Song May
Gửi bài cho BBC từ Sài Gòn
24 tháng 6 2023
Các luật sư bào chữa cho vụ án Tịnh Thất Bồng Lai
Thế là họ đã thoát khỏi lệnh “truy tìm” bất thường của công an tỉnh Long An và được tự do nói sự thật, tôi thở phào khi ngày 20/6/2023 đọc tin ba luật sư Nguyễn Văn Miếng, Đặng Đình Mạnh, Đào Kim Lân cùng gia đình của họ đã đến Hoa Kỳ.
Trong ngày 12/6/2023, khi đọc lệnh truy tìm ba luật sư Nguyễn Văn Miếng, Đặng Đình Mạnh, Đào Kim Lân của công an tỉnh Long An vì đã “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự) đăng đồng loạt trên các báo mạng Việt Nam, tôi thấy thật bất thường vì người bị truy tìm lại là các luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai.
Dù chẳng có liên quan gì đến họ (tôi chỉ là một người trong gần 30.000 người follow Facebook Manh Dang của luật sư Đặng Đình Mạnh), tôi vẫn thầm cầu mong họ không bị bắt.
Tôi không rõ lắm về tình tiết của vụ án Tịnh Thất Bồng Lai nhưng tôi tin khi luật sư Đặng Đình Mạnh (và các bạn của ông) nhận bào chữa miễn phí cho các bị cáo thì chắc chắn vụ án có điều oan ức.
Trước khi có tin “truy tìm” các luật sư bào chữa cho vụ án một cách bất thường của công an tỉnh Long An, tôi đã không nhìn thấy các dòng trạng thái mới của Facebook Manh Dang và ngầm hiểu có điều gì đó “tác động” mạnh khiến ông biến mất trên mạng xã hội.
Tôi chỉ biết cầu nguyện cho ông và các bạn của ông được an toàn.
Xã hội thôi không cần ai phản biện?
Họ là những luật sư rất can đảm, bắt đầu từ khi họ nhận bào chữa miễn phí cho dân làng xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), trong đó có con cháu của ông Lê Đình Kình, sau khi công an và quân đội ập vào làng lúc tảng sáng 9/1/2020 để bắn chết ông, người đã kiên trì tranh đấu giữ đất Đồng Sênh của cả làng thoát khỏi dự án của quân đội.
Tôi đã dõi theo quá trình luật sư Đặng Đình Mạnh và nhóm của ông đến làng Đồng Tâm gặp bà Thành, vợ ông Lê Đình Kình và một số dân làng để tìm hiểu và tìm những chứng cứ nhằm biện hộ cho họ. Tôi cũng hồi hộp dõi theo phiên tòa qua tường thuật của luật sư Mạnh trên Facebook và mừng khi ông và đồng đội thoát nạn khi bị vây sau phiên tòa.
Không chỉ là một luật sư giỏi, lập luận sắc bén và tầm nhìn nhân văn, tôi còn nhận ra luật sư Mạnh là người sống rất tình cảm, có trước có sau và là người có óc hài hước, thông qua những bài viết và những câu trả lời bình luận của người khác trong home (Facebook) của ông.
Giờ đây, không được đọc bài ông tường thuật về phiên tòa và chuyện “hậu trường” của các luật sư, tôi còn buồn hơn khi nhìn thấy những người tài hoa, từng là tiếng nói phản biện sắc sảo trên mạng xã hội dần dà từ bỏ đất nước.
Nhờ đọc tường thuật phiên tòa của luật sư Đặng Đình Mạnh, mọi người mới biết được chân dung kiên cường của dân làng xã Đồng Tâm như bà Nối.
Trước đó, hồi đầu tháng 6/2023, một Facebooker trẻ tuổi là Nguyễn Anh Tuấn, một thanh niên 33 tuổi, từng có nhiều bài viết phân tích đanh thép về Formosa, Đồng Tâm… cũng vừa đến được Canada tỵ nạn.
Khi trả lời phỏng vấn của Sài Gòn Nhỏ, một tờ báo của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, Nguyễn Anh Tuấn đã bộc bạch: Tôi vượt sông qua Campuchia bằng nhiều phương tiện khác nhau để đến Thái Lan. Rồi từ Thái Lan, Tuấn đến nơi có người đón, đưa đi tỵ nạn. Cảnh đào thoát của Tuấn cũng một sống, hai chết chả khác gì các thuyền nhân thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước.
Rồi đây, khi có dịp kể lại, cảnh đào thoát khỏi lệnh “truy tìm” từ công an Long An của ba luật sư Nguyễn Văn Miếng, Đặng Đình Mạnh và Đào Kim Lân chắc cũng chả khác gì phim hành động! Tôi tin một ngày nào đó những điều đó sẽ được viết ra và phổ biến.
Từ sau năm 2008, khi báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên có phóng viên bị bắt vì phản biện vụ PMU 18, những nhà báo bị “treo bút” đã tìm nhau và bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội.
Thế nhưng, sau rất nhiều vụ bắt bớ, những tiếng nói phản biện trên mạng xã hội ngày càng mỏng, ngày càng yếu ớt, chưa kể những cây bút hay phản biện thỉnh thoảng lại bị Facebook “khóa” nick, làm biến mất bài đăng và chỉ cho xuất hiện hạn chế trên home của người follow.
Mới đây, khi nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt vì tội “trốn thuế”, người một thời được báo chí trong nước ca ngợi, cũng chả mấy cựu nhà báo lên tiếng.
