Hải Lý
Đầu năm nay một đồng nghiệp của tôi có 200 triệu đồng nhàn rỗi muốn đầu tư chứng khoán.
Tôi và cô xem xét vài cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, hàng hóa. Sau vài ngày, cô nhận xét "một số công ty chứng khoán có vẻ không ổn, tăng vốn gấp hai gấp ba lần, pha loãng cổ phiếu, như in giấy". Tôi chia sẻ với ý kiến của cô. Chúng tôi không bàn luận thêm nữa và cô vẫn gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng.
Thay vì làm nhà đầu tư F0 muộn màng, đồng nghiệp của tôi đang "bình yên" hưởng lãi suất tiền gửi 6%/năm. Cô không phải chứng kiến cảnh thị trường chứng khoán đã giảm gần 22% trong vòng chưa đầy sáu tháng qua và không nằm trong số những người được đại diện Bộ Tài chính nhận xét, trong một báo cáo gửi Quốc hội đầu tháng 6, là: "nhận thức của nhà đầu tư hạn chế, đầu tư theo đám đông, tin đồn, chưa có kinh nghiệm phân tích cũng như khả năng quản lý tài chính". Tóm lại là chưa chuyên nghiệp (!).
Không ai biết trên thị trường hiện có bao nhiêu nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm phân tích và khả năng quản lý tài chính. Nhưng thị trường hiểu rõ nó đang cưu mang hàng triệu nhà đầu tư, căn cứ vào con số 5,65 triệu tài khoản chứng khoán đang tồn tại (không phải tất cả các tài khoản đều đang hoạt động) theo công bố của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Hàng triệu nhà đầu tư chưa chuyên nghiệp ấy giúp lợi nhuận của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (Hose), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tăng vọt năm ngoái, còn số thu ngân sách từ chứng khoán của Nhà nước khởi sắc. Đa số nhà đầu tư chọn cách thức nộp thuế 0,1% giá trị giao dịch khi bán cổ phiếu, bất chấp lời hay thua lỗ. Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Hose lên tới 2.536 tỷ đồng, tăng 267% so với năm trước đó, cao nhất trong lịch sử.
Đòi hỏi mọi người tham gia thị trường chứng khoán đều phải có kiến thức, kinh nghiệm, khả năng quản lý tài chính là xa xỉ bởi bất kỳ ai, không phân biệt giới tính, nghề nghiệp, học vấn, vốn liếng ít nhiều đều có thể và có quyền đầu tư cổ phiếu. Mấu chốt là môi trường đầu tư minh bạch, công khai với các sản phẩm khác nhau cho mọi người lựa chọn.
Ở các nước, những nhà đầu tư không chuyên, không có kiến thức và thời gian nghiên cứu, phân tích chứng khoán, thường mua chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư. Mỗi quỹ chuyên về một hoặc một số lĩnh vực kinh tế khác nhau và được điều hành bởi các công ty quản lý quỹ, nơi tập hợp đội ngũ nhân viên có trình độ tài chính, có chứng chỉ hành nghề, kinh nghiệm thực tế. Ngoài bộ phận nghiên cứu, hội đồng đầu tư, các quỹ đôi khi còn cử người tham gia hội đồng quản trị hoặc ban cố vấn cho doanh nghiệp mà họ rót tiền vào.
Không phải tất cả quỹ đầu tư đều "chiến thắng" trên thị trường, có tỷ trọng lợi nhuận cao hơn mức tăng trưởng của chỉ số chứng khoán, ngược lại họ cũng thất bại. Song ít nhất họ không đầu tư vào các cổ phiếu "rác", vào những doanh nghiệp thua lỗ mà giá cổ phiếu tăng sốc, giảm sâu vì "đội lái", vào những công ty mà ban lãnh đạo thường hô hào "gồng lãi, gồng lỗ".
Như cánh tay nối dài để nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư là lực lượng không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng, thế nhưng chủ thể tổ chức này trong 14 năm qua đã gần như bị chặn đứng trước cánh cửa cơ chế khép chặt, tạo ra "lỗ hổng" lớn của chứng khoán Việt.
Cuối tháng 4/2008, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo tạm ngừng cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhằm đánh giá chất lượng hoạt động, đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường. Lúc bấy giờ cả nước có khoảng 30 công ty quản lý quỹ, chủ yếu thành lập vào cuối năm 2006, đầu năm 2007. Quyết định ngưng tưởng tạm thời, nhưng đã kéo dài đến tận hôm nay.
Đến tháng 6/2022, Việt Nam có 44 công ty quản lý quỹ, chủ yếu của nước ngoài. Phần lớn các công ty quản lý quỹ nội đều trực thuộc ngân hàng, bảo hiểm với các quỹ đầu tư khai sinh đã lâu và không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân. Trong khi quỹ của các công ty quản lý quỹ nước ngoài gọi vốn được hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD của nhà đầu tư ngoại để giải ngân vào thị trường Việt Nam. Trong hai năm gần đây, nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)… không thể đầu tư trực tiếp vào thị trường chứng khoán Việt, đã bỏ tiền vào các quỹ đầu tư nước sở tại. Đến lượt mình, các quỹ này mua chứng chỉ của các quỹ đầu tư niêm yết trên sàn Hose do các công ty quản lý quỹ ngoại ở Việt Nam quản lý.
Ai đó có thể nói rằng các quỹ đầu tư nội địa kém năng động. Điều này vừa đúng vừa chưa đúng. Đúng vì nhiều quỹ nội chưa có chiến lược tiếp thị phù hợp. Một số công ty quản lý quỹ của các ngân hàng thành lập cho có. Chưa đúng vì Việt Nam thiếu cơ chế khuyến khích các công ty quản lý quỹ nội hoạt động hiệu quả. Đến tận cuối năm 2020, Bộ Tài chính mới có Thông tư 99 hướng dẫn hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Từ khi tạm ngưng cấp phép năm 2008 đến khi ban hành thông tư 99 tròn 12 năm.
Thiếu một hệ thống các công ty quản lý quỹ trong nước quy mô, bài bản, các nhà đầu tư cá nhân trực tiếp giao dịch, trở thành lực lượng áp đảo trên thị trường. Đây là một trong những nguồn cơn gây nên sự biến động mạnh của chứng khoán cả về thanh khoản lẫn điểm số và tác động vô tiền khoáng hậu đến niềm tin của giới đầu tư.
Nhìn lại quá khứ, tháng 3/2007, VN-Index đã vươn lên đỉnh cao 1.170 điểm. Ngày 21/6/2022, tức hơn 15 năm sau, thị trường chứng khoán đóng cửa ở 1.172 điểm. Hàng triệu nhà đầu tư cá nhân đã gia nhập thị trường, lớp mới thay lớp cũ, F0 sánh vai với Fn, nhưng "lỗ hổng" cơ chế chuyển đổi từ đầu tư đơn lẻ sang các quỹ quản lý chuyên nghiệp vẫn còn đó.
Lỗi này, sự trì trệ của thị trường chứng khoán này, chắc chắn không đến từ phía nhà đầu tư cá nhân.
H. L.
Nguồn: VNExpress