Nguyễn Trung Kiên dịch [Kỳ 1]
Cuốn sách ngắn này dự đoán – trái ngược với sự đồng thuận phổ biến – rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do các đối thủ trong giới lãnh đạo cao cấp nhất tiến hành. Các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính sau đó sẽ chấm dứt chế độ độc tài độc đảng của Trung Quốc và khởi động quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ và nền pháp quyền. Là một nhà ngoại giao kỳ cựu và chuyên gia về ngân hàng phát triển lâu năm, tác giả Roger Garside dựa trên kiến thức sâu rộng của mình về chính trị và kinh tế Trung Quốc trước tiên để phát triển một kịch bản chi tiết về cách những sự kiện này có thể diễn ra, và sau đó giải thích tại sao trong phần chính của cuốn sách. Câu chuyện hấp dẫn, đầy thuyết phục của ông về cách các nhà lãnh đạo Trung Quốc âm mưu và kế hoạch giữ bí mật với dân chúng là điều độc đáo mà các tài liệu đã xuất bản từ trước không có.
Nội dung chính của cuốn sách này, Phần 2, giải thích tại sao nó sẽ xảy ra. Phần 1 và 3 cho biết nó có thể xảy ra như thế nào; chúng là bán hư cấu – tên các nhân vật là thật, trong khi cốt truyện là hư cấu.
Về tác giả
Roger Garside là nhà ngoại giao kỳ cựu, từng làm giám đốc ngân hàng phát triển và cố vấn phát triển thị trường vốn, và đã hai lần là Đại sứ của Liên hiệp Anh tại Bắc Kinh, và là tác giả của cuốn sách ‘Coming Alive: China After Mao’. Ông đã theo dõi sự phát triển ở Trung Quốc kể từ khi phục vụ với tư cách là một sĩ quan quân đội ở Hồng Kông vào năm 1958.
*
Lời Nhà xuất bản
Chúng tôi tự hào được xuất bản cuốn sách ‘China Coup: The Great Leap to Freedom’ [Cuộc đảo chính tại Trung Quốc: Bước đại nhảy vọt tới tư do] của chuyên gia Roger Garside vào mùa Xuân năm 2021.
Cuốn sách ngắn này dự đoán – trái ngược với sự đồng thuận phổ biến – rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do các đối thủ trong giới lãnh đạo cao cấp nhất tiến hành. Các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính sau đó sẽ chấm dứt chế độ độc tài độc đảng của Trung Quốc và khởi động quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ và nền pháp quyền. Là một nhà ngoại giao kỳ cựu và chuyên gia về ngân hàng phát triển lâu năm, tác giả Roger Garside dựa trên kiến thức sâu rộng của mình về chính trị và kinh tế Trung Quốc trước tiên để phát triển một kịch bản chi tiết về cách những sự kiện này có thể diễn ra, và sau đó giải thích tại sao trong phần chính của cuốn sách. Câu chuyện hấp dẫn, đầy thuyết phục của ông về cách các nhà lãnh đạo Trung Quốc âm mưu và kế hoạch giữ bí mật với dân chúng là điều độc đáo mà các tài liệu đã xuất bản từ trước không có.
Garside đã tham gia cùng chúng tôi để thảo luận về cách tiếp cận độc đáo mà cuốn sách của ông áp dụng, kinh nghiệm của ông với tư cách là một nhà ngoại giao ở Trung Quốc đã giúp cho việc biên soạn cuốn sách của ông như thế nào, và độc giả sẽ nhận được gì từ cuốn sách mới của ông.
Hỏi: Tác phẩm ‘Đảo chính tại Trung Quốc” có cách tiếp cận táo bạo và độc đáo. Đi ngược lại sự đồng thuận hiện hành, ông lập luận rằng chế độ độc tài độc đảng của Trung Quốc sẽ sớm kết thúc và một quá trình chuyển đổi sang dân chủ sẽ được khởi động. Ông cũng mô tả về cách những sự kiện này có thể diễn ra. Tại sao ông chọn cách tiếp cận độc đáo này?
Trả lời: Tôi chọn nó để đánh thức trí tưởng tượng của các độc giả của tôi và thử thách trí tuệ của họ. Thật vậy, tôi nói với họ, nếu bạn nghi ngờ những dự đoán của tôi, hãy đọc câu chuyện này và tự hỏi mình: Tại sao nó không trở thành hiện thực? Sau đó, hãy đọc bằng chứng và lập luận của tôi, và tự hỏi xem chúng đúng hay sai? Nếu sai thì ở đâu và như thế nào?
Hỏi: Ông đã dành nhiều thập kỷ làm việc tại Trung Quốc với tư cách nhà ngoại giao, chuyên gia về ngân hàng phát triển, cố vấn thị trường vốn và người viết sách. Những kinh nghiệm này đã hình thành sự hiểu biết của ông về Trung Quốc, và động lực để ông để viết cuốn ‘Cuộc đảo chính của Trung Quốc’, là gì?
Trả lời: Có hai câu hỏi đã định hình sự nghiệp của tôi: Làm thế nào để các quốc gia thoát khỏi đói nghèo? Và điều gì tạo nên chính quyền tốt? Kinh nghiệm của tôi trong cuộc đấu tranh và thúc đẩy sự thay đổi về kinh tế và chính trị đã thuyết phục tôi rằng dân chủ và pháp quyền là điều cần thiết để đạt vừa được tăng trưởng vừa đạt được công bằng, và chúng hấp dẫn mọi người ở mọi nơi trong thời đại chúng ta. Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Những niềm tin này cho phép tôi thấy trước vào năm 1978 thời kỳ cải cách và mở cửa ở Trung Quốc, và sau đó thấy trước sự sụp đổ của Đế chế Liên Xô. Chúng đã định hình cuốn sách đầu tiên của tôi cách đây bốn mươi năm, được gọi là “tiên tri”, và chúng đã định hình nên cuốn sách này. Tôi đã được thúc đẩy bởi quyết tâm soi sáng tương lai và được duy trì bởi niềm tin của tôi vào người dân Trung Quốc.
Hỏi: Nhà sử học Robert Conquest đã mô tả Liên Xô là “một quốc gia mà hệ thống chính trị hoàn toàn không phù hợp với các động lực kinh tế và xã hội của nó. Đây là công thức cho sự thay đổi – sự thay đổi có thể diễn ra đột ngột và đầy thảm khốc”. Ông đã nhận xét: “Những gì đã từng đúng với Liên Xô khi đó thậm chí còn đúng hơn với Trung Quốc ngày nay”. Ông có thể nói rõ hơn ông muốn ám chỉ điều gì?
