Chỉ nhõn Người Việt mình với nhau

Lưu Trọng Văn

clip_image002clip_image004

Hôm nay gã muốn không viết gì.

Giờ này Sài Gòn nắng và oi. Không biết 30.4.1975, Sài Gòn có ai than vãn sao nắng và oi không, bởi lúc đó có lẽ chẳng ai đủ bình tâm để cảm nhận về nắng hay mưa nữa. Nghĩ vậy, lật lại một cảnh trong vở kịch “Họ chưa biết tên nhau” gã viết từ 1982 nhưng mới hoàn chỉnh lại trong bộ bốn vở kịch “Thời tôi sống” hay “Đất nưỡc tôi”.

Đọc và không khỏi nhói ngực. Vậy đó, chả thể chạy trốn được, vì chưa bao giờ tan biến nỗi buồn Đất nước phân ly bủa vây mình.

Gã xin gửi bạn đọc lớp kịch lần đầu tiên gã công bố này.

“Đầu toa vang lên tiếng đàn. Ông mù xuất hiện, mắt đeo kính đen, vai đeo ampli và chiếc loa nhỏ, khoác cây đàn ghi ta.

Ông mù hát: Tím đỏ đồi sim ôi tím đỏ đồi sim…(giọng thiểu não, u uất).

Ông thuốc lào lấy thuốc lào châm đóm định rít. Ông đeo kính ngăn ông thuốc lào, thổi tắt đóm, tay chỉ về phía ông mù. Ông thuốc lào bật lại lửa, châm thuốc cố tình rít thật to, thật lâu. Bài hát dứt. Mọi người bỏ tiền vào chiếc mũ của ông mù.

Ông mù: Cảm ơn quý vị.

Bà chít khăn: Hát bản nào vui vui ấy ông ạ.

Ông mù: Chỉ nhạc đỏ cách mạng mới vui vui thôi.

“Đi ta đi giải phóng miền Nam” hay “Chào em cô gái Lam Hồng…”, nhưng tôi lại không biết hát nhạc đỏ.

Ông đeo kính: “Cho một người nằm xuống”.

Ông thuốc lào: Về liệt sĩ hy sinh à? Được lắm.

Ông mù đàn và hát:

“Bạn bè còn đó anh biết không anh

Bạn bè rồi xa, người tình rồi quên…”

Ông thuốc lào: Sao kì vậy? Các liệt sĩ hy sinh không ai quên họ sất. Không bao giờ quên. Các nghĩa trang luôn có dòng chữ “Tổ quốc ghi ơn”.

Ông đeo kính: Bài này Trịnh Công Sơn viết cho một phi công của Việt Nam Cộng hòa bị chết trận đó ông.

Ông thuốc lào: Thế thì đâu phải liệt sĩ? Hừ! Nhạc vàng phản động à?

Lính thủy: Thỉnh thoảng nghe một chút có sao đâu. Tụi cháu ở đảo lúc buồn cũng hát “Bao anh lính khổ xa nhà”, nhạc Ngụy đấy. Chỉ huy biết, bảo, tụi mày hát nhạc đỏ hay vàng, tùy thích. Miễn là bọn Tàu Cộng chó má chiếm đảo cứ tẩn chết bỏ là được.

Ông thuốc lào: Nói vậy mà nói được à. Chết thật, mất lập trường hết mẹ nó rồi. Tôi thời chống Pháp cũng là lính trận đó. Chỉ hát “cô hái mơ” thôi mà bị kỷ luật. Nhạc vàng nó làm nhũn người ra chứ ở đó mà còn sức chiến đấu à?

Ông mù đàn mạnh hơn và hát lớn hơn như cố tình bất chấp lời nói của ông thuốc lào: “Bầu trời nào đó anh đã bay qua…”

Bà chít khăn: Các ông bảo sao? Anh phi công ấy là ai thế? Người đàng mình à?

Thơm: Bà ơi, Ngụy đấy.

Bà chít khăn: Nó đi thả bom à?

Người nằm võng thét to: Thôi!

Người nằm võng nhổm người lên nắm cổ đàn.

