Phê bình VTV 1

Ngô Huy Cương

VTV HIỂU SAI VỀ NHÂN QUYỀN

Gã 5 năm rồi nhà không tivi, coi đá bóng thì ra quán cafe vỉa hè, nên không theo dõi các chương trình của VTV.

Ngô Huy Cương một bạn facebook viết bài rất hay phê phán chương trình “Đối diện- Nhân quyền” tối hôm qua của VTV 1 khi người dẫn chương trình cho rằng:

+ Nhân quyền không phải là tuyệt đối;

+Nhân quyền gì thì cũng phải theo pháp luật và không thể đi ngược lại với lợi ích của dân tộc.

Ngô Huy Cương bình luận

Gã tán đồng phản biện của Ngô Huy Cương. Chỉ thêm vài dòng thế này: Nhân quyền là vấn đề sống còn, cốt lõi của nhân loại. Nó có định nghĩa chung mà Uỷ ban Nhân quyền LHQ thể chế hoá bằng Tuyên ngôn Nhân quyền, Việt Nam là một thành viên ký cam kết tuân theo. Vì vậy không ai được quyền giải thích theo ý chủ quan của mình.

Việc người dẫn chương trình VTV1 do thiếu cẩn trọng trong việc nghiên cứu về nhân quyền đã áp đặt theo ai đó cách hiểu sai về nhân quyền, VTV cần phải chấn chỉnh ngay.

Theo gã đại diện VTV1 đã nhầm lẫn nhân quyền với tự do cá nhân.

Nhầm lẫn này rất không nên có ở một đài truyền hình quốc gia.

Lưu Trọng Văn

Xem chương trình “Đối diện – Nhân quyền” tối hôm qua 28/10, tôi (một khán giả trung thành của VTV1) không thể không viết mấy dòng phê bình nhà đài.

Trước hết phải nói, “nhân quyền” và “việc lợi dụng chiêu bài nhân quyền để chống lại một đất nước” là hai vấn đề khác nhau.

Tôi hoàn toàn không đồng ý với việc lợi dụng chiêu bài nhân quyền vô căn cứ để chống lại một đất nước.

Song tôi thấy: Nếu vì phản bác lại việc lợi dụng chiêu bài nhân quyền mà tuyên truyền một thứ tư tưởng làm cho mọi người nhận thức sai lệch về nhân quyền thì đó chính là một hành động tiếp tay cho những kẻ lợi dụng chiêu bài nhân quyền để chống lại đất nước mình, và xa hơn nữa là phá hoại nhân quyền.

Trong khi trình bày dài dòng, thiếu kiến thức cơ bản về nhân quyền trong những lập luận, biên tập viên “đeo kính cận nặng” của nhà đài có hai nhận định rất thiếu suy nghĩ (trong nhiều nhận định không chắc chắn khác) rằng:

+ Nhân quyền không phải là tuyệt đối;

+ Nhân quyền gì thì cũng phải theo pháp luật và không thể đi ngược lại với lợi ích của dân tộc.

Theo tôi hai nhận định này đi ngược lại với nhận thức và quan điểm về nhân quyền của Cách mạng Việt Nam.

Trong Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945 có đoạn mở đầu mà cả thế giới thán phục và không thể bác bỏ được dù với dã tâm gì, như sau:

“Hỡi đồng bào cả nước,

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Qua đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm niệm: nhân quyền hay quyền con người là những quyền tự nhiên đứng trên tất thảy và luôn luôn thúc đẩy cho các cuộc cách mạng.

Ngày nay cả thế giới thừa nhận rằng: quyền con người có ba đặc tính, đó là: nó là một quyền “phổ biến”; nó là một quyền “cơ bản”; và nó là một quyền “tuyệt đối”.

Đặc tính “phổ biến” thể hiện ở chỗ: không kể chủng tộc, nòi giống, giới tính, quốc tịch hay địa vị xã hội…, mọi người hay bất kỳ ai cũng có quyền như nhau.

Đặc tính “cơ bản” thể hiện ở chỗ: quyền này không thể chuyển nhượng được dù có bị từ chối hay vi phạm.

Đặc tính “tuyệt đối” thể hiện ở chỗ: quyền này là nền tảng cơ bản nhất của đời sống con người mà không thể bị hạn chế hay giảm bớt.

Ngay chủ nghĩa Mác cũng phải nhắc tới tính tuyệt đối của quyền con người, nếu không thì không thể luận được những quyền khác.