Trả lời: Trong bốn mươi năm qua, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Trung Quốc, mặc dù bị khựng lại giữa chừng, đã đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia với khu vực tư nhân năng động và một tầng lớp trung lưu lớn sở hữu bất động sản, có học, có liên kết và dám nghĩ dám làm, nhưng bị tước đoạt tất cả quyền chính trị. Chính Karl Marx đã cảnh báo các nhà lãnh đạo của Trung Quốc rằng sự căng thẳng giữa sự thay đổi kinh tế và xã hội và một hệ thống chính trị không thay đổi sẽ không bền vững. Các nhà lãnh đạo này đã dừng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường cách đây một thập kỷ vì sợ nó làm suy yếu quyền lực của họ. Nhưng giới tinh hoa công nhận rộng rãi rằng mâu thuẫn vốn có trong thay đổi kinh tế mà không thay đổi chính trị đã tạo ra các vấn đề sâu xa – hệ thống tài chính dễ bị tổn thương, tham nhũng tràn lan, bất bình đẳng xã hội, khủng hoảng đạo đức sâu sắc, v.v. – vốn sẽ không thể giải quyết được nếu không có sự thay đổi của hệ thống chính trị. Họ biết rằng đây là sự dang dở của Trung Quốc.
Hỏi: Ông có thể chỉ ra một khía cạnh hoặc sự kiện trong sự cai trị của Tập Cận Bình mà ông tin rằng đe dọa nhất đến tương lai của Trung Quốc không?
Trả lời: Ông Tập tin rằng bằng cách củng cố hệ thống toàn trị của mình, Đảng Cộng sản có thể củng cố quyền lực của mình và áp đảo Hoa Kỳ và các đồng minh. Đây là một tính toán sai lầm chết người đã đưa Trung Quốc vào một con đường xung đột với các nền dân chủ tự do và tách rời phần lớn tầng lớp tinh hoa mà ông Tập đang thực thi quyền lực. Chế độ toàn trị của ông đang làm gia tăng các vấn đề của Trung Quốc. Chế độ này không có khả năng tự sửa chữa, và nó đang nhanh chóng trượt trên con đường tự sát.
Hỏi: Độc giả sẽ rút ra được những hiểu biết mới nào về Trung Quốc từ cuốn sách của ông?
Trả lời: Hoa Kỳ và các đồng minh phải bảo vệ lợi ích và giá trị của họ một cách mạnh mẽ hơn trước sự xâm lược của Trung Quốc, dưới các hình thức đánh cắp trên mạng, gián điệp tràn lan, bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông, coi thường luật pháp quốc tế, đe dọa quân sự đối với Đài Loan dân chủ, hòa bình, và tấn công vào quyền tự do ngôn luận ở nước ngoài cũng như ở trong nước. Nếu Hoa Kỳ và các đồng minh của họ sử dụng sức mạnh của mình, các đối thủ mạnh mẽ của Tập ở trong nước sẽ hành động để cứu quốc gia và chính họ bằng cách lật đổ ông ta và dẫn đầu một quá trình chuyển đổi sang dân chủ.
*
Lời tựa
Trước Đại hội toàn quốc tiếp theo của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11 năm 2022, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ bị cách chức bởi một cuộc đảo chính do các đối thủ trong giới lãnh đạo cao nhất, những người sẽ chấm dứt sự chuyên chế của chế độ độc đảng và khởi động quá trình chuyển đổi sang dân chủ và pháp quyền.
Nội dung chính của cuốn sách này, Phần 2, giải thích tại sao nó sẽ xảy ra. Phần 1 và 3 cho biết nó có thể xảy ra như thế nào; chúng là bán hư cấu – tên các nhân vật là thật, trong khi cốt truyện là hư cấu.
Một chuyên gia về Liên Xô, trước khi đế chế này sụp đổ, đã viết: “Cách mạng dường như luôn là ‘bất khả’ cho đến khi nó xảy ra, sau đó mọi người đều đồng ý một cách khôn ngoan rằng nó là ‘không thể tránh khỏi’”.
Hai thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, Leon Aron, giám đốc Nhóm nghiên cứu về nước Nga tại American Enterprise Institute đã nhận xét: “Trong những năm trước năm 1991, hầu như không có chuyên gia, học giả, quan chức hoặc chính trị gia phương Tây nào thấy trước được sự sụp đổ của Liên Xô, và cùng với đó là chế độ độc tài độc đảng, nền kinh tế quốc doanh, và sự kiểm soát của Điện Kremlin đối với Liên Xô và các chư hầu tại Đông Âu của nó. Không ai dự đoán được, ngoại trừ một ngoại lệ là các nhà bất đồng chính kiến của Liên Xô đưa ra dự báo trong hồi ký của họ, chính các nhà cách mạng tương lai cũng vậy” [2].
Tôi dự đoán tương lai phụ thuộc vào những người đàn ông và phụ nữ ở Trung Quốc, Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ tự do thể hiện lòng dũng cảm và trí tuệ của mình. Những phẩm chất này đã bị thiếu hụt trong những năm gần đây, ngoại trừ ở những nơi như Hồng Kông và Đài Loan, nhưng có lý do chính đáng để tin rằng chúng không bị tuyệt chủng.
Chúng ta không thể biết chắc chắn về tương lai của Trung Quốc nhiều hơn tương lai của các nước khác. Kể từ khi bản thảo của cuốn sách này được hoàn thành, đã có những bước phát triển lớn trong chính sách của Trung Quốc đối với các thị trường và thể chế tài chính quốc tế và đã làm thay đổi bối cảnh cho câu chuyện mà tôi kể trong Phần 1. Chúng sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với Trung Quốc trong nước và quốc tế, nhưng chúng đã củng cố quan điểm của tôi về những thực tế tiềm ẩn mà câu chuyện đó được thiết kế để minh họa.
Mặc dù chúng ta không thể biết chắc chắn về tương lai của Trung Quốc, nhưng chúng ta có thể sử dụng kiến thức và nhận định của mình để xác định quỹ đạo khả dĩ nhất của nó theo nghĩa rộng. Sự nghiệp của tôi phát triển ở tuyến đầu của sự thay đổi chính trị và kinh tế, bao gồm nghề ngoại giao, nghiệp vụ ngân hàng phát triển, giảng dạy đại học và tham gia vào sự phát triển của các thị trường vốn tại các nước đang chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường. Sự tương tác giữa kinh tế, tài chính và chính trị mà tôi đã chứng kiến đã giúp tôi định hình quan điểm về tương lai của Trung Quốc mà tôi đưa ra trong cuốn sách này.
*
Phần I. Cuộc đảo chính
Lý Khắc Cường, Thủ tướng và là nhân vật số hai của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đang kinh hoàng nhìn chằm chằm vào trang tiếng Trung của Reuters trên màn hình máy tính của mình. Ông đang đọc một thông cáo báo chí của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) thông báo việc sắp ngừng giao dịch 5 trong số các công ty có giá trị vốn hóa cao nhất của Trung Quốc trên tất cả các sàn giao dịch chứng khoán của Hoa Kỳ. Lý do được đưa ra là SEC thiếu niềm tin vào tính trung thực của thông tin tài chính mà các công ty này cung cấp cho các nhà đầu tư. Việc tạm dừng sẽ kéo dài từ 9:30 sáng vào thứ Hai, ngày 28 tháng Ba, đến 11:59 tối (theo giờ miền Đông) vào thứ Sáu, ngày 8 tháng Tư.
