Christine Ockrent: “Tập Cận Bình không đối xử với các tỷ phú của mình theo kiểu Nga, mà tế nhị hơn”

Phạm Như Hồ dịch theo Christine Ockrent: ‘Xi Junping ne traite pas ses milliardaires à la ruse’”, Le Point, 9.4.2023.

PHỎNG VẤN. Trong một cuốn sách dựa trên rất nhiều tài liệu phong phú, nhà báo nổi tiếng say mê kể về những số phận hoành tráng và thường là bi thảm của các ông chủ Trung Quốc.

Cuộc phỏng vấn do Jérémy André thực hiện

clip_image002

Ông là người cuối cùng biến mất, và nỗi kinh hãi đã lan sang các nhà khởi nghiệp và tài chính Pháp, những người biết rõ về ông: Bao Fan (Bao Phàm), CEO sáng lập ra China Renaissance, đã mất tích từ cuối tháng Hai. Phải mất vài ngày sau, những người thân cận mới phát hiện ra rằng ông đang “hợp tác” trong một vụ điều tra tư pháp. Trong thế giới kinh doanh của Trung Quốc, với khuôn mặt của một nhà sư Thiếu Lâm, ông là hiện thân của thiên tài đầu tư vào Công nghệ Trung Quốc. Không thể tiếp cận ông, các nhóm của ông buộc phải đình chỉ việc niêm yết tập đoàn của ông trên thị trường chứng khoán – một báo hiệu xấu, trong khi đó, trong những trường hợp nhẹ nhất, các ông chủ vẫn tiếp cận được các luật sư của họ để tiếp tục ký các tài liệu cần thiết cho công việc kinh doanh của họ.

Trên thực tế, ông chỉ là nạn nhân mới nhất của cuộc thanh trừng người giàu Trung Quốc của Tập Cận Bình, cuộc thanh trừng không hề chậm lại trong mười năm cai trị không bị thách thức. Ngay cả khi những Bill Gates và những Bettencourt của Trung Quốc có tuổi thọ (được tự do) ngày càng ngắn, những người đàn ông và phụ nữ cũng quyền lực và nổi tiếng như những đại gia của Pháp hay Mỹ đều biến mất như những người hoàn toàn vô danh, chủ đề này hiếm khi được các phương tiện truyền thông Pháp quan tâm. Christine Ockrent đã khắc phục điểm mù này trong một cuốn sách rất sâu sắc, Hoàng Đế và các tỷ phú đỏ/L’Empereur et les milliardaires rouges (Éditions de l’Observatoire).

Le Point: Những vụ mất tích, những vụ bắt giữ, những cái chết đáng ngờ… Các ông chủ Trung Quốc rơi rụng như ruồi. Chúng ta có một ý niệm nào về số người đã bị loại bỏ hoặc bị đưa vào khuôn phép kể từ năm 2012 và sự lên nắm quyền của Tập Cận Bình không?

Christine Ockrent: Chúng ta không có số liệu chính xác. Các con số của Trung Quốc luôn luôn phải được xem xét thận trọng. Nhưng số lượng các ông chủ và quan chức của Đảng đã bị thanh trừng, nhân danh cuộc săn lùng “ruồi”, “hổ” và “cáo”, nghĩa là cuộc chiến chống tham nhũng, dù sao cũng là con số khổng lồ. Việc Tập Cận Bình lên nắm quyền tương ứng với việc loại bỏ tất cả những người đã thu lợi rất nhiều từ sự lỏng lẻo và từ hệ thống tham nhũng khá phổ biến và khuếch đại, đặc biệt là dưới thời người tiền nhiệm của ông ta. Đây là những gì nhà doanh nhân lưu vong Desmond Shum đã cho thấy trong cuốn sách Trò chơi Roulette Trung Quốc/Red Roulette của ông. Nếu không thể có số liệu, điều tôi đã cố gắng làm là lần theo hành trình của các ông chủ các tập đoàn Công nghệ khổng lồ, đã nổi lên theo một lịch trình cực kỳ nhanh chóng, bắt chước Thung lũng Silicon của Mỹ.

