“Đường vừa làm xong đã lại sửa, đại tu sau vài tuần. Chuyện nứt mặt đường trên cầu Thăng Long hay lún trên cầu Thanh Trì là thường, không có gì đáng ngại. Có vị quan chức còn giải thích đó là nứt và lún thuộc về… hệ thống”.
Phải là quan chức lâu năm, chắc đã vào hàng lão làng, “miễn dịch” nhiều thứ “bệnh” rồi, thì mới nói được một câu hay và đúng như không còn cái gì có thể đúng hơn.
Bauxite Việt Nam
Mấy tuần trước trên VNN đăng phỏng vấn bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ-Việt. Bà có nói rằng, đã hội nhập với thế giới, tham gia sân chơi chung toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn có cách làm ăn không giống ai.
Nếu cứ tiếp tục, Việt Nam chỉ có thể “chơi” với người Việt Nam mà thôi. Muốn làm ăn toàn cầu Việt Nam cần phải áp dụng cách thức làm ăn quốc tế.
Theo bà, hiện nay Việt Nam có cách làm kinh doanh không giống ai, hệ thống kế toán riêng không giống ai, thế giới nhìn vào không ai tin và không ai hiểu.
Bà Virginia không hiểu Việt Nam là phải. Nếu hòa vào dòng người trên đường sẽ biết. Từ văn hóa giao thông của người Hà Nội sẽ hiểu thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở và biết tại sao Việt Nam ta có kiểu kinh doanh lại khác người.
Trong mấy tuần, vài lần về Ninh Bình, một chuyến đi Thanh Hóa, và mất kha khá tiền cho taxi ở Hà Nội, kể cả xe ôm cho biết cảm giác, tôi thấy rằng, giao thông Việt Nam ta thật sự… không giống ai.
Tốn bao nhiêu tiền để lắp đèn tín hiệu giao thông của Pháp, nhưng dân chúng vẫn chen lấn, vượt ẩu, gây tắc nghẽn. Chuyên gia Nhật sang nghiên cứu và khuyên nên bịt ngã tư, muốn đi thẳng thì phải… vòng. Tuy nhiên, kẹt xe vẫn hoàn kẹt xe, nhiều chỗ còn kẹt cứng. Dân đi bộ chỉ còn cách bay qua đường.
Có những chỗ đèn tín hiệu giao thông được lắp dành riêng cho người đi bộ, nhưng chẳng dùng. Cuối cùng, tắt đèn tín hiệu, cột đèn để làm… cột đèn.
Trong khu đô thị mới, rất nhiều đường hầm dành cho người đi bộ được xây dựng, nhưng chẳng ai đi, hầu hết làm cửa sắt kéo, khóa lại như nơi bán hàng. Có cầu vượt không thích, phải chạy qua đường, bẻ cả rào sắt để chui qua mới sướng.
Đường đã có giải phân cách bê tông cao gần nửa mét, nhưng khi kẹt xe, rất nhiều bà con không ngần ngại chuyển hướng leo lên vỉa hè hoặc sang đi ngược chiều cho… nhanh.
Phố Lạc Long Quân vừa khánh thành có giải phân cách cứng. Muốn đi lại giữa hai phố, họ đẩy vài cục bê tông sang bên, cứ thế, xe máy, người đi bộ, kể cả ôtô bé luồn lách qua. Chưa kể một số hố ga vừa làm xong đã bị vỡ, cành cây, khúc gỗ, cờ phướn rách được dùng làm tín hiệu cảnh báo.
Đi từ Hà Nội về Ninh Bình hay Thanh Hóa, lái xe thuộc lòng những chỗ nào bắn tốc độ. Cảnh sát giao thông không đứng bắn đàng hoàng mà chui vào trong một cái chòi của bên đường sắt. Bác cảnh sát thò súng ra cả hai bên để ngắm, số xe, tốc độ được ghi lại.
Khoảng 3-4 km sau mới thấy các anh áo vàng ra chặn đường… làm luật. Thông thường là vài trăm ngàn kẹp vào tờ giấy, vụ vi phạm được giải quyết, hai bên cùng win-win, nhanh chóng, tiện lợi.
Bắn tốc độ cũng theo kiểu du kích, thu tiền, nộp tiền cũng theo kiểu du kích. Vi phạm cũng du kích. Không còn bóng cảnh sát giao thông, các bác tài đua nhau vượt tốc độ, lấn vạch cứng thoải mái, đi hẳn sang lề trái. Cánh lái xe còn nháy đèn báo cho nhau là phía trước có “du kích bắn tỉa”. Xe khách đấu đầu, tai nạn thương tâm xảy ra là chuyện thường.
Anh lái xe đi cùng cho biết, thấy số xe đăng ký 37, 38, 39 nên tránh xa, nhất là các xe khách “chất lượng cao” vì thuộc vào hàng hung thần xa lộ.
