Số đặc biệt Diễn Đàn 30 tuổi – Thay lời phi lộ

Diễn Đàn

Nhân 30 năm khai sinh Diễn đàn, một tạp chí truyền thông văn hóa có đối tượng chọn lọc, bậc đàn anh trong hàng những tờ báo tiếng Việt lên tiếng sớm nhất vì mục tiêu tự do dân chủ độc lập tự chủ của đất nước, và với BVN cũng là người bạn đồng hành tin cậy, nhiều năm qua từng chia ngọt sẻ bùi, BVN xin chúc Diễn đàn tiếp tục vững bước trên một bề dày thành tựu đã có, phát huy thế mạnh từ phong cách riêng của mình nhằm đưa lại cho độc giả người Việt bốn phương nhiều tri thức và kinh nghiệm lịch sử quý báu, như những hành trang không thiếu được giữa một thế giới có quá nhiều biến động phức tạp ở thập niên thứ ba thế kỷ XXI, đòi hỏi mỗi con người hôm nay phải luôn luôn tìm cho mình câu trả lời từ trong kinh nghiệm sống của nhiều thế hệ, quá khứ cũng như hiện tại, để dấn bước đúng hướng, bớt nơm nớp lo sợ mọi thứ cạm bẫy của phía này phía nọ giăng ra khắp nơi vây bủa lấy mình.

30 năm, đối với một thế hệ coi như đã có thể xong trách nhiệm, nhưng với một tờ báo thì mới là lúc sinh lực thật tràn đầy. Dưới đây, xin gửi đến quý độc giả 2 bài Thay lời phi lộ của Ban Biên tập và Câu hỏi “đầu tiên” của một trong những cây bút nòng cốt Nguyễn Ngọc Giao vừa khởi đăng trên Diễn đàn số đặc san kỷ niệm tam thập chu niên, để cùng nhau chiêm nghiệm tuổi ba mươi của một diễn đàn bè bạn.

Bauxite Việt Nam 

Cách đây đúng 30 năm, ngày 1.10.1991, Diễn Đàn xuất hiện trên làng báo tiếng Việt với cái logo đơn giản mà bay bướm này của hoạ sĩ Phạm Ngọc Tuấn:

Một tờ nguyệt san mỗi năm ra 11 số trong đó chỉ có hai số là có bìa màu, tăng trang (số Tết và số tháng 10, kỉ niệm ngày ra báo), còn lại là đen trắng. Khiêm tốn. Nhưng không kém phần kiêu hãnh: một tờ báo độc lập, không thuộc và không lệ thuộc một tổ chức nào dù là chính trị hay kinh tế, với mục tiêu vì một nước Việt Nam dân chủ và phát triển. Báo giấy đều đều tới tay bạn đọc mỗi đầu tháng trừ tháng 8 (cả nước Pháp đi nghỉ hè!), cho tới tháng 7.2006 (số 164) thì chuyển hẳn sang mạng diendan.org (và vài năm nay, vì bị tường lửa ở Việt Nam, một số bài được đưa lên Facebook, tại địa chỉ: https://www.facebook.com/diendan.forum).

Hơn 5000 trang báo khổ A4, chữ nhỏ (phần lớn là “co” 10), cộng với số trang không thể tính cho những bài trên mạng, nhìn lại thấy gì? Là người trong cuộc, chúng tôi không phải là kẻ có thể đánh giá khách quan nhất những thành, bại của chính mình. Có chăng, xin mượn lời của nhà sử học Vĩnh Sính trong bài viết về Nguyễn Trường Tộ nhân ngày giỗ thứ 120 (*), đăng trên hai số 3 và 4 (tháng 12.1991 và tháng 1.1992), dù tất nhiên chúng tôi không có ý dám so sánh với tiền nhân: Giấc mộng chưa thành! Mà nói cho cùng, thành sao được! 30 năm là một thời gian quá ngắn để một nước nghèo, lạc hậu (nhất là cái lạc hậu của xã hội phong kiến kiểu Trung Hoa, với sự độc tôn quyền lực của ông vua, triệt tiêu mọi mầm móng phản kháng trong xã hội), lại vừa trải qua bao tang thương của chiến tranh triền miên chống lại những lực lượng mạnh hơn mình rất nhiều, có thể đạt được trình độ dân chủ và phát triển mà chúng ta mong ước. Cái mô hình quyền lực tập trung mà chế độ hiện nay áp đặt trên đất nước có phần bám rễ vào cái tình trạng lạc hậu kia (về văn hoá, ý thức xã hội của người dân…), nhưng chỉ phù hợp để kéo dài nó mà không đưa được đất nước vào quỹ đạo phát triển mới, với các giá trị của nền văn minh hiện đại. Vượt qua nó, nhất là khi nó đang được yểm trợ bởi chính cái chế độ hình mẫu của kiểu lạc hậu đó, để xây dựng một xã hội dân chủ đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực của rất nhiều người, bao gồm một thành phần trí thức tài năng và dũng cảm. Những nỗ lực Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh mà Phan Tây Hồ đã đề ra từ hơn 100 năm nay nhưng vẫn chưa một lực lượng chính trị nào nắm được ngọn cờ tập hợp, huống chi một nhóm nhỏ ở nước ngoài, chung quanh một tờ báo không tham vọng tự mình biến thành tổ chức chính trị!

