Cảm nhận về nạn tham nhũng ở quê nhà Việt Nam – Những kẻ lội ngược dòng

Nguyễn Thọ

Bài “Cảm nhận quê nhà” của ông Nguyễn Thọ đăng trên trang Facebook cá nhân đã được BVN giới thiệu 5 phần

Chúng tôi giới thiệu tiếp Phần cuối bài mới đây của ông ngày 21/2/2023

Bauxite Viêt Nam

Tôi từng gọi những người tìm cách lội ngược dòng ở Việt Nam là những con dã tràng. Khi đó phong trào biểu tình chống các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông còn hừng hực, có những cuộc biểu tình lên đến vài ngàn người ở Hà Nội và Sài Gòn. Con sóng quét sạch những viên cát dã tràng không phải từ phía Trung Quốc bị phản đối, mà lại từ phía chính quyền Việt Nam đang được ủng hộ. Khi đó mặc áo có in chữ Hoàng Sa-Trường Sa là có tội.

Nhiều biểu tình viên nay nhìn lại cũng thấy đúng là công dã tràng. Họ nói: “Không hơi đâu làm như vậy nữa”. Không phải họ sợ, mà vì cảm thấy cô đơn trong đám đông thờ ơ quanh mình. Vài ngàn người biểu tình ở Hà Nội hay Sài Gòn tưởng là đông. Nhưng họ luôn chìm nghỉm giữa hàng trăm ngàn người cưỡi ô-tô, xe máy bình thản, vô cảm lướt qua. Nhiều người lắc đầu khó chịu vì giao thông gián đoạn, coi “bọn biểu tình” là đám rỗi hơi. Còn người biểu tình thì gặp rắc rối với công an, với địa phương, hàng xóm.

Hôm 17.2.2023 vừa qua, anh Hoàng Hưng vẫn bị ngăn không cho ra khỏi nhà.[1]

Hiện tại nhìn bề ngoài có vẻ lắng, nhưng thật ra nhờ tiếp cận thông tin dễ hơn, số người quan tâm đến chính trị, có suy nghĩ độc lập với “Mainstream” ngày càng nhiều. Tôi có gặp một số bạn FB, người là cán bộ cấp vụ, người là cán bộ cao cấp của báo chí, xuất bản, là cựu đại sứ v.v. chúng tôi đồng quan điểm về những bất cập của thể chế đang cản trở đất nước. Nhiều người đã công khai bày tỏ trên mạng XH.

Mạng xã hội đã không còn là chốn “nước đổ đầu vịt”, là chỗ để “bọn chống phá chửi đổng” nữa. Chính quyền đã coi đó là phong vũ biểu về phản ứng của dân. Nhiều vụ bê bối được bóc ra trên đó đã bị xử lý. Nhiều quy định vô lý đã được điều chỉnh. Thậm chí giới chính trị cũng sử dụng nó làm kênh thông tin ngầm. Đa số tin đồn sau vài ngày thành tin chính xác là rò rỉ có chủ đích.

Một bước tiến không thể chối cãi là giới luật sư đang thông qua mạng xã hội giúp người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật. So với thời kỳ không có luật sư trước đây thì nay người dân đã tự tin hơn trong tố tụng.

Tuy phần lớn luật sư bị coi là đám ăn tiền chạy án, nhưng ngày càng xuất hiện nhiều luật sư có lương tâm. Hoạt động của họ đang góp phần ép một xã hội được cai trị bởi các quy định duy ý chí, không coi luật pháp ra gì phải dần đi sang cách điều hành có luật pháp. Còn lâu Việt Nam mới thành một nhà nước pháp quyền, vì tam quyền phân lập vẫn không được chấp nhận. Giới luật sư biết điều này, nên họ đặt mục tiêu đấu tranh, tranh tụng theo hướng buộc phải triệt để thi hành những luật lệ đã có.

