Nguồn: “China’s new reality is rife with danger”, The Economist, 02/10/2021.
Biên dịch: Phan Nguyên
Tương lai Tập Cận Bình sẽ được định hình bởi kết quả chiến dịch của ông chống lại sự thái quá của chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc.
Tập Cận Bình đang tiến hành một chiến dịch thanh lọc Trung Quốc khỏi sự thái quá của chủ nghĩa tư bản. Vị Chủ tịch của Trung Quốc coi nợ nần chồng chất là trái độc của đầu cơ tài chính và các tỷ phú là sự chế giễu đối với chủ nghĩa Mác. Các doanh nghiệp phải chú ý đến hướng dẫn của nhà nước. Đảng phải thấm nhuần vào mọi lĩnh vực của đời sống dân tộc. Việc liệu ông Tập có thể áp đặt thực tế mới của mình hay không sẽ định hình tương lai của Trung Quốc, cũng như kết quả cuộc chiến ý thức hệ giữa dân chủ và độc tài.
Chiến dịch của Tập rất đáng chú ý vì phạm vi và tham vọng của nó. Mọi chuyện bắt đầu gây chú ý vào năm 2020, khi các quan chức chặn đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group, một chi nhánh của gã khổng lồ công nghệ Alibaba. Chiến dịch đang tiếp diễn mạnh mẽ, cho đến nay đã thổi bay khối tài sản trị giá có lẽ 2 nghìn tỉ đô la khỏi thị trường chứng khoán. Didi, một hãng gọi xe, đã bị trừng phạt vì niêm yết cổ phiếu của mình ở Mỹ. Evergrande, một nhà phát triển bất động sản mắc nợ, đang bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ. Mua bán trên các sàn giao dịch tiền điện tử đã bị cấm, tương tự là hoạt động dạy thêm vì lợi nhuận. Chơi game có hại cho trẻ em, vì vậy nó phải được hạn chế nghiêm ngặt. Trung Quốc cần những gia đình lớn hơn, vì vậy việc phá thai phải hiếm xảy ra hơn. Các nam diễn viên phải nam tính và là người nổi tiếng yêu nước. Nền tảng của tất cả điều này là Tư tưởng Tập Cận Bình, thứ đang được nhồi nhét vào đầu của những đứa trẻ sáu tuổi.
Những điều này diễn ra trên nền tảng của một thứ chủ nghĩa chuyên chế vốn đã tàn bạo. Trên cương vị chủ tịch nước, ông Tập đã thanh trừng các đối thủ chính trị của mình và nhốt hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ [vào các trại lao động]. Ông giám sát các cuộc tranh luận và sẽ không dung thứ cho sự bất đồng quan điểm. Chiến dịch mới nhất sẽ cho thấy liệu ông có phải là một nhà tư tưởng muốn giành lấy quyền lực cho bản thân, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng chậm lại và người dân gặp khó khăn, hay ông là một nhà lãnh đạo mạnh sẵn sàng bỏ qua những thứ giáo điều để theo đuổi chủ nghĩa thực dụng. Tầm nhìn của ông, trong đó sự kiểm soát của đảng đảm bảo rằng các doanh nghiệp phục vụ lợi ích nhà nước và công dân phải phục vụ lợi ích quốc gia một cách trung thành, sẽ quyết định số phận của 1,4 tỷ người.
Ông Tập đang giải quyết các vấn đề thực tế — mà trong đó nhiều vấn đề thực sự tương đồng với các vấn đề ở phương Tây. Một trong số đó là vấn đề bất bình đẳng. Khẩu hiệu của thời điểm hiện nay là “thịnh vượng chung”, phản ánh thực tế là một nước Trung Quốc Cộng sản hiện vẫn bất bình đẳng như một số nước tư bản. 20% hộ gia đình hàng đầu của Trung Quốc chiếm đến 45% thu nhập khả dụng của cả nước; còn 1% gia đình giàu nhất sở hữu hơn 30% tài sản hộ gia đình. Một mối quan tâm khác là ảnh hưởng của những gã khổng lồ công nghệ vốn bị cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh, làm băng hoại xã hội và có quyền truy cập tự do đối với dữ liệu cá nhân (chỉ nhà nước mới có đặc quyền đó). Thứ ba là các rủi ro chiến lược, đặc biệt là nguy cơ các đối thủ sẽ cản trở Trung Quốc tiếp cận các hàng hóa cơ bản và công nghệ quan trọng.
Tuy nhiên, chiến dịch của ông Tập gây ra mối đe dọa cho nền kinh tế Trung Quốc. Khủng hoảng từ việc giải quyết các khoản nợ của các công ty như Evergrande có thể lan rộng một cách khó lường. Các nhà phát triển bất động sản đang vay 2,8 nghìn tỉ đô la. Phát triển bất động sản và các ngành kinh tế liên quan phục vụ ngành này chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc. Các hộ gia đình đã đổ tiền tiết kiệm vào bất động sản một phần vì các tài sản khác mang lại lợi nhuận kém. Tiền trả trước của các hộ gia đình cho các dự án bất động sản chưa hoàn thành chiếm một nửa kinh phí của các công ty bất động sản. Các chính quyền địa phương, đặc biệt là bên ngoài các thành phố lớn, phụ thuộc vào việc bán đất và phát triển bất động sản để tạo nguồn thu.
