Putin đang cố gắng hết sức để ngăn chặn một nước Nga mới

Phỏng vấn nhà xã hội học Nga Grigory Yudin do Margarita Lyutova, cổng thông tin điện tử Mezura thực hiện.

Nguyên bản 24.02.2023: Grigory Yudin & Margarita Lyutova

Bản dịch rút gọn, tiếng Đức 06.03.2023: Ruth Altenhofer & Jennie Seitz

Bản dịch, tiếng Việt (từ bản tiếng Đức): Ninh Dương

Một số người muốn xây một bức tường khổng lồ bao quanh nước Nga, trong khi những người khác thầm hy vọng rằng mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường như một năm về trước, khi mà Nga chưa xâm lược Ukraine. Sự chung sống ở châu Âu sẽ diễn ra như thế nào nếu không chừng Putin này lại được tiếp nối bằng một Putin khác? Làm thế nào xã hội Nga có thể vượt qua nỗi sợ hãi và bất lực và sự suy xét có tính phê phán về nền văn hóa của chính mình đóng vai trò gì trong việc này?

Đó là nội dung phần thứ hai cuộc phỏng vấn lớn của Meduza với nhà xã hội học Matxcơva Grigory Yudin, trong đó ông cũng đã bày tỏ niềm hy vọng mong manh về một “nước Nga mới không thể tránh khỏi”.

Phần II: Putin đang cố gắng hết sức để ngăn chặn một nước Nga mới

Margarita Lyutova: Hình ảnh của Putin và Nga ở phương Tây đã thay đổi như thế nào trong năm vừa qua? Ông có nghĩ rằng người ta đã nhận thức được quy mô của mối đe dọa, điều mà cho đến năm 2022 đã bị đánh giá không đúng mức?

Grigory Yudin: Đến nay người ta đã thừa nhận rằng những ý tưởng chủ đạo trước đây [về Nga] trên cơ bản là sai. Hãy chờ xem những gì sẽ xảy ra. Phải nhớ rằng không ai trong chúng ta có một chuẩn bị cho chiều hướng phát triển này và do đó lối ứng xử theo phản ứng vẫn chiếm ưu thế.

Thật dễ để phát hiện ra rằng có một “Phe phái 23 tháng 2”: Đây là những người lên án cuộc xâm lược, nhưng lại mong muốn rằng, bằng cách nào đó, tất cả sẽ trôi qua và rồi sau đó mọi sinh hoạt lại trở nên bình thường như trước. Trước nhất, đó là giới tư bản toàn cầu chẳng hiểu tại sao họ lại phải mất tiền vì một nước Ukraine nào đó. Một bộ phận đáng kể trong cộng đồng doanh nghiệp Tây Âu không ngần ngại cho rằng đây sẽ là một kịch bản tối ưu và chờ đợi Ukraine rốt cuộc sẽ nhượng lại một phần lãnh thổ của mình.

Những lời kêu gọi đàm phán hiện nay chỉ là vô ích vì Vladimir Putin tin là sẽ giành được thắng lợi trong cuộc chiến.

Một số đang cố gắng công khai gây áp lực lên Ukraine (những sáng kiến ​​như vậy cũng có tại Đức, cho dù không nắm phần chủ yếu), trong khi những người khác chỉ đơn giản chờ cho khả năng kháng cự đến hồi kiệt quệ. Những lời kêu gọi đàm phán hiện nay chỉ là vô ích vì Vladimir Putin tin là sẽ giành được thắng lợi trong cuộc chiến này và không có ý định đối thoại với bất kỳ ai. Tuy nhiên, một khi đến lúc ông ta phải đảm bảo các vùng đất mình đã xâm chiếm, thì tình hình sẽ rẽ sang một hướng khác – và ông ta dư biết về những tâm trạng này [ở phương Tây – dek], ông ta biết rằng ông có thể sử dụng chúng cho mục tiêu của mình vào bất cứ lúc nào nếu cần thiết.

Putin dư biết về những tâm trạng này, ông ta biết rằng ông có thể sử dụng chúng cho mục tiêu của mình vào bất cứ lúc nào nếu cần thiết.