Họ chán, hoặc họ cũng bắt đầu sợ bị vạ lây.
Các vụ án (dân sự và hình sự, kể cả các vụ án xử cán bộ tham nhũng) sau năm 2008 khi xuất hiện trên báo chí thì đều đưa thông tin từ công an, một nguồn tin duy nhất, không ai biết sự thật đằng sau thế nào vì chẳng có tờ báo nào dám điều tra để đưa tin độc lập.
Đúng là ngày nay chỉ có ngành công an làm báo.
Nhưng nếu án oan, thì tìm sự thật ở đâu, khi các luật sư can đảm, tinh thông luật pháp, lập luận sắc sảo, rồi cũng chịu thua, phải chọn “tẩu vi thượng sách”? Hết tỵ nạn chính trị, tỵ nạn kinh tế, tỵ nạn giáo dục, giờ lại đến tỵ nạn để tìm công lý, khổ cho dân Việt chưa.
Dòng đời cứ chảy… như thường?
Chung quanh tôi, thân nhân, hàng xóm và bằng hữu, không có ai dám bình luận về sự việc ba luật sư bị công an Long An “truy tìm” cũng như tin họ đã đến bến bờ tự do.
Mọi hoạt động cứ diễn ra bình thường, vì ai cũng bị “cơm áo gạo tiền” dí, phải lo tìm cách kiếm tiền để sống đã!
Nhưng ẩn bên dưới sự bình thường đó, ai có chút tiền cũng âm thầm chuẩn bị đường ra đi, nếu không đi được cả gia đình thì tìm cách lo cho bọn trẻ đi du học (tỵ nạn giáo dục), đi hợp tác lao động (tỵ nạn kinh tế).
Bàn về thông tin ba luật sư bị công an Long An “truy tìm” nay đã đến Hoa Kỳ, đa số bạn đọc trên Facebook Huynh Ngoc Chenh (cựu nhà báo Thanh Niên, người có vợ là bà Nguyễn Thúy Hạnh đã bị bắt và chưa được xét xử) đều mừng cho họ, tuy nhiên cũng có người buồn: “Điệp vụ giải cứu thành công… Chúc mừng ba LS! …
Nhưng buồn vì sau này không còn LS Chính Nghĩa giúp đỡ dân đen” (Nguyễn Mai Hằng); “Dân lại mất đi ba luật sư dấn thân vì lẽ phải và công chính” (Duong Nguyen).
Bạn đọc Cong Hung hỏi: “Tui tìm đọc trong luật hình sự và luật tố tụng hình sự có Lệnh truy nã chứ không thấy lệnh truy tìm. Ai biết điều luật có lệnh truy tìm, vui lòng chỉ tôi với”, thì có ngay trả lời “Rõ khổ! Họ xài luật rừng chớ không phải luật hình sự Hùng huynh ơi! (Minh Cận); “Luật rừng sự mà, đến người rừng Dak Lak còn sợ bọn nó” (James Nguyen).
Trong khi bạn Ly Huyen than: “Ở xứ sở xài luật rừng thì luật sư chân chính không có đất hành nghề”, thì bạn Thanh Nguyễn chua chát: “Luật xứ này vô pháp vô thiên, nên đến luật sư tinh thông luật pháp cũng phải dùng đến kế thứ 36!”.
Riêng bạn Khong Gia Đinh lại khẳng định: “Ở Việt Nam họ xài luật rừng nên luật sư phải chạy trước, nó xác định bắt thì đúng cũng thành sai”.
Và buồn nhất (vì đúng nhất) là kết luận của bạn Văn Minh Nguyễn: “Họ sẽ không chạy trốn khi được tranh biện về tội tại tòa.
Rồi đây sẽ còn luật sư nào tranh biện ở Việt Nam nữa?
Nhưng ở Việt Nam làm gì có tòa nào có thể tranh biện được bằng lý lẽ? Rồi đây sẽ chẳng còn luật sư nào dám tranh biện nữa. Tất cả đều do công an quyết định”.
Chiều 22/6, khi vào Facebook tôi search thử tên Manh Dang cầu may và mừng rỡ thay, tôi lại thấy ngôi nhà của vị luật sư mà mình ngưỡng mộ đã “sáng đèn” với dòng trạng thái mới: “Bằng hữu, tôi may mắn có được nhiều người như vậy để được cậy nhờ khi vượt qua các chông gai cuộc đời. Tôi chịu ơn họ xiết bao”.
Tôi không ngạc nhiên khi luật sư Mạnh có nhiều bằng hữu tốt, vì bản thân ông đã là người tốt, sẵn sàng dấn thân bảo vệ người dân bị oan sai. Chỉ có điều những vụ án mà ông và các bạn của mình tham gia bào chữa miễn phí kết quả thế nào thì đã rõ: dân Lộc Hưng vẫn bị lấy đất, phá nhà; dân Đồng Tâm vẫn bị tù; còn Tịnh Thất Bồng Lai thì hoàn toàn tan rã. Kết quả này hẳn sẽ còn làm ông và các bạn của mình day dứt.
Chỉ mong một ngày nào đó, những người tài hoa dám nói sự thật phải đào thoát hôm nay sẽ được chào đón khi quay trở về, còn nếu không, ai dám biết xã hội Việt Nam sẽ đi về đâu?
S.M.
—
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Song May ở TP HCM, Việt Nam.
Nguồn: BBC Tiếng Việt