Chiều thứ Tư 14 tháng 7 vừa rồi, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ VN đã tổ chức lễ ra mắt tạp chí Nhân quyền Việt Nam, sự kiện này đã được tất cả các cơ quan truyền thông quốc nội và những đài quốc tế như VOA, RFA, BBC, RFI v.v…loan tin sốt dẻo trên các trang báo in, tạp chí và các trang Web của họ.
Đó phải chăng là một dấu hiệu tiến bộ chính trị tích cực của nhà nước VN, hứa hẹn sẽ có những thay đổi về mặt nhân quyền cho người dân VN theo những điều khoản của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị mà Chính phủ VN đã long trọng ký kết tại trụ sở Genève của Liên hiệp quốc vào năm 1982?
Làm sao mà chẳng hy vọng khi mà dự buổi lễ ra mắt tạp chí Nhân quyền Việt Nam nói trên, các cơ quan truyền thông và báo chí quốc tế đã được nghe Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm “nhấn mạnh là tạp chí này nhằm giúp cho đồng bào trong nước, ngoài nước, cùng cộng đồng quốc tế hiểu rõ rằng việc bảo đảm quyền con người là bản chất của chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa của Việt Nam”.
Người viết những hàng này vội hăm hở nhờ Ông Gật-Gù (Google) dò tim hộ cho bản “on line” của tạp chí Nhân quyền VN nhưng mù mịt tăm hơi, hỏi trực tiếp số 1018 của Bưu điện TW thì được trả lời rằng tạp chí nói trên là một “tạp chí in, không có trên mạng”.
Đành phải bỏ tiền túi ra phố mua về một bản, thì thấy chủ trương của tạp chí được Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo tạp chí Nhân quyền VN nêu rõ như sau :
1) Phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật trên lãnh vực quyền con người.
2) Là tiếng nói tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng.
3) Tạp chí Nhân quyền nghiên cứu âm mưu, phương thức, thủ đoạn, hoạt động của các “thế lực thù địch” lợi dụng vấn đề dân chủ-nhân quyền chống phá Nhà nước.
Một độc giả “dân ngu-khu đen” như tôi không biết cậy dựa vào ai đành phải tự giải đáp cho mình rằng, trong ba chủ trương trên thì hai chủ trương 2) và 3) vốn đã là chủ trương chung bất khả tranh luận của hơn 600 tờ báo và tạp chí “lề phải-quốc doanh” bao nhiêu năm nay rồi, như vậy tôi chỉ quan tâm đến hai câu hỏi sau liên quan đến chủ trương 1):
1) Chính sách nhân quyền của VN khác với các điều khoản của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị mà VN đã ký kết năm 1982 ở những điểm nào?
2) Và người dân trong xã hội dân sự VN cần được bảo vệ nhân quyền ở đâu?
Rất may là bài xã luận mở đầu của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng – Thứ trưởng Bộ Công an, với tiêu đề “HÃY HIỂU ĐÚNG VỀ NHÂN QUYỀN VIỆT NAM” đã hùng hồn trả lời đúng vào hai thắc mắc của mình làm cho tôi quá “tự sướng”! Còn các độc giả trang BVN thân yêu, nếu các vị cũng muốn tự sướng, xin các vị hãy đối chiếu ý niệm “nhân quyền” của nhân loại văn minh và ý niệm “nhân quyền” của Thứ trưởng Bô CA VN trong hai tư liệu đính kèm sau:
1) Bài xã luận HÃY HIỂU ĐÚNG VỀ NHÂN QUYỀN VIỆT NAM của TT Nguyễn Văn Hưởng
2) Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị của Liên hiệp quốc.
GSTS Nguyễn Thu
Hãy hiểu đúng về nhân quyền Việt Nam!
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng,
Thứ trưởng Bộ Công an
Sau khi khối XHCN Đông Âu sụp đổ, chiến tranh lại kết thúc, vấn đề nhân quyền và dân chủ đã được một số nhân vật trong chính giới Hoa Kỳ và một số nước phương Tây sử dụng như một phương tiện hữu hiệu làm chuyển hóa thể chế chính trị ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Và hiện nay, nhân quyền đã trở thành vấn đề quốc tế. Các nước phương Tây đưa vấn đề nhân quyền vào trọng tâm chính sách đối ngoại của họ.
Bản chất của vấn đề nhân quyền mà họ đưa ra là gì?
