Tôi không định viết nữa về những thối tha của lũ Nguyễn Trường Tô, nhưng vì không thể không chia sẻ với gia đình các em và cầu mong các vị cùng góp sức!
Khi xem hình ảnh và những lời kể của bà Nguyễn Thị Thơm – mẹ của nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Thúy, sau đây:
“Đến khi cháu ra thì cả mẹ, cả con, cả nhà cứ thế là ôm nhau khóc. Cháu có nói với em là: Mẹ ơi con sợ lắm! Ở trong này chỉ có con với các chú công an… Con sợ lắm mẹ ơi! Con nói thế mẹ có hiểu không?…
Cháu bảo em như thế thì em bảo là: Mẹ hiểu!… Hai mẹ con cứ thế ôm nhau khóc nức nở. Nói chung là cả nhà cùng khóc. Rồi cháu nói là: Mẹ ơi, ở trong này các chú công an,… thì vừa nói đến các chú công an là được các chú công an ngăn lại. Cháu không nói ra được hết!
…
Lúc đấy em mới quay qua bảo con: Mẹ tin là sau một lần vấp ngã thì con dám dứng lên nhìn thẳng vào sự thật, sửa chữa lỗi lầm. Đứng lên để sau này trở về làm người công dân tốt, dám làm, dám chịu!… Em nói thế thì công an có nói câu là: Dám làm nhưng có dám chịu hay không?… Tiếp theo nữa là… ý là nhắc nhở kiểu là, một ngày trong tù bằng thiên thu tại ngoại… Công an nói như thế thì cháu chủ yếu là khóc thôi!
Công an mới đọc cái giấy là Biên bản làm việc. Nghĩa là buổi gặp hôm ấy để cho hai mẹ con thống nhất việc từ chối Luật sư ấy! Lúc ấy em đứng lên, em tỏ thái độ rất rõ ràng, em không đồng ý việc từ chối Luật sư nhưng công an phân tích, bây giờ cháu đã đủ 18. Khi bị bắt thì nó là trẻ vị thành niên nhưng đến bây giờ nó đã đủ 18 tuổi rồi. Nó tự chịu trách nhiệm về hành vi của nó. Bây giờ hoàn toàn là quyền của nó. Còn hôm nay mời chị lên là để thông báo cho chị biết thôi.
Ban đầu em không ký thì con nhà em nó… nó khóc. Ý nó bảo là: Mẹ ơi, không sao đâu! Mẹ cứ ký vào đi. Đây chỉ là biên bản làm việc thôi chứ không phải là biên bản từ chối Luật sư… Em thấy con khóc nhiều, em rất thương con thì em cũng ký vào cái biên bản, công nhận có cái ngày gặp hôm đấy…
Cho gặp lần đầu và làm việc cả thứ Bảy”
Quý vị chắc cũng không tránh khỏi động lòng, xúc động và căm phẫn. Tuy đây mới chỉ là một phần tội lỗi, và cũng chưa phải là tột cùng, nhân dân không phải chưa biết. Nhưng vì “trâu bò” đánh nhau mà vụ này bị phơi ra thiên hạ. Nếu nhân đây mà công chúng không kiên quyết đòi hỏi công lý, cứu lấy các em thì cuộc đời các em sẽ không biết đi về đâu. Việc cần làm lúc này là cứu hai em hơn việc kể tội lũ quan uế tạp. Viết bài này, tôi xin mượn câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
và
Kể bao nhiêu tội giấy không đủ,
Không cứu người ngay bút sẽ tù.
Người nào càng yêu đồng bào bao nhiêu thì càng căm phẫn tội ác đối với đồng bào bấy nhiêu.
Qua đoạn trích, ai cũng nhận thấy nỗi cô đơn, bất lực, đau xót đến xé lòng của một người mẹ trước nỗi oan ức đến với đứa con gái ngây dại của mình. Đó không gì khác chính là bằng chứng tố cáo không thế chối cãi được, là lời kết tội của bản án hôm nay.
