Cái hậu của cuộc Cách mạng

Đọc bài “Cách mạng màu” của Huy Đức

Ukraine vào năm 2005.

Lời Ban Biên  Tập : Thực tế lịch sử chứng minh rằng hầu như những nhà Cách mạng, nhà chính trị khi quyết tâm tranh đoạt chính quyền thường hứa hẹn với dân chúng thật nhiều điều tốt đẹp. Thế nhưng chính họ lại rất dễ quên hoặc có khi lực bất tòng tâm, muốn giữ lời mà không thể làm như đã hứa. Đó chính là sự bội ước.

Sau cuộc cách mạng, phần thưởng mà dân chúng mong muốn thật đơn giản: đó là tự do và dân chủ. Tự do và dân chủ sẽ khiến cho sự bội ước thường gặp ấy sẽ được sửa chữa.

Phải công nhận là bố cục bài viết và ý tứ của Huy Đức trong bài “Cách mạng màu” thật hoàn hảo, thật dễ hiểu mặc dù không đến mức lộ ra là ông ấy nói về cuộc Cách mạng nào và cách viết của Huy Đức có vẻ như đứng trung gian giữa các chủ thuyết, giữa các thể chế.

Thậm chí nếu cho rằng Huy Đức muốn ám chỉ đến ông Lê Công Định, ông Trần Huỳnh Duy Thức cũng không phải là nhầm lẫn, bởi lẽ nếu như Công Định, Duy Thức trở thành lãnh đạo thì cũng nên đọc bài này để hiểu về “cái hậu” của một cuộc Cách mạng.

Hoặc nếu như độc giả là người Cu Ba, Bắc Hàn hay Trung quốc cũng rất cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về chân lý này:

“Người dân làm cách mạng là để tìm kiếm tự do chứ không phải tìm kiếm quyền bính trọn đời cho các nhà lãnh đạo.”

Huy Đức nói về Cách mạng màu ở Đông Âu, nhưng chúng ta cũng thấy cái quyền bính trọn đời ấy thật rõ ràng khi nhìn vào cuộc Cách mạng ở Cu ba và ở Bắc Hàn. Ở Cuba, sau cuộc Cách mạng “dân chủ nhân dân”, ông Fidel Castro giữ quyền bính liên tục 47 năm và tạm thời chuyển giao nó cho người em trai, Raul Castro, vì những lý do sức khỏe vào năm 2006. Ở Bắc hàn quyền bính được cha con Kim Nhật ThànhKim Chính Nhật liên tục nắm giữ từ năm 1948 cho đến nay (đã được 61 năm).  Gần đây quyền lực ấy đang được chuẩn bị truyền cho đời thứ 3 – Kim Jong Un là con ruột của Kim Chính Nhật.

Máu xương cả dân tộc đổ xuống mấy chục năm ròng có khi chỉ để cho một số người giữ lấy quyền bính trọn đời cho riêng mình, một khi nắm quyền thì ai cũng lo giữ, lo bảo vệ nó thật chắc chắn, thật lâu dài, bằng mọi giá mọi cách, đó là tâm lý tự nhiên.

Thực tế lịch sử chứng minh rằng hầu như những nhà Cách mạng, nhà chính trị khi quyết tâm tranh đoạt chính quyền thường hứa hẹn với dân chúng thật nhiều điều tốt đẹp. Thế nhưng chính họ lại rất dễ quên hoặc có khi lực bất tòng tâm, muốn giữ lời mà không thể làm như đã hứa. Đó chính là sự bội ước.

Sau cuộc cách mạng, phần thưởng mà dân chúng mong muốn thật đơn giản: đó là tự do và dân chủ. Tự do và dân chủ sẽ khiến cho sự bội ước thường gặp ấy sẽ được sửa chữa.

“Người dân ở các nước dân chủ, nhất là các nước mới có dân chủ một hai nhiệm kỳ, lựa chọn người lãnh đạo sai là một khả năng không nhỏ. Nhưng, khả năng lớn hơn là họ có cơ hội và có quyền để sửa sai.”
Huy Đức

Và người dân sau cuộc Cách mạng được thể hiện sự “không hài lòng một cách công khai và thể hiện nó bằng quyền bỏ phiếu là điều mà trước đây ở Đông Âu không bao giờ tồn tại.”

