ĐỪNG LÀM THAY VIỆC CỦA THỊ TRƯỜNG
Dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp, bất thường, đã làm phát sinh vô số vấn đề chưa có tiền lệ. Do đó việc đối phó gặp lúng túng, phải thay đổi nhiều cũng là điều cần phải chấp nhận, thông cảm và chia sẻ với chính quyền, từ trung ương đến cơ sở.
Có hai vấn đề lớn là dịch vụ y tế, nhất là khám chữa bệnh và dịch vụ đảm bảo dân sinh. Dịch vụ y tế quá tải là điều tất nhiên, buộc phải chấp nhận, để khắc phục dần. Bởi vì khi nhu cầu khám chữa bệnh tăng lên hàng chục lần, mà cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực cố gắng lắm cũng chỉ tăng cục bộ cho một địa phương nào đó lên gấp đôi, gấp ba thì cũng chưa đáp ứng được. Có vẻ như về các dịch vụ y tế, ngành Y và chính quyền các cấp đã nhìn thấu vấn đề và đang tháo gỡ dần một cách đúng hướng. Sự bất cập là do quá tải, lực bất tòng tâm, chứ không phải vì sai đường, hoặc vòng vo, luẩn quẩn.
Trong lúc đó, việc đảm bảo các nhu cầu dân sinh, nhất là về lương thực, thực phẩm, các nhu cầu thiết yếu thì rõ ràng đã bộc lộ quá nhiều vấn đề, lúng túng, luẩn quẩn, hiệu quả kém.
Nói thẳng đây là lỗi của chính quyền các cấp. Trong dịch bệnh nhu cầu về dịch vụ y tế tăng, nhưng nhu cầu về cuộc sống hàng ngày chắc chắn không tăng, thậm chí giảm. Vậy thì tại sao lại không đáp ứng được? Tại các giải pháp đưa ra không hợp lý. Giải pháp không hợp lý vì nó dựa trên cách tiếp cận sai từ phương pháp luận.
Lâu nay việc đáp ứng nhu cầu dân sinh là do thị trường đảm nhiệm. Về lương thực, thực phẩm, gas, xăng dầu… đã hình thành một hệ thống chợ, siêu thị và các cửa hàng. Khi dịch bệnh phát sinh, thị trường đã tự điều chỉnh theo hướng tăng dần dịch vụ online, vừa giảm đi lại, vừa giảm tiếp xúc trực tiếp. Các đội quân shipper, grap, với sự trợ giúp của công nghệ đang dần trở thành lực lượng tinh nhuệ, thiết yếu, nhất là ở các đô thị.
Lẽ ra, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần giãn cách xã hội hoặc cách ly, chính quyền phải tìm cách để cho hệ thống thị trường đó hoạt động mà vẫn đảm bảo các yêu cầu phòng dịch, ví dụ như 5K. Thế nhưng, nguyên tắc thị trường đã bị vi phạm. Các nguồn cung ứng không đến được chợ, siêu thị. Đến lượt nó, chợ bị cấm còn siêu thị không được trực tiếp bán cho dân, kể cả online. Các giải pháp công nghệ đã hình thành, giúp kết nối giữa cửa hàng với khách hàng cũng không được trọng dụng nữa. Đội ngũ shipper chuyên nghiệp bị đặt ra ngoài vòng chiến đấu.
Dường như chính quyền muốn thay thị trường để cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho dân. Chính quyền định thay thị trường bằng cách nào? Phải chăng bằng khẩu hiệu “Cả hệ thống chính trị vào cuộc”? Thế nên, thoạt đầu là cán bộ, công chức các phường, xã đi chợ hộ cho dân. Sau đó thay bằng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Có người ví lúc này Chủ tịch MTTQ chẳng khác gì “trưởng ban quản lý chợ đầu mối”. Sân Ủy ban phường chất đầy rau củ quả để phân phối về các khối xóm. Shipper chuyên nghiệp được thay thế bằng “shipper áo xanh” và những đội quân tình nguyện khác.
