Nguyễn Văn Tuấn
Quốc hội nói rằng họ sẽ ‘phấn đấu’ để có 25-50 người ngoài đảng là đại biểu [1]. Có thể nói rằng đây là một chủ trương mang màu sắc – nói theo tiếng Anh là – tokenism, và tôi tạm dịch là ‘chủ nghĩa phên dậu’.
Chủ nghĩa phên dậu
Tokenism là gì? Chữ này có nguồn gốc từ chữ ‘token’, có nghĩa là chiếu lệ, hình thức. Về nghĩa bóng, có thể xem token như là cái phên, một loại vải hay tre nứa ở dưới quê được dùng vừa để chắn gió mưa vừa làm đẹp căn nhà. Do đó, tôi nghĩ chữ ‘tokenism’ có thể dịch sang tiếng Việt là ‘Chủ nghĩa phên dậu’. Có thể ‘chủ nghĩa’ sang quá, thì hạ xuống thành ‘chủ trương’ cũng được: chủ trương phên dậu.
Chủ trương phên dậu càng ngày càng phổ biến trong thời đại gọi là đa dạng hóa và chống nạn kỳ thị. Đa dạng hóa nhân sự là một nỗi khổ tâm của những người ở vị trí lãnh đạo trong thời đại mới. Người ta muốn guồng máy lãnh đạo có đại diện của nhiều thành phần xã hội như giới tính, tuổi tác, tôn giáo, giai tầng kinh tế, v.v. Nhiều tổ chức có chủ trương đa dạng hóa cơ cấu lãnh đạo, nhưng vì cách người ta thực hiện có vẻ hời hợt, hình thức, và chủ yếu là làm cho có để tránh bị phê phán.
Cách đây mấy năm, ông John McCain chọn bà Sarah Palin đứng trong liên danh tranh cử tổng thống Mỹ. Vậy là giới quan sát thời sự suy đoán rằng cách lựa chọn đó là một loại phên dậu hay token mà thôi, bởi vì theo họ, bà Palin không có kinh nghiệm lãnh đạo cấp quốc tế hay quốc gia. Bà ấy, người ta suy đoán, được ông McCain chọn chỉ vì bà là phụ nữ.
Tương tự, việc ông Biden chọn bà Kamala Harris cũng được giới bảo thủ xem là một trò phên dậu mà thôi, vì bà này là người da màu. Dĩ nhiên, đó là cái nhìn của phe bảo thủ, nhưng phe Dân Chủ thì nghĩ bà ấy hoàn toàn đủ tư cách làm phó cho Biden.
Chủ trương phên dậu không chỉ có trong chánh trị, mà còn hiện diện trong hầu hết các hoạt động xã hội và cả khoa học. Để đáp ứng tiêu chuẩn được tài trợ khoa học, nguời chủ trì dự án nghiên cứu phải tìm đồng nghiệp nữ giới, đồng nghiệp sắc tộc thiểu số, đồng nghiệp trẻ tuổi làm đồng chủ trì dự án nghiên cứu, dù những người này hoàn toàn chỉ có tên chớ trong thực tế không làm gì nhiều. Người điều hành dự án vẫn là kẻ đứng đằng sau.
Có nhiều bài báo khoa học trong ngành y có nhiều tác giả, nhưng các tác giả này chỉ là phên dậu, vì người thật sự viết bài báo và người thực hiện nghiên cứu không có tên trong bài báo. Họ là những kẻ đứng sau giật dây nghiên cứu, và họ trả tiền cho các tác giả phên dậu để tỏ ra … khoa học.
Tương tự, để không bị chỉ trích là kỳ thị, các đại học phải tìm cách trao giải thưởng cho nữ giới, dù những người này không hẳn đáp ứng tiêu chuẩn được giải. Đó là chủ nghĩa tokenism.
Do đó, chủ nghĩa phên dậu được định nghĩa là những nỗ lực mang tính chiếu lệ và hình thức để tạo nên một sự cởi mở, bình đẳng và đại diện giả tạo, nhưng chỉ nhằm xoa dịu phản ứng tiêu cực của các nhóm thiểu số.
Cái định nghĩa đó khá phù hợp với việc mấy người trong Quốc hội tuyên bố là sẽ phấn đầu có 25 – 50 đại biểu ngoài đảng trong Quốc hội khóa 2021 – 2026.
Ai cũng biết Quốc hội Việt Nam ngày nay chỉ là một tổ chức của đảng cộng sản Việt Nam. Do đó, không ngạc nhiên khi tuyệt đại đa số đại biểu là đảng viên, là người của đảng.
Nhưng đảng viên chỉ là thiểu số trong cộng đồng dân tộc. Theo thống kê năm 2019 thì đảng CSVN có 5,2 triệu đảng viên [2]. Chúng ta có thể ước tính rằng năm 2021, Việt Nam có 5,4 triệu đảng viên đảng CSVN, tức chiếm tỉ trọng 5,4% tổng dân số. Tuy chiếm chỉ 5,4% tổng dân số, nhưng trong Quốc hội, tỷ trọng đảng viên lên đến 96%. Đó là một sự bất xứng. Sự bất xứng này làm cho QH khó có thể đại diện tiếng nói của người ngoài đảng – hay có thể gọi cho dễ hiểu là ‘thường dân’.
