Phiên tòa thế kỷ và sự phi pháp, phi nhân bản!

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Theo dõi diễn biến phiên tòa tại Hưng Nguyên mấy ngày qua, T. cận tôi chợt thốt lên với vài người bạn thường có sự đồng cảm: đó quả là một Phiên Tòa Thế Kỷ, và buộc người ta liên tưởng tới tầm cỡ của những phiên tòa đã đi vào Lịch sử nhân loại…  

Như phiên tòa của Hitler và Đảng Quốc xã xử Georgi Dimitrov – ủy viên Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Bungari vào năm 1933, ông bị vu là đã đốt nhà Quốc hội; 

Như vụ xử của Tòa án Giáo hội Anh liên kết với Giáo hội Pháp thời Trung cổ đối với nữ anh hùng nước Pháp Jeanne d’Arc vào năm 1431, khi cô bị kết tội là phù thủy và bị thiêu sống…

Tầm vóc thế kỷ ở chỗ: bị can đều đơn độc nhưng hiên ngang, dũng cảm, trước đội ngũ quan tòa diều hâu – lang sói câu kết chặt chẽ với nhau chăm chăm tìm cách đưa bị can vào chỗ chết, và cuối cùng Công lý cũng đã thắng (dù muộn, hoặc chưa viên mãn): 

Tại tòa án phát xít ở Laixich, Dimitrov đã tự mình làm luật sư biện hộ, đanh thép vạch trần âm mưu vu khống, và cuối cùng ông được tuyên bố vô tội, được tha ngay tại tòa. 

Còn ở vụ Jeanne d’Arc, cô gái 19 tuổi đã hiên ngang trước mọi lời lẽ đe dọa hay mua chuộc, không thừa nhận cái tội lỗi họ ép cô nhận trước dàn thiêu đang nổi lửa đợi cô! Dù cô không thoát khỏi tử thần, nhưng đã khiến tất cả quan tòa phải nhục nhã cúi gằm mặt; và gần 20 năm sau, Giáo hoàng đã cho tra xét lại vụ án, xóa bỏ các cáo buộc phi lý và tuyên bố cô vô tội, rồi phong Gioanna là một vị thánh tử vì đạo…

Trong thế kỷ XXI, giữa thời đại chinh phục vũ trụ, bà Lê Thị Thu Ba – phó trưởng Ban thường trực Ban cải cách tư pháp Việt Nam đã tuyên bố: “Có những trường hợp lỡ bắt rồi vẫn phải xử một tội nào đó, tuyên một hình phạt nào đó cho xứng đáng”. 

“Xứng đáng” với cái gì? Với công lao khó nhọc đã túm được một kẻ coi là có tội, vất vả tìm cách tra khảo, nhục hình, nhằm có lời cung khai thành khẩn nhận tội? Hay xứng đáng với lời nhắn gửi tựa “mật lệnh” từ trên truyền xuống?… Phải chăng, những lời “có cánh” này như một sự minh họa hùng hồn cho kết quả của phiên tòa phúc thẩm tại Hưng Nguyên vừa qua?

Nếu những phát ngôn này là có thực, mang tính chất đúc kết chân lý, thể hiện một cách sinh động và trơ tráo cái bản chất triết lý của nền Tư pháp hiện nay, thì rất đáng làm đề tài cho nhiều luận án Tiến sĩ để vạch ra toàn bộ sự phi lý, phi nhân bản, đi ngược lại xu thế toàn cầu trong sự nghiệp mưu cầu Hạnh phúc & Bình an cho con người của một thứ triết lý mà nền tư pháp ấy đã/ đang dung dưỡng, ủng hộ một cách phi pháp!

N.A.T.

Tác giả gửi BVN 

This entry was posted in Luật pháp Việt Nam. Bookmark the permalink.