Liana Fix & Michael Kimmage, “What If Ukraine Wins?”, Foreign Affairs, 06/06/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Hai tác giả nhìn thấy tường tận con đường chiến thắng không sức mạnh nào địch nổi của Ukraine, nhưng cũng hiểu rất rõ tâm địa khốn nạn của một tên KGB hèn mọn mà mơ làm Đại đế như Putin, đã chơi ván bạc vào lúc tàn canh thì không bao giờ chịu nổi tình cảnh mất trắng khi trong tay còn một món hàng khủng có thể đem ra chơi nốt mặc cho nhân loại cùng tiêu tan với mình. Đó chính là tấn kịch bi hùng mà đơn độc của dân tộc Ukraine trong cuộc chiến đau thương nhằm khẳng định quyền độc lập và tự quyết dân tộc ở thập kỷ 20 thế kỷ XXI này. Về một phía khác, đó cũng chính là những tai ương tày trời còn sót lại từ cái thây ma cộng sản quốc tế vốn đã được đào sâu chôn chặt từ cuối thế kỷ XX, nay vẫn đủ sức gieo rắc lên đầu nhân loại một “cú chót”. Đủ thấy loài người bao giờ cũng chịu gánh nặng của “nghiệp”, đã gieo “nhân” nào ắt có ngày sẽ gặt “quả” ấy, có gặt xong mới hòng “sạch nợ” để thanh thản giã từ quá khứ. Bauxite Việt Nam
|
Chiến thắng trong cuộc chiến này sẽ không thể giúp Ukraine chấm dứt xung đột với Nga.
Trong những ngày gần đây, nhiều nhà quan sát cuộc chiến Ukraine ở phương Tây bắt đầu lo lắng rằng thế trận đang có lợi cho Nga. Những đợt pháo kích dữ dội đã giúp Nga giành được thêm nhiều lãnh thổ ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine, và các lực lượng mới đang trên đường đến nơi. Trong khi đó, quân đội Ukraine dần kiệt quệ. Nga đang cố gắng tạo ra một tình huống ‘chuyện đã rồi’ và hiện thực hóa tham vọng đế quốc của mình thông qua “hộ chiếu hóa” – nhanh chóng cấp hộ chiếu Nga cho công dân Ukraine ở các khu vực do Nga chiếm đóng – và cưỡng bức đưa các cơ cấu hành chính của Nga vào lãnh thổ Ukraine. Điện Kremlin có thể có ý định chiếm đóng vô thời hạn miền đông và miền nam Ukraine, rồi cuối cùng sẽ tiến tới Odessa, một thành phố cảng lớn ở miền nam Ukraine, đồng thời là trung tâm thương mại kết nối Ukraine với thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh toàn cảnh, tình hình đối với Moscow không hẳn là tươi sáng. Danh sách các thành tích quân sự của Ukraine đang được nối dài thêm. Lực lượng Ukraine đã chiến thắng tại Kyiv; bảo vệ thành công thành phố miền nam Mykolaiv, giữ cho Odessa khỏi tầm tay của đội quân xâm lược, chí ít là trong lúc này; và thắng thế trong trận đánh ở Kharkiv, thành phố nằm ngay biên giới với Nga. Những tiến bộ gần đây của Nga vẫn kém xa những thành tích này. Và không giống như Điện Kremlin, chính phủ ở Kyiv có mục đích chiến lược rõ ràng, được thúc đẩy bởi tinh thần tuyệt vời và sự hỗ trợ ngày càng rộng từ nước ngoài.
Động lực này có thể mở ra con đường chiến thắng cho Ukraine. Nếu các lực lượng Ukraine giành được lãnh thổ vào mùa hè này, sức mạnh của Kyiv sẽ tiếp tục tăng cao. Sự thật là, bất chấp những khó khăn thường thấy trong các cuộc chiến tranh, Ukraine vẫn có thể giành chiến thắng sau cùng –dù phạm vi và quy mô chiến thắng của họ rất có thể sẽ bị hạn chế.
Kịch bản chiến thắng hợp lý nhất cho Ukraine sẽ là một “chiến thắng nhỏ.” Ukraine có thể trục xuất Nga khỏi bờ tây sông Dnieper, thiết lập vành đai phòng thủ xung quanh các khu vực do quân Nga kiểm soát ở miền đông và miền nam Ukraine, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận Biển Đen. Dần dần, các lực lượng Ukraine có thể tiến lên, phá vỡ hành lang đất liền mà Nga đã thiết lập tới Crimea, vùng đất ở đông nam Ukraine mà Nga đã chiếm và sáp nhập vào năm 2014. Về cơ bản, Ukraine có thể khôi phục nguyên trạng lãnh thổ như trước khi Nga tiến hành tấn công hồi tháng 2.