Nếu xét về thể chế chính trị đó là một xã hội có nền chính trị đa nguyên, đa đảng. Và họ luôn luôn đề cao tự do cá nhân, nhân quyền là quyền không có biên giới, không bị phụ thuộc bởi chính trị, địa lý hay chủ quyền quốc gia…
Họ áp đặt những “tiêu chí” về nhân quyền cho các quốc gia mà họ đang muốn chuyển hóa, thay đổi các thể chế chính trị. Họ muốn tạo ra ở các quốc gia này một lực lượng “dân chủ” và sẽ trở thành lực lượng phản kháng, chống đối lại chính quyền hợp hiến. Nếu quốc gia nào không chịu nghe theo thì họ đưa vào danh sách các quốc gia “cần quan tâm đặc biệt”; rồi gây khó dễ cho hoạt động kinh tế, thậm chí cấm vận từng phần…
Chính vì vậy, những lý thuyết về nhân quyền, dân chủ theo kiểu phương Tây đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của những quốc gia không đồng quan điểm, trong đó có Việt Nam. Các quốc gia này không thể chấp nhận một thứ “dân chủ, nhân quyền” mà nếu đi theo đó, thì đồng nghĩa với tự đánh mất mình, làm thay đổi cả một nền văn hóa của một (hoặc nhiều) dân tộc, và dẫn đến đảo lộn trật tự xã hội, trật tự trong mỗi gia đình.
Đối với Việt Nam, từ nhiều năm qua, Hoa Kỳ và một số nước phương Tây luôn đặt vấn đề nhân quyền như một điều kiện để “mặc cả”. Họ luôn phê phán chúng ta “không có tự do tôn giáo”; “không có tự do báo chí”; “không có tự do lập hội”… Mỗi khi có công dân Việt Nam vi phạm pháp luật và bị xử lý theo pháp luật, nếu là phóng viên báo chí thì họ cho là “đàn áp báo chí”. Nếu là người theo đạo, người tu hành, thì họ bảo là chúng ta “đàn áp tôn giáo”. Còn với những người cố tình xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, có những hành động, âm mưu xâm hại đến an ninh quốc gia bị xử lý… thì họ gọi đó là những người “bất đồng chính kiến”, “những nhà dân chủ”…?
Vậy, thực chất vấn đề nhân quyền ở Việt Nam là như thế nào? Nhân quyền ở Việt Nam khác với nhân quyền phương Tây ở điểm gì? Và phải hiểu nhân quyền ở Việt Nam như thế nào cho đúng?
Nói về nhân quyền ở Việt Nam, có lẽ không gì rõ ràng, đầy đủ và ngắn gọn hơn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trả lời các nhà báo nước ngoài vào tháng 1 năn 1946 : “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…” Và lời khẳng định của Bác “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” .
Trước Cách mạng Tháng 8, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thì Việt Nam là nước thuộc đia nghèo khổ, bị cướp đi quyền độc lập và không có tên trên bản đồ thế giới. Nhân dân ta phải chịu cái nhục mất nước suốt gần một thế kỷ và trong thời gian đó, khái niệm nhân quyền không hề có với người Việt Nam. Nỗi khát khao độc lập, tự do, có được quyền làm Người khiến cả dân tộc vùng lên đấu tranh, lật đổ ách đô hộ của thực dân Pháp để có được Bản Tuyên ngôn độc lập mà Hồ Chủ tịch đọc khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945. Suốt hơn 30 năm sau đó, dân tộc ta một lần nữa đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh để giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Tư tưởng về nhân quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành quan điểm lãnh đạo xuyên suốt của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng về quyền con người.
Đến nay Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sự ổn định chính trị nhất, đang hội nhập mạnh mẽ vào kinh tế thế giới. Từ một nước “chạy ăn từng bữa”, nay chúng ta đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Và bất cứ ai cũng có thể thấy được sự thay đổi tích cực trong đời sống vật chất và văn hóa tinh thần.
