Mấy hôm nay, tình hình “lao động” của vị giáo sư khả kính có vẻ hơi lờ phờ! Nếu chỉ xét bề ngoài – sáng làm việc từ 9 rưỡi, trưa ngủ dậy trễ, chiều mới ba giờ hơn bốn giờ kém đã “xe ta bon bon…” về với các cô gái Lam Hồng – thật khó có thể xếp lao động trung bình, nói gì đến tiền tiến, nói gì đến chiến sĩ thi đua!
Đó là nói “nếu chỉ xét bề ngoài”. Còn bên trong thì sao? Bên trong, tức là bản chất sự vật, có chuyện gì? Bên trong thì “thiên tướng” đấy, mặc dù chỉ có nhõn một chuyện: cùng đi tìm một phương thức đóng cửa trang Bauxite Việt Nam sao an toàn cho cả đôi bên.
Để khỏi mang tiếng hồ đồ hoặc hàm hồ hoặc “thiếu tính lý luận”, ta cần đến công cụ phân tích. Thì ta cùng phân tích!
Vì sao và làm cách nào trang Bauxite Việt Nam ra đời được? Trong một vòng vây internet mà một con kiến cũng khó lọt, làm sao lọt ra nổi một “con” Bauxite? Thế mà nó ra lọt! Và nó sống khá hoành tráng từ tháng 4-2009 đến mãi cuối năm. Nó sống và đón khách thập phương đông ngùn ngụt mỗi ngày mỗi giờ, hoàn toàn công khai trước bàn dân thiên hạ.
Cũng hoàn toàn công khai là một cái gì đó nữa cũng rất mới mẻ mà dần dần cả hai bên đều nhận ra. Bên Bauxite thì hơi hốt hoảng nhận ra rằng có chăng mình hơi đi quá đà? Bên Phản Bauxite thì hốt hoảng thấy sự việc bắt đầu quá trớn. Cả hai phẩm chất mới mẻ đó, sự quá đà và tính quá trớn, đã được tôi phân tích rất khéo qua lời “tường trình” của người già mà rất ngây thơ, nhất hạng khi tôi so sánh giữa hai con số 78 và 25, xem số nào to hơn số nào, hoặc xem hai con số đó khác nhau ra sao.
Nhiều bạn gọi tới chê tôi dốt luật, phản đối chuyện tôi xin “các anh” góp ý, giúp đỡ, xem chúng tôi phạm quy chế ở chỗ nào. Lại còn nói đơn giản ấy mà! Bà con trách cái cách nói năng và suy nghĩ như vậy: sao lại có thể đơn giản ấy mà kia chứ!? Bà con thông cảm: cả cái mạch trò chuyện với nhau nó dẫn đến cách nói và nghĩ như thế: tôi có bảo “các anh” rằng: thì tháng nào các anh chẳng có hẳn hai người tới thăm sức khỏe giáo sư, khi chai rượu khi gói chè, lại có khi biếu cả tập vé xem kịch ngồi ghế hạng loge Nhà hát lớn nữa chứ! Quan hệ như thế, sao chẳng góp ý cho người ta nhận ra vấn đề, mà lại phải dùng cách chơi rắn là khám nhà và tịch thu ổ cứng?
Trong bài viết về loài chim, tôi đã phân tích rồi: nếu đem ổ cứng đi, mà rồi in ra, mà rồi phân tích đến cùng kỳ kiệt, mà rồi bỗng dưng giống như Aristote miệng Eureka chân nhảy ra khỏi bồn tắm, thì đã có chẳng có chuyện lao động lờ phờ như hai hôm nay. Chỉ cần nhặt được “một cái tóc” thôi, là sẽ có ngay giấy khởi tố ký sớm mấy ngày, lo gì việc ấy mà lo, kiến trong miệng chén có bò đi đâu?
Tuy nhiên, không có tội lớn, nhưng cũng nhặt được hai sợi tóc, tạm dùng để quy vào hai cái tội nho nhỏ: một tội không biên tập cắt bỏ câu trích dẫn từ một tài liệu của ông Trần Quang Cơ vẫn truyền tay khắp bàn dân thiên hạ, và một tội không thông báo cho cơ quan về việc dùng tên miền nước ngoài (mặc dù không có mẫu kê khai). Hai tội này nếu có, tiếc thay, lại chưa cấu thành tội cố tình hoặc vô tình bán nước, để có thể chịu phạt chừng ba chục triệu đồng!
Bây giờ, muốn tha tội, hoặc muốn ngừng làm việc, thì cũng phải có lý do trên giấy trắng mực đen, không thể lúi xùi. Muốn bắt ngừng trang Bauxite Việt Nam, thì cũng phải có lý lẽ đàng hoàng, không thể luộm thuộm gia đình chủ nghĩa.
Lời bình của người viết bài này: Hễ còn có cái thói tư duy phi pháp chế, thì còn gặp lúng túng dài dài. Sự vật nào thì cũng có hai “mặt”, một cơ sở vật chất của nó, và một khía cạnh tinh thần của nó. Cơ sở vật chất của một sự vật là sự sống của chính sự vật ấy trong cách vận hành của chính nó: một cái Quốc hội chẳng hạn có sự sống của chính nó trong cách vận hành làm luật, và thanh sát để chỉnh đốn luật. Những hình thức cãi cọ trên nghị trường chỉ là cái vỏ ngoài của sự sống và cách vận hành của sự vật đó.
Có luật pháp rồi, vẫn chưa đủ bảo đảm để thành một sự vật có tên là “pháp chế” hoặc “pháp quyền”. Sự sống của pháp chế và pháp quyền là ở hành động thượng tôn luật pháp của mọi công dân, làm bất kỳ điều gì cũng cứ đúng luật mà làm. Và muốn làm đúng luật, oái oăm thay, điều kiện cần thiết lại không phải là “có tinh thần” tôn trọng luật pháp (lâu nay vẫn quy cho dân trí hoặc quan trí), mà là phải có năng lực tôn trọng luật pháp. Nâng lên thành triết lý: phải có năng lực hành động và suy nghĩ đúng với bản chất sự vật. Trong vấn đề này, trách nhiệm công dân là ở cả hai phía: ở cơ quan thực thi pháp luật, và ở công dân. Hãy bỏ ngay cái cách suy nghĩ dân bao giờ cũng chưa biết gì. Cả Dân và Quan đều phải Học. Chấm hết.
Hà Nội, 27-01-2010