L.P.: Cú ngã ngoạn mục nhất trong số này là của Jack Ma (Mã Vân). Ngôi sao công nghệ Trung Quốc bị trấn lột như thế nào?

C.O.: Jack Ma luôn tự hào là không biết gì hết về máy tính. Ông vốn là một giáo viên tiếng Anh nhỏ bé sống lây lất ở tỉnh Chiết Giang của mình. Tuy nhiên, ông đã xây dựng được tập đoàn khổng lồ mà chúng ta biết đến dưới tên thương hiệu Alibaba, nền tảng thương mại trực tuyến, đã mở rộng sang các dịch vụ tài chính, dưới tên Ant. Ông tin vào bản thân mình, vào tài giao tiếp của mình, vào các mạng lưới của mình, cái được gọi là guanxi (quan hệ) ở Trung Quốc. Trong số các cổ đông lớn của tập đoàn của ông, tất nhiên là có những nhân vật quan trọng của Đảng, nhưng tên của họ không xuất hiện. Vào mùa thu năm 2020, tại một cuộc họp ở Thượng Hải trước mặt Bộ trưởng Bộ Tài chính, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương, toàn bộ giới tinh hoa tài chính ngân hàng của đất nước, Jack Ma đã cả gan đặt vấn đề về chế độ. Ông chỉ trích các phương pháp cũ của các chủ ngân hàng, những người, theo ông, không đủ khả năng hiện đại hóa đất nước. Còn hơn thế nữa với sự mỉa mai thông thường của ông, so sánh các nhà lãnh đạo Trung Quốc với những người quản lý nhà ga mong muốn quản lý một sân bay.

clip_image004

“Jack Ma là một vị thánh sống, được nhân viên của ông và cả một thế hệ thanh niên Trung Quốc ca tụng … Điều không thể chấp nhận được đối với Tập Cận Bình.”

Vài ngày sau, việc Ant bắt đầu được niêm yết trên thị trường chứng khoán bị hủy bỏ và ông biến mất. Và khi Jack Ma tái xuất ba tháng sau đó, ông đã bị tước quyền lãnh đạo nhánh tài chính và dần dần rời bỏ công ty mẹ. Cuối cùng ông đã rời khỏi Trung Quốc. Chúng ta có thể thấy ông nơi đây nơi đó, ở Hà Lan, ở Hồng Kông, ở Bangkok… trước khi định cư ở Tokyo. Vào cuối tháng 3, ông trở lại Trung Quốc trong một ngày. Ông đã xuất hiện tại một ngôi trường mà ông tài trợ. Và cùng tháng 3 đó, chế độ tuyên bố rằng họ giải tán nhóm Ant được chia thành tám phần.

Chúng ta có thể thấy rõ tính đặc biệt của các phương pháp của Trung Quốc. Tập Cận Bình không đối xử với các tỷ phú của mình theo kiểu Nga: ông ta không ném mọi người ra ngoài cửa sổ, ông ta không xây dựng cả một nhóm thân cận bao gồm những kẻ đầu sỏ hoàn toàn phục tùng ông. Nó tinh vi hơn. Đó là phép biện chứng giữa hệ tư tưởng, sự chi phối của Đảng đối với các tầng lớp nhân dân trong xã hội và chủ nghĩa thực dụng, tinh thần trọng thương và đổi mới của Trung Quốc. Nhưng ông ta có thể bóp nghẹt sự năng động của những người này đến đâu?

L.P.: Kêu gọi cải cách tài chính không hẳn là một cuộc cách mạng. Tại sao lại nghiêm khắc như vậy khi Jack Ma phục vụ lợi ích của ĐCSTQ ở khắp mọi nơi, từ vùng nông thôn Chiết Giang đến châu Phi?

