Nỗi lo Ngày Độc Lập: Nước Mỹ chia đôi!

Hiếu Chân

clip_image002[1]

Người dân biểu tình thâu đêm trước trụ sở TCPV Hoa Kỳ ở thủ đô Washington để phản đối các phán quyết về quyền phá thai và hạn chế ô nhiễm không khí trong tuần qua. Ảnh Brandon Bell/Getty Images

Ngày Quốc khánh 4 tháng Bảy năm nay có nhiều nỗi buồn hơn niềm vui. Mặc dù dịch bệnh đã bị đẩy lùi, kinh tế ổn định, thất nghiệp giảm nhưng mối lo lạm phát, giá cả leo thang, tội phạm lan tràn khiến cho nhiều người không an tâm. Trong bối cảnh đó, sự chia rẽ sâu sắc về chính trị giữa hai chính đảng lớn, giữa các tiểu bang càng gây lo ngại về tương lai thống nhất của đất nước.

Những phán quyết gần đây của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (TCPV) về quyền mang súng ngoài nhà ở, chấm dứt thai kỳ của phụ nữ, trợ cấp các trường học tôn giáo và hạn chế thẩm quyền điều hành kinh tế của chính phủ liên bang đã gây chia rẽ sâu sắc. Hoa Kỳ dường như đang tách ra thành các quốc gia riêng biệt, theo đuổi những chính sách xã hội, môi trường và y tế hoàn toàn đối nghịch.

Hai vùng “Xanh”, “Đỏ”

Theo bình luận gia Jonathan Weisman của báo The New York Times, các tiểu bang Bờ Tây và vùng Đông Bắc đang đi theo hướng ngược lại với vùng giữa và Đông Nam nước Mỹ – với một vài ngoại lệ, như các hòn đảo theo chủ nghĩa tự do ở Illinois và Colorado, cũng như xu hướng bảo thủ của New Hampshire. Các tiểu bang California ở Bờ Tây, New York ở vùng Đông Bắc và Texas, Florida ở miền Nam trở thành những “thủ lĩnh” đại biểu cho hai xu hướng tự do và bảo thủ – “Xanh” (tự do, thiên về đảng Dân chủ) và “Đỏ” (bảo thủ, thiên về đảng Cộng hòa)

Trong vấn đề sinh sản của phụ nữ chẳng hạn, có 26 tiểu bang ban hành những đạo luật cấm phá thai khắc nghiệt trong khi 16 tiểu bang ủng hộ quyền lựa chọn của phụ nữ. Với việc TCPV hôm 26 tháng Sáu lật ngược án lệ Roe v. Wade về quyền phá thai, lịch sử dường như đang quay lại với chính nó. Đối với nhiều người, bất đồng quan điểm chung quanh quyền lựa chọn phá thai của thai phụ hiện nay có phần giống như vấn đề duy trì hay bãi bỏ chế độ nô lệ hồi thế kỷ trước. Sự chia rẽ đã trở nên sâu sắc và cá nhân đến mức có người cảm thấy như đang di chuyển từ một nước Mỹ này sang một nước Mỹ khác mỗi khi có việc ra bên ngoài tiểu bang cư trú của mình. Thai phụ ở những tiểu bang “Đỏ” có luật cấm phá thai khắc nghiệt buộc phải tìm cách di chuyển tới các tiểu bang “Xanh” để thực hiện lựa chọn của mình.

Sự chia rẽ của nước Mỹ thêm trầm trọng với những phán quyết tiếp theo, đặc biệt là phán quyết hạn chế thẩm quyền của cơ quan bảo vệ môi trường EPA trong việc điều chỉnh việc các nhà máy điện phát ra khí thải gây ô nhiễm không khí, làm khí hậu nóng lên và phán quyết ngăn chặn các bang và thành phố cấm hầu hết công dân của họ ra bên ngoài nhà của họ.