Làm chính trị, trong cái nghĩa tổ chức để giànhthực thi quyền lực khi nắm được, những người làm tờ báo này phải thú nhận là nằm ngoài khả năng và nhất là sở thích của mình. Nhưng nói cho cùng, phải chăng xã hội dân chủ là một xã hội trong đó mỗi công dân có thể chọn lựa chỗ đứng của mình, để sống cho mình và đóng góp cho đời theo khả năng của mình? Trong những ngành nghề trí óc (để tránh chữ “trí thức” gây nhiều tranh cãi), đóng góp đó có thể là những nghiên cứu khoa học, kinh tế, những bài báo phân tích tình hình, thời sự trong và ngoài nước, những tác phẩm nghệ thuật, văn học…

Diễn Đàn, bộ biên tập (vài mống) và cộng tác viên (đông hơn nhiều!) đã viết về nhiều vấn đề của đất nước, chính trị, khoa học, kinh tế, văn hoá, văn nghệ… trong tâm thế đó: viết điều mình biết, mình nghĩ là đúng (dù cuối cùng có thể là sai!), hợp với khả năng và sở thích của mình, trung thực và tôn trọng người đọc. Phải chăng, đó cũng chính là vai trò của một tờ báo đích thực, không phải là một cái loa của bất kỳ tổ chức nào!

Số báo kỉ niệm 30 năm này cũng không là ngoại lệ khi chúng tôi đặt bài với các tác giả: những đề tài vốn có mặt trên tờ báo 30 năm qua hay đang thời sự…, nhưng sự lựa chọn viết gì của mỗi tác giả mới là chính.

Trong thư đặt bài, chúng tôi đã nêu thời hạn: bài nhận được sẽ đưa dần (**) lên mạng diendan.org  với nhãn “số đặc biệt ZD 30 tuổi” trong suốt tháng 10 (cũng có nghĩa là nếu bạn đọc những dòng này trước tuần cuối tháng và muốn viết gì cho báo, xin hoan nghênh, còn kịp!), để đến cuối tháng chúng tôi sẽ tập hợp lại thành một số báo thực sự, với lời giới thiệu chung, bìa và mục lục…

Cuối cùng, xin nhân dịp này nói lên lời biết ơn chân thành của toà soạn đối với đông đảo bạn đọc đã hỗ trợ tờ báo trong suốt 30 năm qua, đối với các tác giả đã gửi cho báo dù nhiều bài hay chỉ một lần, dù vẫn giữ mối liên lạc thân thiết với chúng tôi hay đã rẽ sang đường khác (vì thấy không còn hợp nhau, hay vì bất kỳ lý do nào khác, đó cũng là chuyện bình thường của cuộc sống).

Diễn Đàn

(*) Xin bấm vào đường dẫn này để xem: bài 1, và bài 2. Còn hơn một tháng nữa là tới ngày giỗ lần thứ 150 của ông (22.11.1871 – 22.11.2021), có lẽ còn kịp để các sử gia nhớ tới nhân vật kiệt xuất này ?

(**) Bài này sẽ được xuất bản vào 12g ngày 1.10 (ngày, giờ theo giờ Pháp), cùng với bài “Chuyện bây giờ mới kể, câu hỏi “đầu tiên“” của Nguyễn Ngọc Giao. Đón đọc trưa chủ nhật 3.10 các bài “Niềm tin lịch sử” của Hồ Bạch Thảo và “Nước Đức cũ, nước Đức mới” Nguyễn Tường Bách.

