Ngô Huy Cường
PHIM ẢNH LÀ MỘT PHƯƠNG THỨC “XÂM LƯỢC” MỀM
1. Có nhiều loại virus
Ngay trước giờ đến Hà Nội của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, đại sứ Trung Quốc Hùng Ba đã đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp với lý do tặng Việt Nam 2 triệu liều vaccine Verocell của Trung Quốc để chống lại virus corona đến từ Vũ Hán. Sự kiện này làm nẩy sinh nhiều vấn đề, trong đó có sự nhắc nhở, rằng cùng lúc Việt Nam bị xâm hại từ nhiều loại virus, chứ không chỉ riêng từ virus corona.
2. Việt Nam có thừa kênh truyền hình?
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại Việt Nam có 133 kênh truyền hình trung ương và cấp tỉnh (không tính cấp huyện) được nuôi dưỡng bằng nguồn kinh phí nhà nước. Trong đó (không tính 1 kênh nhưng được duy trì ở 2 kênh – thường và HD):
VTV – 17, VTC – 15, Các cơ quan trung ương – 6, các tỉnh thành – 95.Đó là chưa tính 71 kênh trả tiền của: VTVcab (26), SCTV (27), HTVC (9), HanoiCab (5), K+ (4). Và cũng chưa tính đến 18 kênh của AVG cộng tác với các đài truyền hình khác.
Mỗi tỉnh thành có ít nhất là 1 kênh. Có những tỉnh thành có rất nhiều kênh. Chẳng hạn Bình Dương – 9, TP.HCM – 7, Vĩnh Long – 4, Đồng Nai – 4 (https://vi.wikipedia.org/…/Danh_s%C3%A1ch_k%C3%AAnh…).
Theo báo Thanhnien.vn thì Việt Nam là quốc gia có nhiều đài truyền hình nhất thế giới
(https://thanhnien.vn/…/viet-nam-co-nhieu-dai-truyen…). Không thể không nghĩ đến đổi mới hệ thống truyền hình Việt Nam.3. “bội thực” vì phim Trung Quốc
Trừ các kênh truyền hình chuyên ngành tương tự như thể thao, còn lại tuyệt đại đa số các kênh truyền hình của Việt Nam đều chiếu phim Trung Quốc. Ngày nào cũng có phim Trung Quốc. Không kênh này thì kênh kia. Không thể thống kê cụ thể. Nhưng với hơn hai trăm kênh truyền hình nêu trên, ước tính hàng ngày có trên 50 kênh truyền hình của Việt Nam chiếu phim Trung Quốc. Có thể còn nhiều hơn nữa.
Có truyền hình nước nào trên thế giới chiếu phim Trung Quốc nhiều như Việt Nam?
Khán giả Việt Nam đang bội thực vì phim Trung Quốc.
4. Phim ảnh là một phương thức “xâm lược” mềm
Không tẩy chay bất kỳ ai. Nhưng có nhiều nước trên thế giới có phim, sao cứ mãi toàn chiếu phim Trung Quốc?
Nếu không có tiền mua phim thì chiếu phim Việt Nam hoặc thay bằng chương trình khác, hoặc cắt bớt chương trình, hoặc không phát. Thấy phim cho không mà chiếu cũng không khác gì tiếc rẻ mà uống thuốc kháng sinh thừa.
Phim ảnh là một phương thức “xâm lược”. Trong phim ảnh có rất nhiều virus độc. Cho không cũng không chiếu. Vì bị “xâm lược”. Vì bị “ngộ độc”. “Xâm lược” và “ngộ độc” từ thơ bé cho đến già. “Xâm lược” và “ngộ độc” từ lúc nào không hay biết.
Đó là chưa nói đến những tiểu xảo cài cắm đường lưỡi bò và chủ quyền biển đảo như trong các phim Everest – Người tuyết bé nhỏ hay Điệp vụ đỏ (
https://tuoitre.vn/nhung-lan-trung-quoc-dua-duong-luoi-bo…).
Các kênh truyền hình địa phương hãy nghĩ lại tình trạng đua nhau chiếu phim không mất tiền từ Trung Quốc. Bị “xâm lược” đã khó chống cự. Nhưng tự mình vô tình rước sự “xâm lược” thì còn khó cứu chữa hơn.