Các ông bà tổ trưởng dân phố đa phần là người cao tuổi, sức khỏe yếu, kỹ năng công nghệ kém được phương án của thành phố xác định là đầu mối chính để tiếp nhận, tổng hợp và chuyển thông tin lên khối. Khối tôi ở có 15 tổ. Nếu trước đây 2 cửa hàng Vinmart và Thực phẩm sạch, với khoảng 4 shiper có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu của các gia đình, với cách đặt hàng qua zalo, thanh toán qua điện thoại, không có tiếp xúc trực tiếp, thì nay, nếu theo đúng phương án của thành phố, phải có 15 ông bà tổ trưởng và nhiều shipper nghiệp dư mới đáp ứng được. Số người ra đường và số tiếp xúc không những không giảm, mà ngược lại tăng ít nhất 5 lần. Rõ ràng không những mục tiêu giảm số người ra đường và giảm tiếp xúc trực tiếp của giãn cách xã hội không đạt được, thậm chí ngược, mà chất lượng, hiệu quả, tốc độ của phương án dịch vụ này cũng không ổn. Chỉ thấy trên TV, trên báo chí là rộn ràng với rất nhiều ảnh đẹp về chuyện đi chợ hộ. Những bức ảnh đẹp như chính… thành tích của chúng ta vậy!
Một vài ngày nữa thôi, đợt giãn cách 16+ này cũng sẽ hết, nhưng dịch thì chưa hết, và không ai dám nói sẽ không có đợt giãn cách khác. Vậy nên, mấy ngày tới đây chính quyền hãy lắng nghe người dân, lắng nghe các bà nội trợ, lắng nghe các bà tiểu thương, các chị siêu thị, các chú shipper, để vận hành thị trường một cách tốt hơn, chứ không phải là cấm đoán hay làm thay thị trường.
Rút kinh nghiệm từ những lúng túng vừa qua, chính quyền hãy nghe các doanh nhân hiến kế, để hàng hóa vẫn về đến cửa hàng, đến chợ. Từ chợ, từ cửa hàng hàng vẫn đến được với dân trong điều kiện có dịch hoặc giãn cách xã hội. Hãy đứng ngoài mà quan sát, mà nhận xét để tổ chức thị trường tốt hơn trong điều kiện dịch bệnh.
“Cả hệ thống chính trị vào cuộc” không phải là đưa cán bộ công chức, bộ đội, hay hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên đi chợ hộ cho dân. Càng không phải biến chủ tịch MTTQ thành “trưởng ban quản lý chợ đầu mối”.
Trong ngữ cảnh cụ thể này, đứng ngoài một cách tỉnh táo và thông minh để tổ chức thị trường vận hành thông suốt, mới chính là… vào cuộc!
P.X.C.
Tại tâm dịch Covid ở TP.HCM – thủ phủ kinh tế của Việt Nam, một diễn biến gây nhiều chú ý hôm qua, 28/08/2021. Sở Công Thương thành phố yêu cầu cho 25.000 shipper trở lại vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân.
Chủ trương bộ đội “đi chợ” cho dân Sài Gòn trong thời gian siết chặt phong tỏa thất bại, sau vài ngày đầu thực hiện. Trong ảnh, cảnh bộ đội trao thực phẩm cho dân, TP Hồ Chí Minh, ngày 24/08/2021. REUTERS – STRINGER
Theo nhiều nhà quan sát, việc chính quyền đưa ra đề xuất nói trên cho thấy chính quyền đã thừa nhận chính sách đưa quân đội đảm nhận việc cung ứng thực phẩm cho toàn bộ dân cư thành phố, cùng với chính quyền cơ sở, là một thất bại.
Ngay từ khi chính quyền ấn định kế hoạch bộ đội cung cấp thực phẩm cho hơn 10 triệu dân thành phố, bắt đầu thực hiện từ ngày đầu đợt siết chặt phong tỏa 23/08, nhiều chuyên gia, nhà hoạt động xã hội đã lên tiếng cảnh báo về thất bại được báo trước.