Chú thích cho bản biên tập ngày 3/10/2021: Chỉnh sửa một câu cho rõ ý hơn, sau khi nhận được góp ý của một bạn đọc.
Câu: “Cái mô hình quyền lực tập trung mà chế độ hiện nay áp đặt trên đất nước thật ra quá phù hợp với tình trạng lạc hậu kia, về văn hoá, ý thức xã hội của người dân… ” đã được đổi thành:
Cái mô hình quyền lực tập trung mà chế độ hiện nay áp đặt trên đất nước có phần bám rễ vào cái tình trạng lạc hậu kia (về văn hoá, ý thức xã hội của người dân…), nhưng chỉ phù hợp để kéo dài nó mà không đưa được đất nước vào quỹ đạo phát triển mới, với các giá trị của nền văn minh hiện đại.

Một nén hương tưởng nhớ các tác giả đã khuất

Trên kia, chúng tôi đã dùng chữ “kiêu hãnh” để nói về sự giữ gìn tính độc lập của tờ báo. Nhìn lại quãng đường đã qua thì “kiêu hãnh” không có chỗ, nhưng chúng tôi trộm nghĩ mình cũng có thể có chút tự hào khi xem lại danh sách những tác giả trên tờ báo. Không nói tới những người còn sống, nhiều “chữ ký” trên mặt báo phải nói là sẽ còn lại với thời gian, nhất là trong lịch sử văn hoá, khoa học hay lịch sử trí thức nói chung của dân tộc. Chỉ xin kể vài tên tuổi đã gắn bó thân thiết với “nhóm Diễn Đàn” ngay từ trước khi tờ báo ra đời. Bạn đọc có thể tìm lại các bài của họ, hay về họ, bằng cách gõ tên mỗi người (trong ngoặc kép) trong ô tìm kiếm đầu trang (góc phải) mạng này.

– Hoàng Xuân Hãn. Xem Số đặc biệt Hoàng Xuân Hãn gồm các bài của tác giả Hoàng Xuân Hãn viết cho Diễn Đàn hay Đoàn Kết (trước tháng 10.1991), và các bài viết về Hoàng Xuân Hãn trên Diễn Đàn, không kể nhiều bài viết về ông trên báo chí trong hay ngoài nước được giới thiệu trong mục “Thấy trên mạng”.

– Hoàng Tuỵ.

– Phan Đình Diệu. Xem Số đặc biệt Phan Đình Diệu.

– Nguyễn Tài Cẩn.

– Vĩnh Sính. Xem Số đặc biệt Vĩnh Sính.

Để kết luận, không thể quên các thành viên của Diễn Đàn đã khuất núi: các anh Bùi Mộng Hùng (mất năm 1999), một thành viên chủ chốt của ban chủ biên Diễn Đàn, với các bài ký tên Bùi Mộng Hùng và Nguyên Thắng về y tế, giáo dục, xã hội…; Bùi Trọng Liễu (mất năm 2010), tuy không tham gia ban biên tập nhưng thật chẳng khác gì (!), anh cũng là một người viết nhiều cho Diễn Đàn nhất là về mảng giáo dục đại học (chưa kể các lời bình ngắn ký tên Ng.V. về một thông tin nào đó – ngay từ số 1); Phạm Ngọc Tới (mất năm 2009), với phần lớn là những bài về nghệ thuật, văn học… ký tên Văn Ngọc ; Phan Huy Đường (mất năm 2019), dịch giả đóng góp nhiều trong việc giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới, có mặt trên Diễn Đàn với nhiều bài triết luận (được in lại trong các tác phẩm “Tư duy tự do”, “Vẫy gọi nhau làm người”), và nhiều bài về văn học, văn chương với bút danh Trần Đạo. Bạn đọc cũng có thể tìm đọc những bài viết của hay về anh trong trang mạng “Ăn mày văn chương” mà anh chủ trương cùng với một số bạn văn phần lớn cũng là những cây bút có bài trên Diễn Đàn.

Nguồn:  diendan.org

This entry was posted in 30 năm tạp chí Diễn đàn. Bookmark the permalink.