5. Không để bị áp đảo
Tự bỏ tiền ra làm truyền hình thì không dám bàn. Nhưng truyền hình được cấp từ kinh phí nhà nước là chuyện của toàn dân. Truyền hình trung ương là của quốc gia. Trên truyền hình trung ương không nên để cho phim của một quốc gia nào thống soái, áp đảo – ngoài nước chủ nhà.
Lãnh đạo khác với người bị lãnh đạo ở tầm nhìn xa. Không thể không có những biện pháp thích hợp để thay đổi.
Từ khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, ông Lê Ngọc Quang đã làm thay đổi “tư tưởng” của nhà đài (thể hiện qua VTV1 theo quan sát của tôi).
Hiện nay, ông không xếp thứ tự đưa tin theo thứ tự vinh dự của lãnh đạo Đảng và Nhà nước nữa, mà lại xếp thứ tự đưa tin theo tầm quan trọng của sự kiện, cho nên đôi khi đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư sau khi đưa tin về hoạt động của Chủ tịch nước…
Tôi nghĩ sự thay đổi này có nhiều điểm hợp lý. Nhưng tiêu chí nào để đánh giá sự kiện này quan trọng hơn sự kiện kia để ưu tiên đưa tin trước?
Suốt mấy tháng nay, VTV1 đều chiếu phim của Trung Quốc về văn hóa Trung Hoa vào đầu buổi chiều hàng ngày: phim “Nàng công chúa không ngủ” vừa dứt, lại chiếu tiếp ngay phim “Chuyện chàng thi sĩ”.
Tôi cho rằng mọi người xem truyền hình để theo dõi tin tức thời sự trong và ngoài nước, cũng như thu nạp thêm những tri thức cần thiết, và giải trí.
Vậy không lẽ Đài truyền hình Việt Nam chỉ có ý định làm phong phú thêm kiến thức của người dân Việt Nam về văn hóa Trung Hoa?
Và không lẽ Đài Truyền hình Việt Nam chỉ nhìn thấy ở Việt Nam toàn những người ưa giải trí bằng cái thứ văn hóa Trung Hoa?
Có thể Đài Truyền hình Việt Nam đưa ra lý do không có kinh phí để mua phim của những nước khác, nên dùng những phim rẻ tiền được Trung Quốc cho không để công chiếu? Vậy thì một năm nhà đài thu bao nhiêu tiền quảng cáo? Ngân sách từ thuế của dân được chi tiêu như thế nào cho phát triển dân trí?
Nhiều người đã xa lánh Đài Truyền hình Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ: dù ai đó có xa lánh thì cũng nên quan tâm tới hoạt động của nhà đài vì dân của chúng ta còn quá nhiều người vẫn đang xem truyền hình, nên không thể không góp ý cho nhà đài vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Trước kia có lần tôi góp ý cho Đài Truyền hình Việt Nam về việc mời người được phỏng vấn liên quan tới quan hệ quốc tế là phải mời người có hiểu biết thật sự. Nhà đài đã thay đổi, mời diện rộng hơn. Nhưng nay nhà đài lại khu trú lại dường như trong chỉ một vị giáo sư mà trước kia vị này không làm chúng ta thỏa mãn vì ở ông ta không có hiểu biết sâu sắc hơn bất cứ anh nhà báo nào cùng chuyên môn.
Tuy nhiên vị này gần đây cũng đã tiến bộ hơn rất nhiều. Lẽ thường khi người ta bị tước đi chức vụ quản lý nào đấy và không còn cơ hội tranh giành chức quyền nữa là bắt đầu kiến thức đã được học và tinh thần say mê nghiên cứu của họ hồi tỉnh lại. Nhưng vấn đề đặt ra là vị này và Tổng Giám đốc có mối liên hệ gì liên quan tới cơ sở đào tạo không?
Mỗi người có thể có ý thích riêng!
Trước kia ông Trần Bình Minh ít khi được ống kính của Đài Truyền hình Việt Nam lướt qua khi tham dự các phiên họp của Chính phủ.
Nhưng nay Tổng Giám đốc Quang rất vinh dự được ống kính của VTV1 lướt qua trong mỗi phiên họp, thậm chí đến 3 hoặc 4 lần trong một phiên họp, dù ông không ngồi ở hàng ghế bộ trưởng.
Đúng là sướng thật, làm nghề nào ăn nghề ấy!
N.H.C.
Nguồn: FB Cuong Huy Ngo