C.O.: Vâng, thậm chí chính những chiếc máy bay của Ma trong thời kỳ Covid đã chuyển hàng viện trợ y tế thông qua trung tâm hậu cần của nó cho Châu Phi ở Addis Abeba. Sự thất sủng này trước hết là chuyện cá nhân. Tập Cận Bình luôn giữ khoảng cách với Jack Ma, chưa bao giờ đến thăm trụ sở của Alibaba ở Hàng Châu dù đang lãnh đạo đảng ở Chiết Giang. Khi Jack Ma thể hiện như một ngôi sao ở Davos, điều đó đã khiến Tập Cận Bình phát cáu, người muốn trở thành người duy nhất tỏa sáng trong diễn đàn này. Ở Trung Quốc cũng vậy, Jack Ma là một vị thánh sống, được nhân viên của ông và cả một thế hệ thanh niên Trung Quốc mơ ước làm giàu ca tụng. Một điều không thể nào chấp nhận được đối với Tập Cận Bình. Những tỷ phú nắm giữ các dữ liệu này có nguy cơ làm lu mờ ông. Do đó, trong chính học thuyết của Đảng, Tập gần đây đã ghi câu châm ngôn này, theo đó dữ liệu là một thành tố của công cụ sản xuất. Trong cách phân loại của chủ nghĩa Mác, chúng phải thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, không gì có thể coi khinh quyền uy toàn diện của Đảng, vốn không bao giờ thừa nhận lỗi lầm của mình.

L.P.: Bà cũng nói về đối thủ chính của Jack Ma, Pony Ma (Mã Hoá Đằng), ông chủ của Tencent, người kín đáo, thận trọng và tận tụy hơn nhiều với Đảng. Điều đó đã bảo vệ anh ta?

C.O.: Thậm chí, ông ta còn khúm núm. Điểm này chắc chắn đã bảo vệ anh ta, anh ta đã không bị giáng chức. Tuy nhiên, vào tháng 3, nhiệm kỳ của Pony Ma đã không được gia hạn trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một hội đồng bao gồm những ông chủ mà chế độ muốn nêu bật. Pony Ma đã ở đó mười năm. Trái lại, xuất hiện một số lãnh đạo của các công ty bán dẫn và pin điện. Đây là những lĩnh vực mà Trung Quốc cần ngay lúc đó. Ông chủ của một công ty bán dẫn, Chen Datong của Hua Capital, cũng được ra tù và được phục chức sau các cáo buộc tham nhũng.

L.P.: Phải chăng sau Đại hội 20, các cuộc thanh trừng chậm lại và các tỷ phú đã lấy lại hơi thở? Hay Tập Cận Bình có mạo hiểm tiến xa đến mức giết chết con gà đẻ trứng vàng và làm cạn kiệt nhân tài của nền kinh tế Trung Quốc?

C.O.: Các cuộc thanh trừng chưa kết thúc. Tập cuối nổi bật nhất là sự biến mất của Bao Fan, ông chủ của Renaissance, quỹ công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Ông ấy đang chuẩn bị định cư ở Singapore, giống như bao nhiêu người Trung Quốc giàu có khác. Ông biến mất, hoàn toàn. Điều này khiến các ông chủ Trung Quốc cũng như các nhà đầu tư phương Tây cảm thấy ớn lạnh. Vấn đề càng trở nên khó khăn hơn khi nền kinh tế chậm lại. 20% thanh niên ra trường không tìm được việc làm. Đặc biệt là vì những công ty công nghệ khổng lồ không còn đầu tư nữa. Tuy nhiên, hợp đồng bất thành văn là những người trẻ tuổi tiếp tục thấy mức sống của họ tăng lên, hoặc ít nhất là không tồi tệ hơn so với cha mẹ của họ. Thủ tướng mới, Lý Cường, một tay chân của Tập Cận Bình, bị người Thượng Hải thù ghét vì ông đã tỏ ra cứng rắn trong chính sách phong tỏa và zero covid, nhưng lại nổi tiếng là người cởi mở hơn với những gì được xem là thuộc khu vực tư nhân. Tập Cận Bình thổi nóng và lạnh, lần lượt tát nhẹ và ve vuốt.

L.P.: Bà trích dẫn lời của Jack Ma ở cuối một chương: “Không có nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc nào có một kết thúc có hậu”. Tuy nhiên, có ai đã thoát khỏi nanh vuốt của ĐCSTQ không?

C.O.: Pan Shiyi (Phan Thạch Ngật) và vợ ông Zhang Xin (Trương Hân), hai người thành lập tập đoàn bất động sản Soho, đã tỏ ra sáng suốt khi đầu tư vào Hoa Kỳ. Họ đã thoát khỏi chế độ, với cái giá phải trả là sự lưu vong và sự phá bỏ công ty của chính họ, khi họ chuẩn bị bán nó với một số tiền hoàn toàn kinh khủng cho gã khổng lồ Blackstone của Mỹ.