Kể từ khi công ty Trung Quốc đầu tiên được chấp nhận niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York vào năm 1992, gần 200 công ty khác của Trung Quốc đã được niêm yết trên các sàn giao dịch lớn của Hoa Kỳ, thu về hàng chục tỷ đô-la mỗi năm. Đối với các nhà đầu tư, việc được niên yết trên các sàn chứng khoán của Hoa Kỳ mang theo giả định rằng các quy tắc và sự giám sát quản trị của Hoa Kỳ được áp dụng, nhưng đối với các công ty Trung Quốc, điều đó đơn giản là không đúng. Bắc Kinh thường xuyên chặn các nỗ lực của Ban Giám sát Kế toán các Công ty niêm yết Hoa Kỳ (PCAOB) nhằm tiếp cận dữ liệu kế toán của của các công ty này ở Trung Quốc, cùng với quyền kiểm tra tài sản của họ, để có thể xác minh thông tin mà họ cung cấp. Luật pháp Trung Quốc yêu cầu các hồ sơ tài chính phải được lưu trữ ở Trung Quốc và Bắc Kinh hạn chế quyền truy cập vào thông tin kế toán, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia và bí mật nhà nước.
Quốc hội Mỹ từ lâu đã tỏ ý phẫn nộ khi các công ty Trung Quốc được phép tiếp cận thị trường vốn của Mỹ, và dường như đã đánh lừa các nhà đầu tư Mỹ, đồng thời cản trở các yêu cầu hợp pháp của SEC. Sự phẫn nộ càng lớn hơn vì các công ty Mỹ – đối thủ cạnh tranh của các công ty Trung Quốc này – này đã bị phân biệt đối xử hoặc bị cấm hoàn toàn ở Trung Quốc.
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục Chủ tịch Tập Cận Bình thay đổi luật pháp Trung Quốc để cho phép tiết lộ thông tin, Tập đã từ chối và sử dụng một cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ để nói rõ rằng ông phẫn nộ mạnh mẽ như thế nào trước áp lực này. Về vấn đề này, ông đã bỏ qua lời khuyên của ông Lý và những người khác, vì ông tin rằng Trung Quốc hiện đủ mạnh để thách thức các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm gây ảnh hưởng đến việc xây dựng luật pháp của Trung Quốc.
Ông Lý không ảo tưởng về các tiêu chuẩn báo cáo và tài chính của Trung Quốc. Những vụ bê bối đã trở thành huyền thoại. Ông nhớ lại trường hợp của Sino Forest, công ty đã phóng đại giá trị của các khu rừng của nó ở Vân Nam lên 900 triệu đô-la Mỹ, và Luckin Coffee, với giá cổ phiếu bị mất tới 5,5 tỷ đô-la khi bị tiết lộ rằng 40% doanh số bán hàng của họ trong một quý là bịa đặt [1]. Trong những năm qua, các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ đã hành động chống lại các công ty Trung Quốc vì các vấn đề về thông tin tài chính và hàng chục công ty đã bị hủy niêm yết, nhưng chưa bao giờ các công ty có quy mô như hiện nay, với tổng giá trị vốn hóa lên tới hơn một nghìn tỷ đô-la Mỹ, bị đình chỉ do không tuân thủ. Chúng đã không tuân thủ trong suốt ba năm, vì vậy thời gian niêm yết của chúng không còn.
Ông Lý được báo động tối đa từ ba tuần trước, khi một loạt tập đoàn truyền thông quốc tế, bao gồm các tờ ‘New York Times’, ‘Shimbun Asahi’ ở Tokyo, ‘The Guardian’ ở London, và ‘Zeitung Süddeutsche’ ở Munich, đều đăng phóng sự trên trang nhất dựa trên các tài liệu bị rò rỉ cho thấy rằng các sổ sách kế toán của hai trong năm công ty Trung Quốc hàng đầu, ChinaPay và JieChu, chứa “những điểm không chính xác nghiêm trọng”. Các công ty này đều dẫn đầu trong các dịch vụ tài chính của Trung Quốc. Chúng rất sáng tạo và đã đạt được sự tăng trưởng phi thường trong một thập kỷ bằng cách tài trợ cho các doanh nghiệp vay vốn thuộc khu vực tư nhân của Trung Quốc, vốn bị các ngân hàng quốc doanh từ chối, và những người gửi tiền từ chối lãi suất thấp của các ngân hàng quốc doanh. Hai công ty này đã tận dụng công nghệ tài chính một cách xuất sắc, nhưng chúng đã tham gia vào các giao dịch ngân hàng ngầm, chấp nhận rủi ro mà chúng giấu các cơ quan quản lý tài chính, ngoại trừ những người đồng lõa mà chúng đã hối lộ với một lượng tiền lớn. Đương nhiên, các công ty này đã phủ nhận các cáo buộc vừa được công bố, tố cáo các tài liệu là giả mạo. SEC đã phản hồi bằng cách nói rằng nếu họ cấp cho PCAOB quyền truy cập đầy đủ vào sách của họ, thì sự thật hay sai của các cáo buộc có thể được xác định.
Một đạo luật đã luật được thông qua vào năm 2020 nhằm đảm bảo rằng tất cả các công ty trên các sàn giao dịch chứng khoán của Hoa Kỳ, dù đã đăng ký ở Hoa Kỳ hay ở nước ngoài, nếu không tuân thủ các yêu cầu công bố thông tin của Hoa Kỳ trong ba năm liên tiếp đều có thể bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của Hoa Kỳ. Kể từ khi thông tin ChinaPay, JieChu và ba công ty Trung Quốc khác bị tiết lộ, SEC và Nhà Trắng đã phải chịu áp lực mới từ các nhà lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ để thực thi luật này, bắt đầu từ những vụ này.
Khi quan hệ Trung-Mỹ xấu đi, áp lực đã gia tăng buộc Hoa Kỳ phải áp dụng các biện pháp khác nhằm thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính. Các thành viên hàng đầu của Quốc hội như Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida trong một số năm đã chỉ ra rằng các quỹ lương hưu của người Mỹ hàng ngày được đầu tư rất nhiều vào các công ty phục vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc và họ cho rằng việc này đang gia tăng nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm phá hoại nước Mỹ.
Vào năm 2019, cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vỹ đã cảnh báo về một “cuộc chiến tài chính” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sử dụng “quyền tài phán dài hạn” và dự đoán của ông đã được xác thực vài tháng sau đó, khi Tổng thống Trump ra lệnh cho quỹ hưu trí chính của Chính phủ Hoa Kỳ ngừng đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc [3]. Vào tháng Sáu năm 2020, Tổng thống Trump đã đi xa hơn khi ra lệnh cho Nhóm Công tác về Thị trường Tài chính của ông đưa ra “khuyến nghị về các hành động bổ sung mà SEC hoặc bất kỳ cơ quan hoặc bộ phận nào khác của Liên bang nên thực hiện như một biện pháp để bảo vệ các nhà đầu tư vào các công ty Trung Quốc hoặc các công ty từ các quốc gia khác không tuân thủ luật chứng khoán của Hoa Kỳ và các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư”. Điều này làm dấy lên khả năng về các lệnh trừng phạt rộng lớn hơn, bao gồm lệnh cấm tất cả các quỹ hưu trí của Mỹ đầu tư vào các tập đoàn Trung Quốc [4].