Từ khi Đảng ta bắt đầu công cuộc Đổi mới xây dựng kinh tế đất nước, và cho đến nay chúng ta đã hội nhập rộng rãi vào thế giới thì các tiêu chuẩn về quyền con người càng được củng cố rộng rãi, đời sống của người dân được nâng cao. Tất cả mọi công dân đều có quyền đóng góp ý kiến với tính chất xây dựng, nghiêm túc, có trách nhiệm vào tất cả các chủ trương, chính sách hoặc các vấn đề quan trọng của quốc gia. Người dân đã tự giác, hăng hái tham gia các tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp để hội tụ những tấm lòng nhân ái và đóng góp rất to lớn vào việc thực thi các chính sách của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Hiếm có một quốc gia nào mà mỗi khi xảy ra thiên tai bão lụt, người dân hăng hái đóng góp trên tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều… như ở Việt Nam. Những thành công của Nhà nước ta trong những năm qua về xóa đói giảm nghèo được cộng đồng thế giới coi là một tấm gương mẫu mực cho các quốc gia noi theo. Đói nghèo bởi dân tộc Việt Nam từng là nạn nhân của chế độ phong kiến, thực dân đế quốc. Nhất là các dân tộc thiểu số miền núi hàng ngàn [năm qua] đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên và chế độ phong kiến thực dân đã đẩy họ đến bần cùng quay về hoang dã. Vậy mà hiện nay những tư tưởng đen tối vẫn tìm mọi cách tuyên truyền lôi kéo họ trở về đời sống đói nghèo vô định, cản trở công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh đầy khó khăn gian khổ… Mặc dầu vậy, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã tập trung sức lực của cải, tiền bạc bằng những chế độ chính sách cụ thể lo cơm ăn, áo mặc, nhà ở, trường học, bệnh viện, đầu tư trang bị cho mọi nhu cầu đời sống văn minh ti vi, rađiô, sách báo… tạo điều kiện cho bà con hòa nhập với cuộc sống cộng đồng quốc gia và quốc tế. Có lẽ trên thế giới chưa có Chính phủ nào làm được việc này. Cách mạng là thế đấy.
Cách mạng là làm cho cuộc sống người dân ngày một tốt hơn. Nếu như hơn 30 năm trước đây, đại bộ phận người dânViệt Nam chỉ nghĩ đến có cái ăn để mà sống và ước mơ “ăn no mặc lành” thì bây giờ khái niệm “ăn ngon mặc đẹp” đã trở thành phổ biến ở Việt Nam.
Không ít những người trước đây đã từng tham gia trong chính quyền Sài Gòn cũ nay trở về Việt Nam đã phải thốt lên rằng họ không thể tưởng tượng nổi là Việt Nam lại phát triển đến như vậy.
Người dân đã bắt đầu quen với luật pháp, quen với nếp sống kỷ cương. Và ngày hôm nay người dân Việt Nam đang bắt đầu đi vào kỷ nguyên sống và làm việc theo luật pháp. Người dân được tự do sống theo các quy định của pháp luật và họ ý thức được rằng chỉ có những nguyên tắc của pháp luật mới bảo vệ được các giá trị đạo đức, quyền con người khi bị chà đạp. Lợi ích và quyền cá nhân của mỗi người phải được đặt trong quyền lợi chung của cộng đồng, của dân tộc chính vì thế người dân có thể tham gia tích cực vào các vấn đề xã hội và các tổ chức chính trị đoàn thể. Việt Nam hiện nay có hơn 700 đầu báo và tạp chí; 25 triệu người được sử dụng Internet và rất nhiều người trong số đó đã sử dụng Internet để đóng góp ý kiến vào các vấn đề xã hội. Đó chính là tự do, chính là nhân quyền. Người dân Việt Nam chấp nhận sự lãnh đạo của một Đảng cầm quyền, bởi lẽ họ thấy rõ hơn ai hết về những gì mà Đảng Cộng sản đã đem lại cho người dân trong suốt bao nhiêu năm qua. Nhìn sang các quốc gia bên cạnh, nếu đa đảng để mà đất nước mất ổn định, lâm vào những cuộc chiến “nồi da xáo thịt”; để mà nạn khủng bố xảy ra thường xuyên thì chắc chắn người Việt Nam không thể chọn cái sự đa đảng ấy. Người dân Việt Nam chắc chắn cũng không thể chấp nhận một sự tự do mà công dân có quyền mang vũ khí rồi xả súng bắn chết học sinh, hoặc tự do chửi bới, bôi nhọ lẫn nhau; phủ nhận các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống…
Họ không thể mang quan điểm nhân quyền của nước họ áp đặt thành tiêu chuẩn cho Việt Nam. Mỗi quốc gia có bản sắc văn hóa riêng, có luật pháp riêng vì thế không thể lấy hình mẫu ‘nhân quyền’ của nước này đem sang nước khác được.
