Chuyện bây giờ mới kể: CÂU HỎI “ĐẦU TIÊN”
Nguyễn Ngọc Giao
Ở Việt Nam, nhất là thời thiếu thốn, mỗi khi muốn làm chuyện gì, thì câu hỏi đầu tiên đặt ra là: tiền đâu?
Câu hỏi ấy cũng đặt ra ở Paris, cách đây tròn 30 năm, khi anh chị em chúng tôi, ban biên tập Đoàn Kết, trả lại tên tờ báo (mà tôi gắn bó từ năm 1968, khi nó ra đời) cho Hội người Việt Nam tại Pháp, rút ra, thành lập báo Diễn Đàn, độc lập với mọi tổ chức.
Một loạt câu hỏi đặt ra: đặt địa chỉ toà soạn ở đâu? làm sao tạo quỹ để có thể in ấn những số đầu, trước khi có bạn đọc mua dài hạn?
Địa chỉ tòa soạn thì cũng dễ giải quyết: ở Pháp có những công ty cho thuê hộp thư và địa chỉ. Chúng tôi thuê một hộp thư như vậy, và có được địa chỉ, nếu tôi nhớ không lầm, là 193 rue de Bercy, Paris 12. Ở đó có một hộp thư mang tên Diễn Đàn, hàng tuần, anh em có thể lại lấy thư mà bạn đọc gửi tới «tòa soạn». Ít lâu sau, hộp thư và địa chỉ «thuê» này được thay thế bằng một hộp thư bưu điện đặt ở thị xã Bourg-La-Reine, nơi ở của anh thủ quỹ báo.
Nhân nói tới «địa chỉ» của tờ báo «vô gia cư», lại nhớ một câu chuyện tiếu lâm có thực. Cuối năm 1990, nhà báo Thành Tín (Bùi Tín), phó tổng biên tập báo Nhân Dân, sang Pháp dự lễ hội của nhật báo L’Humanité (của Đảng cộng sản Pháp), rồi ở lại luôn. Trong năm 1991, một vài anh chị em chúng tôi đã giúp anh Bùi Tín về chỗ ăn ở cũng như việc tiếp xúc với báo chí quốc tế. Việc này, nhiều người biết, kể cả nhân viên công an Việt Nam ở Paris. Nhưng điều mà họ không biết (không tìm ra hay lười tìm) là: Bùi Tín ở đâu. Nên trong một bản «tin mật» của Thông tấn xã Việt Nam: «Bùi Tín được nhóm Diễn Đàn xếp cho ở số 193 rue de Bercy», chứng tỏ đồng chí báo cáo viên làm việc khá quan liêu, không thèm đến tận nơi, xem Bùi Tín ăn ngủ ra sao trong cái hộp thư 20 cm x 30 cm x 15 cm nhỏ bé có dán mấy chữ DIEN DAN FORUM.
Nghiêm chỉnh là vấn đề tiền. Ở đây chúng tôi có một kinh nghiệm quý báu của những năm làm báo Đoàn Kết. Như những tờ báo của hội đoàn Việt kiều ở các nước khác như Canada, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ… trong một thời gian dài (trước «đổi mới») Đoàn Kết là tờ báo «chùa» theo nghĩa đầy đủ nhất, các biên tập viên đều «làm báo chùa», ăn cơm nhà vác ngà voi – nhà đây xin hiểu là nhà nước (Đại Pháp) vì hầu hết chúng tôi đều là nhà giáo – báo thì gửi tới hội viên, ai ủng hộ thì tùy hỷ, còn bao nhiêu, quỹ hội bù lỗ. Nhờ sự tài trợ (dưới dạng quảng cáo) của mấy công ty, tờ báo không gặp vấn đề tài chính. Cho đến sau ngày đổi mới, các công ti bị khó khăn, nguồn tài trợ bị cắt dần, tờ báo bắt đầu nợ nhà in. Cũng may là với đường lối biên tập từ đầu thập niên 80, nhất là từ năm 1987 trở đi, Đoàn Kết được sự ủng hộ của bạn đọc. Cho nên sau hai năm chấn chỉnh, khi chúng tôi trả lại tờ báo cho Hội, các món nợ thời «bao cấp» đã được thanh lý, và chúng tôi «tay không» ra đi, nhưng «giàu» một kinh nghiệm: tiền mua dài hạn của bạn đọc là nguồn tài chính của tờ báo.