Bối cảnh sâu xa hơn là sự nhiệt tình của Mỹ đối với thương mại và đầu tư ở Trung Quốc đã suy yếu, và niềm hy vọng rằng cải cách kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi chính trị ở Trung Quốc đã sụp đổ. Theo các đánh giá hiện nay, cải cách kinh tế đã bị đình trệ vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại nó sẽ làm xói mòn quyền lực của họ. Sự nhiệt tình của Mỹ đã chuyển sang thái độ thù địch do ngày càng có nhiều sự công nhận rằng Trung Quốc đã:
• Buộc các công ty của Mỹ phải chuyển giao tài sản trí tuệ cho các đối tác liên doanh Trung Quốc;
• Tham gia vào hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ qua mạng, do nhà nước Trung Quốc chỉ đạo, với quy mô chưa từng có trong lịch sử;
• Bỏ tù hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ để “cải tạo tư tưởng” tại Tân Cương;
• Xóa bỏ nền tự do và các quy tắc pháp luật tại Hồng Kông;
• Xây dựng và quân sự hóa các hòn đảo trên biển Đông nhằm biến tuyến thương mại quốc tế chính này thành “ao nhà của Trung Quốc”, bất chấp pháp luật quốc tế [5];
Sự che đậy ban đầu về sự bùng phát của virus corona ở Vũ Hán đã thuyết phục người Mỹ rằng không thể tin tưởng các nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc.
Tất cả những điều này đã gây ra sự thay đổi sâu sắc trong quan điểm của người Mỹ đối với Trung Quốc. Điều này được thể hiện rõ ràng không chỉ trong cơ quan hành pháp của chính phủ mà còn trong toàn thể lưỡng đảng Cộng hòa-Dân chủ tại Quốc hội, trên các phương tiện truyền thông, trong các tập đoàn lớn [6], và trong các trường đại học. Những người định hướng dư luận tại Mỹ ngày càng có quan điểm cho rằng chế độ Cộng sản Trung Quốc – khác biệt với người dân Trung Quốc – đã và đang sử dụng vũ khí chiến tranh kinh tế và sức mạnh quân sự trong khu vực để củng cố vị thế thống soái trong nền chính trị quốc tế.
Trong hoàn cảnh cạnh tranh quyết liệt này, SEC đã quyết định tạm dừng, ban đầu trong khoảng thời gian tiêu chuẩn là mười ngày làm việc, ChinaPay và JieChu và ba công ty lớn khác đã không tuân thủ các yêu cầu của SEC về quyền tiếp cận dữ liệu kế toán. SEC cũng thông báo cho tất cả các công ty Trung Quốc có chứng khoán đang được giao dịch trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ: cung cấp sự đảm bảo trong vòng mười ngày làm việc rằng các công ty này cũng sẽ cấp cho SEC quyền tiếp cận ngay lập tức vào các dữ liệu kế toán của chúng được lưu giữ ở Trung Quốc, nếu không chúng cũng sẽ phải đối mặt với việc bị đình chỉ niêm yết.
Bị sốc, Lý gọi điện triệu tập Uông Dương đến để thảo luận về thông báo đáng ngại này. Uông đang nắm vị trí thứ tư trong Đảng. Ông là đồng minh chính trị thân cận nhất của Lý. Trước khi ông Tập thể hiện rõ sự phản đối của mình đối với cải cách kinh tế triệt để và tự do hóa chính trị, Uông đã làm việc một cách dũng cảm cho cả hai người, với tư cách là Bí thư Chi bộ tại tỉnh Quảng Đông giàu có và đông dân nhất Trung Quốc. Ngay sau khi Tập Cận Bình nhậm chức, Lý và Vương tin rằng các chính sách của Tập đang khiến Đảng lạm quyền quá mức trong nước và khiến Trung Quốc hiếu chiến quá mức ở nước ngoài. Họ chia sẻ những nghi ngờ của mình với nhau nhưng lại giấu giếm với người khác, thận trọng nghĩ một đằng và nói một nẻo. Khi thời gian trôi qua, sự nghi ngờ của họ chuyển sang trạng thái báo động, và cuối cùng họ hiểu rằng một số thành viên khác của Bộ Chính trị đã chia sẻ sự báo động đó. Nhưng ông Tập đã tập trung hết quyền ra quyết định vào tay mình và từ chối mọi tiếng nói phản biện thận trọng.
Trong khi chờ Uông, Lý suy nghĩ về cuộc đối đầu với SEC trong bối cảnh rộng hơn của nó. Ông biết rõ rằng trong thập kỷ qua, chiến lược Trung Quốc của các tổng thống Mỹ kế nhiệm đã xoay chuyển 180 độ, từ can thiệp nhẹ nhàng sang thù địch. Chiến lược “Xoay trục sang châu Á” chủ yếu mang tính biểu tượng của Obama vào năm 2010 đã thành công nhờ cuộc chiến thương mại rất thực tế do Trump phát động. Sau một sự khởi đầu vụng về, Hoa Kỳ đã tập hợp một nhóm chuyên gia có hiểu biết sâu sắc về chiến tranh trên bình diện địa kinh tế. Để đáp lại chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”, một kế hoạch chi tiết nhằm nâng cao năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp Trung Quốc, người Mỹ đã bắt đầu ngăn chặn một cách có hệ thống việc Trung Quốc mua lại các công nghệ cần thiết để bắt kịp và vượt qua họ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử. Căn bản hơn, chiến lược của họ dựa trên sự thừa nhận sức mạnh chiến đấu thực sự của Hoa Kỳ và các nền kinh tế tự do khác nằm ở đâu, trên tất cả là trên thị trường vốn và tiền tệ, và nơi mà khả năng phòng thủ của họ yếu, như trong lĩnh vực chiến tranh mạng, cung cấp đất hiếm và sản xuất các hoạt chất cho các loại thuốc gốc (generic medicines).
Việc SEC đình chỉ các công ty Trung Quốc trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ là một sáng kiến của một cơ quan độc lập, nhưng điều mà cả SEC và vị Thủ tướng Trung Quốc đều không biết là các tài liệu được công bố trên báo chí quốc tế đã được các cơ quan tình báo Hoa Kỳ “mua lại” và cung cấp cho báo chí thông qua một bên thứ ba có vẻ độc lập. Nhận sự chỉ đạo của Nhà Trắng và Quốc hội, vốn đã thống nhất về vấn đề này, chính phủ Mỹ đang leo thang cuộc chiến kinh tế Trung-Mỹ từ thương mại và đầu tư vào hàng hóa và công nghệ đến hành động chống lại Trung Quốc trên thị trường vốn.