Chắc hẳn những quan chức của nhà đài đều đi học chính trị cao cấp? Chắc hẳn khi học phần được gọi là “sáng tạo” của triết học Mác- Lê Nin thì các vị đều biết sự bắt đầu bằng lập luận con người ta sinh ra đều phải ăn, mặc, ở, rồi mới có thể nói tới chuyện sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, chính trị hay tôn giáo…? Tuy nhiên quyền con người có bị cắt xén không còn phụ thuộc vào những nghiên cứu cụ thể.

Dù sao thì Đảng vẫn luôn nhắc tới con người là trung tâm.

Vậy sao nhà đài lại chống lại đặc tính “tuyệt đối” của quyền con người?

Hiến pháp 2013 thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng và theo Tuyên ngôn Độc lập, nên có riêng một chương đồ sộ về quyền con người và đặt pháp luật dưới các quyền đó như sau:

“Quyền con người chỉ có thể bị hạn chế theo qui định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. (Điều 14, khoản 2, Hiến pháp 2013)

Để bảo đảm cho các pháp luật không vi phạm quyền con người, kể cả trong những trường hợp đó, Hiến pháp 2013 tuyên bố hùng hồn tại Điều 119 rằng:

1. Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.

Mọi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.

2. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp.

Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”.

Chỉ tiếc nỗi Quốc hội cho đến giờ vẫn chưa kịp làm luật về cơ chế bảo vệ Hiến pháp.

Dù vậy nhà đài cũng không nên nhận định mà thiếu viện dẫn tới Hiến pháp và đường lối của Đảng.

Không những thế nhà đài lại còn theo lập luận kiểu Trung Quốc cho rằng chủ quyền hay lợi ích của dân tộc cao hơn nhân quyền. Lập luận của Trung Quốc như vậy là rất ngu xuẩn.

Một cộng đồng dân tộc lành mạnh không thể là một cộng đồng dân tộc như Khơ Me Đỏ xây dựng dựa vào Trung Quốc để tiêu diệt chính các thành viên trong cộng đồng mình.

Một cộng đồng dân tộc lành mạnh không thể không chú ý tới từng thành viên của nó để bảo đảm cho họ quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, trước hết bằng cách lo cho họ ăn, mặc, ở như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng “ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành”. Đó chính là lợi ích dân tộc.

Quyền tự do có hai mặt: mặt thứ nhất là được quyền lựa chọn; và mặt thứ hai là được quyền phản kháng lại những ngăn cản quyền lựa chọn. Vì vậy Hiến pháp và pháp luật phải cung cấp các cơ chế để người thực hành quyền con người phản kháng mà không làm bất ổn cộng đồng.

Vấn đề còn lại là phải xem cơ chế phản kháng đó đã được cung cấp chưa, có được vận hành tốt không, và người phản kháng có thực hiện đúng các cơ chế đó hay không? Ví dụ như các quyền khởi kiện và quyền khiếu nại, tố cáo được thực hiện như thế nào và các cơ chế tiếp nhận chúng có được vận hành tốt hay không.

Lập luận chủ quyền cao hơn nhân quyền đã vô hình chung cho rằng việc thực hiện chủ quyền đó vi phạm nhân quyền.

Nhà đài chỉ nên là cơ quan báo chí đơn thuần để đưa tin thôi. Nếu nhà đài muốn hướng dẫn được dư luận hay muốn tham gia tuyên truyền chính trị hay pháp lý thì nhà đài còn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa và phải có cách làm thông minh hơn, mới có thể có thành tích.

Trước hết muốn có những lập luận lớn phải thuê chuyên gia. Ở các nước phát triển họ đều có những tổ chức chuyên về nhân quyền có chức năng tư vấn cho chính quyền ngay cả trong khâu làm luật.

Trong chương trình này, nhà đài chủ yếu phỏng vấn những người có chức, có quyền. Nhưng khi phỏng vấn luật sư thì lại phỏng vấn lệch chuyên môn khá nhiều. Nếu trước kia khi cách mạng mới thành công, cán bộ còn có uy tín thì có thể lấy cán bộ thuyết phục dân. Nhưng nay cán bộ mất uy tín quá nhiều thì hãy lấy dân để thuyết phục dân.

Dân trí bây giờ cao rồi, vậy không nên nói bừa chỉ vì mình có quyền nói!

Phản tác dụng đấy nhà đài ạ!

N.H.C

Nguồn: FB Cuong Huy Ngo

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.