Nước lành mạnh là nước có cả dân chủ, nhà nước mạnh và luật pháp nghiêm minh. Có những nước không “lành” vì thiếu dân chủ, hạn chế quyền con người nhưng vẫn “mạnh”. Qatar là một ví dụ. Mặc dù người dân sống dưới sự cai trị của thần quyền phong kiến, nhưng xã hội ngăn nắp, phúc lợi toàn dân được đảm bảo và nhà nước đạt nhiều thành tựu. Singapore và vài nước vùng Vịnh cũng tương tự.

Nhiều trí thức Việt Nam cũng chỉ mong nhà nước một đảng hiện nay đảm bảo các quyền tối thiểu của dân theo đúng Hiến pháp do họ lập ra, xóa bỏ đặc quyền đặc lợi của giới đảng viên. Khi đó Việt Nam tuy độc đảng vẫn phát triển nhanh. Lượng đổi thành chất, rồi đến lúc nào đó sẽ “lành mạnh” như Đài Loan, Nam Hàn.

Ở Việt Nam rất ít người có chính kiến độc lập. Đã vậy hễ có chính kiến là bị đẩy sang phía “Bất đồng chính kiến” và bị phá như dã tràng. Người có chính kiến nay không cam chịu làm con dã tràng mãi. Có người thậm chí sẵn sàng hợp tác với chính quyền để xây dựng một nhà nước kỹ trị, vì đây là con đường thực tế.

Nhưng kể cả mục tiêu này cũng không phải là dễ, vì lượng tri thức tích lũy trong xã hội còn quá thấp, lượng chuyên gia thực sự có thể giúp chuyển hóa được việc này còn quá ít. Điều quan trọng nhất để đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng hiện nay là nâng cao hàm lượng tri thức trong xã hội.

Đó cũng là ý kiến của Tiến sỹ Phạm Thanh Vân. Tôi quen Vân đã lâu, từ lúc cháu là nghiên cứu sinh ở Berlin. Cháu giúp biên tập ngoài giờ cho một trang web tiếng Việt mà tôi có gửi bài. Tôi khâm phục Vân ở tính khoa học và ngăn nắp trong công việc, ở sự thẳng thắn đôi khi đến mức khô khan và quý tấm lòng của cháu với quê hương.

Trở về nước, bên cạnh nghề chính là sinh học, Vân cùng bạn bè lập ra “Dự án đại sự ký Biển Đông”. (https://dskbd.org/). Đây là bản tin Biển Đông độc lập, chuyên sâu và đa chiều đầu tiên ở Việt Nam. Tôi thường vào đọc và nhận được một nguồn tư liệu chất lượng cao, đáng tin cậy, nghiêm túc. Đối với các nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu, truyền thông… chắc chắn bản tin này sẽ giúp nâng cao hiểu biết về vấn đề Biển Đông. Nhiều học giả và nhà ngoại giao quốc tế cũng đăng ký vào đây tìm các thông tin độc lập từ Việt Nam. Một ví dụ là; “Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải” AMTI, một think tank hàng đầu ở Mỹ đã sử dụng bài viết của dự án.[2]

Người đọc có thể tìm thấy bên cạnh các báo cáo về diễn biến trên biển những đề tài liên quan đến:

– Kinh tế Trung Quốc, cuộc chiến công nghệ và chuỗi cung ứng giữa TQ và các nước phương Tây, chính sách đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam và ASEAN, động thái của Việt Nam, ASEAN và Trung Quốc…

– Chuyển động quân sự, công nghiệp quốc phòng và an ninh mạng; Các nghiên cứu giải pháp, tư vấn chính sách liên quan đến Biển Đông và an ninh hàng hải.

– Các vấn đề an ninh quốc tế có ảnh hưởng đến cục diện Biển Đông, như chiến tranh Ukraine chẳng hạn.

