So với Thái, ta ở đâu?

Đỗ Ngà

Có một thực tế lâu nay là tại Thái Lan, người dân có thể dễ dàng gởi ngoại tệ qua ngả ngân hàng, Western Union, Money Gram rất dễ dàng. Không biết giới hạn là bao nhiêu nhưng chuyển ra nước ngoài khoảng $5,000 rất đơn giản mà không cần thủ tục phức tạp nào.

Nếu so sánh với Việt Nam thì sẽ thấy, lâu nay Nhà nước Cộng sản rất khó khăn trong vấn đề chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Dù qua ngả ngân hàng hay qua ngả các công ty chuyển tiền đều bị chặn bởi hàng rào “thủ tục”. Để chuyển tiền đi nước ngoài, Nhà nước CS buộc người chuyển phải cung cấp giấy tờ chứng minh cho mục đích chuyển. Ví dụ, để chuyển tiền cho con đang du học nước ngoài thì phụ huynh phải cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh con đã được du học, dù đó là chuyển số tiền chỉ vài ngàn USD cũng phải làm thủ tục rất phức tạp.

Sự dễ dãi hay khó khăn trong vấn đề cho phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài nó thể thể hiện điều gì? Nó nói lên rằng quốc gia đó đang khan hiếm ngoại tệ hay đang dồi dào ngoại tệ. Thực tế cho thấy, Việt Nam khan hiếm ngoại tệ hơn Thái Lan, đó là điều mà tôi có thể cảm nhận được và cần đi sâu phân tích để đánh giá sức khỏe nền kinh tế mỗi nước.

Nguồn cung ngoại tệ cho một quốc gia sẽ quyết định chính sách ngoại hối của Ngân hàng trung ương quốc gia đó. Hiện nay có 5 nguồn cung ngoại tệ lớn, đó là: từ hoạt động ngoại thương; từ kiều hối; từ đầu tư nước ngoài; từ nguồn vay quốc tế; từ bán tài nguyên v.v.. Những nguồn tiền đó sẽ đổ vào Việt Nam và nằm trong dân chúng, nếu dồi dào thì Ngân hàng Nhà nước sẽ mua vào dự trữ để thực hiện chức năng giữ cho tỷ giá nội tệ ổn định. Còn nếu quá dư thừa ngoại tệ trong dân thì Ngân hàng Trung ương mở cho dân dễ dàng chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ nhu cầu của người dân.

Nguồn ngoại tệ trong dân và ngoại tệ trong kho dự trữ của Ngân hàng Nhà nước đều quan trọng như nhau. Nếu giả sử như lượng ngoại tệ trong dân ít mà ngân hàng nhà nước còn bung tiền nội tệ ra vét cho vào kho thì ắt giá ngoại tệ chợ đen sẽ tăng, lúc đó thị trường ngoại hối sẽ loạn không tốt cho nền kinh tế. Mà muốn ổn định tỷ giá để cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu yên tâm làm ăn thì Ngân hàng Nhà nước phải xuất kho bán ngoại tệ để hạ giá chợ đen xuống tương đương với giá niêm yết tại ngân hàng. Nói tóm lại, không phải Nhà nước muốn mua bao nhiêu ngoại tệ thì mua mà nó tùy thuộc vào nguồn cung ngoại tệ của quốc gia đó mạnh hay yếu.

Với chính sách nới lỏng việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài như Thái lan thì điều đó có nghĩa là nguồn cung ngoại tệ của Thái Lan mạnh hơn Việt Nam rất nhiều. Mà nguồn cung ngoại tệ mạnh, chứng tỏ nền kinh tế họ mạnh.

Hôm nay là ngày 30 Tháng Bảy, giá vàng tại Việt Nam là $2,382/ounce, giá vàng thế giới là $1,783/ounce và giá vàng tại Thái Lan chỉ $1,600/ounce. Nếu người dân Việt Nam mua vàng vào sẽ mất nhiều tiền hơn người Thái đến 50%. Nếu ai “buôn lậu” vàng từ Thái về Việt Nam là siêu lợi nhuận. Như vậy là dân Việt Nam phải mất rất nhiều do chính sách về giá vàng của Ngân hàng nhà nước Việt Nam đặt ra.

Nếu Ngân hàng Nhà nước cho nhập vàng về để cho giá vàng trong nước ngang bằng với giá vàng thế giới thì ngoại tệ trong kho lại vơi. Nếu ngoại tệ trong kho dư giả không nói gì, còn nếu thiếu trước hụt sau mà xuất ngoại tệ nhập vàng để bình ổn giá vàng thì lúc đó Ngân hàng Nhà nước mất công cụ giữ tỷ giá hoái đoái đồng nội tệ. Không giữ được tỷ giá đồng nội tệ nguy hiểm cho nền kinh tế nhiều hơn là không ổn định giá vàng. Với lại tính thanh khoản của vàng không bằng USD nên Ngân hàng nhà nước đành hy sinh chính sách giữ giá vàng để ổn định tỷ giá đồng nội tệ. Ngân hàng nhà nước Việt Nam không có nhiều dư địa để làm tốt đồng thời chính sách giữ giá và và chính sách giữ giá đồng nội tệ. Đó là nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho Ngân hàng nhà nước không chịu thả cho nhập khẩu vàng ồ ạt.

So sánh hành động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Thái Lan thì thấy rằng Ngân hàng Trung ương Thái đang có quá nhiều dư địa để thực hiện chính sách tỷ giá hối đoái nới rộng và chính sách tự do kinh doanh vàng. Còn với Ngân hàng nhà nước Việt Nam, từ nhiều năm nay vẫn cứ chới với với chính sách tỷ giá hối đoái mà hy sinh mọi chính sách khác để người dân phải chịu thiệt trường kỳ. Theo tôi đoán, Ngân hàng Nhà nước sẽ không xóa chính sách độc quyền nhập khẩu vàng vì tôi không tin lượng USD dự trữ của Ngân hàng Nhà nước đủ dư giả để làm điều đó.

Tôi vốn không tin con số của Chính quyền thông báo, chỉ quan sát chính sách ở hai quốc gia thì thấy nền kinh tế Thái Lan khỏe hơn nền kinh tế Việt Nam nhiều lần. Đấy là thực tế không thể chối cãi. Nhìn 2 nền kinh tế, tôi thấy, Việt Nam đang bị Thái bỏ càng ngày càng xa chứ không xích lại gần hơn như con số thống kê./.

Đ.N.

Nguồn: SOI

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.