Từ nhiều năm nay, Lý và Uông đã nhận ra rằng Trung Quốc đang trên con đường tiến tới xung đột với một quốc gia mà xét trên nhiều bình diện vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Danh mục những sai lầm của Trump trong việc đối phó với các đồng minh và đối thủ đã làm giảm vị thế của Mỹ trên toàn thế giới, hết lần này đến lần khác rơi vào tay những kẻ gièm pha, nhưng Lý và Uông nhận thức rõ những yếu tố đã tạo ra sự thay đổi lớn trong thái độ của người Mỹ đối với Trung Quốc và khiến ngay cả người châu Âu đặt câu hỏi về sự sẵn sàng của họ đối với các giá trị chính trị phụ thuộc vào lợi thế kinh tế được cho là sẽ được hình thành trong giao dịch với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Lý và Uông hiểu rất rõ rằng về mặt kinh tế, quân sự và chính trị, Hoa Kỳ vẫn vượt xa Trung Quốc. Từ lâu, việc suy nghĩ lại một cách triệt để về chiến lược là điều cần thiết. Nhưng ông Tập đang gặp khó khăn trong việc định hình tầm nhìn về bản thân như là một người mạnh mẽ, người sẽ chống lại những lời kêu gọi cải cách chính trị trong nước và đối đầu với Hoa Kỳ và các đồng minh của họ ở nước ngoài. Ở trong nước, ông đặt niềm tin vào Hệ thống chấm điểm tín nhiệm xã hội, hệ thống sẽ sớm được áp dụng trên toàn quốc, để củng cố “chế độ độc tài của nhân dân”, không quên sự bất lực của nó trong việc bảo vệ hệ thống tài chính Trung Quốc khỏi những điểm yếu chết người của nó. Trong quan hệ Trung – Mỹ, theo quan điểm của ông Lý, Tập là người đầy bảo thủ: ông không thể hiểu rằng trên bình diện chính trị, thái độ của Hoa Kỳ đã trải qua một sự thay đổi toàn diện, và Trung Quốc phải điều chỉnh chiến lược của mình để đáp lại.
Khi Uông gặp Lý, hai người ngồi cạnh nhau trên một chiếc ghế sofa, với tập giấy ghi chú trên chiếc bàn thấp trước mặt, trên đó họ có thể im lặng trao đổi những suy nghĩ gây tranh cãi hơn của mình. Họ thể hiện một sự tương phản với người đàn ông thống trị suy nghĩ của họ, Tập Cận Bình. Tập là một “thái tử Đảng”, con trai của một nhà lãnh đạo của thế hệ các nhà cách mạng đầu tiên; sự nghiệp của ông đã được khởi đầu nhanh chóng bởi các mối quan hệ gia đình của ông. Lý và Uông phải dựa vào tài năng của chính mình: cha của Lý là một quan chức cấp trung và Lý là một người lao động chân tay. Tập cao gần một mét tám. Cằm của ông xị xuống, và ông đang thừa cân; một bức ảnh chụp Tập đi bên cạnh Tổng thống Obama được ghép với bức ảnh trong phim hoạt hình của Disney, Winnie the Pooh đi dạo cùng người bạn Tigger, đã lan truyền ở Trung Quốc, cho đến khi bị cấm [7]. Trong chuyến công du châu Âu ba nước vào năm 2019, ông đi bộ hơi khập khiễng và dường như đang bị đau lưng. Lý cao hơn một mét bảy, mảnh khảnh và nhanh nhẹn. Đôi mắt đằng sau chiếc kính áp tròng của ông luôn cảnh giác, và khuôn mặt biểu cảm của ông dễ dàng nở một nụ cười. Uông có chiều cao bằng với Lý, với phong thái thoải mái, nhanh nhẹn. Ông tránh được những điều tiếng khó nghe của nhiều bạn bè cùng trang lứa và tự tin nói đùa với các phóng viên nước ngoài; đôi mắt tinh anh và mái tóc đen xám sang trọng trùm lên thái dương.
Lý và Uông đều sinh năm 1955 và Tập sinh năm 1953, vì vậy cả ba đều là những người trẻ tuổi trong những năm đầu đầy hy vọng của thập niên 1980, khi đó, đối với những người trẻ tuổi, dường như tương lai của Trung Quốc, cả chính trị lẫn kinh tế, đều rộng mở. Lý là một học sinh xuất sắc, một thành viên xuất sắc của “lớp học năm 1982” nổi tiếng. Lớp học này đã vượt qua một trong những kỳ thi cạnh tranh nhất trong lịch sử Trung Quốc và sẽ sản sinh ra một số nhân tài xuất sắc nhất của quốc gia trong nhiều lĩnh vực. Lần đầu tiên kể từ năm 1949, sinh viên được tự do đọc và tiếp thu các ý tưởng và kiến thức từ khắp nơi trên thế giới. Lý đã nắm bắt cơ hội để nghiên cứu luật pháp và thể chế của nền dân chủ tự do [8], và luận án tiến sĩ kinh tế của ông đề cập đến tư nhân hóa và thị trường vốn, những chủ đề gây tranh cãi lớn vào thời điểm đó [9]. Thành tích học tập của Tập không có gì nổi bật, các nghiên cứu của ông thời đại học thuộc lĩnh vực kỹ thuật hóa học, vốn trung lập về chính trị, và ông đã bị cáo buộc một cách đáng tin cậy là đã đạo văn khi viết luận án Tiến sĩ của mình [10].
Lý dẫn dắt cuộc thảo luận với Uông: “Nếu đồng chí Cận Bình muốn xoa dịu cuộc đối đầu này, ông ấy có thể sử dụng quyền hạn của mình với tư cách là Chủ tịch Nước để từ bỏ luật cấm các công ty của chúng ta cấp quyền truy cập này. Với tư cách là Tổng Bí thư, ông ấy có thể chỉ thị cho các chi bộ Đảng trong công ty đảm bảo họ tuân thủ yêu cầu của SEC. Ông ấy phải chịu trách nhiệm về việc tuân thủ hoặc không làm như vậy. Nhưng ông ấy sẽ không làm vậy, đúng không?”.
“Không”, Uông đồng ý, “ông ấy sẽ coi đây là một cuộc thi về ý chí, và nó sẽ củng cố niềm tin của ông ấy rằng ông ấy là người mạnh mẽ bảo vệ chế độ của chúng ta chống lại tất cả kẻ thù của nó, cả trong và ngoài nước. Tất nhiên, trong ngắn hạn, việc đình chỉ sẽ gây xáo trộn thị trường Mỹ và ảnh hưởng đến các nhà đầu tư quốc tế. Nhưng về lâu dài, nó sẽ giáng một đòn mạnh hơn rất nhiều vào các công ty của chúng ta. Cho đến khi SEC hài lòng, các sàn giao dịch của Hoa Kỳ sẽ không giao dịch chứng khoán hiện có của các công ty của chúng ta hoặc thừa nhận những chứng khoán mới, trong khi các công ty này cần quyền tiếp cập thị trường vốn Hoa Kỳ để tài trợ cho các hoạt động quốc tế của chúng. Nếu chúng chuyển đến Hồng Kông, cánh tay nối dài của tài chính và luật pháp Mỹ cũng sẽ đến được với chúng ở đó”.
Điều mà Uông và Lý đều biết, nhưng Uông không nói ra, đó là những người giàu và giới cầm quyền của Trung Quốc được hưởng lợi rất nhiều từ các hoạt động này. Bằng cách niêm yết các công ty của họ ở nước ngoài và ở Hồng Kông, giới tinh hoa kinh doanh của Trung Quốc, và bằng cách mở rộng quan hệ với các cộng sự chính trị của họ, đã đưa tài sản hàng tỷ đô-la vượt quá tầm kiểm soát vốn của đất nước một cách hiệu quả. Ngoài các chi phí kinh doanh hợp pháp của mình, họ có thể sử dụng một phần tiền mà họ thu hút được để đút lót cho những kẻ đồng lõa với họ trong giới chính trị vì những ân huệ trong quá khứ hoặc mua những kẻ đồng lõa trong tương lai; họ có thể tài trợ cho việc học của con cái họ ở nước ngoài; họ có thể tạo ra một kho tài sản an toàn trước những rủi ro chính trị trong nước và ngoài tầm với của các nhà điều tra chống tham nhũng và kẻ thù của họ bên trong Trung Quốc.