Từ Sài Gòn, giáo sư Hoàng Dũng nhận định với RFI Tiếng Việt về vấn đề này:
«Từ sự kiện này, có hai cách đánh giá khác nhau. Một cách nhìn có vẻ tươi sáng, là khen ông Nhà nước uyển chuyển, biết sửa lại các quyết định của mình sao cho phù hợp với thực tiễn hơn. Nhưng mặt khác, người ta cũng thấy điều mà Nhà nước không thấy. Đó là những người ở vị trí quyết định đã vội vàng đưa ra những chủ trương mà ngay từ đầu đã thấy sai lầm. Cụ thể là cấm hoàn toàn shipper trong một số quận. Còn một số quận còn lại vẫn cho hoạt động, nhưng trong phạm vi của một quận thôi. Việc giải quyết hàng hóa cho hơn 10 triệu dân, họ trông cậy hoàn toàn vào bộ đội. Khi Sở Công Thương đề nghị cho 25.000 shipper hoạt động trở lại, điều đó có nghĩa là công khai thừa nhận mô hình cung cấp thực phẩm trước đây là hoàn toàn thất bại. Thất bại có thể biết trước được. Với một thành phố hơn 10 triệu dân, để đưa được đồ ăn thức uống đến cho dân, thì phải một lực lượng ước chừng 50 ngàn người. Không thể điều 50 ngàn lính làm việc đó được. Số lượng đó là quá lớn. Riêng việc đó đã đủ thất bại! … Còn về việc di chuyển, các shipper khi cần ngay lập tức có thể tới ngay, còn với những người không chuyên nghiệp, đó là chuyện không dễ. Thêm một điểm khác, là shipper họ thường quen với hàng hóa…».
– Ông nhìn nhận ra sao về việc các hoạt động của thị trường, của xã hội dân sự gặp khó khăn trong giai đoạn đại dịch?
GS Hoàng Dũng: «Có thể nói các tổ chức dân sự đi làm từ thiện này kia, ở Việt Nam có những khó khăn đặc biệt, mà nhiều xã hội khác không có. Đằng sau sự khó khăn đó, chính là sự sợ hãi của Nhà nước, sự ngờ vực của Nhà nước đối với các tổ chức như vậy. Người ta sợ các tổ chức mà Nhà nước không nắm được. Nhìn chung trong xã hội toàn trị, lo lắng đó là rất dễ hiểu, rất đúng quy luật điều hành của một xã hội toàn trị. Nhưng đại dịch Covid-19 đang diễn ra hiện nay, nó bộc lộ hết tất cả những điểm mà trước đây người ta đã thấy, nhưng bây giờ thấy sâu sắc hơn. Đó là xã hội dân sự là yếu tố cấu thành của xã hội hiện đại, không thể nào gạt bỏ ra được bằng mệnh lệnh hành chính. Cấm cản nó, gạt bỏ nó, xã hội sẽ chịu hậu quả. Cuối cùng, Nhà nước phải gánh hậu quả đó. Người dân phải gánh đã đành, nhưng Nhà nước cũng phải gánh.
Trước khi phong tỏa theo Chỉ thị 16, các tổ chức từ thiện trợ giúp thực phẩm cho người nghèo vẫn hoạt động được. Người ta nấu cơm, có nơi ngày nấu đến 2.000 phần cơm. Có lực lượng đem đến cho người dân bị đói. Nhưng sau đó, có lệnh là mỗi nơi chỉ được 2 người tham gia phục vụ. Như vậy trên thực tế là cấm họ. Vì chỉ 2 người làm thì làm sao tổ chức nấu ăn được nữa? Tôi thấy những đoạn video cho thấy người đói – tại những chỗ tặng cơm đó bị buộc phải đóng cửa – phải quỳ xuống đưa tay vào nhận một phần cơm. Vì sao? Vì cũng phải nhận giấu diếm, vì sợ Nhà nước biết. Đến bây giờ, tình hình có thay đổi rồi, tức là bắt đầu mở rộng, cho phép rồi.