Về biến đổi khí hậu, quyết định của TCPV cho thấy sự bế tắc của Quốc hội trong việc ban hành các đạo luật hạn chế việc phát thải các chất ô nhiễm như carbon dioxide và methane. Do biến đổi khí hậu, bầu khí quyển nóng lên đe dọa cả hành tinh nên trong lúc Quốc hội chưa có một đạo luật thích hợp, các tiểu bang đã hành động theo luật của họ. Các bang từ Virginia đến Maine hợp tác với nhau thực hiện Sáng kiến ​​Khí nhà kính Khu vực (Regional Greenhouse Gas Initiative – RGGI) để hạn chế lượng khí thải carbon ở vùng Đông Bắc nước Mỹ. Ở Bờ Tây, ba tiểu bang California, Oregon và Washington theo đuổi kế hoạch Hợp tác Bờ biển Thái Bình Dương (Pacific Coast Collaborative) để điều phối các tiêu chuẩn nhiên liệu sạch và hướng tới xe hơi không phát thải. California chẳng hạn, quy định tất cả xe hơi mới bán ra ở tiểu bang sau năm 2035 phải là xe hơi không phát thải, các loại xe chạy bằng xăng dầu sẽ không còn được tiêu thụ.

Nhưng các tiểu bang dựa nhiều vào khai thác than đá như West Virginia hoặc dầu mỏ như Texas đang đi theo hướng ngược lại: vừa thúc đẩy thăm dò nhiều hơn và sản xuất nhiều hơn than đá, dầu và khí đốt tự nhiên đồng thời nới lỏng các quy định về phát thải, đặt công việc làm của người địa phương và các ưu tiên kinh tế của tiểu bang lên trên vấn đề tác động của biến đổi khí hậu. Vụ kiện do tiểu bang West Virginia đứng đơn cùng với các công ty khai thác than đá và dầu mỏ chống chính quyền liên bang là đầu mối dẫn tới phán quyết vừa qua của TCPV.

Về an toàn súng cũng vậy, trong tuần này Đặc khu Columbia và 11 tiểu bang, bao gồm cả Delaware và Rhode Island đã ra lệnh cấm lưu hành một số loại vũ khí tấn công và phụ kiện như băng đạn dung lượng lớn để đối phó với các vụ xả súng hàng loạt trên khắp đất nước. Quốc hội tiểu bang New York – mà một đạo luật từ năm 1913 cấm mang súng ra khỏi nhà nếu không có lý do chính đáng đã bị TCPV ra phán quyết hủy bỏ trong tuần trước – đã vội vã thông qua một đạo luật khác, cấm mang súng ở nơi công cộng như tàu điện ngầm, dinh thự công quyền, công viên và cả Quảng trường Thời Đại (Times Square).

Ngược lại, các bang thuộc Đảng Cộng hòa đã thông qua và tiếp tục thông qua luật cho phép mang súng giấu trong người mà không cần giấy phép. Thống đốc Đảng Cộng hòa của Texas, Greg Abbott, năm ngoái đã ký luật vô hiệu hóa lệnh cấm liên bang kéo dài hàng thập kỷ đối với thiết bị giảm thanh của súng. Và một luật mới ở New Hampshire ngăn chặn các cơ quan thực thi pháp luật của tiểu bang hợp tác với các cơ quan liên bang để thực thi các luật liên bang về súng không phù hợp với luật của New Hampshire.

clip_image004[1]Đ

Nhà máy điện than Longview ở West Virginia, công suất 700 MW. Năm 2018 Tổng thống Donald Trump tuyên bố cho phép tiểu bang tự đặt ra mức phát thải cho các nhà máy điện than, bác bỏ quy định của cơ quan bảo vệ môi trường EPA làm cho giới đấu tranh chống biến đổi khí hậu rất thất vọng. Nay thì TCPV đã ủng hộ tuyên bố đó của ông Trump. Ảnh Spencer Platt/Getty Images.

