Điện và Trung Quốc

Huy Đức 

Hai vấn đề chẳng hề liên quan đến nhau nhưng lại có điểm chung là cùng bị lũng đoạn bởi chủ nghĩa dân túy. 

 

 

Hôm qua, anh Nguyễn Cảnh Bình mời ăn tối cùng nhiều vị khách quý, có bàn về 2 chủ đề này. Và, một cựu bộ trưởng đồng ý với tôi: “Khi Trung Quốc sai, chúng ta say sưa copy và đi cùng họ đến mức mất cảnh giác; khi Trung Quốc bắt đầu đúng (trong cải cách kinh tế – từ 1978), ta với họ lại là kẻ thù không đội trời chung. Trung Quốc có cái dở có cái hay, ta chỉ học được vài cái mẹo vặt chứ không học được cái hay của họ”.

Khi Lê Duẩn đi với Bắc Kinh, ông để hơn 300 nghìn “lính và công nhân làm đường” người Trung Quốc tràn ngập ở các tỉnh phía Bắc; ông để cho Lê Đức Thọ bắt và khủng bố hàng trăm người ủng hộ đường lối Liên Xô. Khi “nhất biên đảo với Liên Xô”, ông đẩy đất nước vào một cuộc chiến tranh kéo dài hơn 10 năm và đẩy hàng trăm ngàn người Việt gốc Hoa ra biển.

Năm 2006, tôi phỏng vấn Henry Kissinger: “Có phải năm 1973, khi tới Hà Nội ông chỉ về phương Bắc và nói với Lê Đức Thọ, “Đây mới là kẻ thù của Việt Nam” (chứ không phải Mỹ)?”; Kissinger cười, “Lê Đức Thọ đưa tao vào bảo tàng lịch sử, nơi đó chưa có khu nào trưng bày chống Mỹ mà chỉ có những khu trưng bày chống Trung Quốc. Mày nghĩ, người Việt cần tao nói ra thì mới biết ai là kẻ thù của họ sao”.

Té ra khi cần “máu của nhân dân”, họ nghĩ ra rất nhiều giai thoại. Và, ngày nay, ngay cả nhiều “trí thức” khi cần nhắc nhở sự tồn tại của mình với công chúng trong nước cũng sử dụng lá bài “chống Tàu bằng mồm”.

Lịch sử không bao giờ tha thứ cho kẻ nào hèn hạ với Bắc Kinh, nhưng muốn cảnh giác thì không chỉ đánh thức chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà phải học. Trung Quốc không chỉ là “kẻ thù”. Trung Quốc còn là một thực thể kinh tế và văn hóa. Hàng chục triệu người dân Việt Nam ở các tỉnh biên giới phía Bắc, từ kinh tế với văn hóa, gần gũi với Trung Quốc hơn Hà Nội. Phải học thì mới hiểu họ, mới biết đánh thức “NGUY” hay đánh thức “CƠ” từ họ.

Và, ĐIỆN… 

Từ thập niên 1990s chúng ta đã không thể gọi vốn đầu tư nguồn điện từ FDI vì giá điện mà các nhà đầu tư đòi là 5 cent/kw. Nhân danh người nghèo và chỉ nhìn thấy tỷ lệ người nghèo trước mắt mà không ai dám để nước ngoài đầu tư vì giá. 

Thủy điện phá rừng, đúng. Nhiệt điện gây ô nhiễm, đúng. Điện hạt nhân đã nguy thì nguy to, đúng. Nhưng nếu không có nguồn điện chủ động đủ lớn thì không thể phát triển điện gió hay điện mặt trời.

Nhiều năm nay không có nguồn điện lớn nào được đầu tư. Nhiệt điện Quảng Trạch I thì ì ạch. Đúng là có những trường hợp vì tham nhũng, thời gian xây dựng phải trì hoãn hàng chục năm như nhiệt điện Thái Bình II. Đúng là EVN độc quyền và không đủ minh bạch để dân chúng tin. 

Nhưng, chúng ta đã thực sự có thể từ bỏ điện than?

Không ai dám thành thật để nói với dân chúng rằng, không thể phát triển bằng mọi giá nhưng không có phát triển nào không phải trả giá. 

Ai dám đối diện với chủ nghĩa dân túy để nói điều đó với nhân dân. Ai dám đối diện với chủ nghĩa dân túy để đưa ra quyết định. 

Thế hệ 7x trở về trước nhiều người còn bị ám ảnh bởi tình trạng cúp điện trong thập niên 1980s [mời đọc bài sáng nay của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ]. Nhưng thập niên 1980s hầu hết người miền Bắc chưa biết “tủ lạnh và máy điều hòa”. Những kẻ dân túy không dám quyết định, đưa đất nước của “thời đại máy lạnh” quay về “thời đại quạt nan” cũng gây tội ác với nhân dân như tham nhũng.

 

 

H.Đ.

Nguồn: FB Trương Huy San

 

 

This entry was posted in Quản lý nhà nước. Bookmark the permalink.