Tản mạn về Chủ nghĩa Dân tộc và hai ngày Quốc giỗ

Dương Quốc Chính

Ngày giỗ vua Hùng thứ 18 năm nay (11/3) lại trùng với ngày 30/4. Đây là một sự éo le của lịch sử. Bởi vua Hùng vốn là nhân vật hoang đường, được đề cao nhằm gắn kết dân tộc. Còn 30/4 lại là ngày ghi dấu một vết nhơ của dân tộc Việt Nam khi anh em đánh nhau huynh đệ tương tàn, một đứa chết, có triệu người vui và có triệu người buồn, tức là ngày chia rẽ dân tộc. Với “phe Quốc gia”, đây cũng là ngày Quốc Giỗ của họ. Thế là 2 ngày Quốc Giỗ chập một!

clip_image002

Chủ nghĩa Dân tộc được cho là bắt đầu hình thành từ Cách mạng Pháp vào thế kỷ 18, rồi lan truyền khắp châu Âu, đi theo các công ty Đông Ấn và các đạo quân xâm lược tới khắp 5 châu, để đề cao nước mẹ, hòng nô dịch dân bản xứ về tư tưởng.

Ở Đông Dương, dân bản xứ được học và tự hào về tổ tiên Gô loa (Gaulois) của mẫu quốc Pháp. Cùng với đó, chủ nghĩa dân tộc cũng được truyền tới.

Khái niệm Dân tộc vốn không có sớm ở Trung Quốc (TQ), nó được cho là khái niệm nhập khẩu từ nước Nhật, lần đầu tiên vào TQ bởi Lương Khải Siêu, rồi phát triển rộng rãi bởi Tôn Trung Sơn. Khái niệm này được du nhập vào Việt Nam nhờ phong trào Đông Du bởi Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Có nghĩa là tư tưởng dân tộc chủ nghĩa vốn bắt nguồn từ Pháp, còn từ nguyên "dân tộc" bắt nguồn từ Nhật và TQ vào Việt Nam.

Ngày quốc giỗ mới chỉ thực sự có từ năm 1917, triều Khải Định, một ông vua thân Pháp. Về bản chất, các vua Hùng, truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ và ngày giỗ Tổ chính là nhằm mục đích gắn kết công dân và nuôi dưỡng, đề cao tinh thần dân tộc mà các triều đại phong kiến trước không hề có. Bởi vì, phong kiến Việt Nam, TQ theo hệ tư tưởng Nho giáo. Với hệ tư tưởng này, không có chỗ cho dân tộc và quốc gia, mà lòng trung thành với vua phải đặt lên trên cả lòng yêu nước (trung quân, ái quốc). Vua là con Trời và việc cai trị thiên hạ là mệnh Trời. Quan, dân chỉ có tuân phục.

Chính vì vậy, ở nhiều bài khác, mình mới viết: "Vua có toàn quyền quyết định vận mệnh quốc gia, có quyền điều chỉnh biên giới, lãnh thổ bằng cách xâm lược hay cho, tặng đất đai". Gần nhất là việc vua Gia Long tặng đất Trấn Ninh, Trấn Biên cho Lào để trả công giúp ông đánh Tây Sơn. Trước đó thì vua Lê Chiêu Thống cắt đất Nghệ An tặng cho Nguyễn Huệ vì có công dẹp chúa Trịnh (lúc đó Đàng Ngoài và Đàng Trong coi như 2 nước, Tây Sơn không hề quy phục nhà Lê). Các ông vua làm như vậy là bình thường, lúc đó không ai coi là bán nước, không có khái niệm bán nước. Giống như bây giờ chúng ta bán mảnh đất lấy tiền uống bia thôi.

Quay lại chủ nghĩa dân tộc, vua Hùng được dựng lên và đề cao dân tộc, để làm chất kết dính, song song với truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ… rất hoang đường, nhưng dùng để tuyên truyền rất tốt.

Việt Nam có 54 dân tộc, nên các chính quyền hiện đại đều rất lo bị phân rã. Vì thế thuyết trăm trứng và thờ cúng Hùng vương càng được khuếch trương đôi khi quá đà. Ví dụ như các dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Đảo ở miền trong – bản chất chả liên quan gì đến thuyết này nhưng vẫn được tuyên truyền thờ cúng vua Hùng, khá là buồn cười. Vua Hùng nói chung chỉ là tổ của người Kinh (gốc Kinh Dương vương) thôi.

Chủ nghĩa dân tộc và tinh thần quốc gia trở thành con dao hai lưỡi, ban đầu nó được thực dân sử dụng để đô hộ thuộc địa, nhưng sau lại bị chính các nhà cách mạng thuộc địa sử dụng để đề cao dân tộc và quốc gia bản xứ nhằm chống lại thực dân! Ở Việt Nam, 2 lãnh tụ đã tận dụng tốt nhất tinh thần dân tộc để chống thực dân, phong kiến là ông Hồ Chí Minh và ông Ngô Đình Diệm. Cả hai ông này đều đề cao việc thờ cúng vua Hùng để khuếch trương dân tộc.

Ông Hồ Chí Minh (HCM) có câu nói nổi tiếng ở đền Hùng: "Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Còn ông Diệm, khi đó quản lý lãnh thổ không có đền Hùng “xịn”, nên ông chế ra một cái khác, ở trong Thảo Cầm Viên, Sài Gòn, nguyên là đền thờ chiến sĩ trận vong người Việt đi lính cho Pháp ở Thế chiến Một, xây từ 1926. Công trình này, nay vẫn là đền thờ vua Hùng ở SG, kể từ khi ông Diệm nắm quyền. Tức là cả hai chế độ đều dùng vua Hùng để kết nối dân tộc.

