sự, số tiền 1.850.000 USD này tôi nộp với trách nhiệm dân sự theo kết luận điều tra tại cáo trạng viện kiểm sát quy trách nhiệm. Tôi tuân thủ pháp luật chứ không phải nộp là để tôi nhận tội chiếm đoạt như anh Hưng nói” (3).

Hoàng Văn Hưng (trái) và Nguyễn Anh Tuấn đối đáp tại tòa. Ảnh: Tuổi trẻ

Phải khẳng định ngay rằng sự tự bào chữa của Tuấn là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật. Thực vậy, trong vụ án liên quan đến “hối lộ” và “môi giới hối lộ” không có người bị hại, đồng nhất không có trách nhiệm dân sự nào ở đây. Do đó, việc Tuấn nộp số tiền trên là thực hiện trách nhiệm hình sự bởi nếu không, đây sẽ là tình tiết tăng nặng khi Hội đồng xét xử xem xét hình phạt đối với cựu tướng Công an này bị truy cứu về “Tội môi giới hối lộ”.

Đến đây nảy sinh câu hỏi là Tuấn phạm tội gì khi chiếm đoạt tiền mà Sơn và Hằng đưa để hối lộ Hưng. Cũng như vậy, Hưng phạm tội gì nếu thực sự đã nhận số tiền này. Trong BLHS không có tội danh nào điều chỉnh hành vi chiếm đoạt tiền hối lộ hay tài sản phi pháp khác. Do đó, các nhà làm luật Việt Nam cần khẩn trương soạn thảo “Tội chiếm đoạt tài sản phi pháp” hay tương tự.

Ngược lại, có thể xử lý hình sự người có hành vi “chiếm đoạt tài sản phi pháp” nhưng cố tình không nộp tài sản phi pháp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo Điều 176 BLHS quy định “Tội chiếm giữ trái phép tài sản”. Tội danh này được quy định cụ thể như sau:

“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Như đã phân tích, tài sản phi pháp bao gồm tiền hối lộ phải được tịch thu và sung công quỹ. Do đó, người chiếm đoạt tài sản phi pháp cố tình không nộp tài sản này để sung công quỹ theo yêu cầu của Cơ quan điều tra hay cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác (cơ quan có trách nhiệm) phải bị truy cứu về “Tội chiếm giữ trái phép tài sản”.

(Còn tiếp)

Chú thích:

     1.    Đại diện Viện kiểm sát chỉ rõ hành vi, thủ đoạn phạm tội của cựu ĐTV Hoàng Văn Hưng, Bảo vệ pháp luật, 17/07/2023

     2.   Bị cáo Hoàng Văn Hưng: Hành vi của bị cáo là lừa đảo, vậy anh Tuấn là gì?, Thanh niên, 21/7/2023

     3.    Cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội hỏi động cơ khóc tại tòa của bị cáo Hoàng Văn Hưng là gì?, Tiền phong, 21/7/2023

Garden Grove, California, Hoa Kỳ, 27/7/2023

C.H.H.V.

*

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống cùng phu nhân, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tại California, Hoa Kỳ (Tác giả ghi).

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Chạy án, cù huy hà vũ, Hối lộ, Phe nhóm, tham nhũng, Vụ án Chuyến bay giải cứu, Xử án. Bookmark the permalink.