Cũng vẫn còn có những tiếng nói, còn những người không thấy được thành tựu của dân tộc. Họ sao chép những quan điểm, những tư tưởng của nước ngoài đưa vào Việt Nam và rồi nói đó là “phản biện” . Họ không chỉ bày tỏ những quan điểm mà còn mưu đồ tổ chức gây bạo loạn, hoặc móc nối với các tổ chức phản động lưu vong âm mưu lật đổ chế độ. Đó là những người rắp tâm vì mục đích cá nhân của mình mà coi rẻ lợi ích chung của cả dân tộc.
Khi đời sống vật chất được nâng cao thì những đòi hỏi về đời sống tinh thần cũng phát triển theo, đặc biệt là tâm linh. Trong những năm qua, hàng ngàn chùa chiền, cơ sở thờ tự đã được xây cất mới hoặc được trùng tu; các lễ hội văn hóa truyền thống đã được khôi phục ở tất cả các địa phương… Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ngày càng được phát triển và coi trọng. Người dân đã hoàn toàn tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.
Tôn giáo chân chính thiêng liêng là khuyến khích con người sống nhân ái, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Chúng ta rất tôn trọng và tạo điều kiện cho tôn giáo phái triển nhưng cũng kiên quyết không để xảy ra những âm mưu lợi dụng tôn giáo để hoạt động chính trị, để phá hoại mối đoàn kết toàn dân. Cho nên ai chưa hiểu về nhân quyền ở Việt Nam thì phải biết nhân quyền ở Việt Nam là: Cá nhân vừa phải có trách nhiệm với bản thân nhưng cũng phải có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, phải gắn quyền con người với việc thực thi luật pháp thì quyền con người mới được đảm bảo.
Đảng và Nhà nước ta phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh và mọi người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành… Chúng ta phấn đấu cho những mục tiêu nhân quyền, dân chủ mà đã được xác định, nhưng cũng không thể chấp nhận cái thứ “nhân quyền, dân chủ” theo kiểu phương Tây.
Mỗi công dân hãy biết quý trọng giá trị, bản sắc của dân tộc mình và hãy nhìn ra nước ngoài để thấy rõ hơn những thành tựu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong lĩnh vực Nhân quyền.
Nhân quyền ở Việt Nam là như vậy!
Nguồn: Tạp chí Nhân quyền Việt Nam số 1 6/2010
CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ NHỮNG QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ
(1966)
Lời Mở Đầu
Các Quốc Gia Hội Viên ký kết Công Ước này:
Xét rằng, chiếu theo những nguyên tắc công bố trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng và bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền móng của tự do, công lý và hòa bình thế giới.
Nhìn nhận rằng những quyền này xuất phát từ phẩm giá bẩm sinh của con người.
Nhìn nhận rằng, chiếu theo Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, lý tưởng về một con người tự do được hành xử những quyền dân sự và chính trị cũng như được giải phóng khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, chỉ có thể đạt được nếu hội đủ những điều kiện thuận tiện để con người được hưởng những quyền dân sự và chính trị cũng như những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Xét rằng nghĩa vụ của các quốc gia hội viên theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc là phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do của con người.
Nhận định rằng con người có nghĩa vụ đối với những người khác cũng như đối với cộng đồng, nên có trách nhiệm phải phát huy và tôn trọng những quyền được nhìn nhận trong Công Ước này.
Đồng chấp thuận những điều khoản sau đây:
PHẦN I
Điều 1:
1) Các dân tộc đều có quyền tự quyết. Chiếu theo quyền này, họ được tự do quyết định về chế độ chính trị và tự do theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.
2) Để đạt được mục tiêu này, các dân tộc có quyền tự do sử dụng các nguồn lợi thiên nhiên của mình, miễn là không vi phạm những nghĩa vụ phát sinh từ sự hợp tác quốc tế về kinh tế, đặt căn bản trên quyền lợi hỗ tương và luật pháp quốc tế. Trong mọi trường hợp các phương tiện sinh sống của nghiệp đoàn không thể bị tước đoạt.
3) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này, kể cả những quốc gia có trách nhiệm bảo hộ hay giám hộ các lãnh thổ khác, phải tôn trọng và xúc tiến việc thực thi quyền dân tộc tự quyết chiếu theo các điều khoản của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.
PHẦN II
Điều 2:
1) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm thực thi những quyền được nhìn nhận trong Công Ước cho tất cả mọi người sống trong lãnh thổ và thuộc thẩm quyền quốc gia, không phân biệt chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.