Nhiều chính trị gia nhìn nhận nó theo cách khác và nhận thức được sự nguy hiểm của một kịch bản như vậy. Tuy nhiên, để đưa ra một giải pháp thay thế, người ta cần có một dạng tầm nhìn về tương lai, không chỉ cho Ukraine mà còn cho cả Nga và toàn bộ lục địa. Chính điều này làm nảy sinh ra những khó khăn. Bộ phận châu Âu tham gia nhiều nhất vào cuộc chiến khẳng định rằng Nga không thể có một tương lai nào khác – đối với họ, đó là một quốc gia “bị tổn hại di truyền”, đáng bị coi như là một mối hiểm nguy. Sau Putin lại đến Putin – về điểm này, những người đại diện cho lập trường đó đồng ý với [người phát ngôn của Duma Quốc gia] Vyacheslav Volodin. Những hình ảnh về sự tàn bạo đầy thú tính của những người lính Nga củng cố thêm quan điểm này.

Nhưng điều gì sẽ diễn ra tiếp theo? Tất nhiên, có thể xây một bức tường bao quanh nước Nga và canh chừng nó bằng súng máy. Nhưng sau đó, nền an ninh sẽ bị phá vỡ trên toàn khu vực, vì nó sẽ dẫn đến chủ nghĩa phục thù không thể tránh khỏi hoặc một cuộc nội chiến kéo dài, và không thể nói trước được cái nào trong số này tồi tệ hơn cho tất cả chúng ta.

Tất nhiên, có thể xây một bức tường bao quanh nước Nga. Kết quả sẽ là một chủ nghĩa phục thù không thể tránh khỏi hoặc một cuộc nội chiến kéo dài

Những người suy nghĩ hợp lý như [Tổng thống Pháp] Emmanuel Macron cho rằng không thể đạt được an ninh mà không cân nhắc đến quyền lợi của Nga. Nhưng vì Macron cũng tin rằng nước Nga sẽ luôn có một Putin, nên ông đi đến một kết luận logic nhưng hoàn toàn vô vọng rằng người ta phải đàm phán với Putin. Và thực sự, chừng nào không ai muốn xóa sổ Nga khỏi bản đồ và có một dấu bằng giữa Nga và Putin, thì người ta phải đi đến một thỏa hiệp với Putin. Những kẻ sùi bọt mép cố gắng thuyết phục mọi người rằng nước Nga sẽ phải chịu số phận vĩnh cửu của Putin, và do đó cuối cùng trở thành các chính trị gia hàng đầu muốn đàm phán với Putin – mặc dù dường như họ muốn đạt được điều hoàn toàn ngược lại.

Sẽ không thể tháo gỡ nút thắt này khi nào câu hỏi về việc đại diện cho quyền lợi của Nga vẫn còn bỏ ngỏ. Giống như bất kỳ quốc gia nào khác, Nga có quyền được đảm bảo an ninh – Mọi thứ khác đều dẫn đến sự bất ổn. Tất nhiên, việc thảo luận đề tài này với Putin là vô nghĩa. Vì vậy, để tìm ra một chiến lược, người ta phải có một hình dung rõ ràng về một nước Nga không có Putin – một nước Nga mà người ta có thể đối thoại, như Volodymyr Zelensky đã tỉnh táo xác định.

Để tìm ra một chiến lược, người ta phải có một hình dung rõ ràng về một nước Nga không có Putin – một nước Nga mà người ta có thể đối thoại.

Hơn nữa, rốt cuộc điều này sẽ tạo điều kiện cho giới tinh hoa hèn nhát Nga hành động. chính họ phải nhớ lại rằng tương lai của mình không phụ thuộc vào chỉ một người, rằng nước Nga cuối cùng sẽ tiếp tục tồn tại mà không có Putin. Cho đến khi nào nước Nga còn bị đánh đồng với chính phủ hiện tại của mình (hay chính xác hơn, thậm chí không phải chính phủ mà với một người đã gây sốc cho Hội đồng Bảo an của mình khi tấn công Ukraine), thì sẽ không có lối thoát. Vì lợi ích của mọi người, ta phải tách cái này ra khỏi cái kia. Kẻ duy nhất quan tâm đến sự đồng nhất hóa này là Vladimir Putin.

Có thể làm gì để phá vỡ sự đồng nhất hóa này? Người ta nghĩ ngay đến Belarus, quốc gia mà sau các cuộc biểu tình quần chúng, không còn ai đánh đồng nó với Lukashenko. Vậy chúng ta có cần biểu tình quần chúng không? Hay một chính phủ lưu vong nào đó đưa ra phác họa về một nước Nga mới với thế giới?

