Vài lời về thông tin kết quả giám định AND

LS. Đặng Đình Mạnh

Ngày 28/10/2022, chỉ độ vài ngày trước phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Thiền Am, báo chí đồng loạt đưa tin về việc có kết quả giám định AND trong vụ việc điều tra theo tin báo tội phạm.

Điều này không nằm ngoài dự đoán của nhóm luật sư bảo vệ Thiền Am vốn đã quen dần với một số hoạt động tư pháp của Cơ quan ANĐT tỉnh Long An. Dĩ nhiên, trước phiên tòa vốn gây quá nhiều tranh cãi, thì việc xuất hiện thông tin bất lợi cho các bị cáo là điều cần thiết để định hướng dư luận thuận lợi cho phiên tòa xét xử. Ít nhất, công chúng đang nghiêng ngả, hoang mang phải thấy cho được tính chính đáng, cần thiết về một vụ án mà theo đó, câu ta thán “ngu như bò” cũng đã trở thành một trong vài chứng cứ tương tự đưa những người tu hành, giỏi hát bolero vào đứng sau song sắt lao tù.

Đưa tin, đương nhiên phải giật tít thật kêu: “Lê Tùng Vân đóng cửa Tịnh Thất Bồng Lai từ chối nhận kết quả giám định AND”. Trong đó, danh tính của ông cụ 90 tuổi bị gọi trống không!? Lễ nghĩa xã hội đã tệ đến đáy hoặc có lẽ đấy chỉ là thói quen xưng hô quen thuộc trong gia đình cậu nhà báo đưa tin chăng? Chưa kể, ông cụ đứng không vững, đến việc ký tên vào đơn để tố cáo sự uất ức còn không nổi, thì đóng hay mở cổng từ chối gì? Có chăng, chỉ là hơn chục phụ nữ và trẻ con đang rúm ró sợ hãi khi thấy bóng dáng người mặc cảnh phục gọi mở cổng mà thôi. Nhưng dưới ngòi bút nhà báo thì đã thành "sự kiện" truyền thông.

Có bạn hỏi tôi muốn bình luận gì không? Có, chỉ là vài điều về việc thực thi luật pháp mà thôi:

Giám định ADN là một trong các biện pháp giúp xác định sự thật khách quan của một vụ án. Thế nên, chưa bao giờ nhóm luật sư Thiền Am có ý định phản đối. Thậm chí, đã nhiều lần tư vấn, khuyến khích các thành viên Thiền Am chủ động giám định ADN. Vấn đề còn lại là việc giám định phải được thực hiện theo đúng quy định tố tụng hình sự theo cách có thể kiểm chứng được về đúng vai trò tố tụng, hợp cách về y tế. Đồng thời, bảo đảm tôn trọng đầy đủ các quyền về nhân thân của những người phải giám định.

Các thành viên Thiền Am có thể có tội hoặc vô tội, nhưng tiến trình điều tra, xét xử vẫn phải bảo đảm công bằng, khách quan và đúng pháp luật với họ.

Thế nhưng, trong thực tế:

- Việc không tống đạt các văn bản về việc điều tra tin báo tội phạm để người bị tố giác, tố cáo có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình là vi phạm tố tụng hình sự.

- Trong giai đoạn điều tra về tin tố giác tội phạm, thì người bị tố giác chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là “…phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác”. Họ không có nghĩa vụ phải chấp hành việc bị lấy mẫu và xét nghiệm ADN.

- Nhiều người trong Thiền Am (kể cả các cháu bé) không phải là người bị tố giác, tố cáo tội phạm. Nhưng buộc phải phục tùng các quyết định tố tụng là sai đối tượng.

- Việc ngăn cản các luật sư tiếp cận với thân chủ tại tư gia của chính họ là không bảo đảm quyền được có luật sư bảo vệ và có thể kiểm chứng được.

- Việc thu thập mẫu ADN không được sự đồng ý của người bị thu thập.

- Việc thu thập mẫu ADN của các cháu nhỏ không có sự đồng ý của người giám hộ hợp pháp.

- Việc thu thập mẫu ADN của các cháu nhỏ không có sự xác định danh tính của người giám hộ hợp pháp.