Uyên đột nhiên giọng thách thức: Ông cứ hát nữa đi! Tôi thích nghe.

Người nằm võng: Xin các người đừng độc ác như thế.

Lính thủy: Anh làm gì mà căng thế?

Người nằm võng: Tôi, cậu thế nào cũng được.

Bà chít khăn từ từ đứng dậy đi ra đầu toa.

Ông đeo kính: Tôi gửi ông thêm tiền. Ông cứ hát tiếp bài hát ấy cho cô gái này nghe. Cô gái ấy thích nghe. Chúng ta phải biết tôn trọng ý thích của người khác chứ!

Người nằm võng: Tôi trả cao hơn, để xin ông không hát bài đó nữa.

Ông mù: Nào, các ông quyết định đi! Để tôi còn qua toa khác.

Người nằm võng: Tôi yêu cầu ông không hát. Các người biết vì sao bà chít khăn ấy bỏ đi không? Bà ấy không muốn nghe bài hát nói về người thả bom mà có thể con trai của bà đã… Các người có biết cái ba lô…

Chàng trai: Hàng buôn lậu à?

Người nằm võng: Câm mõm! Hài cốt của con trai bà cụ ấy đấy.

Thơm: Sao anh biết?

Người nằm võng: Vì đêm qua, khi tất cả ngủ say, tôi bỗng nghe tiếng khóc. Tôi hé mắt, thấy bà cụ ôm cái ba lô thì thầm khóc, con ơi, con ơi, u sắp đưa con về nhà mình rồi.

Uyên đứng dậy đi ra đầu toa, ông mù ngưng hát. Uyên đứng bên bà chít khăn.

Bà chít khăn: Cháu cứ vào nghe bài hát cháu thích đi!

Uyên vẫn đứng lặng rồi đột nói: Bà ơi, tại sao lại phải như vậy hả bà? Con không thể hiểu được, tại sao cứ phải là như vậy ở đất nước mình? Anh trai con là phi công bị chết mất xác ở Kon Tum. Còn ba con thì…đang bị bắt cải tạo ở khu rừng phía Bắc. Con không hề ra Bắc thăm miền Bắc như bao năm con mơ ước mà con chỉ ra thăm nuôi ba con.

Bà chít khăn: Thế mẹ con đâu?

Uyên: Má con vượt biển cùng hai em con, bị… Uyên òa khóc. Tại sao cứ phải như vậy hả bà? Người miền Nam bao đời nay nói người miền Bắc cũng hiểu mà, cùng nói tiếng Việt của cha ông mình mà. Tại sao không tha thứ cho nhau?

Bà chít khăn ôm Uyên: Bà không hiểu con à. Bà không thể hiểu. Nhưng tha lỗi cho bà, bà không thể đành đoạn nghe tiếng hát về người có thể thả bom vào con trai của bà.

Vang lên tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray.

Trong toa.

Ông mù trút ngược chiếc mũ đổ những đồng tiền trên bàn, gom lại thành xấp.

Ông thuốc lào: Cái gì thế?

Ông đeo kính: Ông ta trả lại tất cả.

Lính thủy chặn ông mù lại: Ông bạn, nhìn vết sẹo trên mắt tôi biết ông không bị mù bẩm sinh. Ông ở bên nào?

Người nằm võng: Bên nào chả được. Ông ấy không muốn nhận tiền nữa thì thôi.

Lính thủy: Nhưng đây là những đồng tiền sòng phẳng.

Ông mù: Tuy tôi mù, nhưng tôi biết rõ những ai đang có mặt ở khoang tàu này. Chúng ta là những thằng đàn ông, dù quá khứ ở bên nào không quan trọng. Quan trọng là chúng ta đang may mắn còn cùng trên một con tàu này. Quan trọng là tôi may mắn còn có giọng để hát, còn có tay để đánh đàn, còn có trái tim để biết mình cần đem tiếng hát cho ai. Hãy cho tôi xin lỗi bà cụ ấy.

Lính thủy: Sao ông trả lại tiền?