Đây sẽ không phải là chiến thắng “thay đổi thế giới” mà một số chuyên gia phương Tây mơ ước. Tuy nhiên, việc một quốc gia nhỏ hơn và yếu hơn về mặt quân sự đẩy lùi một cường quốc sẽ có ảnh hưởng lan tỏa ra khắp khu vực và phần còn lại của thế giới – bằng cách chứng minh rằng kháng chiến thành công trước kẻ xâm lược hùng mạnh là điều hoàn toàn khả thi.
Tất nhiên, cũng có cả một kịch bản “thắng lớn”, trong đó chiến tranh kết thúc hoàn toàn theo những điều khoản mà người Ukraine đề ra. Điều đó đồng nghĩa với giành lại chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine, kể cả Crimea và các phần của Donbas đã bị Nga chiếm đóng trong những năm trước khi nước này chính thức xâm lược vào tháng 2. Kịch bản này ít có khả năng xảy ra hơn là một chiến thắng hạn chế, bởi tấn công khó hơn phòng thủ, và vùng lãnh thổ cần chiếm lại là tương đối lớn, và được vũ trang rất vững chắc. Chí ít thì người Nga sẽ tìm mọi cách để giữ Crimea. Khu vực này là nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen của Nga, và là biểu tượng cho sự trở lại vị thế cường quốc của nước này sau khi Liên Xô tan rã. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ khó lòng chịu buông bỏ Crimea mà không có một cuộc chiến dữ dội.
Bất kể mức độ chiến thắng của Ukraine là gì, tất cả các kịch bản chiến thắng đều đi kèm một “ngày sau” đầy mơ hồ. Nga sẽ không chấp nhận thất bại của mình, và cũng sẽ không chấp nhận một kết quả thương lượng không có tính cưỡng chế. Bất kỳ chiến thắng nào của Ukraine cũng chỉ khiến Nga thêm cứng đầu hơn trước. Ngay khi có thể tái thiết năng lực quân sự, Nga sẽ sử dụng câu chuyện bị sỉ nhục đó để khuấy động làn sóng ủng hộ trong nước đối với một nỗ lực mới nhằm kiểm soát Ukraine. Dù có thua trong cuộc chiến lần này, Putin cũng sẽ không buông tha Ukraine. Ông cũng sẽ không chịu ngồi yên một chỗ nhìn Ukraine hội nhập hoàn toàn với phương Tây. Trong trường hợp đó, một chiến thắng của Ukraine đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ hơn, chứ không phải lỏng lẻo hơn, từ phương Tây.
Chiến thắng nhỏ
Để giành được chiến thắng nhỏ và khôi phục hiện trạng tiền xâm lược, Ukraine sẽ phải lặp lại những chiến thắng ở miền bắc của họ tại miền đông và miền nam. Tại Kyiv và Kharkiv, lực lượng Ukraine đã buộc quân Nga phải rút lui chiến thuật. Sẽ khó để làm được điều đó ở những nơi như Kherson và Mariupol, các khu vực thuộc lãnh thổ do Nga kiểm soát và có lẽ đang xây dựng phòng thủ. Nhưng Ukraine có lợi thế về nguồn nhân lực dự bị lớn, quân đội của họ được tổ chức tốt và chỉ huy tốt, và không có nghi ngờ gì về khả năng sẵn sàng chiến đấu của người Ukraine. Bản chất của cuộc xâm lược của Nga đã khơi dậy ý chí chiến đấu cần thiết cho binh lính Ukraine. Khả năng lãnh đạo của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã củng cố hơn nữa nỗ lực chiến tranh của họ.
Ukraine cũng có sự hỗ trợ từ nhiều nước có nền quân sự hàng đầu thế giới – đặc biệt là Mỹ. Kyiv có quyền truy cập thông tin tình báo hạng nhất về kế hoạch và thế trận của lực lượng Nga. Quân đội Ukraine nhiều lần khiến Nga phải trả giá đắt, từ gây thương vong nặng nề, đến tổn thất và thiệt hại về vật chất. Nếu Ukraine có thể kết hợp hỏa lực và nhân lực vào mùa hè này, họ có thể tiến hành một cuộc phản công ở Donbas và xuyên thủng hành lang trên bộ của Nga tới Crimea.