Trong lá thư gửi bạn đọc Đoàn Kết khi «chia tay», chúng tôi hẹn ra mắt số Diễn Đàn đầu tiên vào ngày 1 tháng 10 năm 1991, sẽ gửi báo biếu trong ba tháng, và kêu gọi bạn đọc mua báo dài hạn từ tháng 1-1992.
Vấn đề còn lại là tìm đâu ra tiền để in và gửi ba số báo đầu tiên. Chúng tôi gõ cửa mấy chục bạn đọc thân thiết nhất, từ hai bác Hoàng Xuân Hãn, anh chị Bùi Trọng Liễu, anh Lê Bá Đảng, anh Phạm Ngọc Tuấn (cũng là tác giả logo Diễn Đàn)…. Tôi không nhớ có bao nhiêu người đã ủng hộ và tổng số lên tới bao nhiêu. Chỉ nhớ, sau mấy tuần «vận động», anh thủ quỹ ra lệnh: Ngừng, đủ tiền cho ba số rồi.
Cuối năm 1991, một bất ngờ nữa: hầu hết bạn đọc đều đăng ký mua dài hạn từ số 1 (tháng mười 1991). Thế là số vốn ban đầu vẫn còn nguyên vẹn. Thủ quỹ đã có sáng kiến gửi quỹ đầu tư từ đầu năm 1992 đến nay, lãi suất còn đủ để năm 2006, ngừng báo in, xuất bản lên mạng, ngân quỹ của báo vẫn có thể trang trải tiền thuê «máy dịch vụ» (serveur, cả máy chính và máy phụ, phòng hờ bị tin tặc phá hoại).
Đó là chuyện bếp núc bên trong. Bề ngoài, Diễn Đàn có vẻ sung túc lắm. Một thời, trang 2 đăng một khung nhỏ: số báo này được lên khuôn tại…., với rượu…. Ba chấm đầu là một thành phố: Lyon, Genève, Caen, Toulouse…. Ba chấm sau là tên mấy chai rượu ngon. Đến mức có bạn đọc khó tính, viết thư phê bình khá nặng nề. Sự thực, ban biên tập (ít nhất là mấy mống chủ biên) tụ tập để lên khuôn 32 trang báo trong hai ngày thứ Bảy, Chủ nhật cuối tháng. Luân phiên làm ở nhà nhau vùng Paris chán rồi, thì gạ bạn bè ‘lục tỉnh’ mời xuống chơi ăn nhậu. Một dịp đi chơi, làm báo chùa, lại được nếm rượu ngon.
Câu hỏi «đầu tiên» mà chúng tôi đặt ra trong mấy tháng xuân hè 1991 đã được giải quyết như vừa kể trên. Nhưng người ngoài cuộc «quan tâm» tới tờ báo tất nhiên vẫn muốn biết Diễn Đàn lấy «tiền đâu» mà ra báo – tất nhiên, câu hỏi hàm ý: «ai» đứng sau lưng tờ báo?
Trước tiên là chủ nhà – tôi muốn nói cơ quan tình báo của chính quyền Pháp. Chỉ xin kể một sự việc nhỏ. Tôi có một con trai có năng khiếu về tin học. Trước khi trở thành kiện tướng về giải mã học và trí năng nhân tạo, ngay từ hồi còn học trung học (lớp première, tương đương với lớp 11 hệ thống Việt Nam), nó đã kết bạn với một số học sinh «hacker». Một cậu trong nhóm này đã trèo qua rào cản của mạng internet Bộ quốc phòng Pháp. Thế là nhân viên cơ quan DST được phái đi khám nhà của tất cả các học sinh trong nhóm. Trong trường hợp con tôi, câu hỏi «nóng hổi» được đặt ra: nó có đột nhập vào kho dữ liệu bí mật quốc phòng không, và nếu có, có chuyển cho bố nó không, rồi bố nó có chuyển cho… Hà Nội không? Chiều hôm ấy, mẹ cháu điện thoại cho tôi: khám phòng con, tất nhiên họ thấy ngay là không có gì, và chuyển sang câu hỏi, có lẽ là mục đích chính cuả cuộc khám xét: «Thế ông Giao, chồng cũ của bà, lấy tiền đâu để làm báo Diễn Đàn?».
Từ một phía khác, bên kia bờ Đại Tây Dương, câu hỏi «tiền đâu» nhường chỗ cho lời mời «tiền đây».
