Doanh nghiệp khốn đốn trong mùa dịch và cách giải cứu nào hiệu quả?

Diễm Thi

Doanh nghiệp khốn đốn trong mùa dịch và cách giải cứu nào hiệu quả?

Một người ngồi bên ngoài một quán cà phê đóng cửa do đại dịch COVID-19 bùng phát ở Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2021.

Doanh nghiệp không ‘mơ’ được cứu trợ

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, gần 60.000 doanh nghiệp trên cả nước đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể chỉ trong năm tháng đầu năm 2021. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng ngưng hoạt động nhiều nhất với hơn 90%, quy mô 10-20 tỷ là 5%, và doanh nghiệp quy mô 50-100 tỷ đồng là gần 1%. Lần bùng phát dịch này còn khiến hàng trăm doanh nghiệp lớn có quy mô trên 100 tỷ đồng cũng phải tạm ngừng kinh doanh, tăng hơn 44% so với năm 2020.

Truyền thông Nhà nước dẫn lời ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận xét rằng, nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có nguyên nhân rất lớn đến từ đại dịch COVID-19. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì số doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ông Hiếu kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp như tạm hoãn, chậm nộp thuế. Ngoài ra, Chính phủ cần phải chủ động xây dựng các gói hỗ trợ một cách bài bản.

Bà Thái Châu, chủ một doanh nghiệp thầu bữa trưa cho một số trường học ở Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp của bà không được nhận một đồng nào từ gói cứu trợ mùa dịch năm ngoái, dù doanh thu bà giảm rất nhiều do học sinh học ở nhà, nên năm nay có cứu trợ hay không bà không quan tâm nữa. Bà nói:

Họ xét kỹ lắm, không tới tay mình đâu. Mình không biết nó hỗ trợ cho đối tượng nào. Mình thấp cỏ bé họng thì làm sao mà biết chỗ nào để nộp. Con nhỏ kế toán của tôi rất giỏi mà nó không lấy được đồng bạc nào hết, dễ gì ăn được tiền của nhà nước.

Nhà nước có hỗ trợ bằng cách Tổng cục thuế cho doanh nghiệp được nộp chậm tiền thuế hàng tháng, được gia hạn đến tháng chín, tức là họ cho nộp tiền thuế. Còn tiền cứu trợ thì không phải doanh nghiệp nộp form rằng bây giờ mất thu nhập muốn xin tiền là được. Phải chi tiền huê hồng cho luật sư mà cũng không dễ, còn phải bổ sung đủ thứ giấy tờ mà họ đòi toàn những giấy tờ trên trời dưới đất mình không có.”

Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng kinh tế lên toàn cầu. Nhiều tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh năm nay sẽ còn gian nan khi đại dịch lại bùng phát tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ông Võ Minh Đức, chủ một doanh nghiệp vận tải nhỏ ở Sài Gòn nhận xét rằng, để nhận được tiền từ những gói cứu trợ thì ‘trần ai khoai củ’ nếu không có những mối quan hệ ‘tế nhị’. Ông nói thêm:

“Mặc dù chủ trương, chính sách của Nhà nước là có những gói cứu trợ để giúp những doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, nhưng thực tế các thủ tục rồi các tác động khác trong việc xin được hưởng gói cứu trợ thì nó muôn vàn khó khăn từ cơ sở.

Nếu chủ doanh nghiệp có mối quan hệ hạn chế cộng thêm những lý do họ đòi hỏi để đạt tiêu chuẩn được cứu trợ mà chính phủ đưa ra thì rất khó để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn, cho nên khó mà rờ được tới những gói cứu trợ.”

Ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Chiến lược Ngân hàng cho rằng, doanh nghiệp không mong Chính phủ cho tiền mà mong Chính phủ cải cách thể chế kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo Ban Kinh tế Trung ương, thể chế kinh tế gồm thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất kinh doanh; thể chế bảo đảm đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển và bảo vệ môi trường.

Làm sao để cứu doanh nghiệp?

Để cứu doanh nghiệp nhỏ, vừa hay lớn thì điều trước hết là Chính phủ phải có tiền. Chính phủ Thái Lan mới đây đã phê chuẩn một gói kích cầu kinh tế trị giá 140 tỷ Baht, tương đương 4,5 tỷ USD, để giảm nhẹ tác động từ đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất ở nước này từ trước đến nay.

Theo tin từ Bloomberg, kế hoạch này bao gồm 93 tỷ Baht hỗ trợ mua sắm cho 31 triệu người; hơn 16 tỷ phát tiền trực tiếp cho người dân có thẻ phúc lợi; 3 tỷ phát trực tiếp cho những người tàn tật; và 28 tỷ được áp dụng theo phương pháp hoàn tiền cho những người thuộc tầng lớp thu nhập cao bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam hôm 24 tháng 5, 2021 – chính thức kêu gọi người dân cũng như các tổ chức trong và ngoài nước đóng góp để Chính phủ mua vaccine phòng COVID-19 tiêm chủng cho toàn dân.

Bộ Tài chính ước cần khoảng 25.200 tỷ đồng. Ngân sách trung ương dự kiến phải chi khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.

Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, Nhà nước không có tiền thì không thể giúp gì được cho doanh nghiệp, nhất là trong lúc này, khi ngân sách bị hao hụt nhiều do các doanh nghiệp làm ăn lỗ lã không đóng thuế. Chính phủ nên dựa vào vốn các ngân hàng tư nhân bằng cách thành lập Tổ hợp tín dụng. Ông nói:

“Phải công bằng mà nói thì Nhà nước không phải họ bỏ mặc các doanh nghiệp nhưng họ không giúp được nhiều.

Từ năm ngoái tôi đã đề nghị Chính phủ phải thành lập Tổ hợp tín dụng, tên tiếng Anh là loan syndication. Tôi đã làm việc với các ngân hàng ở bên Mỹ, khi nào họ cũng có tổ hợp tín dụng này và dùng tiền trong này để cho vay. Tôi đã nhiều lần đề nghị với Ngân hàng Nhà nước đề nghị thành lập Tổ hợp tín dụng, yêu cầu tất cả các ngân hàng hoạt động ở Việt Nam phải tham gia vào tổ hợp này để số tiền lên đến khoảng 300 ngàn tỷ.

Chỉ có phương pháp yêu cầu tất cả các ngân hàng cùng tham gia rồi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát việc sử dụng số tiền đó để có thể đến tay các doanh nghiệp đang bị tác động bởi dịch bệnh. Tôi đưa đề xuất như vậy nhưng không thấy các cơ quan quản lý họ đề cập đến.”

Theo Luật về các tổ chức tín dụng năm 2010, Tổ chức tín dụng là tổ chức kinh tế kinh doanh tiền tệ, dịch vụ ngân hàng với nội dung nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán. Căn cứ vào phạm vi thực hiện nghiệp vụ kinh doanh, tổ chức tín dụng được phân chia làm hai loại: tổ chức tín dụng là ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Căn cứ vào hình thức sở hữu, tổ chức tín dụng được chia thành các loại sau: tổ chức tín dụng nhà nước, tổ chức tín dụng cổ phần, tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài.

D.T.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in Doanh nghiệp mùa covid-19. Bookmark the permalink.