Ông HCM được coi là người cộng sản có tinh thần dân tộc, chính thế nên mới bị Stalin nghi kỵ, cho là Tito (lãnh tụ CS Nam Tư) của châu Á. Ông Hồ bị quốc tế CS 3 không coi trọng như vậy là do chủ trương nguyên bản của người CS là đề cao tính giai cấp lên trên tính dân tộc. Vô sản toàn thế giới đoàn kết thành thế giới đại đồng, không còn ranh giới quốc gia. Bốn TBT Đảng CS Việt Nam đầu tiên là các ông Phú, Tập, Cừ, Phong là những tín đồ CS thuần như vậy, ông HCM không có vai trò gì đáng kể cho đến khi Quốc tế 3 giải tán do thế chiến. Tư tưởng dân tộc của ông Hồ chỉ mới thực sự bị tính giai cấp đè lên trên kể từ sau khi VNDCCH được nước Trung Cộng hỗ trợ, dưỡng dục, kể từ năm 1949.

Ông Ngô Đình Diệm, trái lại, theo đuổi tinh thần dân tộc cho đến chết, nhưng đó là tinh thần dân tộc của người Công giáo. Chính điều đó cũng bị mâu thuẫn giống ông Hồ (CS dân tộc) ở chỗ người Công giáo lúc đó bị cho là có một quốc gia riêng, cũng một dạng thế giới đại đồng, là Vatican và thân Pháp! Phe CS và cả phe QG chống ông Diệm đã lợi dụng điều đó để tấn công ông, coi người Công giáo thì không thể yêu nước, yêu dân tộc hơn kính Chúa, họ coi đạo Phật mới gắn được với dân tộc. Đây cũng là một tác nhân quan trọng khiến Đệ nhất Cộng hoà sụp đổ.

Trong khi ông Nguyễn Ái Quốc lại bị anh em ông Trần Phú, Trần Ngọc Danh, ông Hà Huy Tập coi là người đề cao dân tộc hơn tính giai cấp, tức là không phải người cộng sản "toàn tòng". Hiện văn kiện đảng vẫn còn lưu trữ những ý kiến chỉ trích đồng chí Nguyễn Ái Quốc bởi các Tổng Bí thư đảng nói trên.

Ở châu Âu, đỉnh cao của chủ nghĩa dân tộc là dưới chế độ phát xít. Nước Đức dùng chủng tộc thượng đẳng làm chiêu bài kết nối nhân tâm để xâm lược toàn châu Âu. Ở châu Á, Nhật làm điều tương tự, nhưng núp bóng Thiên Hoàng để xây dựng khối Đại Đông Á. Sau Thế chiến Hai, tinh thần dân tộc trở nên là vấn đề nhạy cảm, do nó là một tác nhân tạo nên thế chiến. Vì thế ngày nay, dân Đức và Nhật chỉ tự hào dân tộc một cách kín đáo, hạn chế, một phần là do vẫn phải chịu sự kìm hãm bởi các quy tắc hậu chiến (như hạn chế phát triển quân sự).

Ở Phương Tây bây giờ, nếu đề cao dân tộc quá đà thì khá là nhạy cảm, dễ thành Phát xít. Nhưng người Nga bây giờ lại đang giống Phát xít hơn cả, kể từ khi Putin tấn công Ukraine với lý do đại khái là "giải giáp phát xít mới Ukraine ".

Còn ở châu Á, TQ đã thế chỗ Nhật về tinh thần dân tộc cực đoan. Dường như Nga – Tàu đang hình thành một phe Trục mới thay thế Đức – Nhật ngày xưa. Éo le thay là Liên Xô và TQ từng là nạn nhân của chế độ phát xít và quân phiệt với tổn thất rất lớn. Tinh thần Đại Nga và Đại Hán đang được khuếch trương hơn bao giờ hết; bóng ma thế chiến đang cận kề với chủ nghĩa Sô vanh (Chauvinism) nước lớn. Việt Nam thì chống cự lại mối đe dọa xâm lược bởi chủ nghĩa trên bằng cái tương tự là chủ nghĩa dân tộc "tiểu bá" và Campuchia cũng đã (bởi Khmer đỏ) và đang làm y chang.

Ngày giỗ vua Hùng thứ 18 năm nay (11/3) lại trùng với ngày 30/4. Đây là một sự éo le của lịch sử. Bởi vua Hùng vốn là nhân vật hoang đường, được đề cao nhằm gắn kết dân tộc. Còn 30/4 lại là ngày ghi dấu một vết nhơ của dân tộc Việt Nam khi anh em đánh nhau huynh đệ tương tàn, một đứa chết, có triệu người vui và có triệu người buồn, tức là ngày chia rẽ dân tộc. Với “phe Quốc gia”, đây cũng là ngày Quốc Giỗ của họ. Thế là 2 ngày Quốc Giỗ chập một!

Âu cũng có lẽ do nghiệp quật, bởi vua Khải Định lại chọn ngày giỗ ông Hùng 18 làm Quốc Giỗ, trong khi ông Hùng này là kẻ làm mất nước Văn Lang vào tay Thục phán An Dương Vương!

Đáng nhẽ Quốc Giỗ phải lấy ngày giỗ ông vua Hùng Đệ Nhất chứ?!

D.Q.C.

Nguồn: Fb Dương Quốc Chính

This entry was posted in Ljch sử. Bookmark the permalink.