Như đã có dịp kể lại, sau khi Tâm Thư được công bố năm 1990, tôi có dịp được tiếp một số khách «không mời mà tới», đến từ Hoa Kỳ. Sang năm 1991, những cuộc gặp không còn mục đích «chiêu hồi» nữa, mà là dịp để làm quen, đôi khi kết bạn. Một hôm, anh Nguyễn Hữu Liêm, luật sư, điện thoại cho tôi, nói muốn đưa Đoàn Văn Toại, tới gặp để «bàn về dự định ra báo Diễn Đàn của các anh». Tôi bèn rủ anh Trần Hải Hạc, Tổng biên tập Đoàn Kết (thời gian 1985-91) và sẽ là Tổng biên tập Diễn Đàn (1991-1997), đến nhà ăn trưa để cùng tiếp.
Sau những câu hỏi xã giao làm quen, anh Đoàn Văn Toại đưa ra đề nghị: viện IDV của anh sẵn sàng ghi tên mua báo dài hạn với giá ủng hộ 4000 đôla/năm. Anh Hạc và tôi nhắc lại tính chất độc lập của Diễn Đàn, không nhận sự tài trợ của bất luận tổ chức, đoàn thể nào. Tất nhiên chúng tôi sẵn sàng ghi tên mua báo của anh với giá dành cho bạn đọc ở ngoài nước Pháp, có tính cước phí bưu điện – như sau này đã làm với những thư viện đại học Mỹ.
Khách đi rồi, tôi nhớ đã nói đùa với anh Hạc: «Mình từ chối, nhưng biết đâu tay này dám cứ khai khống là hàng năm giúp Diễn Đàn bốn năm nghìn đô».
Tôi tình cờ gặp lại Đoàn Văn Toại khi anh ta ghé qua Paris mùa hè năm 1997. Trước đó, có mấy thông tin liên quan tới sự quan tâm của an ninh Việt Nam đối với báo Diễn Đàn. Đầu tiên, để chuẩn bị ra tạp chí nghiên cứu Thời Đại mà các anh Trần Hải Hạc, Lê Văn Cường chủ trương, Diễn Đàn thông báo anh Hà Dương Tường sẽ làm Tổng biên tập Diễn Đàn, thay thế anh Trần Hải Hạc.
Điều bất ngờ là trong nhiều tháng, anh chị em Việt kiều ở Pháp về nước, thường được công an mời «làm việc» (hoặc ở đường Nguyễn Trãi, hay đường Nguyễn Du, hay quán cà phê Brodard). Một câu hỏi được nêu lên trong các cuộc gặp: «Bây giờ anh Trần Hải Hạc không làm Diễn Đàn nữa thì sinh kế ra sao?». Bạn đọc và người đời sau chắc không khỏi ngỡ ngàng: phải chăng biên tập viên Diễn Đàn được trả lương hàng tháng? mất chức Tổng biên tập giữa thời buổi thất nghiệp tràn lan ở Pháp, anh Hạc làm sao mà sống? Không lâu sau đó, một biên tập viên Diễn Đàn (viết bài dưới bút hiệu) về thăm nhà, được anh em trong nước cho đọc một bản «tin mật» của TTX Việt Nam dành cho cán bộ «trung cao»: Diễn Đàn được NED (xem chú thích (1) ở cuối bài) của CIA, thông qua IDV, tài trợ 4000 đôla/năm.
Nghe tin này, tôi nghĩ có thể kiểm chứng bằng cách tìm trong Congressional Record của Quốc hội Mỹ, hàng năm NED (tổ chức tư, nhưng ngân sách được Quốc hội Mỹ chuẩn y) phải báo cáo các khoản tài trợ. Nhưng biết tìm số nào ngày nào, mỗi ngày họ in mấy trăm trang khổ lớn chữ nhỏ («co» 8), biết nhờ ai ở Washington DC đến Thư viện đồi Capitol tìm kiếm? và để làm gì? Nghĩ tới những năm tháng Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-73) phải đánh vật với những tập Congressional Record để tìm ra những phát biểu và bài viết về Việt Nam, tôi còn thấy ớn.
Câu hỏi đáng tìm câu trả lời không ở đó, mà là: làm thế nào an ninh Việt Nam tìm ra «thông tin» đó – cái «thông tin» mà mấy năm trước, tôi «tiên tri» với anh Hạc, tưởng là đùa mà hóa ra thật?