Ngược lại, Nga đã sử dụng khá nhiều tài sản quân sự sẵn có của mình, bao gồm phần lớn khí tài và đạn dược (dù nước này vẫn còn nguồn lực dự trữ có thể được triển khai). Ví dụ dễ thấy nhất để minh chứng cho sự kiệt quệ của quân đội Nga là những người lính của họ. Nhiều đơn vị đã gánh chịu thiệt hại đến mức không còn có thể hoạt động hiệu quả. Tinh thần chiến đấu của lính Nga có thể vẫn cao hơn so với dự đoán của các quan sát viên không phải người Nga, đó là điều khó đánh giá. Tuy nhiên, vì những lý do rõ ràng, tinh thần của người Nga thấp hơn hẳn tinh thần của người Ukraine. Nga đang chiến đấu trong một cuộc chiến mà họ tự chọn. Sự suy đồi và bản chất áp đặt từ trên xuống của quân đội Nga đã cản trở họ. Đây không phải là một cuộc chiến dễ dàng đối với lính Nga.
Tuy nhiên, Nga đã bắt đầu điều động quân, từng bước triệu tập lính dự bị và chuyên nghiệp trong khi vẫn tránh kêu gọi nhập ngũ hàng loạt. Hành động này sẽ có ảnh hưởng đến chiến tranh. Putin vẫn chưa dùng đến phương án huy động toàn dân, nghĩa là chính thức tuyên bố chiến tranh toàn diện và phát huy toàn bộ sức mạnh quân sự của Nga. Nhưng việc huy động, huấn luyện, và di chuyển vật dụng đều cần có thời gian. Mấu chốt trong chiến lược của Ukraine là phải xác lập thế trận rõ ràng trên chiến trường, và biến cái giá của việc thay đổi thế trận đó trở nên quá cao đối với người Nga. Điều ấy sẽ đòi hỏi một cuộc tấn công lớn của Ukraine trong vòng 2 đến 3 tháng tới.
Cuộc chiến của ngày sau
Sau cùng, sự kết hợp giữa thất bại quân sự và các biện pháp trừng phạt có thể khiến Moscow tiết chế các mục tiêu của mình, và một lệnh ngừng bắn có ý nghĩa có thể trở nên khả thi. Nhưng một thỏa thuận thương lượng sâu rộng hơn có lẽ nằm ngoài dự định của Putin. Nga đang coi các vùng đất mà họ chiếm giữ không phải là lá bài mặc cả cho một cuộc dàn xếp cuối cùng, mà thực sự là lãnh thổ thuộc về Nga. Và theo các chuyên gia tình báo Nga Andrei Soldatov và Irina Borogan, những người theo đường lối cứng rắn của Điện Kremlin muốn chiến tranh nhiều hơn – chứ không phải ít hơn.
Vì vậy, Ukraine và phương Tây nên tin rằng Nga sẽ không chấp nhận bất kỳ thất bại nào. Một chiến thắng nhỏ của Ukraine, chẳng hạn là vào mùa thu năm nay, có thể được nối tiếp bởi một cuộc xâm lược khác của Nga vào năm 2023. Nga sẽ cần tái cấu trúc lực lượng của mình, điều này sẽ là một thách thức do các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, đối với Putin, điều quan trọng hơn cả việc chinh phục đế quốc là việc duy trì quyền lực của chính ông, vì những nhà độc tài thua cuộc trong chiến tranh thường kết thúc trong cảnh khốn cùng. Putin có thể phải tạm thời chấp nhận việc bị đẩy lùi về vạch xuất phát trước khi xâm lược, nhưng ông tuyệt đối không chấp nhận mất Ukraine vĩnh viễn. Ông có thể tiếp tục chiến đấu ở quy mô nhỏ, tấn công tên lửa và oanh tạc từ trên không cho đến khi quân tiếp viện – được tập hợp thông qua huy động một phần hoặc toàn bộ – đến nơi. Ngoài ra, Putin có thể sử dụng lệnh ngừng bắn để câu giờ cho các cuộc đàm phán thiếu thiện chí, giống như ông đã làm trước cuộc xâm lược hồi tháng 2.