Sự tồi tệ chỉ mới bắt đầu

Và đã diễn ra hiện tượng những người theo quan điểm bảo thủ rời bỏ các tiểu bang “Xanh” – nơi kinh tế phát triển hơn nhưng có mức thuế cao, nhiều quy định của chính quyền, chuyển sang các tiểu bang “Đỏ” nơi chính quyền nhỏ hơn và cấm phá thai. “Chúng ta chỉ mới bắt đầu thấy tình hình sẽ tồi tệ đến mức nào”, giáo sư David Blight, một nhà sử học của Đại học Yale chuyên nghiên cứu lịch sử Nội Chiến ở Hoa Kỳ, nhận xét.

Jake Grumbach, một nhà khoa học chính trị của Đại học Washington, người đã bắt đầu nghiên cứu sự chia rẽ của đất nước trong hơn một thập niên, cho biết nước Mỹ đang sống trong một “quá trình giải tán dựa trên cơ sở tiểu bang”, nhưng ông cảnh báo vấn đề phức tạp không chỉ là các tiểu bang có tư tưởng khác nhau mà còn có đường đứt gãy giữa các thành phố và vùng nông thôn.

Khi sự phân chia chính trị giữa các tiểu bang ngày càng rõ rệt, điều mà các nhà khoa học chính trị gọi là “phân liệt” có thể tăng nhanh. Tỷ phú bảo thủ người Illinois Kenneth Griffin đã thông báo vào tuần trước rằng ông đã chuyển từ Chicago đến Miami, bang Florida và sẽ mang theo Citadel, quỹ đầu cơ của mình. Ông nói với các nhân viên rằng Florida cung cấp một môi trường công ty tốt hơn. Ông Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới, năm ngoái cũng đã quyết định chuyển đại bản doanh của công ty xe điện Tesla do ông làm chủ từ California “Xanh” sang Texas “Đỏ” dù vẫn duy trì nhà máy chế tạo xe Tesla ở Fremont, Bắc California. Trong khi đó, ở Florida, tập đoàn giải trí Walt Disney đang bị ép giữa một chính quyền bảo thủ hạn chế quyền của người đồng tính và người chuyển giới, và khách hàng là những người tiêu dùng có tư tưởng tự do.

Mới vài tuần trước, hôm 18 tháng Sáu 2022, đại hội đảng Cộng hòa tiểu bang Texas đã thông qua một cương lĩnh chính trị mới và đưa ra nhiều nghị quyết, trong đó có nghị quyết phủ nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống 2020, gọi ông Joe Biden là tổng thống “lâm thời” (acting), sự lãnh đạo của chính quyền Biden là bất hợp pháp (illegimate). “Chúng tôi bác bỏ những kết quả đã được chứng thực của cuộc bầu cử tổng thống 2020, và chúng tôi cho rằng Tổng Thống Lâm Thời Joe Biden đã không được nhân dân Hoa Kỳ chọn lựa một cách hợp pháp,” nghị quyết nêu rõ. Đồng thời, đảng Cộng hòa còn ban hành nhiều nghị quyết chính trị khác theo hướng bảo thủ cực đoan, khẳng định: “Tiểu bang Texas giữ quyền ly khai khỏi Hoa Kỳ” và kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý “vào năm 2023 để người dân Texas quyết định Texas nên hay không nên tái khẳng định quy chế là một quốc gia độc lập.” Một nghị quyết nữa kêu gọi Hoa Kỳ rút ra khỏi tổ chức Liên Hiệp Quốc!

Texas có “ly khai” khỏi Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ không là chuyện chưa biết trước được. Nhưng liệu có phải đây là những dấu hiệu đầu tiên rất đáng chú ý cho thấy đất nước The United States đang dần biến thành The Disunited States như lo ngại của các nhà quan sát chính trị?

H.C.

Nguồn: Saigon Nhỏ

This entry was posted in Hoa Kỳ. Bookmark the permalink.