2) Trong trường hợp những quyền được nhìn nhận trong Công Ước này chưa được quy định thành văn trong luật pháp quốc gia, các quốc gia hội viên ký kết Công Ước cam kết sẽ ban hành các đạo luật theo thủ tục luật pháp quốc gia và theo các điều khoản của Công Ước để các quyền này có hiệu lực.
3) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết:
a) Bảo đảm cho các nạn nhân quyền được đền bù hay đòi bồi thường thỏa đáng khi những quyền tự do của họ bị vi phạm, dầu rằng người vi phạm là một viên chức chính quyền.
b) Bảo đảm cho các nạn nhân quyền được khiếu nại tại các cơ quan tư pháp, hành chánh hay lập pháp quốc gia, hay tại các cơ quan có thẩm quyền và phát triển quyền khiếu tố trước tòa án.
c) Bảo đảm các cơ quan thẩm quyền phải thi hành nghiêm chỉnh những sự đền bù hay bồi thường đã tuyên
Điều 3: Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ trong việc hành xử những quyền dân sự và chính trị ghi trong Công Ước.
Điều 4:
1) Trong khi tuyên bố tình trạng khẩn trương công cộng vì lý do quốc gia bị đe dọa, Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này có thể ban hành một số biện pháp đình chỉ thi hành các nghĩa vụ của quốc gia ấn định trong Công Ước này. Tuy nhiên những biện pháp này phải có tính cách thật cần thiết vì nhu cầu của tình thế, và không vi phạm các nghĩa vụ của quốc gia phát sinh từ luật pháp quốc tế, và cũng không được dùng để kỳ thị chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo hay nguồn gốc xã hội.
2) Trong mọi trường hợp những quyền dân sự và chính trị ghi trong các điều 6, 7, 8 (khoản 1 và 2), và trong các điều 11, 15, 16, 18 của Công Ước không thể bị đình chỉ thi hành.
3) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này phải lập tức thông báo qua vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cho các quốc gia hội viên kết ước khác hay biết những điều khoản nào trong Công Ước đã bị đình chỉ thi hành, và vì lý do gì. Ngay sau khi chấm dứt tình trạng khẩn trương công cộng, họ cũng phải thông báo theo thủ tục nói trên.
Điều 5:
1) Không một quốc gia, một phe nhóm hay một cá nhân nào có quyền giải thích các điều khoản trong Công Ước này để cho phép họ hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu diệt những quyền tự do đã được Công Ước thừa nhận, hoặc để giới hạn những quyền tự do này quá mức ấn định trong Công Ước.
2) Các quốc gia hội viên kết ước nào đã thừa nhận một số nhân quyền căn bản trong luật pháp quốc gia, công ước, quy chế hay tục lệ, sẽ không được quyền giới hạn hay đình chỉ thi hành các nhân quyền căn bản đó, viện cớ rằng Công Ước này không thừa nhận những nhân quyền đó, hay chỉ thừa nhận trong một phạm vi hạn hẹp hơn.
PHẦN III
Điều 6:
1) Mọi người đều có quyền sống. Đây là một quyền bẩm sinh được luật pháp bảo vệ. Không ai có thể bị tước đoạt quyền sống một cách độc đoán.
2) Trong các quốc gia chưa bãi bỏ hình phạt tử hình, tòa án chỉ được tuyên án tử hình đối với những tội hình sự nghiêm trong nhất chiếu theo luật pháp áp dụng trong thời gian phạm pháp và không trái với những điều khoản của Công Ước này và của Công Ước Ngăn Ngừa và Trừng Phạt Tội Diệt Chủng. Hình phạt tử hình chỉ có thể được thi hành chiếu theo một bản án chung thẩm của một tòa án có thẩm quyền.
3) Điều luật này không cho phép các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này được giải trừ các nghĩa vụ ghi trong Công Ước Ngăn Ngừa và Trừng Phạt Tội Diệt Chủng trong trường hợp sự hành quyết hay sát nhân cấu thành tội diệt chủng.
4) Các bị cáo bị tuyên án tử hình có quyền xin ân xá hay ân giảm hình phạt. Lệnh đại xá, ân xá hay ân giảm hình phạt có thể được ban hành trong mọi trường hợp.
5) Án tử hình không được tuyên đối với các bị cáo chưa đủ 18 tuổi khi phạm pháp, và cũng không được thi hành đối với các phụ nữ mang thai.
