Hỗ trợ người lao động, và nghệ thuật ngôn từ

Vũ Kim Hạnh

Báo chí hôm nay đăng một thông tin quan trọng về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: giảm tiền điện cho doanh nghiệp đợt 5, tính ra tới 650 tỷ. Bên cạnh tin này, Tuổi Trẻ đăng tin một nhóm doanh nghiệp nhỏ đang đi lấy chữ ký làm bảng kiến nghị kêu cứu nhà nước hỗ trợ.

Tôi đã đọc thông cáo báo chí của văn phòng chính phủ từ hai hôm trước về việc giảm tiền điện và đã gọi điện chia vui, cùng nghe thêm phản hồi của doanh nghiệp. Nghe mức giảm tiền điện tới 650 tỷ cũng mừng khấp khởi thật chứ. Ngoài các doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và rau quả thì đợt này, Bộ Công Thương còn đề xuất và chính phủ duyệt hỗ trợ cho các nhà sản xuất.

Thì nghe ý kiến các doanh nghiệp sản xuất thế này. Chị đọc kỹ chưa. 3 điều kiện để được giảm 10% tiền điện của 3 tháng tới (tháng 9-10-11). A2, mà chị có theo dõi không, đề xuất của doanh nghiệp là giảm 30% đấy, nay duyệt có 10% thôi. Và các điều kiện là: (1) Phải có doanh thu năm 2020 đạt 1 tỷ USD trở lên; (2) Nhà máy nằm trong các thành phố trực thuộc TW; (3) Lại đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 nữa.

3 món cộng lại thì chẳng còn mấy ai… Doanh nghiệp mà doanh thu hơn 1 tỷ đô chắc họ không túng ngặt tiền điện. Mà nhà nước mới ra nghị định thi hành luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn ở đây lại giảm tiền điện chỉ cho DN doanh thu tỷ đô? Vậy là doanh nghiệp nhỏ như tụi tôi, chắc không xài điện?

Haizz. Nghĩ kỹ, như văn bản kêu cứu nói trên cho các doanh nghiệp nhỏ, thì 97,8% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, “bói” làm sao ra một ông có doanh thu hơn 1 tỷ USD/ năm? Lại phải nằm ở thành phố trực thuộc TW (5 TP trực thuộc TW là: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ), và lại phải đang giãn cách thực hiện chỉ thị 16. Vậy Hải Phòng không thuộc đối tượng này (không thực hiện CT 16).

Tính ra chỉ có những doanh nghiệp trong tỷ lệ 2,2% tổng số doanh nghiệp cả nước có doanh thu trên 1 tỷ USD của 4 thành phố còn lại. Có thể đó là những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Thôi thì ai được hỗ trợ cũng quý, người Việt mình hay nói, có còn hơn không, nhưng sẽ quý hơn nếu người nhận đang thật ngặt nghèo cần kíp? Cũng đúng như doanh nghiệp nói, DN có doanh thu hơn 1 tỷ đô, chắc đâu cần – thật cấp bách – chuyện hỗ trợ giảm tiền điện? Mà tính thế nào ra tới 650 tỷ, tiền nghe nhiều mà bay lơ lững ở đâu?

Lại có câu chuyện khác về một chính sách hỗ trợ cũng vừa có quyết định. Cơ quan đại diện quyền lợi công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động vừa có quyết định 3089 ngày 24/8 để hỗ trợ tiền ăn cho công đoàn viên và người lao động của các DN đang thực hiện “3 tại chỗ” (hỗ trợ mỗi người lao động 1 triệu đồng và một lần) tại địa bàn các tỉnh thành phố đang thưc hiện giãn cách TOÀN TỈNH, TOÀN THÀNH PHỐ theo chỉ thị 16. Mình đọc quyết định, vội gọi điện hỏi thăm và nghe ý kiến các doanh nghiệp hội viên đang thực hiện “3 tại chỗ”.

