Việc Tập tiếp tục nắm quyền có thể không còn là điều hiển nhiên

Nguồn: Gideon Rachman, “Triumphalism returns to haunt Xi JinpingFinancial Times, 02/05/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Nhà lãnh đạo Trung Quốc có nguy cơ bị đổ lỗi cho thất bại của chính sách zero Covid từng có vẻ thành công.

Chính phủ Trung Quốc không có tính chính danh đến từ chiến thắng trong bầu cử. Nhưng các quan chức của nước này thường tuyên bố rằng Đảng Cộng sản có một nguồn chính danh thậm chí còn tốt hơn: “tính chính danh nhờ hiệu quả.”

Ý tưởng rằng chính phủ Trung Quốc có hiệu quả vượt trội so với một phương Tây đang rối loạn đã được truyền bá mạnh mẽ trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Tại một buổi lễ vào năm 2020, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng “đại dịch một lần nữa chứng minh tính ưu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.” Vào ngày kỷ niệm lần đầu tiên virus bùng phát ở Vũ Hán, thành phố đã tổ chức một cuộc triển lãm minh họa cho thành công của Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, với hình ảnh – như đài BBC đưa tin – “các mô hình nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ, … và ở khắp mọi nơi, là những bức chân dung khổng lồ của Tập Cận Bình.”

Nhưng sự đắc thắng của Tập đang trở lại ám ảnh chính ông. Chính sách “zero Covid” đang dần sụp đổ. Thượng Hải, thành phố 26 triệu dân, đã bị phong tỏa suốt 5 tuần trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm ngăn chặn virus – với những câu chuyện đáng báo động về những người đói lả, hoặc phát điên, trong lúc chật vật với chuyện bị cách ly cưỡng chế.

Các nhà chức trách hiện tuyên bố rằng phong tỏa Thượng Hải đang dần được nới lỏng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại rằng Bắc Kinh có thể là siêu đô thị tiếp theo bị đóng cửa. Và nhiều đô thị kém quan trọng hơn đã bị hạn chế nghiêm trọng. Khoảng 345 triệu người hiện được cho là đang sống trong tình trạng phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, tại 46 thành phố khác nhau.

Vấn đề cơ bản là biến thể Omicron của Covid-19 có khả năng lây lan rất cao. Thế nên, bất kỳ nỗ lực nào để ‘đưa thần Covid trở lại cây đèn’ đều có thể kết thúc trong thất bại.

Các tác động xã hội, tâm lý, và kinh tế từ những đợt phong tỏa như ở Thượng Hải là rất thảm khốc. Nhưng các tác động chính trị mới là điều khiến Tập lo lắng nhất. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tiến đến giai đoạn quan trọng trong ‘triều đại’ của mình. Năm nay, ông sẽ hoàn thành hai nhiệm kỳ tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc – thời điểm mà hai người tiền nhiệm của ông rời khỏi nhiệm sở.

Tuy nhiên, Tập có ý định tiếp tục ở lại. Mong muốn đó phải được chấp thuận tại Đại hội 20 quan trọng của Đảng Cộng sản – nhiều khả năng sẽ diễn ra vào tháng 11. Nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là lãnh đạo đảng sẽ giúp Tập siết chặt bàn tay cai trị đất nước. Trong những năm gần đây, tư tưởng Tập Cận Bình đã được ghi nhận trong điều lệ của Đảng Cộng sản, và các giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí chủ tịch nước cũng đã bị bãi bỏ.

Để đảm bảo củng cố quyền lực của Tập hơn nữa, theo đúng như kế hoạch, sự sùng bái cá nhân ông phải được duy trì. Nhưng giờ đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với viễn cảnh u ám rằng giai đoạn ngay trước đại hội đảng sẽ bị tàn phá bởi khủng hoảng kinh tế và căng thẳng xã hội do các đợt phong tỏa liên tục.

Một giải pháp rõ ràng là chuyển hướng sang chính sách sống chung với virus theo kiểu phương Tây. Nhưng, trong khi một số chính phủ phương Tây mắc phải sai lầm trong phản ứng ban đầu trước Covid -19 vì tự do quá mức, thì Tập và Đảng Cộng sản lại gặp phải vấn đề ngược lại: kiểm soát quá mức. Bản năng ăn sâu trong tâm trí họ là phản ứng lại sự lây lan của đại dịch bằng cách yêu cầu người dân Trung Quốc giữ kỷ luật và hy sinh nhiều hơn bao giờ hết.

Giai đoạn mới của đại dịch cũng đang làm lộ ra những sai sót nguy hiểm trong phản ứng ban đầu của Trung Quốc đối với virus. Thành công ban đầu của chiến lược zero Covid giúp đảm bảo rằng số ca tử vong ở Trung Quốc chỉ vào khoảng vài nghìn người, so với hơn một triệu ca tử vong ở Mỹ. Đó là một chiến thắng thực sự.

Nhưng bị ru ngủ bởi thành công của chiến lược zero Covid, người Trung Quốc đã lơ là khâu tiêm chủng. Hiện tại, vẫn còn một số lượng lớn người già chưa được tiêm chủng đầy đủ. Và dường như vắc xin do Trung Quốc tự sản xuất có khả năng bảo vệ yếu hơn so với vắc xin mRNA, vốn đóng vai trò quan trọng đối với phản ứng của phương Tây. Sự kết hợp của hai yếu tố này có nghĩa là các quan chức Trung Quốc đang sợ hãi, nếu họ để Omicron bùng phát, hàng triệu đồng bào của họ có thể chết.

Đó sẽ là một thảm kịch quốc gia. Nó cũng sẽ là thảm kịch về mặt chính trị đối với Tập. Sau khi nhận lấy công lao cho thành công ban đầu của zero Covid, ông sẽ khó mà tránh khỏi việc bị đổ lỗi khi chính sách này đổ bể.

Các quan chức địa phương có thể bị quy trách nhiệm cho thiệt hại của đợt phong tỏa kéo dài ở Thượng Hải. Nhưng những cuộc phong tỏa tương tự trên khắp đất nước chắc chắn sẽ đặt ra câu hỏi về giới lãnh đạo quốc gia.

Cái giá kinh tế mà Trung Quốc phải trả có thể sẽ tăng cao hơn trong những tháng tới. Các chuỗi cung ứng đã bắt đầu ngưng hoạt động, và đầu tư đang sụt giảm do sự không chắc chắn về các đợt đóng cửa trong tương lai.

Đến một lúc nào đó, tất cả những điều này có thể khiến giới tinh hoa Trung Quốc đặt ra câu hỏi hiển nhiên – việc kéo dài nhiệm kỳ cai trị của Tập liệu có còn hợp lý? Không phải chỉ có nhà lãnh đạo Trung Quốc mới mắc sai lầm. Bất kỳ hệ thống quản trị nào đầu tư quá nhiều quyền lực và uy tín vào một cá nhân duy nhất đều dễ mắc phải những sai lầm nghiêm trọng mà hệ thống đó không thể sửa chữa.

Giới tình báo Đài Loan – những người có lẽ hiểu rõ hơn ai hết những gì đang xảy ra tại đại lục – vừa đưa ra một báo cáo rằng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Tập.

Nhưng còn sáu tháng nữa mới diễn ra đại hội đảng quan trọng. Trong giai đoạn đó, các đợt phong tỏa lặp đi lặp lại có thể thử thách xã hội và nền kinh tế Trung Quốc. Việc tiếp tục nắm quyền của Tập có thể sẽ không còn được coi là điều hiển nhiên.

G.R.

Nguồn: Nghiencuuquocte

This entry was posted in Tập Cận Bình. Bookmark the permalink.