Để có được bản tin có tầm cỡ quốc tế như vậy, nhóm phải mỏi mắt tìm kiếm chuyên gia về các lĩnh vực: công pháp, luật biển, hàng hải, quân sự, kinh tế… Ở đây thật sự bộc lộ sự yếu kém của nền học thuật Việt Nam. Đúng là nhân tài trong lĩnh vực này như lá mùa thu, trong khi Trung Quốc có một đội ngũ học giả hùng hậu bảo vệ các quan điểm của họ. Tuy là nước tiền tuyến trong tranh chấp Biển Đông, nhưng Việt Nam có rất ít đóng góp giá trị cho các diễn đàn loại này. Tìm kiếm bài vở, cộng tác viên có chất lượng cho tạp chí là điều vô cùng khó khăn.

Khó khăn hơn nữa là sự ủng hộ về tài chính và tinh thần.

Để đăng được những bài viết có giá trị ngay với cả học giả quốc tế thì cần tuyển cộng tác viên kiến thức cao. Thù lao cho mỗi cộng tác viên 4-5 triệu VNĐ tháng. Để có một bức ảnh vệ tinh độ phân giải cao phải mất tới cả trăm USD, điều mà dự án chỉ dám mơ. Riêng cho hệ thống dữ liệu nhận diện vệ tinh (AIS) mỗi năm dự án phải chi 91 triệu VND. Kể cả chi phí duy trì website và điều hành, dự án cần 250 triệu VND mỗi năm.

Một con số vô cùng khiêm tốn cho một dự án có hàm lượng tri thức cao, quan trọng như vậy đối với an ninh quốc gia. Nhưng chỉ một số ít nhà hảo tâm và người quan tâm hỗ trợ cho dư án, khiến sự tồn tại của nó luôn bị đe dọa. Không một doanh nghiệp lớn, không một tổ chức nhà nước nào đứng ra hỗ trợ. Cho năm 2023 này, Vân đang khẩn thiết kêu gọi thêm vài chục triệu VND nữa.

Thanh Vân và “Đại sự ký Biển Đông” chỉ là một ví dụ cho rất nhiều con người đang thầm lặng lội ngược dòng như vậy.

Họ không chỉ là trí thức, mà còn là những người nông dân ở Cao Quảng, Quảng Bình. Trong khi hàng triệu nông dân được khuyến khích trông cây keo để phủ rừng trọc, khiến cho đa dạng sinh học bị đe dọa, đất đai bị bạc màu, gây lũ lụt, hạn hán thì họ quyết tâm lội ngược dòng, trồng vườn rừng để cứu thiên nhiên. Họ chấp nhận những khó khăn ban đầu, và chúng tôi phải có trách nhiệm hỗ trợ [3]. Những người như anh Nguyễn Sự, cháu Anh Viettien, cháu Huyền… không thích nói về chính trị, nhưng trồng rừng bằng kiến thức, bằng lương tâm của người nông dân là thái độ chính trị cao quý nhất.

Nhiều người khác, từ những thanh niên tìm mọi cách tái sinh rác thải (zero waste), chống chặt cây xanh đô thị, đến những cây bút vận động cho một văn đoàn độc lập… tất cả họ đều chấp nhận lội ngược dòng.

Nhưng không phải để chống phá ai, mà chỉ để làm cho đất nước văn minh hơn, cởi mở hơn.

(Hết)

[1] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0bPHGJ3uu3ynkAeXwN5aYYwdqpmc8NuST3pLFytr6RkqMrcaMyu9iLX6V7LtPD3EQl&id=100081822515025

[2] https://amti.csis.org/what-lies-beneath-chinese-surveys…/

[3] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/pfbid033Hgc4vuHCW3jAiXmvXxbU7dsnHUkXqttj5GvSDeWA5Ytmtp9D4aoiadxGKeXswKBl

T.N.

Nguồn: Fb Tho Nguyen

This entry was posted in Xã hội dân sự. Bookmark the permalink.