Thì lại nghe một doanh nghiệp đang tạm ngưng sản xuất hỏi (mà hỏi khó thiệt, quá khó): Theo chị, chỉ công nhân có đi làm theo “3 tại chỗ” là mới cần ăn, còn mấy người lao động đang tạm dừng SX, không được đi làm, phải ngồi không ở nhà, cả gia đình trông vào đồng lương họ mà mấy tháng nay chỉ hưởng lương cơ bản, rất hẻo, là không cần ăn? Vì giãn cách nghiêm ngặt, họ không xoay trở gì được, sao Tổng liên đoàn không nghĩ đến giúp họ tiền ăn, dù chỉ giúp một chút, để họ thoi thóp chờ ngày phục hồi sản xuất? Và sao mà phải DN nằm trong khu vực giãn cách TOÀN TỈNH-TP mới được, chứ giãn cách thật sự mà trong quận, trong phường là không phải giãn cách, không cần hỗ trợ?

Hỏi chi khó vậy trời! Mà đọc lại, thấy ra chính sách hỗ trợ nào thì các điều kiện hỗ trợ cứ leo thang cộng cộng (++) vô thêm, các doanh nghiệp càng kể ra để hỏi, tôi càng thấy nghẹn! Và rồi tôi lại tự hỏi, những câu hỏi này, chắc hàng ngày các ông bà đại diện cho người lao động ở Liên đoàn lao động các cấp vẫn luôn tự hỏi và thảo luận với nhau chứ nhỉ? Ví dụ như, có cách gì, chạy vạy đâu đó kiếm ra khoản nào đó, đúng chính sách, có thể vận dụng mà giúp lực lượng lao động của mình tạm sống qua ngày, chờ quay lại nhà máy? Và chuyện đầu tiên là cất bớt cái thang mà các điều kiện hỗ trợ cứ tựa vô đó mà leo lên, được không?

Giật mình, tôi nhớ tới con số mà báo chí vừa đăng: tổng kết dư quỹ của Tổng liên đoàn lao động hiện tới 29.000 tỷ đồng. Có thể tôi không theo sát việc chi thu sẽ thay đổi con số này nhưng thay đổi chắc không lớn vì số công bố khá mới. Và có lẽ, quyết định hỗ trợ chỉ 1 triệu đồng cho mỗi công nhân, chỉ một lần, sau mấy tháng giãn cách cũng tốt nhưng vẫn có thể hỗ trợ thêm?

Mong sao công đoàn cơ sở ngồi nghe các doanh nghiệp nói có thể giúp gì được họ thêm: ví dụ miễn đóng phí công đoàn cho đến hết năm nay với các DN trong vùng giãn cách theo CT 16 và dừng thu phí công đoàn từ nay đến hết tháng 6.2022 cho tất cả doanh nghiệp? Chà, cụ thể thì mời các vị cùng ngồi tính, nhưng tôi tin, doanh nghiệp lúc này, phải chiến đấu quyết liệt tới cùng giữ cho công nhân không thành F0, đã ngày càng thấm thía: con người, công nhân lao động là tài sản quý nhất của doanh nghiệp, không chăm sóc bảo vệ kịp thời thì khi kinh tế cần hồi phục lấy đâu ra nguồn tài sản quý nhất ấy. Lúc đó có khi tiền thì còn mà người lao động bao năm giỏi nghề đã tản lạc tứ phương kiếm sống đắp đổi?

Có lần tôi nghe doanh nghiệp về chuyện nhận đi xin hỗ trợ và tôi thật sự ấn tượng: Số đợt hỗ trợ không nhiều, tiền hỗ trợ thường nhỏ giọt mà điều kiện hỗ trợ thì cứ tuôn ra ào ào; nghệ thuật ngôn từ cứ là đỉnh cao, mà nghề gài mìn, rào kẽm gai cực khéo, lãnh đạo làm sao lường hết, chỉ nhích một dấu phẩy, chỉ thay một chữ HAY với chữ VÀ thì từ một ly đã đi một dặm.

Đó là chuyện hồi xưa. Lần này phải khác chứ nhỉ?

V.K.H.

Nguồn: FB Vu Kim Hanh

This entry was posted in Chính sách chống đại dịch, kinh tế. Bookmark the permalink.