6) Điều luật này không thể được viện dẫn để trì hoãn hay ngăn cản việc bãi bỏ hình phạt tử hình tại các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này.
Điều 7: Không ai có thể bị tra tấn, hoặc phải chịu những hình phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp phẩm giá con người. Đặc biệt là, nếu không có sự ưng thuận tự do của đương sự, không ai có thể bị dùng vào những cuộc thí nghiệm y học hay khoa học.
Điều 8:
1) Không ai có thể bị bắt làm nô lệ; chế độ nô lệ và mọi hình thức buôn bán nô lệ đều bị cấm chỉ.
2) Không ai có thể bị bắt làm nô dịch.
3)
a) Không ai có thể bị cưỡng bách lao động.
b) Khoản 3 (a) nói trên không được áp dụng tại các quốc gia trong đó luật pháp cho phép tòa án có thẩm quyền tuyên án tù khổ sai.
c) Trong phạm vi khoản này, không được coi là “lao động cưỡng bách“:
i) Ngoài trường hợp nêu ở khoản (b) trên đây, những công tác hay dịch vụ mà các tù nhân phải làm trong thời gian bị giam giữ chiếu theo một bản án hợp pháp của tòa án, hay phải làm trong thời gian được phóng thích có điều kiện.
ii) Nghĩa vụ quân sự, hay nghĩa vụ quốc gia áp dụng cho những người được luật pháp cho miễn thi hành nghĩa vụ quân sự vì lý do lương tâm.
iii) Nghĩa vụ cộng đồng trong trường hợp khẩn trương hay thiên tai đe dọa đời sống hay sự an lạc của cộng đồng.
iv) Những nghĩa vụ dân sự thông thường.
Điều 9:
1) Ai cũng có quyền tự do thân thể và an ninh thân thể. Không ai có thể bị bắt giữ hay giam cầm độc đoán. Không ai có thể bị tước đoạt tự do thân thể ngoại trừ những trường hợp và theo những thủ tục luật định.
2) Khi bị bắt giữ, bị cáo phải được tức thì thông báo về lý do bắt giữ, và phải được thông báo không chậm trễ về tội trạng bị cáo buộc.
3) Bị cáo bị bắt giữ hay giam cầm về một tội hình sự phải được dẫn giải không chậm trễ tới một vị thẩm phán (hay một viên chức có thẩm quyền tư pháp theo luật), để được xét xử trong một thời hạn hợp lý hay được phóng thích. Theo thông lệ, không nhất thiết phải câu lưu bị cáo trước ngày tòa xử. Tuy nhiên để bảo đảm sự hiện diện của bị cáo trong phiên xử hay trong các giai đoạn thẩm vấn, và để thi hành bản án, nếu cần, sự phóng thích tạm bị cáo đòi hỏi phải có bảo đảm.
4) Những người bị bắt giữ hay giam cầm đều có quyền yêu cầu tòa án thụ lý không chậm trễ về tính hợp pháp của sự giam giữ, và phải được phóng thích nếu sự giam giữ được xét là bất hợp pháp.
5) Các nạn nhân trong những vụ bắt giữ hay giam cầm bất hợp pháp có quyền khiếu tố đòi bồi thường thiệt hại.
Điều 10:
1) Những người mất tự do vẫn phải được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm.
2)
a) Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, các bị cáo chưa được xét xử phải được giam giữ cách biệt với những người đã can án, và phải được đối xử theo quy chế của những người không can án.
b) Các bị cáo thiếu nhi phải được giam giữ cách biệt với người lớn và phải được xét xử trong thời hạn sớm nhất.
c) Chế độ lao tù phải đặt trọng tâm vào việc cải huấn tù nhân, tạo cho họ cơ hội cải hóa và hội nhập vào đời sống xã hội. Các thiếu nhi phạm pháp phải được giam giữ cách biệt với người lớn, và phải được đối xử tùy theo tuổi tác và tình trạng pháp lý của chúng.
Điều 11: Không ai có thể bị giam giữ chỉ vì không có khả năng thi hành một nghĩa vụ khế ước.
Điều 12:
1) Những người cư trú hợp pháp trong lãnh thổ một quốc gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong lãnh thổ.
2) Mọi người đều được quyền tự do rời khỏi một quốc gia, kể cả quốc gia của mình.