“Đúng”, Lý nói, “và đây chỉ là bước mới nhất trong cuộc tấn công lâu dài của Mỹ chống lại chúng ta. Nếu cuộc đối đầu này không được giải quyết, người Mỹ sẽ leo thang. Ông và tôi đã nghiên cứu các lựa chọn của họ. Chúng ta đã thảo luận về điều này trong thời gian dài. Chúng ta biết rằng nếu họ chặn chúng ta tiếp cận thị trường vốn và tiền tệ cũng như hệ thống ngân hàng của họ, thì điều đó sẽ rất tàn khốc đối với chúng ta”.
Uông nói: “Khi giao dịch mở cửa vào thứ Hai, sẽ có lượng bán tháo quy mô lớn trên thị trường chứng khoán của chúng ta. Cách can thiệp mà chúng ta đã tổ chức trong năm 2015 sẽ không ổn định thị trường được lâu vì tác nhân gây ra khủng hoảng hiện nay không phải trong nước mà là quốc tế; và nó không chỉ là vấn đề tâm lý thị trường mà còn là các biện pháp trừng phạt của pháp luật” [11].
“Anh và tôi đều biết”, Lý trả lời, “rằng bi kịch này trên thị trường sẽ không diễn ra một cách độc lập. Vào thứ Hai, sự sụp đổ của giá chứng khoán sẽ kích hoạt một phản ứng dây chuyền khiến tình hình tồi tệ trở thành một cuộc khủng hoảng toàn diện. Anh và tôi đã lường trước một cuộc khủng hoảng như vậy trong nhiều năm, mà không biết điều gì sẽ kích hoạt nó. Bây giờ thì chúng ta đã biết. Cơm gần chín rồi”.
Câu nói giản dị đó, được nói bằng một giọng trầm, vang như sấm bên tai Uông.
“Thật vậy”, Uông trả lời. Đó là tất cả những gì ông cần nói. Cụm từ tưởng như vô thưởng vô phạt “cơm đã chín” là một quy tắc được thống nhất giữa họ để thực hiện một kế hoạch dự phòng táo bạo mà họ đã vạch ra trong vài năm qua. Những người này nhận ra rằng sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc đang diễn ra trong một môi trường bị nhiễm độc bởi một loạt các vấn đề sâu xa, trên tất cả các bình diện chính trị, xã hội và đạo đức, đến một lúc nào đó sẽ tương tác với nhau để gây ra khủng hoảng. Từ lâu, họ đã quyết tâm sẵn sàng nắm bắt thời điểm đó để chống lại chính Tập Cận Bình. Cách duy nhất là tạo ra một lối thoát để thoát khỏi khỏi ngõ cụt mà các chính sách của Tập đã khiến Trung Quốc bị mắc kẹt. Giấc mộng Trung Hoa của ông ấy là một cơn ác mộng đang bừng tỉnh.
Mục tiêu của Lý và Uông không đơn giản chỉ là thay đổi các nhà lãnh đạo. Họ đã đi đến kết luận rằng nhiều vấn đề của Trung Quốc đã nảy sinh chính vì những cải cách kinh tế được đưa ra sau năm 1979 không đi kèm với những cải cách chính trị. Sự căng thẳng giữa một bên là sự thay đổi kinh tế và xã hội và một bên là hệ thống chính trị không thay đổi đã làm cho hiện trạng trở nên không bền vững. Việc áp dụng Hệ thống Chấm điểm Tín nhiệm xã hội trên toàn quốc đang củng cố sự kiểm soát của họ nhưng không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào. Cả ở trong và ngoài nước, các vấn đề đã được tích tụ trong nhiều năm. Cả hai người đã kết luận rằng không có vấn đề nào có thể được giải quyết nếu không có sự thay đổi cấu trúc chính trị một cách triệt để. Ở Liên Xô, vào đầu thập niên 1990, Boris Yeltsin đã đưa ra kết luận tương tự. Ông thiếu các kỹ năng, tính cách và sức chịu đựng cần thiết để điều hành tốt nước Nga trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn sau cuộc cách mạng của ông, nhưng nhận định muộn màng đã không làm mất đi uy tín trong nhận định của ông rằng cải cách kinh tế và chính trị phải song hành với nhau.
Chủ nghĩa thực dụng là một trong những đặc điểm mạnh nhất của người Trung Quốc, và cách tiếp cận thay đổi chính trị của Lý và Uông trước hết là theo chủ nghĩa thực dụng. Họ đã không trải qua một số chuyển đổi mang tích cách mạng sang các lý tưởng của nền dân chủ tự do. Họ chỉ đơn giản nhận ra rằng mô hình cải cách kinh tế mà không cải cách chính trị đã không còn hữu ích. Đây không phải là cái nhìn sâu sắc mới mẻ gì. Trở lại năm 2011–2012, Lý, khi đó là phó thủ tướng thứ nhất, đã đóng một vai trò quyết định trong dự án hợp tác lớn nhất từ trước đến nay giữa chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng Thế giới, đã tạo ra ‘Trung Quốc 2030’, một báo cáo toàn diện, sâu rộng, bằng ngôn ngữ ngoại giao phù hợp, cho thấy rằng chế độ cộng sản sẽ phải chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên và nới lỏng sự kìm kẹp ngột ngạt của nó đối với xã hội nếu Trung Quốc tránh được “bẫy thu nhập trung bình” đã giăng ra tại châu Mỹ La-tinh và vùng Bắc Phi [12]. Thật vậy, họ đang thuyết phục rằng mô hình kinh tế không kèm theo cải cách chính trị không những không còn tồn tại lâu nữa mà còn trở nên phản tác dụng. Thật sự nguy hiểm. Nếu họ không hành động dứt khoát ngay bây giờ, quyền lực và sự giàu có của chính họ sẽ gặp nguy hiểm. Lợi ích cá nhân của họ và lợi ích của quốc gia khiến cho sự thay đổi căn bản trở nên cấp thiết và cấp bách.
Giờ đây, cuộc khủng hoảng mà họ đã chờ đợi từ lâu đang bùng phát, hai người đàn ông này cứng rắn như thép nhưng rất lo lắng: họ sắp thách thức người quyền lực nhất nhì thế giới. Hình phạt cho sự thất bại sẽ là tử hình, hoặc tù chung thân. Các kỹ năng, khả năng phán đoán và lòng dũng cảm của họ sẽ quyết định số phận của một quốc gia 1,4 tỷ dân, và kết quả của thử thách của họ sẽ có ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Tất nhiên, sự hiệu quả của bộ máy an ninh của Trung Quốc đã khiến các âm mưu trở nên rất rủi ro. Sự thất bại trong âm mưu của Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh và Chu Vĩnh Khang, Bộ trưởng Bộ Công an, lên nắm quyền vào năm 2012 là một lời nhắc nhở về điều đó. Nhưng Lý và Uông tin rằng họ thông minh hơn Bạc và Chu.