Có lẽ sự hiện diện mang tính áp đảo của đảng viên trong Quốc hội làm cho mấy người lãnh đạo cảm thấy không thoải mái. Cũng có thể chính vì sự kém thoải mái này mà họ cần những người ngoài đảng có mặt trong Quốc hội. Nhưng cho dù có tăng con số người ngoài đảng lên 50 (tức chỉ chừng 10% đại biểu) thì nó vẫn không thể nào thể hiện tiếng nói của thường dân. Thành ra, có thể nói rằng những người ngoài đảng trong QH cũng giống như là ‘phên dậu’.
Phên dậu không phải là dung nạp
Một tổ chức lý tưởng phải mang tính ‘dung nạp’ (inclusiveness) và đa dạng.
Tính dung nạp ở đây tôi hiểu theo nghĩa tổ chức đó chào đón mọi người với những chánh kiến và ý tưởng khác nhau. Anh có thể không theo và không tin chủ nghĩa tư bản, nhưng tổ chức vẫn tôn trọng chánh kiến anh và chào đón anh như là thành viên của tổ chức, và anh có cơ hội để bày tỏ chánh kiến.
Còn đa dạng (diversity) ở đây được hiểu theo nghĩa công nhận những tánh đặc thù và khác biệt. Chị có thể có niềm tin tôn giáo khác với cái nhìn của chủ nghĩa xã hội, hay chị không tin vào chủ nghĩa xã hội, nhưng chị vẫn được chấp nhận và tôn trọng trong tổ chức.
Nhưng lý tưởng dung nạp và đa dạng đó thường hay bị các tổ chức lạm dụng bằng chủ trương phên dậu. Cái phên dậu có thể làm cho căn nhà trang nhã hơn một chút xíu, nhưng nó không làm cho căn nhà bền vững hơn. Tương tự, chủ nghĩa phên dậu chỉ là cái bình phông che đậy tính thiếu dung nạp và đa dạng của tổ chức.
Do đó, chủ nghĩa phên dậu thường phản tác dụng. Ở Mỹ, theo một giáo sư về khoa học báo chí, nhiều tờ báo lớn cố gắng tìm các ký giả người da đen, và họ đã thành công nâng cao tỷ trọng da màu trong đội ký giả. Nhưng họ thất bại về lâu dài, bởi vì những ký giả da màu đó bỏ việc. Lý do là tài năng của họ không được ghi nhận. Hậu quả là sự nâng cao tỷ trọng da màu chỉ là hình thức, chớ nó không thay đổi cái bản chất của văn hóa phân biệt. Chúng ta cũng có thể suy đoán rằng việc tăng tỷ trọng người ngoài đảng trong QH cũng không thể nào làm thay đổi bản chất của QH là một tổ chức của đảng.
Bình đẳng và đại diện
Bình đẳng và đại diện là lý tưởng. Nhưng chủ nghĩa phên dậu không thể đem lại bình đẳng, cũng không nâng cao tính đại diện. Với 50 thường dân ngoài đảng trong QH thì làm sao mang tính đại diện được. Chúng ta có thể nhìn qua những con số thực tế để thấy xu hướng:
* Năm 2011, QH có 500 người, trong số này, số người ngoài đảng là 42 người (8,4%).
* Năm 2019, QH bầu được 483 người, số người ngoài đảng là 19 (3,9%).
* Nay QH nói sẽ ‘phấn đấu’ để có 25-50 người ngoài đảng, tức là 2,5 đến 5% tổng số người.
Như vậy là so với 2011, tính đại diện trong QH đang có xu hướng đi … thụt lùi. Đó là chưa nói đến vai trò của những người phên dậu trong QH là gì. Đa số những người ngoài đảng, do cơ chế, khó có thể giữ các vai trò lãnh đạo. Và, nếu không ở vai trò lãnh đạo thì tiếng nói của họ cũng không có trọng lượng đáng kể, hoặc không có tác động đáng kể. Ông Dương Trung Quốc là một ca tiêu biểu của người ngoài đảng đóng vai phên dậu.
Tóm lại, sự hiện diện khiêm tốn của người ngoài đảng không làm tăng tính đa dạng, bởi vì đa dạng chỉ đạt được khi các thành phần xã hội có cơ hội bày tỏ ý tưởng và quan điểm trong QH. Sự hiện diện của họ cũng không mang tính dung nạp bởi vì dung nạp chỉ đạt được khi người ngoài đảng được chào đón và trân trọng một cách thành tâm. Thành ra, dù là 20, 30, 50, hay thậm chí 100 người ngoài đảng trong QH thì con số đó chỉ là con số phên dậu.
Những con số phên dậu đó chỉ làm đẹp bản báo cáo hành chánh, nhưng không nói lên tính dung nạp và tính đa dạng, càng không phản ảnh tính bình đẳng và tính đại diện của QH. Theo tôi, QH không nên đề ra chỉ tiêu bao nhiêu đại biểu ngoài đảng làm gì cho mất thì giờ mà còn gây tranh cãi. Hãy cứ để cho người ta tranh cử, và quy luật chọn lọc xã hội sẽ chọn người tài giỏi nhứt và xứng đáng nhứt cho QH.
____
[1] https://vnexpress.net/phan-dau-25-den-50-dai-bieu-quoc…
[2] https://plo.vn/…/dang-cong-san-viet-nam-hien-co-52…
Nguồn: FB Nguyen Tuan