Hai điều này không loại trừ lẫn nhau. Lẽ dĩ nhiên, một phong trào nghiêm túc như phong trào ở Belarus, cuối cùng đã vạch trần bản chất chuyên chế của chính phủ này, chắc chắn sẽ hữu ích. Một phong trào như vậy cũng có thể được kích động bằng cách phác thảo một nước Nga khác. Nhất là, theo tôi, các điều kiện tiên quyết cho việc này dường như không quá tệ: Vladimir Putin, với cái nhìn hoàn toàn viển vông, kỳ quặc, hoang tưởng của mình về lịch sử, tất nhiên là không đại diện cho toàn thể nước Nga. Nga là một quốc gia khá rộng lớn, có đủ nguồn lực, có những lớp trẻ năng động nhìn thế giới bằng con mắt hoàn toàn khác. Putin đang cố gắng hết sức để ngăn chặn một nước Nga mới không thể tránh khỏi, nơi mà sẽ không có chỗ đứng cho ông ta.

Vladimir Putin, với cái nhìn hoàn toàn viển vông, kỳ quặc, hoang tưởng của mình về lịch sử, tất nhiên là không đại diện cho toàn thể nước Nga.

Dĩ nhiên, sau hai thập kỷ dưới thời Putin, người Nga đánh mất khả năng tưởng tượng một sự việc gì đó khác hơn. Nhưng cuộc sống sẽ đốc thúc chúng ta nâng cao trí tưởng tượng của mình lên đôi chút. Đất nước chúng ta đã rơi vào bế tắc, đã đến lúc chúng ta không thể không hiểu điều này. Chỉ đơn giản là vì chúng ta còn có vài mét ở phía trước, cho nên chúng ta tiếp tục di chuyển. Nhưng đó là một ngõ cụt, nó chẳng dẫn đến đâu cả.

Khi chúng ta xác định chủ đề trò chuyện trước cuộc phỏng vấn, ông đã nói về vấn đề thực trạng xã hội Nga hiện nay, sự nguyên tử hóa của nó, sự bất lực hành động tập thể và cho rằng trò chuyện về cảm giác bất lực tập nhiễm sẽ chỉ củng cố nó, đó chính là điều mà ông muốn tránh. Có phương cách nào để nói chuyện với xã hội mà không nuôi dưỡng cảm giác bất lực này không?

Trong khi cảm xúc cơ bản ở Nga là bị tổn thương, thì trạng thái tình cảm mạnh nhất mà mọi thứ ngày nay xoay quanh là nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hiện hữu – sợ cơn thịnh nộ của một người cụ thể hoặc sợ chiến tranh, và nỗi sợ trừu tượng về sự hỗn loạn. Nỗi sợ hãi được nhân lên với sự khẳng định tên bạo chúa có đầy quyền năng và luôn nhận được những gì hắn ta muốn: Cho đến nay, hắn đã luôn nắm bắt được, vì thế mọi việc sẽ được tiếp tục như vậy. Nỗi sợ hãi nhân với sự tuyệt vọng này cần một câu trả lời.

Nỗi sợ hãi nhân với sự tuyệt vọng cần một câu trả lời

Nỗi sợ sẽ bị xua tan bằng hy vọng. Đây là hiệu ứng ngược lại. Phải đem nguồn hy vọng đến cho mọi người. Như vậy thì, những cáo buộc có cơ sở, xác đáng [đối với người dân ở Nga] sẽ không có triển vọng chính trị. Một lần nữa: Chúng có thể hiểu được, có cơ sở và hợp pháp, nhưng vô vọng về mặt chính trị. Chúng ta đang đối đầu với những người tin chắc và hoảng sợ trước sự bất lực của mình, còn bạn lại muốn đặt thêm hai cân tội lỗi trên vai họ. Điều gì rồi sẽ đến?

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để mang lại hy vọng trong tình huống này. Nguồn hy vọng đó là vạch rõ ra rằng mọi thứ có thể khác đi, rằng nước Nga có thể có một bộ mặt khác. Và một sự thật: Cho đến khi nào người dân ở Nga chưa nhận ra rằng họ đang đứng trong một ngõ cụt, họ sẽ không có động lực để lắng nghe một chút gì về nó – bởi điều này thật đáng sợ, khi đó họ sẽ phải thay đổi đôi phần về hiện trạng, một điều đủ sức đe dọa để không bị đem ra mổ xẻ.

Cho đến khi nào người dân Nga chưa nhận ra rằng họ đang đứng trong một ngõ cụt, họ sẽ không có động lực để lắng nghe một chút gì về nó –  rằng mọi thứ có thể khác đi, rằng nước Nga có thể mang bộ mặt khác.