- Ngày 24/09/2022, một thành viên Thiền Am đã vắng mặt khi thu thập mẫu ADN. Thế nhưng, theo báo chí đưa tin, vẫn có đủ kết quả giám định của 28 thành viên. Vậy ADN của thành viên vắng mặt ở đâu ra mà giám định?

Từ thực tế thu thập ADN theo cách đáng ngại đó, công chúng có thể tự suy ra giá trị của bản kết quả giám định ADN.

Tuy vậy, không thể không nhắc đến điểm son đáng kể nhất đến từ ông Giám đốc Công an tỉnh khi đưa tin hạn chế về kết quả giám định ADN nhân danh quyền của trẻ em.

Có thể luật pháp chúng ta chưa hoàn hảo, nhưng luật pháp vẫn có thể xem là hoàn hảo khi được thực thi một cách đầy đủ và khách quan theo cách mà ông Giám đốc Công an tỉnh thông tin báo chí.

Saigon, vài ngày trước phiên tòa phúc thẩm

Đ.Đ.M.

Nguồn: FB Manh Dang

Đọc thêm:

Kết quả xét nghiệm DNA cho một cá nhân có ý nghĩa gì?(*)

Nguyễn Tuấn

Tôi nghĩ chẳng có ý nghĩa gì cả. Thành ra, nếu ai đó nói với tôi ‘đây là kết quả xét nghiệm DNA của ông’, tôi sẽ trả lại cho họ để làm … kỉ niệm.

Mấy ngày qua, báo chí và cư dân mạng ‘rần rần’ chuyện kết quả xét nghiệm DNA của 28 người [1] trong Thiền Am, và suy đoán đủ thứ tình huống theo cảm tính của họ. Nhưng không ai chịu khó đặt câu hỏi: kết quả xét nghiệm DNA cho một cá nhân nói lên điều gì?

Chẳng nói lên điều gì cả.

Các bạn thử tưởng tượng: tôi đưa bản báo cáo kết quả xét nghiệm DNA của bạn tên Hồ Sỹ (xem hình 1), thì bạn sẽ hiểu như thế nào? Kết quả phân tích 21 locus (tạm hiểu là ‘địa điểm’) chỉ cho thấy ‘giá trị’ của mỗi địa điểm. Nó cũng giống như tôi vào nhà bạn có 21 cây quít, và đếm mỗi cây có bao nhiêu trái vậy. Chẳng có ý nghĩa gì cả.

Hình 1: Một xét nghiệm DNA tiêu biểu là như báo cáo này. Thường, người ta (labo) phân tích chừng 20-30 locus (có thể hiểu là những địa điểm trong nhiễm sắc thể), và mỗi locus có nhiều giá trị.

Ví dụ như bản báo cáo này phân tích 21 locus cho người tên là Hồ Sỹ (giả tưởng), và giá trị như báo cáo. Một kết quả này gần như vô nghĩa, giống như tôi đếm số trái quít trong mỗi cây quít trong vườn của bạn.

Tuy nhiên, nếu bạn được cung cấp kết quả xét nghiệm của bạn và của một người khác tên là "Nguyễn S" (xem hình 2), thì bây giờ kết quả có ý nghĩa. Cột "PI" là viết tắt của chữ "Paternity Index", tức chỉ số liên hệ huyết thống, được tính toán từ tần số của allele trong dân số và của 2 cá nhân. Chỉ số này càng cao thì xác suất liên hệ giữa 2 cá nhân càng cao. Chỉ số PI được ước tính cho mỗi locus, và từ 21 chỉ số này, nhà khoa học áp dụng Định lí Bayes để ước tính xác suất quan hệ huyết thống (Probability of Paternity, hay PP). Trong ví dụ này, xác suất quan hệ huyết thống là 0.

Chú ý bản báo cáo lúc nào cũng kèm theo ‘Bị chú’ rất quan trọng. Labo xét nghiệm thường viết câu này để nói rằng họ không biết mẫu xét nghiệm có thật sự là của người mang tên đó hay không (nên có thể không có giá trị pháp lí); họ chỉ xác định kết quả phân tích là đúng.