Điều giản dị này đã không được thực hiện ở khá nhiều quốc gia sau những cuộc Cách mạng đổi bằng máu và nước mắt của dân chúng.

Nền giáo dục vâng lời

Hơn thế nữa, “nền giáo dục vâng lời” từ thời chiến nay lại được các nhà lãnh đạo tiếp tục phát huy toàn diện để tiếp tục đúc lên những viên gạch biết vâng lời và duy trì cái “quyền bính trọn đời cho các nhà lãnh đạo”. Cái vòng luẩn quẩn ấy khiến cho nhiều dân tộc không biết lối ra.

Sau những phát hiện về ngôn từ như “nền giáo dục nặng về hình thức, thiên về thành tích” hay cụm từ “tỵ nạn giáo dục” thì cách dùng từ của Osin khiến nhiều người choáng váng, ông gọi nó là “nền giáo dục vâng lời”.

Có một cái gì đó chếnh choáng, nghiêng ngả, ngượng ngùng cho những bằng cấp học vị đã nhận được. Cùng với lời thề trung thành với khoa học, thì sự vâng lời là thứ mà các nhà khoa học tương lai khó có thể từ chối. Thực ra không phải đến khi là nhà khoa học họ mới có, họ đã được uống cái viên thuốc vâng lời ấy ngay từ khi học vỡ lòng, từ hệ tư tưởng thống trị, từ hệ thống ngôn luận và các tổ chức mà họ đang làm việc. Giáo trình giảng dạy từ bao năm nay vẫn là thứ thuộc về quyền lực thống trị.

Dân trí và dân chủ

“Dân trí thấp thì thật khó để vận hành dân chủ, nhưng nếu như không có dân chủ thì muôn đời dân trí cũng không được nâng lên, cho dù cả nước được “nền giáo dục vâng lời” cấp bằng tiến sỹ” (Huy Đức.)

Người ta bảo là dân trí thấp quá thì chưa thể có dân chủ, cứ chờ đi rồi cũng sẽ có, nghe mãi muốn ù tai. Có vẻ như luận điểm này được nhập khẩu từ Trung quốc (!), nhưng sao lại được vận dụng quá nhiều ở Việt nam. Không cần bàn đến chuyện lập luận ấy ra đời từ khi nào, nhưng tại sao người ta không nghĩ rằng dân chủ chính là tiền đề cho dân trí được nâng cao.

Mà dân chủ thì có gì xa lạ với Việt nam, tại sao từ năm 1945 đã có nước “Việt nam DÂN CHỦ Cộng hòa” mà mãi đến bây giờ người ta còn loanh quanh với chuyện Dân chủ Dân trí cái nào có trước cái nào có sau. Cần phải hiểu rằng Dân chủ chính là mục đích của Cách mạng chứ không phải những điều xa xôi không tưởng, đó là mục đích có trước khi Cách mạng thành công.

Chúng ta quên rằng, khi đang lý luận tranh biện với nhau rằng nên hay không nên có dân chủ thì người ta đang mặc nhiên thừa nhận rằng chúng ta chưa có Dân chủ, bởi lẽ nếu có rồi thì cần gì phải tranh cãi rằng khi nào thì nên có nó. Cũng chính vì thế mà khá nhiều người bảo rằng Việt nam có Độc lập nhưng tự do và dân chủ thì là cái đang được để dành cho tương lai, vì thế mà dân chúng chưa hề được hưởng thụ nó từ sau những cuộc Cách mạng được làm nên bởi chính họ.

Đó cũng chính là cái bi kịch mà Huy Đức nói đến như một lời kết luận:

“Bi kịch lớn nhất cho một quốc gia không phải là có cách mạng hay không mà là khi nhận ra thành quả bị tước đoạt mà người dân không làm gì được.”

Nguồn : http://anhbasg.multiply.com/journal/item/982

This entry was posted in Quốc Tế and tagged , , , . Bookmark the permalink.