Trên cao tốc, lẽ ra, làn xe của ai thì cứ đi, khi rẽ mới dùng đèn xi-nhan. Nhưng bên ta, vượt xe bên phải lại bật xi nhan bên trái, đi thẳng qua ngã tư dùng đèn cấp cứu lập lòe.
Đi bốn lượt dọc theo quốc lộ 1 từ Hà Nội về Ninh Bình, rồi Thanh Hóa, với mấy chục tiếng trên đường, chỉ một lần gặp xe lửa chở khách đi ngược chiều. Có lẽ cung đường sắt này toàn chạy đêm, ban ngày… để ngắm.
Đường sắt bình thường chưa dùng hết công suất mà có người với “tầm nhìn xa” đã nghĩ đến đường sắt cao tốc 56 tỷ đô la, chắc cùng mục đích… để ngắm hay làm chòi cho cảnh sát giao thông bắn tốc độ xe ô tô trên đường quốc lộ.
Đường du lịch Tràng An đi qua 99 ngọn núi ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) hình như đã cắt băng khánh thành từ 4-5 năm trước và nay tiếp tục ở giai đoạn… hoàn thiện. Hai bên đường đổ đất cát, chắc do giải phóng mặt bằng từ đâu đó mang về, rồi lại mang đi chỗ khác để san lấp. Xe ben chở đất bùn lẫn đất chạy ầm ầm trên đường nhiều hơn cả xe du lịch. Cuối cùng, không hiểu mục đích đường Tràng An để du lịch hay vận chuyển đất cát.
Còn hai tháng nữa là kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, nơi nào cũng thấy đang hối hả xây dựng. Ở Thủ đô đường phố bị đào bới bừa bãi. Đầu đường Thanh Niên vẫn đang quây bạt để làm đẹp cho anh Lý Tự Trọng. Quanh Bờ Hồ như một công trường rải cáp ngầm.
Tại cố đô Hoa Lư, con đường lát đá, cổng chào, sân rộng cho meeting trước đền Đinh Tiên Hoàng vẫn đang tiếp tục, nguyên vật liệu để khắp nơi.
Không hiểu hai tháng nữa, liệu có xong để kịp gọi cụ Lý về xem thành quả 1.000 năm làm trong vài tháng. Nghe nói công việc chuẩn bị đã khởi động từ 10 năm trước.
Theo thông lệ quốc tế, trên đường, người ta rất kỵ những gì có thể gây mất tập trung cho tài xế, để tránh tai nạn do mải đọc chữ bên đường, trừ biển báo giao thông.
Nhưng bên ta, đâu đâu cũng cờ xí rợp trời. Ra bãi biển Hoằng Hóa (Thanh Hóa), một nơi nghèo xác xơ cũng thấy khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng…” đỏ chói trên đường.
Đường vừa làm xong đã lại sửa, đại tu sau vài tuần. Chuyện nứt mặt đường trên cầu Thăng Long hay lún trên cầu Thanh Trì là thường, không có gì đáng ngại. Có vị quan chức còn giải thích đó là nứt và lún thuộc về… hệ thống.
Kể ra còn rất nhiều lĩnh vực nước ta không giống ai, nhưng có lẽ lão Hiệu Minh về chơi trong thời gian ngắn nên chưa nhìn ra. Mong các bạn đóng góp cho thêm phần phong phú.
Nói đi thì phải nói lại, có lẽ VOV giao thông lại giống với thế giới văn minh nhất. Nghe nói, họ có tới hàng trăm camera tại các nút giao thông quan trọng được truyền về trung tâm.
Dựa vào đó mà có những thông tin gửi tới người tham gia giao thông, chỉ dẫn và cảnh báo những rủi ro, tình hình thời tiết, mật độ phương tiện trên nhiều tuyến đường chính tại Hà Nội. Đó là sáng kiến rất hay.
Đội ngũ phát thanh viên chuyên nghiệp, giọng lôi cuốn, thông tin nhanh nhạy. VOV phát trên FM 91MHz có cả nhạc, quảng cáo đi kèm.
Hàng triệu người đi đường có thể tham gia “làm tin” cho nhà đài bằng cách báo những nơi có ùn tắc, tai nạn và có khả năng trúng thưởng tới 500.000đ.
Tôi thích nhất quảng cáo trên VOV giao thông vì giọng nữ yêu kiều “VinaPhone luôn kết nối và đồng hành cùng bạn, dù bạn ở nơi đâu”.
Chỉ có điều, lúc cần gọi một cuộc hẹn quan trọng thì mobile rớt sóng, ngắt quãng, lúc tịt lúc rè, ò í e như kèn đám ma, mãi chả thấy kết nối. Lúc chẳng cần đồng hành như đang ngồi trong nhà vệ sinh, cần sự yên tĩnh, thì sóng đầy đặn và chuông reo hối hả.
Giống như văn hóa giao thông, hỏi ra mới biết, cái nước mình nó thế, rất lạ, rất hay, và rất yêu dấu kiểu Việt Nam vì không giống ai.
HM
Nguồn: http://hieuminh.org/2010/07/21/giao-thong-khong-giong-ai/