Nguyễn Cảnh
Các nhà đầu tư ngoại đang cho thấy tham vọng nắm quyền kiểm soát tại nhiều dự án điện tái tạo ở những khu vực có vị trí chiến lược.
Dòng tiền từ Trung Quốc đang thâu tóm nhiều dự án điện tái tạo
Một số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần… cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Ả rập Xê Út…
Trong đó, nhóm nhà đầu tư Trung Quốc đang cho thấy sự hiện diện mạnh mẽ tại nhiều dự án điện năng lượng tái tạo ở các khu vực có vị trí chiến lược như miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ…
Tại Đắk Nông, như TheLEADER đã thông tin, doanh nhân Đỗ Lê Quân đang trở thành hiện tượng trong giới đầu tư năng lượng khi nắm giữ/chi phối nhiều dự án điện quy mô lớn trên cả nước vài năm qua. Tại tỉnh Đắk Nông, 3 nhà máy điện gió Đắk N’Drung (1, 2, 3) tại huyện Đăk Song (mỗi nhà máy có công suất 100 MW) đều do liên danh Công ty CP đầu tư năng lượng Hưng Bắc (ông Đỗ Lê Quân làm tổng giám đốc) và Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Phương Bắc đầu tư.
Tổng mức đầu tư của cả 3 nhà máy là 10.500 tỷ đồng. Theo tính toán giả thiết ban đầu, 20% tổng vốn là vốn tự có của chủ sở hữu, 80% còn lại là vốn vay (với lãi suất 10%, thời hạn 10 năm). Theo tài liệu của TheLEADER, Công ty TNHH Sungrow Power (Việt Nam) đã trở thành cổ đông chiếm giữ 70% tại doanh nghiệp chủ đầu tư của dự án nêu trên.
Sungrow Power (Việt Nam) thành lập tháng 9/2019, vốn điều lệ 23,4 tỷ đồng, thuộc sở hữu của Sungrow Power (Singapore) Pte., Ltd. Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của tập đoàn này là ông Liu Huan (quốc tịch Trung Quốc). Được biết, Sungrow Power là một tập đoàn lớn có trụ sở tại Trung Quốc, có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực điện gió và điện năng lượng mặt trời.
Tại Bình Thuận, đã có trường hợp dự án năng lượng tái tạo bị thay ruột chủ đầu tư, dù chưa khởi công triển khai xây dựng.
Cụ thể, nhà máy điện gió Hồng Phong 1 (huyện Bắc Bình, Bình Thuận, công suất 40 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng) do Công ty CP Điện gió Hồng Phong 1 làm chủ đầu tư từ 4 năm trước. Tháng 1/2020, dự án vẫn chưa khởi công xây dựng, chủ đầu tư đang triển khai các thủ tục chuẩn bị liên quan. Tuy nhiên, thời điểm này, Công ty CP Điện gió Hồng Phong 1 bất ngờ đề xuất tới tỉnh vấn đề chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tới trước khi đề xuất chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, Điện gió Hồng Phong 1 đã xuất hiện cổ đông ngoại là Indochina wind Pte.,Ltd (Singapore) nắm giữ 51% cổ phần. Người đại diện pháp luật là ông Olivier Michel Rene Duguet (đăng ký hộ khẩu thường trú tại Singapore, đồng thời chủ tịch HĐQT do Jean Francois Pierre Peron đảm nhiệm.
Chỉ 3 tháng sau khi đề xuất tới tỉnh (thời điểm này vẫn chưa hoàn thành việc thỏa thuận hướng tuyến đường dây đấu nối cho dự án), Điện gió Hồng Phong 1 đã được ‘thay lõi’ toàn bộ. Theo đó, cổ đông Indochina wind Pte.,Ltd nắm 51% cổ phần và Asian Wind Power 2 HK Limited (Hong Kong, Trung Quốc) nắm giữ 48,9% cổ phần.
Được biết, Asian Wind Power 2 HK Limited cũng nằm trong trong nhóm nhà đầu tư (cùng với Công ty TNHH Tái tạo năng lượng Đông Nam Á và The Blue Circle Pte. LTd) được tỉnh Bình Thuận quyết định chủ trương đầu tư (tháng 7/2020) dự án điện gió Hồng Phong 2.
Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo (xã Vĩnh Hảo, Tuy Phong, Bình Thuận) do Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo đầu tư được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt đầu tư vào tháng 3/2017. Quy mô diện tích dự án 38 ha, công suất 30 MWp, dự án đã đóng điện hồi tháng 5/2019 (trước mốc 30/6/2019 – thời điểm cuối cùng nhận ưu đãi của Chính phủ về giá mua điện mặt trời).
Tháng 8/2020, trong văn bản gửi Sở Kế hoạch và đầu tư Bình Thuận, chủ đầu tư đề nghị sẽ chuyển nhượng 99,4% phần vốn góp cho Công ty CP Đầu tư năng lượng tái tạo quốc tế (vốn điều lệ 296 tỷ đồng, Công ty TNHH HONGKONG NANYANG sở hữu 99% vốn điều lệ). Đề xuất nêu trên được đưa ra, trong bối cảnh trước đó, Công ty CP Đầu tư năng lượng tái tạo quốc tế đã sở hữu 99% cổ phần Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo.