Ông mù: Tôi hát kiếm tiền, chứ không cầu ai bố thí. Ông nói đúng, chúng ta sòng phẳng. Tôi ăn xin thì đã không hát, nếu hát dở thì tôi cũng không hát. Ông nào bảo tôi hát nhạc phản động cứ việc kêu cảnh sát tống tôi vô tù. Mắt đui, trong tù hay ngoài tù khác gì nhau?

Lính thủy cầm xấp tiền dúi tay ông mù: Cầm lấy đi, ông ạ.

Ông mù: Tiền này của tôi, cầm hay không cầm là quyền của tôi. Tôi nhờ anh hãy đưa số tiền ít ỏi này cho người đàn bà đêm qua ôm cái ba lô có tro cốt con trai mình ấy.

Bà chít khăn và Uyên cùng quay lại toa. Bà chít khăn đến bên ông mù, đặt tay lên tay ông mù.

Bà chít khăn: Cảm ơn cậu. Tôi không nhận được đâu. Chắc cậu cũng có một bà mẹ…

Ông mù: Thưa bà, khi tôi từ Quảng Trị về với băng trắng quấn quanh mắt, má tôi không khóc. Má tôi bảo, từ nay ngôi nhà này có đàn ông rồi. Xin bà hãy nhận ở tôi tấm lòng của tôi đối với bà.

Bà chít khăn: Tôi hiểu lời mẹ cậu nói bởi đó cũng là mong ước của tôi, nhà có đàn ông.

Uyên thút thít khóc.

Bà chít khăn ôm Uyên: Thôi, đừng khóc cháu à. Rồi thì đàn bà chúng ta sẽ lại sinh ra đàn ông, sinh ra thật nhiều đàn ông.

Người nằm võng: Bao nhiêu đàn ông cho đủ nếu cứ đánh nhau và thù hận mãi thế này? Tôi xin lỗi anh! Anh… nghệ sĩ.

Ông mù: Má tôi nói đúng. Hãy hát những bản tình ca thôi, ai nghe cũng được, bên nào nghe cũng được, chớ con hát nhạc nói về lính bên này thì gia đình lính bên kia không muốn nghe, con hát về lính bên kia thì gia đình lính bên này động lòng. Tôi nói với má tôi, con không hát được nhạc trai gái yêu nhau má ơi, những ngày ở mặt trận những bài hát về đời lính thấm vào con, là chính con, càng không thể rời khỏi con được khi con bị mất đi đôi mắt.

Trong bóng tối con chỉ còn nhìn ra quá khứ má à… Vậy thì đập đàn đi. Má tôi nói vậy. Nhưng tôi không thể đập đàn được vì má tôi quá già rồi, tôi lại mù chỉ còn có tiếng đàn, tiếng hát để kiếm sống… Mà đã hát thì tôi không thể hát những bài hát không phải là máu thịt của cuộc đời tôi.

Ông mù nắm tay bà chít khăn: Xin bà hãy nhận cho tôi vui.

Bà chít khăn: Không, không con ơi. U không thể nhận được đâu.

Ông mù: Nếu những đứa trẻ sinh ra cả người đàn bà miền Bắc với người đàn bà miền Nam đều gọi “con ơi” thì làm gì phải đánh nhau thế này…

Ông đeo kính: Thế tại sao cậu không sáng tác một bài hát nói về hai tiếng “con ơi” như thế? Nó sẽ là máu thịt của cậu đấy. Nếu con người ta chỉ còn biết quá khứ là máu thịt của mình thì muôn năm thù hận vẫn mãi ngự trị, mà nỗi khổ đau vẫn là những ngôi nhà trống hoắc thiếu vắng đàn ông.

Ông thuốc lào: Mặc dù tôi khác lập trường với ông, nhưng tôi thừa nhận ông nói đúng đấy. Tôi đề xuất thế này nhá. Số tiền này chia đôi. Một nửa cậu đem về cho má cậu, một nửa thì bà nhận đi cho cậu ấy tạ tội với…

Ông đeo kính: Trên chuyến tàu này, theo tôi chả ai vô can cả. Tốt nhất quên mẹ nó quá khứ đi. Nhìn coi nào, giờ đây có thằng mắt xanh mũi lõ chó nào đâu, chỉ nhõn người Việt mình với nhau.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.