Sau buổi tình cờ gặp anh Đoàn Văn Toại trong một buổi họp mặt, thấy anh còn lộ rõ hậu quả lệch múi giờ sau chuyến bay San Francisco – Paris, tôi chủ động đề nghị đưa anh về khách sạn của anh. Trên đường đi, chúng tôi trao đổi thông tin. Tôi hỏi anh: mấy năm qua, nghe nói anh thường về Việt Nam vì công việc trường đại học, nhưng gần đây, được tin anh bị trục xuất, thực hư thế nào? Anh Toại xác nhận tin này và cho biết : để gia hạn hợp đồng hợp tác giữa trường đại học tư mà anh làm Phó viện trưởng với Bộ giáo dục, anh gọi điện về Washington DC cho cô thư ký, lệnh cho cô ấy mail toàn bộ hồ sơ về Hà Nội cho anh. «Con nhỏ ngu quá, nó mail cả hồ sơ trường lẫn hồ sơ IDV cho tôi. Thế là Công an nắm được hồ sơ IDV, và sau đó tôi bị trục xuất».
Tôi không hỏi gì thêm. Câu hỏi «làm sao an ninh Việt Nam tìm ra «thông tin» về IDV» mà tôi đặt ra như vậy đã được trả lời. Không những thế, chắc các cán bộ mẫn cán của an ninh đã rất phấn khởi tìm ra bằng chứng giấy trắng mực đen là báo Diễn Đàn nhận tiền tài trợ của CIA!
*
Thấm thoắt đã ba mươi năm. Hai lần «mười lăm năm ấy, biết bao nhiêu tình». Nói tình thì không bao giờ hết, Nói tiền, nhất là «tiền đâu», thì ngắn gọn có vậy (2). Cũng là dịp để cảm ơn những người bạn thân thiết đã góp vốn đầu tiên để tờ báo này ra đời. Nhắc lại để các bạn còn sống nhớ lại những ngày đầu. Và để nhớ tới những người đã khuất, như hai bác Hoàng Xuân Hãn, anh Bùi Trọng Liễu, anh Lê Bá Đảng… và không quên những người trong ban biên tập: Bùi Mộng Hùng, Phạm Ngọc Tới, Phan Huy Đường.
N.N.G.
(1) Đoàn Văn Toại (1945-2017) : trước 1975, từng làm Phó chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn, nhưng không cùng khuynh hướng với Huỳnh Tấn Mẫm (Chủ tịch) mà tham gia liên minh những hội sinh viên Á châu chống cộng. Sau 1975, bị bắt giam 28 tháng, vì “bị nhầm với Ngô Vương Toại” (một thủ lãnh sinh viên chống Cộng, bị coi là người của CIA). Tháng 5-1978 được trả tự do và sang Pháp (vợ có quốc tịch Pháp). Đứng tên tác giả cuốn sách nổi tiếng “Le goulag vietnamien” (bản tiếng anh “The Vietnamese Gulag”). Sang Mỹ, thành lập “Ủy ban Tranh đấu cho Tù nhân Chính trị tại Việt nam”, tố cáo chính quyền cộng sản, rồi chủ trương hòa giải, thành lập IDV (Institute for Democracy in Vietnam / Viện vận động dân chủ cho Việt Nam) được tài trợ của cơ quan NED – National Endowment for Democracy, một tổ chức «tư nhân» do chính quyền Reagan chủ xướng, được tài trợ của chính quyền (khoảng 30 triệu USD/năm), nhằm « dân chủ hóa» các nước độc tài hay cộng sản. Năm 1989, Đoàn Văn Toại bị tố là «cộng sản trá hình», bị thương nặng trong một cuộc ám sát (có thể do Mặt trận Hoàng Cơ Minh chủ xướng). Sau khi bình phục, ông tiếp tục hoạt động IDV và mở trường đại học tư Bristol University, California, mà hoạt dộng chủ yếu là «cấp» bằng cho những quan chức (trong đó có cả Thủ tướng Hun Sen, Campuchia!).
(2) Bên cạnh cái tin “vịt cồ” là Diễn Đàn nhận tiền của CIA, có lẽ không cần nói tới cái tin “vịt con”: năm 1991, ban biên tập Đoàn Kết trao trả tờ báo cho Hội người Việt Nam tại Pháp cùng với tài khoản và sổ sách kế toán minh bạch (đã được một Phó chủ tịch ký “quitus” chứng nhận), thì một vị lãnh đạo Hội đã nói miệng với một vài hội viên là “họ lấy quỹ và máy móc của Đoàn Kết ra làm báo Diễn Đàn“. Báo hại ban biên tập Diễn Đàn phải trả lời ngắn gọn: tin “vịt con” từ đó cũng bặt luôn. Bạn đọc tò mò có thể đọc ở số 2 (tháng 11.1991) bài này: Bạn đọc và Diễn Đàn.