Không giống như Leonid Brezhnev khi âm mưu lật đổ Nikita Khrushchev vào năm 1964, ngay từ đầu Lý và Uông đã quyết định hành động nhanh chóng để chỉ sử dụng một số lượng nhỏ những người thực sự cần thiết.
Đầu tiên, Lý và Uông tiếp cận Vương Kỳ Sơn, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa. Với vẻ ngoài gầy gò, khổ hạnh, cái đầu hói và cặp kính cận áp tròng, Vương có thể bị nhầm là một học giả. Thật vậy, cha của ông là một giáo sư đầu ngành về kỹ thuật, và bản thân ông đã được bổ nhiệm có thời hạn để nghiên cứu lịch sử Trung Quốc trong thế kỷ XIX và thế kỷ XX tại Học viện Khoa học Xã hội danh tiếng. Nhưng Uông không hề là học giả tháp ngà. Ông bước vào thế giới tư sản khi kết hôn với con gái của một nhà cách mạng đời thứ nhất, và ông đã có một sự nghiệp rực rỡ trong việc phát triển hệ thống tài chính hậu xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Ông đã nhận được sự tôn trọng to lớn về năng lực của mình trong việc giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất [13]. Trong lịch sử Trung Quốc, ông coi thời kỳ cộng sản là một phần của cuộc đấu tranh lâu dài hơn cho quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc. Ông đã có quan hệ thân thiết với Tập Cận Bình kể từ khi họ gặp nhau như những “thanh niên được gửi xuống” vùng nông thôn trong Cách mạng Văn hóa đầy vất vả. Năm 2012, Tập giao cho ông điều hành chiến dịch chống tham nhũng, một công việc khiến ông có không ít kẻ thù nhưng lại cho ông những kiến thức vô song về những bí mật đen tối của những người quyền lực nhất đất nước này. Năm 2017, ông ra khỏi Bộ Chính trị (có thể vì một quy tắc bất thành văn có hiệu lực vào lúc đó, cấm bất kỳ ai từ 68 tuổi trở lên được bầu vào Bộ Chính trị), rồi sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Nước. Ông được đặc ân hiếm hoi tham dự các cuộc họp của Trung ương Đảng với tư cách là thành viên không có quyền bỏ phiếu [14]. Tuy thân với Tập, nhưng ông rất giống các đồng minh của mình; trong nền chính trị của Đảng Cộng sản, lòng trung thành vào một cá nhân cụ thể được cho là rất ít.
Khi Lý Khắc Cường và Uông Dương tiếp cận Vương, họ không trình bày rõ ràng các lập luận của mình; họ nghĩ rằng họ biết Vương đang nghĩ gì. Vì vậy, Lý đưa ra suy nghĩ của họ một cách ngắn gọn và sau đó tổng hợp lại: “Kỳ Sơn, đồng chí biết, chúng tôi biết, và nhiều người khác xung quanh chúng tôi đều biết rằng Trung Quốc đang đi theo hướng ngày càng tạo ra những mối nguy hiểm lớn cho quốc gia, cho Đảng và cho cá nhân chúng ta. Chúng ta biết các vấn đề và giải pháp, nhưng chúng ta là tù nhân của hệ thống chính trị. Chúng ta là những người cai trị quốc gia lớn nhất và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng chúng ta lại là nô lệ, nô lệ cho Đảng của Tập vĩ đại. Chúng ta sẽ nằm yên trong sự bất lực trừ khi chúng ta đập vỡ thần tượng, truất ngôi vị Trưởng Thượng của Tập, và thoát ra khỏi nhà tù này. Bây giờ là lúc phải hành động”.
“Tôi đã chờ các đồng chí, chờ xem các đồng chí có dám động thủ không. Tôi sẽ hợp tác với các đồng chí”, vị Phó Chủ tịch trả lời.
Ba người đàn ông này đồng ý rằng, trong kế hoạch dự phòng cho một cuộc đảo chính, Vương Kỳ Sơn sẽ tập trung vào các khía cạnh thể chế và hiến pháp, trong khi Uông Dương sẽ tập trung về các vấn đề kinh tế, và hai người họ sẽ báo cáo lại với Lý.
Bộ ba kẻ âm mưu này biết rằng họ chỉ có thể thành công nếu có quân đội bên cạnh. Hai ủy viên Bộ Chính trị từ quân đội là Thượng tướng Hứa Kỳ Lượng, Tư lệnh Không quân và Thượng tướng Trương Hựu Hiệp, Tư lệnh Lục quân. Bộ ba này tin chắc rằng những người này có quan điểm cứng rắn về sự cân bằng chiến lược. Trung Quốc đang có những bước tiến dài để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình và thu hẹp khoảng cách với người Mỹ, nhưng vẫn bị tụt hậu rất xa trong mọi khía cạnh của năng lực tiến hành chiến tranh. Nếu tính toán sai lầm về chính trị dẫn đến xung đột quân sự với Hoa Kỳ, thì các lực lượng vũ trang sẽ ngay lập tức bị thiệt hại trên quy mô lớn. Giống như bộ ba kẻ âm mưu kia, hai vị tướng này tin rằng Tập đang dẫn dắt Trung Quốc bành trướng quốc tế quá mức và bị ảnh hưởng quá mức bởi các vị tướng đã về hưu, những người đã loại bỏ những điều vô nghĩa của chủ nghĩa sô-vanh khỏi sự an toàn của các tổ chức tư vấn của họ.
Với sự hậu thuẫn từ Uông, Lý đã sắp xếp các cuộc họp bí mật cho bộ ba người này với lần lượt hai vị tướng kia.
Họ gặp Hứa đầu tiên. Không quá khó để họ thuyết phục ông tham gia cùng họ xây dựng một kế hoạch dự phòng trong trường hợp Tập Cận Bình dẫn dắt Trung Quốc vào một cuộc đối đầu quân sự với Hoa Kỳ (một cuộc đối đầu có nhiều khả năng xảy ra trên các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông). Họ biết rằng sẽ khó hơn nhiều để thuyết phục ông những nhược điểm của một cuộc đảo chính cung đình đơn giản, trong đó các nhà lãnh đạo của Đảng đã thay đổi nhưng hệ thống chính trị vẫn giữ nguyên. Lý đã đưa ra các lập luận trong một ghi chú viết tay mà ông đưa cho Hứa.
Ghi chú bắt đầu bằng cách mô tả cách người Mỹ vượt ra khỏi cuộc chiến thương mại sang những hành động thù địch kinh tế trên phạm vi rộng hơn, và cảnh báo rằng ông Tập đã không tính đến ưu thế của Mỹ trong lĩnh vực này và đã chậm nhận ra chiến lược mà người Mỹ đã phát triển cho cuộc chiến tranh trên bình diện địa kinh tế.