Cũng tại tỉnh Bình Thuận, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (tổng mức đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD) là dự án nhiệt điện than lớn nhất nằm trong Trung tâm điện lực Vĩnh Tân được Chính phủ đồng ý giao Công ty CP Năng lượng Vĩnh Tân 3 (VTEC) phát triển dự án theo hình thức BOT.
Một văn bản của VTEC cho thấy chuyển động mới trong nội bộ nhóm cổ đông doanh nghiệp chủ đầu tư dự án này. Cụ thể, các cổ đông trong nước chuyển nhượng cổ phần cho OneEnergy Ventures Limited (Hong Kong, Trung Quốc) để thực hiện dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3. Theo đó, nếu việc chuyển nhượng này được thực hiện, tỷ lệ sở hữu của OneEnergy Ventures Limited sẽ được nâng lên thành 71% vốn điều lệ.
Được biết, VTEC có số vốn điều lệ 343 tỷ đồng (theo đăng ký chứng nhận thay đổi lần 10 vào cuối năm 2019). Tại thời điểm các cổ đông có động thái chuyển nhượng, doanh nghiệp này thông báo đang hoàn tất các thủ tục để ký hợp đồng BOT với Bộ Công thương.
Liên quan tới các nhà đầu tư Thái Lan nhảy vào chi phối/quyết định dự án điện năng lượng tái tạo thay cho doanh nghiệp nội, điển hình có Tập đoàn Năng lượng Gulf. Theo đó, 2 nhà máy điện mặt trời TTC1 và TTC2 (tại tỉnh Tây Ninh) do Tập đoàn Thành Thành Công và Gulf hợp tác đầu tư, thực hiện. Ban đầu, tập đoàn Gulf sở hữu 49% vốn, nhưng mới đây, mức nắm giữ của nhà đầu tư Thái Lan đã tăng lên 90% trong doanh nghiệp chủ đầu tư dự án (do hai pháp nhân lập nên).
Ở diễn biến tương tự, Gulf đã chi 200 triệu USD để mua lại toàn bộ cổ phần tại 2 nhà máy điện gió trên bờ ở tỉnh Gia Lai. Bên bán là Công ty CP năng lượng đầu tư Điện Xanh Gia Lai. Đây là đơn vị phát triển và vận hành hai dự án điện gió trên bờ gồm Ia Pech 1 và Ia Pech 2, mỗi dự án có công suất 50 MW. Hai dự án này đều nằm ở huyện Ia Gra, tỉnh Gia Lai. Dự kiến, hai dự án sẽ được khởi công trong năm 2021 và vận hành thương mại vào quý 4/2022.
Không chỉ ở Tây Ninh, Gia Lai, tập đoàn Thái Lan còn sở hữu 95% dự án Mekong Project tại tỉnh Bến Tre. Đây là một trong những dự án điện năng lượng tái tạo lớn nhất ở phía Nam với tổng công suất lắp đặt khoảng 340 MW (năng lượng gió chiếm 310 MW và năng lượng mặt trời chiếm 30 MW, giá trị đầu tư khoảng 650 triệu USD).
Tại Ninh Thuận, Gulf cũng đạt được thoả thuận với UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phát triển một dự án tổ hợp điện khí có công suất 6.000 MW và kho cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) với công suất 6 triệu tấn/năm nằm ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam.
Một nhà đầu tư Thái Lan khác là Công ty Gunkul Engineering đã bỏ ra 1,26 tỷ Bath (39,9 triệu USD) để thâu tóm nhà máy điện mặt trời Phong Điền II ở Thừa Thiên Huế. Công ty trở thành cổ đông duy nhất của Công ty CP Đầu tư Đoàn Sơn Thủy (chủ đầu tư dự án) và sẵn sàng vận hành nhà máy điện mặt trời Phong Điền II với công suất 50 MW. Thương vụ M&A bao gồm việc mua 49% cổ phần từ Bangjak Green Energy Co, công ty con của BS Industry Service Co có trụ sở tại Bangkok và 51% cổ phần từ hai cổ đông cá nhân Việt Nam.
Trong trường hợp nhiều dự án nguồn điện quy mô lớn buông quyền kiểm soát cho nhà đầu tư ngoại trở thành một làn sóng lan rộng thời gian tới, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến việc chủ động nguồn điện tái tạo và câu chuyện an ninh năng lượng.
Đặc biệt, đối với những dự án đặt tại các khu vực có vị trí chiến lược như Tây Nguyên, miền Trung…, việc mất quyền kiểm soát dự án vào tay nhà đầu tư ngoại sẽ là vấn đề rất cần được cơ quan quản lý, nhà chức trách nghiên cứu.
TheLEADER sẽ tiếp tục làm rõ các vấn đề trên trong các bài viết chuyên sâu về đầu tư năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng tại Việt Nam được đăng tải sắp tới.
Tính đến giữa năm 2020, ghi nhận 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời và 10 dự án hoặc một phần dự án điện gió với tổng công suất gần 6.000 MW đã vận hành thương mại. Đồng thời, tháng 6/2020, Chính phủ ban hành văn bản đồng ý thông qua đề xuất bổ sung 91 dự án điện gió vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Quyết định này được đưa ra theo đề nghị của Bộ Công thương trước đó cũng như dựa theo mục tiêu đảm bảo cung ứng điện giai đoạn 2021-2023 trong điều kiện nhiều nguồn điện lớn đang bị triển khai chậm tiến độ.
N.C.
Nguồn: theleader.vn