Gần đây, nhiều vụ bê bối xảy ra tại Việt Nam như vụ bằng Tiến sĩ giả mạo, sai lầm của lãnh đạo Vinashin hay Chủ tịch một tỉnh đã vi phạm đạo đức… Liệu những nhân vật này có ý thức được trách nhiệm của họ trong xã hội?
Khoa Diễm có bài viết tìm hiểu về vấn đề trách nhiệm xã hội tại Việt Nam như sau.
Cần tự giác
Vấn đề trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội mà họ đang sống, đặc biệt là tại Việt Nam, trong thời gian gần đây đã được báo chí trong nước cũng như những trang mạng xã hội đề cập đến khá nhiều.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Xã hội học George Yancey, hiện đang giảng dạy tại University of North Texas, Hoa Kỳ thì để định nghĩa trách nhiệm xã hội không phải là một chuyện dễ dàng:
Tôi nghĩ tôi có trách nhiệm với xã hội mà tôi đang sống vì ở đời không phải ai cũng chỉ sống cho riêng bản thân mình, mình phải sống cho những người xung quanh.
TS George Yancey
“Đây thật sự là một câu hỏi khó vì câu hỏi này thiên về vấn đề đạo đức hơn là vấn đề xã hội. Tùy theo mỗi nền văn hóa mà trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội đó được hiểu theo một cách khác nhau. Theo cá nhân tôi, tôi nghĩ tôi có trách nhiệm với xã hội mà tôi đang sống vì ở đời không phải ai cũng chỉ sống cho riêng bản thân mình, mình phải sống cho những người xung quanh mình nữa, đây là một trong những lý do giúp cho con người cảm nhận được sự mãn nguyện hay hài lòng với cuộc sống của chính mình. Không có một luật lệ bắt buộc mình phải làm gì cho xã hội cả, điều đó là tự nguyện mà thôi”.
Do đó, làm sao để quy trách nhiệm cho một cá nhân hay một tập thể, ví dụ như một doanh nghiệp, khi không có một hướng dẫn hay luật lệ rõ rệt?
Trang mạng Diễn đàn Trách nhiệm xã hội Việt Nam quan tâm đặc biệt đến vấn đề này nhưng nhìn chung từ những ý kiến, blogs của thành viên trang mạng này thì ý kiến của họ vẫn chưa thật sự được mở rộng ra ngoài trang web để tiến đến những giải pháp có tính thực tế hơn. Những vấn đề được nêu trên trang web có tính cách dành riêng cho những doanh nghiệp làm tốt nhiệm vụ của mình nhưng giải thưởng CSR Award, do trang web này tổ chức, phát thưởng lần cuối cùng là vào năm 2007, từ đó đến nay không còn tiếp tục nữa.
Tránh những việc đã rồi
Ngày 26/6 vừa qua, trên trang mạng báo Lao động, một bài viết mang tựa đề Trách nhiệm xã hội và người đứng đầu của Tiến sĩ Hoàng Như Phương được trích dẫn với những chi tiết khá lý thú. TS Hoàng Như Phương cho rằng những dự án như Gắn biển gia đình văn hóa ở Hà Nội, dự án lát đá vỉa hè quanh hồ Hoàn Kiếm, và đề án Đổi mới thi tốt nghiệp PHPT và xét tuyển ĐH-CĐ là những dự án không được suy nghĩ cẩn thận, gây ảnh hưởng kinh tế nặng nề đến dân chúng một cách không cần thiết.
Tiến sĩ Phương nhận định rằng cụm từ “trách nhiệm xã hội” dường như còn quá mơ hồ đối với các quan chức Nhà nước Việt Nam ngày nay. Tiến sĩ Phương chỉ ra những dự án vừa nêu đẩy người dân vào thế đã rồi cho những việc họ không có chút quyền hạn hay khả năng nào để thay đổi. Nhà nước âm thầm lập nên những dự án với kinh phí lớn, khi dân chúng phản đối thì họ cũng âm thầm dẹp bỏ chúng, có nghĩa là bỏ đi hàng tỷ đồng tiền công sức của người dân nghèo. Rồi mọi chuyện lại rơi vào quên lãng, nhiều lãnh đạo Nhà nước tuyên bố những dự án, kế hoạch đầy triển vọng nhưng lại không nghiên cứu kỹ về khả năng thực tiễn của những ý tưởng này, để rồi khi đang thực hiện giữa chừng phải dừng lại vì một lý do nào đó, cứ y như rằng họ đang đùa với xã hội.
Tiến sĩ Phương kết thúc bài luận bằng câu viết cho rằng những diễn tiến này là sự thiếu trách nhiệm với xã hội mà chính những người trong cuộc lại không nhận thấy trách nhiệm của chính mình và tác giả không biết đến bao giờ xã hội Việt Nam mới chấm dứt được những thực trạng đã rồi gây tốn kém tiền bạc và mất niềm tin của người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết ý kiến của ông khi được hỏi ông nghĩ trách nhiệm của những nhà cầm quyền của xã hội là gì như sau:
Không có một luật lệ bắt buộc mình phải làm gì cho xã hội cả, điều đó là tự nguyện mà thôi.
TS George Yancey
“Tôi nghĩ trách nhiệm của những người đó là chủ yếu tạo ra một cái môi trường để cho người dân sống, làm ăn”. Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng nói thêm rằng nếu những người này có sai phạm, họ phải chịu trách nhiệm với người dân, với xã hội theo luật định của Nhà nước. Theo ông, luật của nhà cầm quyền là để cho mọi người dân trong đất nước ấy tuân thủ, nếu người đó nắm chức vụ cao thì bản thân họ càng phải hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình vì trách nhiệm này không đơn giản với một cá nhân mà còn với một tập thể lớn.
Một ví dụ điển hình là Tập đoàn Vinashin, vậy bây giờ trách nhiệm thuộc về ai và những hình phạt cho hành vi không thực hiện đúng trách nhiệm của những nhân vật này sẽ là như thế nào? Đây là điều mà nhiều người dân trong nước đang quan tâm, tuy nhiên, khi nào thì họ mới nhận được câu trả lời thích đáng thì lại là một vấn đề khác.
Dư luận đang phân vân, liệu có phải do luật lệ Nhà nước Việt Nam còn quá lỏng lẻo nên những kẻ vô trách nhiệm mới có cơ hội [gây ra những chuyện] tác động đến nhân dân và Nhà nước như vậy không? Thiết nghĩ, nếu Nhà nước ta có thể xác định rõ ràng, có những luật lệ phân xử công minh thì có lẽ số lượng những người sai phạm sẽ giảm đi rất nhiều do họ sẽ thấy được trách nhiệm của họ trong xã hội có ảnh hưởng đến người dân ra sao.
KD