Các cuộc đàn áp cũng đang làm cho việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn và kém hiệu quả hơn. Đảng đang tạo ra một khuôn khổ pháp lý và điều tiết, nhưng ông Tập đang áp đặt những thay đổi lớn từ trên xuống nhanh đến mức các quy định bắt đầu có vẻ độc đoán. Ví dụ, hãy xem xét vấn đề “phân phối lại thu nhập”, trong đó các công ty công nghệ bị bêu tên phải nộp tiền mặt cho nhà nước để cố gắng chuộc lỗi.
Bởi vì thành công nếu rõ quá sẽ là nguy hiểm, các công ty tư nhân sẽ thận trọng hơn. Các doanh nghiệp nhà nước và các ngành công nghiệp chiến lược — bao gồm các “công nghệ cứng” như chất bán dẫn — có thể được lợi, nhưng không phải là các doanh nghiệp tư nhân vốn là nguồn gốc thực sự của sự năng động ở Trung Quốc. Một điều đáng lo ngại khác là nhà đầu tư nước ngoài, những người không bị kiểm soát vốn, chỉ phải trả thấp hơn 31% so với các nhà đầu tư đại lục cho cùng một loại cổ phiếu Trung Quốc. Khoảng cách đã tăng mạnh kể từ đầu năm 2020.
Tất cả những điều này có nguy cơ phá vỡ nền kinh tế Trung Quốc. Nước này đã phải đối mặt với tác động từ lợi nhuận đầu tư cơ sở hạ tầng giảm, lực lượng lao động thu hẹp, và số lượng người già phụ thuộc ngày càng gia tăng. Sau 40 năm tăng trưởng chóng mặt, hầu hết người Trung Quốc hoàn toàn không quen với những lựa chọn khó khăn mà một sự suy giảm kinh tế mạnh, kéo dài tạo ra.
Trong chính trị, điều nguy hiểm là chiến dịch của ông Tập đang biến thành một sự sùng bái cá nhân. Để mang lại sự thay đổi, ông đã thâu tóm nhiều quyền lực hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào kể từ thời Mao Trạch Đông. Khi chuẩn bị phá vỡ quy tắc lâu nay tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng vào năm tới bằng cách nắm nhiệm kỳ chủ tịch nước năm năm lần thứ ba, ông đang sử dụng chiến dịch để tổ chức một loạt thay đổi nhân sự lớn, làm cơ sở cho một cuộc đàn áp ý thức hệ, và biện minh cho việc tại sao ông nên tiếp tục lãnh đạo. Tất cả những điều này đều chứa đựng mầm mống nguy hiểm.
Một là, bộ máy hành chính sẽ không vận hành theo ý muốn của ông. Ông Tập muốn bộ máy phản ứng nhanh với các tín hiệu thị trường, nhưng với sự đề bạt lẫn thanh trừng lơ lửng phía trước, các quan chức Trung Quốc đều nhấp nhổm không yên. Một nguyên nhân dẫn đến việc cắt điện ở khoảng 20 tỉnh trong những tuần gần đây là do sự hoảng sợ của các quan chức, những người đột nhiên nhận ra rằng họ có khả năng không đạt được mục tiêu cắt giảm carbon. Tuy nhiên, có một vấn đề ngược lại, là các quan chức đồng thời lo sợ bị các đối thủ buộc tội tham nhũng, hoặc chệch hướng tư tưởng, nên có xu hướng không dám hành động. Thất bại có thể là điều nguy hiểm đối với một quan chức chủ động, dám làm, nhưng thành công cũng vậy.
Một mối nguy hiểm khác bắt nguồn từ cuộc đàn áp ý thức hệ. Các “hội đồng đánh giá đạo đức” và các “phòng khám đạo đức” đang đẩy mạnh việc áp đặt các hành vi chính thống, chuẩn mực bằng cách bêu rếu công khai các sai phạm, lệch lạc. Mặc dù chưa có dấu hiệu cho thấy bất cứ điều gì khủng khiếp như Cách mạng Văn hóa, nhưng người dân Trung Quốc đang trở nên ít tự do hơn trong suy nghĩ và phát ngôn. Bên cạnh thúc đẩy các học thuyết của riêng mình, ông Tập cũng đang khơi dậy “hoài niệm Đỏ”, và coi chủ nghĩa Mao như một sân khấu quan trọng cho việc xây dựng một Trung Quốc Mới, qua đó mở rộng sự ủng hộ cho mình trước thềm đại hội đảng.
Cuối cùng, chính là các vấn đề chính trị xoay quanh ông Tập. Về lâu dài, nếu ông bám víu vào quyền lực thì quá trình kế vị có thể trở nên rất bất ổn. Trong ngắn hạn, nếu nỗ lực của ông nhằm áp đặt một thực tế mới không diễn ra theo kế hoạch, ông sẽ phải đối mặt với lựa chọn định mệnh là nên tăng gấp đôi nỗ lực hay lùi lại. Cho đến thời điểm này, đàn áp có vẻ nhiều khả năng diễn ra hơn là thỏa hiệp.
Các chính phủ phương Tây cũng đang phải vật lộn với các công ty công nghệ, tình trạng bất bình đẳng thu nhập và an ninh quốc gia. Tại Mỹ, Quốc hội đã được dịp dậy sóng với khả năng để xảy ra tình trạng vỡ nợ quốc gia. Một số người có thể ghen tị với quyền lực của ông Tập trong việc có thể khiến mọi thứ được thực thi nhanh chóng.
Nhưng sẽ là một sai lầm lớn nếu cho rằng ông ta sẽ có câu trả lời đúng cho mọi vấn đề.
P.N. d.
Nguồn: Nghiên cứu Quốc tế