Tất cả những điều đó cho thấy sự lúng túng, hoàn toàn không có chủ trương ngay từ đầu, với ảo tưởng là một mình Nhà nước có thể giải quyết tất cả.
Thực tế là khi người dân đóng thuế, thì chính quyền phải trên cơ sở đó lo cho dân. Còn đối với người dân, Nhà nước cần phải để cho họ giúp nhau, đừng cấm cản họ. Trong khi đó, Nhà nước thoạt tiên cấm, nhưng cấm không được, sau đó phải mở, mở he hé. Hiện nay, 25.000 shipper được hoạt động, nhưng lại với điều kiện phải xét nghiệm hàng ngày, mỗi lần xét nghiệm tốn hơn 200 ngàn. Họ phải bỏ tiền túi ra? Hoặc nơi thuê họ phải bỏ tiền ra để shipper được xét nghiệm? Cuối cùng thì giá cả hàng hóa tăng lên (do có thêm chi phí xét nghiệm), người dùng phải chịu. Mà điều này phi khoa học, vì chính Nhà nước đã nói rằng mỗi lần xét nghiệm có hiệu lực trong ba ngày. Vậy tại sao hàng ngày phải xét nghiệm?
Cho nên việc 25.000 shipper được hoạt động trở lại là một bước tiến, nhưng đồng thời đầu này mở, đầu kia có hơi thắt lại chút. Nếu có một chứng cứ khoa học buộc phải xét nghiệm là một chuyện, nhưng đây không phải là như vậy. Tóm lại, đó là do họ sợ hãi những lực lượng không phải là Nhà nước.
Thực tiễn đã bắt phải thay đổi. Không thì phải trả giá bằng người chết, bằng oán thán. Người dân đói thì họ nổi loạn. Tất cả những cái đó đẩy anh vào thế không chấp nhận không được. Có điều là khi anh đã không có cái nhìn nhận đúng đắn, anh đưa ra những sai lầm, rồi sau đó lại sửa chữa, thì phải trả giá. Mà trả giá, thực ra là người dân trả giá. Còn Nhà nước chỉ trả giá bằng cái uy tín bị sứt mẻ.
Thành ra là, nếu đi tìm cái may mắn trong tai họa, thì trận dịch này đã bộc lộ tất cả những khuyết điểm của cách quản lý xã hội từ trước đến nay».
Bộ trưởng Y tế: Số tử vong Sài Gòn giảm dần
Trong hai ngày 28 và 29/08, Bộ Y tế ghi nhận 344 ca tử vong trên toàn quốc; số người chết cao nhất là tại TP. Hồ Chí Minh (256), tiếp theo là tỉnh Bình Dương (31). Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm nay, bệnh nhân Covid-19 tử vong ở TP. HCM trong những ngày gần đây có xu hướng giảm, so với đỉnh điểm vào tuần thứ 2 và thứ 3 tháng 8/2021.
Hà Nội: Xét nghiệm 200 nghìn ca để chọn phương án phong tỏa
Chính quyền Hà Nội hôm qua, 28/08, thông báo sẽ xét nghiệm đợt cao điểm từ 27/08 đến 04/09, với tổng số 200 nghìn mẫu, và dựa trên kết quả này thành phố sẽ lựa chọn 1 trong 2 kịch bản sau ngày 06/09: phong toả các quận nguy cơ cao hoặc phong tỏa toàn thành phố, giống như Sài Gòn đang làm, với đợt siết chặt phong tỏa từ ngày 23/08.
T.T.
Nguồn: https://www.rfi.fr/vi/việt-nam/20210829-mo-hinh-quan-doi-di-cho-cho-dan-sai-gon-that-bại