3) Những quyền tự do ghi trên không thể bị giới hạn, ngoại trừ những trường hợp luật định vì nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác, và nếu không trái với những quyền tự do khác được thừa nhận trong Công Ước này.
4) Không ai có thể bị tước đoạt quyền hồi hương một cách độc đoán.
Điều 13: Ngoại kiều cư trú hợp pháp trong lãnh thổ các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này chỉ có thể bị trục xuất do một quyết định hợp pháp. Trừ trường hợp có lý do cưỡng thúc về an ninh quốc gia, người bị trục xuất có quyền trình bày lý do để chống lại quyết định trục xuất, và có quyền nhờ người biện hộ nạp đơn xin tái xét hồ sơ trục xuất tại các cơ quan hay người đại diện cơ quan có thẩm quyền.
Điều 14:
1) Mọi người đều bình đẳng trước tòa án. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án độc lập, vô tư và có thẩm quyền theo luật, để phán xử về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc hay về những quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong các vụ tranh tụng khác. Báo chí và công chúng có thể không được tham dự một phần hay toàn thể phiên xử, vì nhu cầu đạo lý, trật tự công cộng hay an ninh quốc gia trong một xã hội dân chủ, hay để bảo vệ đời sống riêng tư của các đương sự tranh tụng, hay, trong những trường hợp thật cần thiết, khi tòa án quyết định rằng xét xử công khai sẽ làm thiệt hại quyền lợi của công lý. Tuy nhiên các bản án hình sự và các bản án khác phải được tuyên đọc công khai trước tòa, ngoại trừ trường hợp để bảo vệ quyền lợi của thiếu nhi hay của gia đình trong những vụ tranh tụng về hôn nhân hay về việc giám hộ các con.
2) Bị cáo về các tội hình sự có quyền được suy đoán là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội theo luật.
3) Trong các vụ hình sự, tất cả các bị cáo đều được hưởng đồng đều những bảo đảm tối thiểu sau đây:
a) Được tức thì thông báo tội trạng với đầy đủ chi tiết bằng ngôn ngữ mà họ thông hiểu.
b) Quyền có đủ thời gian và phương tiện để chuẩn bị sự biện hộ và được quyền liên lạc với Luật sư do mình lựa chọn.
c) Được xét xử mau chóng, không diên trì quá đáng.
d) Được hiện diện trong phiên xử để tự biện hộ hay nhờ Luật sư biện hộ do mình lựa chọn; được thông báo về quyền này trong trường hợp tự biện hộ; và được quyền có Luật sư biện hộ miễn phí vì nhu cầu công lý nếu bị cáo không có phương tiện mướn Luật sư.
e) Được đối chất với các nhân chứng buộc tội và được quyền đòi nhân chứng và chất vấn các nhân chứng gỡ tội cho mình, theo cùng một thủ tục.
f) Được quyền có thông dịch viên miễn phí, nếu bị cáo không nói hay không hiểu ngôn ngữ của tòa.
g) Được quyền không khai, để khỏi phải tự buộc tội mình, hay khỏi phải thú nhận tội trạng.
4) Trong các vụ án thiếu nhi, thủ tục xét xử phải căn cứ vào tuổi tác của bị cáo và hướng về mục tiêu cải huấn can phạm.
5) Các bị cáo bị tuyên phạt có quyền kháng cáo lên tòa trên theo thủ tục luật định.
6) Trong trường hợp bị cáo bị tuyên hình phạt chung thẩm và sau này bản án bị tiêu hủy hay đương sự được ân xá vì có sự kiện mới phát giác cho biết bị cáo đã bị phạt oan uổng, người bị kết án có quyền đòi bồi thường thiệt hại theo luật, trừ phi có bằng chứng cho biết, sở dĩ sự kiện mới này không được phát giác trong thời gian xử án, một phần hay hoàn toàn tại vì bị cáo.
7) Không ai có thể bị tái thẩm hay bị tuyên phạt một lần nữa về một tội trạng đã được tòa án phán xử chung thẩm bằng cách tuyên phạt hay tha bổng, chiếu theo luật pháp và thủ tục hình sự hiện hành.
Điều 15:
1) Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế áp dụng hồi đó; mà cũng không bị tuyên một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp. Tuy nhiên bị cáo được quyền hưởng hình phạt khoan hồng hơn chiếu theo luật mới ban hành sau ngày phạm pháp.