Trong khi đó, để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga trong tương lai, Ukraine có thể sẽ phải yêu cầu trang bị nhiều vũ khí hơn bao giờ hết. Đồng ý với yêu cầu này sẽ gây khó khăn cho các cường quốc phương Tây, vì Nga sẽ tìm cách giảm bớt các lệnh trừng phạt, và áp dụng cách tiếp cận chia để trị như họ vẫn thường làm với Washington và các đồng minh. Đối với các cường quốc phương Tây, một giải pháp về mặt lý thuyết sẽ là đưa ra các đảm bảo an ninh cho Ukraine để đổi lấy sự trung lập của nước này. Nhưng Nga có thể kiểm tra lời hứa đó bằng một cuộc tấn công mới – và nếu phương Tây quyết định giảm nhẹ các lệnh trừng phạt, thì điều đó cũng cần được tiến hành từ từ. Với nước Nga của Putin, cách tiếp cận phải là “không tin và cần xác minh”.
Một rủi ro khác là ngay cả một chiến thắng nhỏ của Ukraine cũng có thể đi kèm một lời đe dọa hạt nhân từ Putin. Putin đã tách mình khỏi tiền lệ từ thời Chiến tranh Lạnh bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân vào lý do chính trị thay vì chỉ dùng vào lý do liên quan đến an ninh quốc gia. Những lời tuyên bố đầy đe dọa của ông thường chỉ được xem là trò khoác lác. Tuy nhiên, ông hoàn toàn có thể khiến tình hình leo thang. Để khiến kẻ thù của mình sợ hãi, ông có thể ra lệnh chuẩn bị về mặt kỹ thuật cho khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Phương Tây nên phản ứng với những mối đe dọa như vậy bằng sự răn đe, thể hiện rõ rằng Putin sẽ không đạt được gì thông qua việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu điều đó không có tác dụng và Putin vẫn hiện thực hóa lời đe dọa của mình, thì NATO nên xem xét một phản ứng bằng vũ khí thông thường hạn chế, chống lại các lực lượng Nga ở Ukraine hoặc trong chính nước Nga. Trong khi chờ đợi, phương Tây cần xây dựng một liên minh rộng lớn để lên án và ngăn chặn sử dụng vũ khí hạt nhân, bằng cách liên kết các biện pháp trừng phạt và đe dọa trả đũa với hành động “bên miệng hố chiến tranh hạt nhân” của Putin. Trung Quốc có thể không tham gia, nhưng vì lo ngại về bất ổn hạt nhân, họ có thể chấp thuận ý tưởng này.
Cuối cùng, ngay cả khi Ukraine thực sự giành được chiến thắng nhỏ, Kyiv và các đối tác sẽ phải chuẩn bị cho nhiều năm xung đột tiếp theo sau đó. Zelensky đã ẩn ý về chuyện này khi nói rằng Ukraine thời hậu chiến sẽ giống với Israel ở một điểm: phòng vệ toàn thời gian. Trong khi đó, Putin sẽ tiếp tục thăm dò những điểm yếu của phương Tây: có thể đi xa đến mức như khi ông đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây vào năm 2014 bằng cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông có thể sẽ kết hợp các cuộc tấn công mạng, thông tin sai lệch, và “các biện pháp tích cực,” như các chiến dịch gây thiệt hại cho các đảng phái chính trị và các nhà lãnh đạo mà Nga không ưa, phá hoại sự ổn định nội bộ của các nước “chống Nga”, và làm suy giảm tính toàn vẹn của liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng như các liên minh tương tự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Phương Tây sẽ buộc phải kiềm chế Nga trong tương lai gần. Suy cho cùng, phương Tây không thể làm gì để gây ảnh hưởng đến Nga từ bên trong, ngoài việc hy vọng vào sự xuất hiện của một lãnh đạo ít hiếu chiến hơn.
Triển vọng tương lai
Khi xét đến những khó khăn của kịch bản “thắng nhỏ”, việc “thắng lớn” của Ukraine – giành lại Crimea và toàn bộ Donbas – có vẻ là con đường tắt dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn. Dù điều này không hoàn toàn là bất khả thi, nhưng có lẽ sẽ phải cần đến nhiều điều may mắn thì Nga mới hứng chịu một chuỗi thất bại nặng nề: Ukraine giành chiến thắng chớp nhoáng, hết trận này đến trận kia, trong khi đường dây tiếp viện của Nga tan rã thì tinh thần của Ukraine dâng cao, thúc đẩy binh lính của họ không ngừng tiến về phía trước. Đồng thời, quân đội Nga sẽ vội vã rút lui. Chiến lược tác chiến sẽ nhường chỗ cho cảm xúc cá nhân của binh sĩ trong lúc hoảng loạn. Không ai có thể mô tả điều này hay hơn Leo Tolstoy trong Chiến tranh và Hòa bình, tác phẩm suy ngẫm về tình trạng vô chính phủ của chiến tranh. “Trong một trận đánh, kẻ thắng cuộc là kẻ cực kỳ quyết tâm giành chiến thắng,” Tolstoy viết về thất bại năm 1805 của quân đội Nga trước Napoléon. Thương vong của người Nga, theo ông, “cũng tương đương với người Pháp, nhưng chúng tôi đã sớm tự nhủ rằng mình đã thua trận này, và thế là chúng tôi thua thật.”