Nguy cơ “chìm xuồng” vụ án là có thực, vì có tin ông Tô Huy Rứa ngày 9/11/2010 đã chỉ đạo ngăn không cho báo chí đăng tải các tin liên quan đến Nguyễn Trường Tô. Như vậy, thủ ác mà đã được bao che thì nạn nhân của nó khó hòng được cứu xét. Rồi tội ác được xếp lại, được chồng chất thêm, để cho oan khuất sớm theo mây lên tận trời xanh.
Thử hỏi các cơ quan, đoàn, hội như: Ngành giáo dục, Bộ Dân tộc và các Vấn đề miền núi, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các Ủy ban của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân tập thể, Hội khuyến học, Hội Bảo trợ… một rừng các ủy ban, đoàn thể, cơ quan các vị đang ở đâu? Không thấy ai lên tiếng bảo vệ các em? Vì các em là học sinh, là Đoàn viên thanh niên, là phụ nữ, là con em nông dân, là công dân, sống ở miền núi… Giả thử nếu hai em mà đoạt ngôi hoa hậu, á hậu hay như Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu thì chắc không thiếu một hội, đoàn, cá nhân nào là không nhận đã có công.
Hay chuyện này là chuyện nhỏ. Các vị sẽ đồng thanh trả lời là: đã có các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vậy các cơ quan này đã làm gì:
- Cơ quan công an điều tra đã đe dọa, ép các em và gia đình các em phải từ chối Luật sư. Đây là hành vi mà các cơ quan công an điều tra thường dùng từ lâu nay. Thực chất là hành vi “ăn hiếp” công lý ngay từ đầu. Tạo dựng “hồ sơ giả” để kết tội, hòng giấu trời đất phi tang chứng. Như đoạn kể trên của bà Nguyễn Thị Thơm đã là quá đủ.
(Cách đây 02 ngày, tôi cũng vừa nhận được thông báo của cơ quan Cảnh sát điều tra v/v 01 bị can cũng lứa tuổi như 02 em, có đơn từ chối Luật sư trong một vụ án mà bị cáo đang được tôi bảo vệ).
- Viện kiểm sát đã làm gì? Lại xin trích:
“Thậm chí trước phiên tòa phúc thẩm, cả điều tra viên lẫn kiểm sát viên còn đến gặp để dặn dò Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thúy phải khai đúng như cáo trạng thì mới có lợi, mới được giảm án”.
- Tòa án? Hai cấp xét xử của Tòa án tỉnh Hà Giang có những sai phạm nghiêm trọng mà Luật sư Trần Đình Triển đã nêu ra.
Kẻ thủ ác nào giấu mặt đã chỉ đạo các cơ quan kia làm vậy?
Gia đình các em học sinh nữ còn biết dựa vào đâu. Không lẽ từ nay, không những phải sắm khẩu trang che mặt mà còn phải sắm cả “quần giáp” bảo hiểm cho các em, như các chiến binh Hy Lạp đã từng đóng “quần giáp” cho vợ trước khi ra trận hay sao?.
Tôi xin trích một phần Bài thơ Tiếng hát sông Hương của nhà thơ cách mạng thiên tài Tố Hữu sáng tác trước 1945 (tức ông Lành oai quyền sau này):
Răng không, cô gái trên sông
Ngày Mai cô sẽ từ trong tới ngoài
Thơm như hương nhụy hoa lài
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng.
Ngày mai gió mới ngàn phương
Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân
Ngày mai trong giá trắng ngần
Cô thôi sống kiếp đày thân giang hồ
Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay
Cô ơi tháng rộng ngày dài
Mở lòng ra đón ngày mai huy hoàng
và mong điều lành sớm đến với hai em.
Phải biết sử dụng phương tiện của xã hội truyền thông, internet ngày nay để đòi công lý cho các em. Xã hội dân sự Việt Nam qua việc này nên chứng tỏ vai trò cần thiết của mình trong cuộc sống hôm nay. Hai em Nguyễn Thị Hằng – SN1991 và Nguyễn Thị Thanh Thúy – SN1992, là những con người đang bị hãm hại cần được xã hội cứu gấp.
Hà Nội, ngày 19/7/2010
HĐS
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập