Trao đổi ý kiến “Tiên học lễ hậu học văn” – Trao đổi thêm với GS Trần Ngọc Thêm

Nguyễn Đình Cống

Đây là trao đổi về câu sau đây của GS: “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Chống việc nhồi nhét kiến thức, chống việc học thuộc lòng…”

Về “Tiên học lễ…” tôi đã viết bài hưởng ứng. Nay viết thêm trao đổi về cụm từ “Chống việc học thuộc lòng”. Xin nói ngay là tôi không tán thành cách viết như vậy.

Học thuộc lòng có hai dạng. Một là học thuộc, có thể viết lại, đọc lại nguyên văn nhưng không hiểu nội dung, không nắm được bản chất. Kiểu này được gọi là học vẹt (hoặc học gạo), do việc dạy nhồi nhét tạo ra. Đây là cách học, cách dạy cần phải chống. Hai là học thuộc lòng những áng văn thơ hay, thuộc lòng những định nghĩa, định lý, định luật. Sau khi đã hiểu kỹ bản chất, việc học thuộc lòng các định nghĩa, định luật, định lý là rất cần thiết. Sau khi đọc và hiểu một bài thơ hay, một đoạn văn hay (kể cả khi chưa hiểu một vài chi tiết trong đó), một câu danh ngôn mà thuộc lòng được thì rất tốt, rất đáng khuyến khích. Không nên chống lại việc học thuộc lòng những thứ đó.

Như vậy nên viết rõ chống học vẹt, không nên viết chống học thuộc lòng.

Tôi đoán rằng thâm tâm GS Thêm chống lại việc học vẹt chứ không phải chống lại việc học thuộc lòng nói chung, bao gồm cả việc học thuộc các định nghĩa, định luật. Khi nghĩ đến việc chống học vẹt mà viết thành chống học thuộc lòng là cách diễn đạt hơi vội vàng, chưa được thật chặt chẽ, có thể làm cho một số người hiểu nhầm. Hồi còn ở tiểu học (trước 1950) tôi rất thích khi được học thuộc lòng những áng văn hay, những bài thơ hay. Tôi còn dùng cách học thuộc lòng để luyện trí nhớ. Thế mà chưa có ai bảo rằng tôi học vẹt. Vì vậy khi nghe ai nói chống học thuộc lòng thì tôi cảm thấy áy náy, cứ muốn viết vài điều bênh vực việc học thuộc lòng.

Năm 2020, kỷ niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du, Hội Kiều học kết hợp với chính quyền Hà Tĩnh tổ chức cuộc thi đọc thuộc toàn bộ Truyện Kiếu. Trong cuộc thi ấy có cả Giáo sư toán học, là Việt kiều ở Đức về dự và đạt giải cao, có người không những đọc thuộc toàn bộ Truyên Kiều từ đầu đến cuối mà còn đọc ngược nhiều đoạn.

Đành rằng ngày nay có nhiều phương tiện ghi nhớ rất hiệu quả, rất tiện lợi, nhưng không phải vì thế mà người ta không cần rèn luyện trí nhớ. Một trong những cách luyện trí nhớ là học thuộc lòng. Vậy xin thu hẹp lại là chống học vẹt, học thuộc mà không hiểu chứ đừng chống toàn bộ việc học thuộc lòng, oan cho nó.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Tiên học lễ hậu học văn, Trao đổi ý kiến. Bookmark the permalink.