Nhưng một chiến thắng quân sự toàn diện của Ukraine trước Nga, bao gồm cả việc chiếm lại Crimea, chỉ là điều tưởng tượng. Sẽ là quá lạc quan nếu xây dựng chiến lược của Ukraine hoặc phương Tây dựa trên một kết quả như vậy. Theo đuổi nó cũng sẽ đưa cuộc chiến bước sang một giai đoạn mới. Sau khi đổ hàng tỷ đô la vào phát triển Crimea, một biểu tượng cho sự đổi mới của Nga, Moscow sẽ diễn giải một cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea là một cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, điều mà Moscow sẽ cố gắng ngăn chặn bằng mọi giá. Giả thuyết rằng thất bại toàn diện của Nga sẽ giúp chữa trị căn bệnh “ung thư chủ nghĩa đế quốc” trong giới lãnh đạo và chính trị gia của nước này dựa trên một phép so sánh vụng về với việc Đức đầu hàng vô điều kiện trong Thế chiến II, và không chỉ xuất phát từ mong muốn chấm dứt cuộc chiến này, mà còn từ cả hy vọng ngăn cản Nga bắt đầu bất kỳ cuộc chiến nào khác trong tương lai ở châu Âu. Đó là một tầm nhìn hấp dẫn, nhưng lại xa rời thực tế.
Chiến thắng nhỏ cho Ukraine là mục tiêu thực tế hơn và dễ đạt được hơn. Nhắm đến kết cục đó sẽ khôn ngoan hơn là mơ tưởng về sự đầu hàng của Nga – và cũng khôn ngoan hơn những ý tưởng nông nổi về một thỏa thuận thương lượng có thể đặt Kherson và Mariupol dưới sự kiểm soát vĩnh viễn của Nga, tưởng thưởng cho sự hiếu chiến của Putin.
Mục tiêu trong chiến lược Ukraine và phương Tây phải là an ninh bền vững cho Ukraine. Các đối tác của Kyiv đã từ chối thỏa hiệp về chủ quyền và độc lập của Ukraine. Nhưng họ cũng phải suy nghĩ thấu đáo về “ngày sau” khi Ukraine chiến thắng. Thay vì nuôi dưỡng hy vọng lạ thường rằng Nga sẽ cúi đầu trước một chiến thắng của Ukraine, hoặc đơn giản là rời khỏi chính trường quốc tế, an ninh bền vững cho Ukraine sẽ đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng và sự gia tăng đầu tư chính trị, tài chính và quân sự được điều chỉnh cẩn trọng. Điều này đúng ngay cả khi – hay, đặc biệt là – khi Ukraine thắng. Năm 1947, nhà ngoại giao Mỹ George Kennan, trong lúc cân nhắc về các nguyên nhân dẫn đến cách hành xử của Liên Xô, đã nhìn về tương lai, và ông đã không suy nghĩ chỉ bằng đơn vị năm, mà bằng hàng chục năm. Để kiên trì và giành ưu thế ở Ukraine, các nhà lãnh đạo phương Tây ngày nay cũng phải làm như vậy. Như Tolstoy đã nói, “hai chiến binh mạnh nhất là thời gian và sự kiên nhẫn.”
L.F. & M.K.
Liana Fix là Giám đốc Các vấn đề Quốc tế tại Quỹ Körber và là cựu nghiên cứu viên thường trú của Quỹ German Marshall, ở Washington, D.C.
Michael Kimmage là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là Nghiên cứu viên khách mời của Quỹ German Marshall. Từ năm 2014 đến năm 2016, ông phục vụ trong Nhóm Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi ông phụ trách khu vực Nga/Ukraine.
Nguồn: nghiencuuquocte.org