Hình 2: Một ví dụ về xét nghiệm DNA để xác định quan hệ huyết thống, trong ví dụ này là giữa người tên Hồ Sỹ và người tên Nguyễn S (nhân vật giả tưởng). Nếu hai người này có quan hệ huyết thống thì khoảng 50% các giá trị của 21 locus trùng hợp nhau. Nhưng sự trùng hợp cũng có thể do ngẫu nhiên. Do đó, cách để định lượng mối quan hệ là tính chỉ số Paternity Index (PI) cho mỗi locus. Tập hợp 21 chỉ số PI bằng Định lí Bayes sẽ cho ra xác suất quan hệ huyết thống, và trong trường hợp này xác suất đó là 0 (tức hai người chẳng phải là cha con).

Mỗi báo cáo kết quả DNA, labo thường có bị chú rằng họ chỉ phân tích trên mẫu được cung cấp, còn mẫu đó của ai thì họ không biết và không chịu trách nhiệm. Họ cũng ghi rõ là kết quả do đó có thể không có giá trị pháp lí như là chứng cớ, vì còn phải xác định danh tánh của đương sự mà họ không thể làm.

Thành ra, khi báo chí viết rằng mấy người trong Thiền Am không mở cửa đón nhận kết quả xét nghiệm DNA là cũng có lí do. Lí do là họ đâu có đồng thuận cho xét nghiệm DNA. Vả lại, làm sao họ biết kết quả đó là của họ mà không phải là của một người khác. Quan trọng hơn, kết quả đó cho 1 cá nhân chẳng có ý nghĩa gì cả.

Tất cả có lẽ chỉ là một chiến dịch truyền thông nhằm làm lạc hướng dư luận trước phiên toà phúc thẩm. Mục đích cũng có thể là làm cho công chúng quên đi sự mất tích của cô Diễm My cả 2 năm qua, quên đi sự việc 50 tên côn đồ xông vào Thiền Am đập phá, ăn cắp, và đánh người gây thương tích.

____

[1] Theo luật sư của Thiền Am thì ngày mà công an ập vào Thiền Am lấy mẫu xét nghiệm thì có 1 người đi vắng, và hôm đó chỉ có 27 thành viên. Thế nhưng báo cáo DNA lại nói là 28 người. Các luật sư hỏi vậy DNA của người vắng mặt ở đâu mà có?

[2] Theo luật sư Nguyễn Hồng Sơn, luật pháp Việt Nam không chấp nhận việc công bố kết quả giám định DNA trên hệ thống truyền thông đại chúng. Ông nói không có một điều luật nào cho phép công an hay cơ quan điều tra cung cấp kết quả giám định DNA cho báo chí công bố cả. Ông khẳng định là không bao giờ có. Ông nói "quí vị đừng chờ mong kết quả giám định ADN".

Suy ra, những tờ giấy ‘rơi’ có tên họ cụ thể và các mối quan hệ huyết thống do báo chí lưu hành trước đây là hoàn toàn bịa đặt. Vấn đề đặt ra là ai bịa đặt và phát tán những tờ giấy đó.

https://www.youtube.com/watch?v=Baw15X7QHZY (từ phúc 1:20:00)

[3] Viết xong cái note này tôi mới nghe qua ý kiến của Ls Trần Văn Sỹ (một người ngoài cuộc như tôi). Theo Ls Sỹ, cái cách mà báo chí đưa tin lập lờ về ‘kết quả DNA’ là một sự ác ôn. Ông gay gắt với cách Thanh Niên đưa tin mà ông cho là độc ác, nhưng ông có vẻ ok với Tuổi Trẻ vì phóng viên Tuổi Trẻ tỏ ra khách quan và đa chiều.

Ông cũng nói rằng khi mà người ta bị cưỡng bức lấy mẫu, chẳng có văn bản đồng thuận, thì kết quả xét nghiệm không được xem là chứng cứ, và cũng chẳng biết kết quả của ai.

https://www.youtube.com/watch?v=G4KqqYhF2Dc

N.V.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

* Tên bài lấy từ một câu trong bài viết

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.