L.P: Còn ở Pháp?

C.O.: Đã có một mốt mua các vườn nho sản xuất rượu vang, bao gồm cả Jack Ma. Nổi tiếng nhất là Guo Guangchang (Quách Quảng Xương), ông chủ của tập đoàn dược phẩm Fosun, còn sở hữu Club Med, trong số các tài sản khác. Bản thân ông ta cũng đã biến mất ba ngày vào năm 2015. Tuy nhiên, số người như vậy ở Pháp ít hơn ở các nước Anglo-Saxon.

L.P.: Liệu những tỷ phú này có thực sự là tỷ phú hay không nếu Đảng có thể quyết định tước bỏ mọi thứ của họ bất cứ lúc nào?

C.O.: Đảng không thể tước đoạt mọi thứ của họ. Để huy động tiền từ thị trường và chuyển về Trung Quốc, họ được phép thành lập công ty tại các thiên đường thuế. Nhiều người trong số họ đã tận dụng cơ hội để đa dạng hóa tài sản của mình và đầu tư vào nơi khác.

“Chủ nghĩa dân tộc rất hiện diện trong đẳng cấp các nhà lãnh đạo Trung Quốc.”

L.P.: Như vậy phải chăng Trung Quốc đích thực là cộng sản khi săn lùng những người siêu giàu theo cách này sao?

C.O.: Dù sao đi nữa, đây là đường lối mà chính Tập Cận Bình theo đuổi. Nỗi ám ảnh của ông là sự sụp đổ của Liên Xô. Trong mắt ông, Gorbachev là một kẻ thua cuộc. Ông tin chắc rằng chỉ có ý thức hệ, tức là Đảng Cộng sản, mới có thể giữ được đất nước lục địa này và 1,4 tỷ dân của nó. Đối với ông, khi khoảng cách giữa người siêu giàu và người cực nghèo, vẫn còn ở mức 400 triệu người, tiếp tục gia tăng, những chênh lệch xã hội như vậy chỉ có thể tạo ra sự hỗn loạn. Đảng là xi măng ngăn chặn sự tan vỡ của nó.

L.P.: Ở phương Tây, các nhà tư bản đã giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh giai cấp. Tại sao các nhà tư bản Trung Quốc không nổi dậy chống lại Đảng đang nuốt chửng họ?

C.O.: Câu trả lời nằm trong cảm nhận của họ là mình đang tham gia cuộc phiêu lưu của Trung Quốc. Tất cả họ đều nhớ đến sự nghèo đói cùng cực và cuộc Cách mạng Văn hóa. Mỗi gia đình Trung Quốc vẫn còn những vết sẹo, bắt đầu với (gia đình của) Tập Cận Bình. Và bây giờ họ đang trải qua bước nhảy vọt phi thường này của một quốc gia đang khẳng định tham vọng của mình. Chủ nghĩa dân tộc này rất hiện diện trong giới lãnh đạo đẳng cấp này. Với một vài bức tranh biếm họa, bắt đầu với Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi), ông chủ của Huawei, một cựu quân nhân sử dụng phép ẩn dụ chiến tranh. Lợi nhuận của Hua Wei đã giảm 49% dưới tác động của lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ… Hơn nữa, việc họ chỉ có thể có chổ đứng như hiện nay, kể cả những người được đào tạo ở Mỹ, tùy thuộc vào Đảng Cộng sản. Tất cả đều là đảng viên, ở những mức độ khác nhau. Tất cả đều lọt qua cái sàng của Đảng, một hệ thống phục vụ trong chế độ này như một cái sàng cho trường học, đại học, xã hội… Đây không phải là một đẳng cấp đã được xây dựng tách rời, quan sát thấy sự xuất hiện của một thế lực đối địch, ĐCSTQ. Họ được sinh ra trong chế độ này, cùng với sự chi phối hoàn toàn của Đảng.

P.N.H. dịch

Nguồn: Phantichkinhte123

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.