Ở Nga, mọi luận đàm chuẩn tắc đã bị bóp nghẹt từ trong trứng nước: Đã từ lâu, không thể đặt câu hỏi xã hội phải được xây dựng như thế nào, làm thế nào để nó có thể được thực hiện một cách công bằng, trung thực và tốt đẹp. Nhiều năm trước, mọi người [trong các cuộc thăm dò] đã trả lời tôi như thế này: “Ở Nga? Không thể có.” Điều này cho thấy rằng luận đàm chuẩn tắc đang bị kìm hãm, nhưng nhu cầu đó chắc chắn sẽ tăng lên khi mọi người nhận thức rõ hơn về sự bế tắc này. Điều quan trọng là họ có được niềm hy vọng.

Trong cuộc sống sợ hãi nhân với tuyệt vọng này, liệu có điểm không thể quay trở lại, có khoảnh khắc nào mà hy vọng không còn đến với con người? Khi ai đó trình bày một kế hoạch cho một “tương lai tuyệt vời” không còn được lắng nghe?

Tôi không biết được. Khi chúng ta nói về trạng thái tình cảm – chúng không bao giờ là vĩnh cửu. Nhưng chúng ta có thể tưởng tượng rằng khi một trạng thái tình cảm được đẩy đến tình trạng cực đoan, nó sẽ phá hủy môi trường xã hội đến mức không còn gì có thể được xây dựng từ nó nữa không?

Tôi tin rằng nền văn hóa Nga có những đơn thuốc để vượt qua cuộc khủng hoảng sống còn này.

Tôi tin vào nước Nga. Tôi tin vào văn hóa Nga theo một ý nghĩa cụ thể – tôi tin rằng nó có những đơn thuốc để vượt qua cuộc khủng hoảng sống còn này. Sức mạnh của nó nằm ở đó. Không phải vì Pushkin là một nhà thơ vĩ đại. Nhưng mà vì nó là một kho tàng trí tuệ và những lời khuyên bảo, là giải đáp cho những câu hỏi mà chúng ta quan tâm ngày nay. Tôi tin rằng các nhà tư tưởng, nhà văn, các nguồn lực trí tuệ mà chúng tôi có, truyền thống và tập quán của chúng tôi có câu trả lời cho thách thức này.

Chắc hẳn ông ghi nhớ các cuộc đàm luận, phần lớn liên quan đến văn hóa Nga diễn ra vào lúc này: rằng nó mang tính đế chế, đã gây giống và nuôi dưỡng tâm tính nô lệ, v.v…

Tôi tin rằng thực sự có một yếu tố đế quốc mạnh mẽ trong văn hóa Nga và đã đến lúc phải xử lý nó. Sự sụp đổ của đế chế là một thời điểm tốt cho việc này. Nền văn hóa Nga có bị cạn kiệt trong đó không? Không, không hề. Điều tương tự cũng áp dụng cho [tác phẩm của một] tác giả cụ thể. Có thể tìm thấy ý tưởng đế quốc trong một tác giả cụ thể không? Bạn có thể và bạn nên làm. Nhưng liệu người ta có phải khước từ hay chấp thuận nó như một tổng thể không? Bạn không cần phải kết hôn với người đó với tất cả những sai sót của họ.

Tôi tin rằng thực sự có một yếu tố đế quốc mạnh mẽ trong văn hóa Nga và đã đến lúc phải xử lý nó.

Văn hóa phát triển bằng cách tự biến đổi, và cũng bằng cách tự phê bình. Nhưng phê bình không có nghĩa là phủ nhận chính mình. Lẽ giản đơn là khi đó bạn không còn biết bạn là ai và bạn chỉ trích điều gì: Nếu bạn phủ nhận chính mình, thì bạn sẽ chỉ trích từ quan điểm nào? Một nền văn hóa không thể chỉ mang tính đế quốc, bằng không sẽ không còn sự phê phán chủ nghĩa đế quốc – Như vậy là phải có một cái gì trong đó tạo ra sự phê phán này.

Chính bản thân văn hóa tạo ra các quan điểm để tự phê bình. Không có gì đáng xấu hổ về điều mà có thể định vị chúng [những ý tưởng đế quốc] trong văn hóa Nga, nêu ra và phân tích tương quan của chúng với các yếu tố khác. Không, nó không cạn kiệt trong đó. Cũng như văn hóa Đức không cạn kiệt trong chủ nghĩa đế quốc Đức hay văn hóa Anh trong chủ nghĩa đế quốc Anh.

Nguồn: Diễn Đàn Khai Phóng

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine, Putin. Bookmark the permalink.