2) Điều luật này không có tác dụng ngăn cản việc xét xử hay tuyên phạt một bị cáo vì đã làm hay không làm những hành vi cấu thành tội hình sự chiếu theo những nguyên tắc luật pháp tổng quát được thừa nhận bởi cộng đồng các quốc gia trong thời gian đương sự phạm pháp.
Điều 16: Ai cũng có quyền được công nhận là con người trước pháp luật bất cứ tại đâu.
Điều 17:
1) Không ai có thể bị xâm phạm trái phép hay độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xúc phạm trái phép đến danh dự và thanh danh.
2) Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy.
Điều 18:
1) Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Quyền này bao gồm quyền tự do theo một tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự thờ phụng, hành đạo, nghi lễ hay giảng dạy, hoặc riêng tư hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.
2) Không ai bị cưỡng bách tước đoạt quyền tự do lựa chọn tôn giáo hay tín ngưỡng.
3) Quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn theo luật, vì nhu cầu bảo vệ an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý hay những quyền tự do căn bản của người khác.
4) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết tôn trọng quyền của cha mẹ hay người giám hộ trong việc giáo dục các con về tôn giáo hay đạo lý theo tín ngưỡng của họ.
Điều 19:
1) Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp.
2) Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.
3) Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu:
a) Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác.
b) Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý.
Điều 20:
1) Mọi hình thức tuyên truyền, cổ võ chiến tranh phải bị luật pháp cấm chỉ.
2) Mọi hình thức gieo rắc căm hờn, xúi giục kỳ thị, hiềm khích, kích thích bạo động giữa các quốc gia, các chủng tộc hay các tôn giáo phải bị luật pháp cấm chỉ.
Điều 21: Quyền hội họp có tính cách hòa bình phải được thừa nhận. Việc hành xử quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác.
Điều 22:
1) Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
2) Việc hành xử quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác. Điều luật này không có tác dụng ngăn cấm việc ban hành các giới hạn luật định liên quan đến sự hành xử quyền tự do lập hội của các giới quân nhân và cảnh sát.
3) Điều luật này không có hiệu lực cho phép các quốc gia hội viên ký kết Công Ước Lao Động Quốc Tế năm 1948 về Quyền Tự Do Lập Hội và Bảo Vệ Quyền Lập Hội, được ban hành hay áp dụng những đạo luật có tác dụng vi phạm những bảo đảm về những quyền tự do ghi trong Công Ước Lao Động Quốc Tế.
Điều 23:
1) Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản trong xã hội và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.
2) Thanh niên nam nữ đến tuổi thành hôn có quyền kết hôn và lập gia đình.
3) Hôn thú chỉ được thành lập nếu có sự ưng thuận hoàn toàn tự do của những người kết hôn.
4) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này phải ban hành những biện pháp để bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm của vợ chồng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú, cũng như khi ly hôn. Trong trường hợp ly hôn phải quy định những biện pháp bảo vệ quyền lợi của các con.
Điều 24:
1) Không phân biệt chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản hay dòng dõi, các trẻ em, với tư cách vị thành niên, phải được gia đình, xã hội và quốc gia bảo vệ.
2) Trẻ em phải được khai sinh ngay sau khi sinh, và được đặt tên họ.
3) Trẻ em có quyền thủ đắc quốc tịch.
Điều 25:
1) Không bị kỳ thị (như đã quy định ở điều 2) và không bị giới hạn bất hợp lý, mọi công dân đều có quyền và có cơ hội:
a) Được tham gia vào việc điều hành chính quyền, hoặc trực tiếp hoặc qua những đại biểu do mình tự do tuyển chọn.
b) Được bầu cử và ứng cử trong những cuộc tuyển cử tự do và công bằng theo định kỳ, bằng phổ thông đầu phiếu kín, bảo đảm trung thực ý nguyện của cử tri.
c) Được quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.
Điều 26: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Trên phương diện này, luật pháp cấm mọi kỳ thị và bảo đảm cho tất cả mọi người quyền được bảo vệ một cách bình đẳng và hữu hiệu chống mọi kỳ thị về chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào.
Điều 27: Đối với các cộng đồng thiểu số về chủng tộc, tôn giáo, hay ngôn ngữ tại các quốc gia hội viên, Công Ước này bảo đảm cho các thành phần thiểu số cũng với những người khác trong cộng đồng của họ được quyền hưởng văn hoá riêng, được truyền giáo và hành đạo riêng, và được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ.
(Với sự tu chính của Ủy Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam)
Nguồn: Vietnamhumanrights.net