Ghi chú tiếp tục:
“Đồng chí biết rất rõ sự chênh lệch giữa quân đội của họ và của chúng ta, nhưng ưu thế về sức mạnh kinh tế của họ lớn hơn nhiều, và không có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. Đồng chí Cận Bình đã rất chậm chạp khi nhận ra rằng các chiến lược mà chúng ta đang theo đuổi chống lại Hoa Kỳ, đặc biệt là việc mua lại tài sản trí tuệ thông qua chuyển giao cưỡng bức và thu thập thông tin tình báo, vốn đã phục vụ tốt cho chúng ta trong nhiều năm, giờ đã trở nên phản tác dụng. Những chiến lược này cùng với việc ông ấy tăng cường khu vực nhà nước, hạn chế khu vực tư nhân và hoàn toàn từ chối cải cách chính trị, đã dẫn đến sự thay đổi lớn trong thái độ của người Mỹ đối với chúng ta. Ông ấy đã trở thành kẻ thù của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Họ đang sử dụng sức mạnh kinh tế của mình không chỉ để đảm bảo các điều khoản tốt hơn cho thương mại và đầu tư, mà còn để thúc ép chúng ta khởi động lại quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, và điều đó khá thông minh, bởi vì như đồng chí biết, nhiều người trong chúng ta tin rằng điều này đem lại lợi ích lớn nhất của Trung Quốc. Chính cải cách kinh tế, thị trường tự do – trong phạm vi mà chúng ta có – đã mang lại cho chúng ta sự tăng trưởng kinh tế. Chúng ta cần nhiều hơn trong số chúng, chứ không phải ít hơn. Suy thoái kinh tế và thất nghiệp do virus corona gây ra khiến điều này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Người Mỹ bắt đầu sự thúc đẩy này bằng thương mại, nhưng bây giờ họ đã bắt đầu khai thác sức mạnh vượt trội của mình trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Bộ Tư pháp của họ đang tiến hành các thủ tục pháp lý chống lại một số ngân hàng lớn nhất của chúng ta liên quan đến việc vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên [15]. Điều này có thể dẫn đến việc loại trừ các ngân hàng đó khỏi hệ thống tài chính của Mỹ và điều đó sẽ chấm dứt hoạt động quốc tế của chúng. Đó sẽ là một bản án tử hình.
Cuối cùng, người Mỹ có thể đi xa hơn nữa: họ có thể đóng băng việc nắm giữ của chúng ta đối với trái phiếu kho bạc của Hoa Kỳ và cấm chúng ta mua hàng trong tương lai – khiến chúng ta không được sử dụng đồng tiền dự trữ của thế giới. Họ có nhiều người mua khác, nhưng chúng ta không có giải pháp thay thế. Đồng Euro và đồng Yên không phải là lựa chọn thay thế thực tế cho dự trữ ngoại hối của chúng ta.
Hàng trăm tỷ đô-la Mỹ trong quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ, quỹ đầu tư, các khoản tài trợ và kế hoạch hưu trí được đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ, Hồng Kông và đại lục. Họ đã ngăn quỹ hưu trí chính của chính phủ Mỹ đầu tư vào cổ phiếu của Trung Quốc. Họ có thể ra lệnh cho tất cả các công ty và cá nhân Hoa Kỳ thoái vốn khỏi tất cả các công ty do nhà nước chúng ta kiểm soát, chẳng hạn như các công ty trong lĩnh vực ngân hàng, xăng dầu và hóa dầu [16]. Sau đó, họ có thể chuyển sang nhắm mục tiêu vào các công ty thuộc khu vực tư nhân. Họ có nhiều lựa chọn thay thế hấp dẫn cho các khoản đầu tư của họ. Chúng ta không thể tìm thấy các nhà đầu tư khác để thay thế họ trên bất kỳ lĩnh vực nào có cùng quy mô. Đây sẽ là một đòn tàn phá đối với nền kinh tế của chúng ta.
Đây là cuộc chiến không tiếng súng, và một cuộc chiến mà chúng ta không thể chiến thắng. Đó cũng là một cuộc chiến mà chúng ta không nên chiến đấu. Mục tiêu cao nhất của chúng ta là làm cho Trung Quốc trở nên an ninh và thịnh vượng. Để đổi mới tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần khởi động lại quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Nếu đó cũng là một mục tiêu của Mỹ thì càng tốt. Nhưng cải cách kinh tế hơn nữa không thể đạt được với hệ thống chính trị độc đảng của chúng ta. Nó đòi hỏi cải cách chính trị, chuyển đổi sang chế độ dân chủ. Nếu không có nó, chúng ta không thể vượt qua những lợi ích được trao đang cản trở nền kinh tế và mọi hình thức cải cách khác ở mọi cấp độ. Chúng ta nên mở ra “các đỉnh cao chỉ huy” của nền kinh tế, ngân hàng, các ngành dịch vụ, và giao thông, để cho phép các công ty tư nhân năng động, có lợi nhuận của chúng ta cạnh tranh với các công ty nhà nước tồi tệ, xơ cứng, nhưng các nhóm lợi ích đang ngăn cản điều đó. Chúng ta nên tái cân bằng nền kinh tế bằng cách dựa nhiều hơn vào tiêu dùng của các hộ gia đình, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi sự chuyển giao đáng kể của cải và thu nhập từ các chính quyền tỉnh, thành phố và các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước cho các hộ gia đình. Các nhóm lợi ích bị tranh chấp cũng đang ngăn chặn điều đó, và chỉ trong một hệ thống dân chủ, chúng ta mới có thể huy động sức mạnh của dư luận để vượt qua chúng.
Trên thực tế, chúng ta cần cải cách chính trị để giải quyết hàng loạt các vấn đề khác mà chúng ta không thể giải quyết bằng hệ thống độc đảng. Hãy nhìn vào Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan. Các chiến lược mà ông Tập theo đuổi đã khiến người dân ở tất cả các vùng đó bị cô lập. Ông ấy không phát minh ra những chiến lược này, nhưng ông ấy đã củng cố chúng, ông ấy đã kiên trì áp dụng chúng rất lâu sau khi chúng trở nên phản tác dụng, và ông ấy từ chối xem xét bất kỳ cải cách nào cho phép chúng ta giải quyết nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề này. Với hệ thống hiện tại của chúng ta, không có thương lượng, không có thỏa hiệp nào có thể được suy tính về các vấn đề đang khiến người Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng theo Phật giáo và người Đài Loan trở nên căm ghét chúng ta. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức của chúng ta, những người thực hiện các chiến lược của chúng ta, đã tước bỏ các đặc quyền thương mại và đầu tư dành cho Hồng Kông, và đe dọa hạn chế quyền tiếp cận của chúng ta với thị trường vốn của nước này [17].
Kẻ thù của Mỹ không phải là Trung Quốc, mà là hệ thống độc đảng của chúng ta.
Nếu chúng ta thay đổi hệ thống chính trị của mình, chúng ta sẽ làm lợi cho Trung Quốc về mặt kinh tế và xã hội, và chúng ta sẽ mở ra cánh cửa hòa bình với Mỹ. Vì vậy, chúng ta không chỉ cần thay đổi nhân sự mà cần thay đổi cả hệ thống chính trị”.
R.G.
(còn tiếp)
*
Nguồn bản gốc: Garside, Roger (2021). “China Coup: The Great Leap to Freedom”. Berkeley, CA: University of California Press