Dạy trò kiểu này là đốn mạt

Mình theo dõi và viết về GD gần như cả đời làm báo. Vì thế, trong sâu xa, vẫn dành cho ngành dạy người này một tình cảm trân trọng. Nhưng hàng chục năm nay, thực sự rất thất vọng. Thậm chí không muốn viết về bất cứ vấn đề nào của GD nữa. Nó sa sút về mọi mặt đã đành, điều đáng nói, có nhiều phần băng hoại về đạo lý. Mấy hôm nay, trên mạng ồn ào vụ này. Một cô giáo vì chống tiêu cực mà bị trù dập, đẩy đi làm nhân viên, lao công… không đúng với ngành nghề cô được đào tạo. Nhưng đốn mạt nhất là trò bày cho học sinh “tố” cô giáo. Nó gợi cho người đọc hình ảnh những “hồng vệ binh” trong cách mạng văn hóa của Tàu năm nào khiến cả nhân loại rùng mình, hỗn láo, tàn nhẫn một cách hồn nhiên đã đành, điều đáng nói, hành vi kẻ nào đó đứng sau trò bẩn này, cho thấy sự tiểu nhân của họ, cho thấy họ không có đạo lý tối thiểu trong môi trường sư phạm. Vậy họ dạy trò ra sao?

Không rõ ngành GD Hà Nội nhìn nhận vụ này như thế nào? Hay im lặng là … giáo dục??? Xin đăng lên đây 2 stt để hiểu rõ hơn tâm trạng XH trước một vụ việc rất “phản sư phạm”

Kim Dung Pham

1. Đưa học sinh “đấu tố” cô giáo: Một thứ đạo đức bỉ ổi không thể tồn tại

Trần Đình Dũng – Theo FB Cẩm Tú Phan)

Không rõ ai chỉ đạo nhưng một em học sinh lớp 5 ở Trưởng Tiểu học Sài Sơn B (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) vừa diễn để người lớn quay clip nhằm tố cáo lại cô giáo Tuất – người tố cáo tiêu cực bị trù dập.

Đoạn clip ngắn trong đó em học sinh nói “Cháu đã viết đơn cho cô Hiệu trưởng, cho bác Phùng Xuân Nhạ, để kiến nghị về việc đấy. Nhưng mà cô Tuất…”.

Quá khó tin khi một HS lớp 5 dùng những từ ngữ như thế, nếu không được người lớn viết sẵn cho đọc.

Chuyện của cô Tuất tố cáo tiêu cực đang gây “sóng gió dư luận” hiện chưa rõ có được xử lý dứt điểm hay cô vẫn tiếp tục bị đì từ giáo viên dạy giỏi sang làm lao công. Nhưng dù sao, đó cũng là chuyện của người lớn, chuyện giữa các cô giáo với nhau.

Nhưng khi lôi em học sinh vào và dàn dựng nhằm đấu tố cô giáo Tuất thì quá đáng lắm.

Chúng ta nên nhìn thẳng, rõ rằng nếu không có “sự dính dáng” của cô Hiệu trưởng vào đó thì khó có clip đấu tố này.

“Văn hoá đấu tố” là một loại kết tội vô đạo chỉ có những kẻ hèn mạt không ra gì mới dùng đến và dùng trẻ em để đấu tố thì có sự bỉ ổi nào hơn.

Tôi không biết những người lớn này học đạo đức kiểu gì mà bỉ ổi như thế!

2. Chuyện gì đang xảy ra với giáo viên?

Thái Hạo - FB Thái Hạo)

1. Tôi đã chứng kiến và đang chứng kiến những sự đàn áp thô bạo trong những môi trường giáo dục đối với những đồng nghiệp của mình. Nó gây phẫn nộ và đau đớn.

Có lẽ trong lịch sử giáo dục có đến gần một ngàn năm của Việt Nam, chưa bao giờ thân phận nhà giáo lại bị rẻ rúng đến thế. Họ đang bị tước dần đi từ oai nghi bên ngoài đến giá trị bên trong; giờ đây họ bị phơi trần ra là những thân phận hèn mọn trong xã hội. Người thầy đang bị lột đến tận những manh áo cuối cùng của phẩm giá.

2. Không được làm nghề. Do cái “pháp lệnh” là sách giáo khoa và những lạc hậu có tính trói buộc trong phương pháp giảng dạy cùng cách thi cử, người thầy đã bị biến thành những công cụ để đáp ứng cho các kỳ thi. Thay vì đồng hành cùng người học để họ được phát triển trong các giá trị lớn của nhân loại và thiên hướng cá nhân để được làm chính mình thì ngày nay người giáo viên đã phải tự đẽo gọt mình đi sao cho vừa vặn với những cái khuôn đúc; họ trở thành những thợ dạy.

Những ai còn thấy hạnh phúc trong công việc thì nếu không phải bởi một sự kỳ diệu phi thường thì cũng là do bởi ngờ nghệch. Phần lớn những người làm giáo dục mà có lý tưởng vì con người và sự tiến bộ thì tất đã lâm vào bi kịch đau đớn. Nghề nghiệp quyết định phần lớn chất lượng sống của một con người; có gì đau đớn bằng một người thầy lại không được làm thầy!

Tôi đã từng nói, với cung cách giáo dục dạy dỗ thi cử thế này thì trừ vài lớp mẫu giáo và tiểu học thì tất cả cái phần còn lại của hệ thống sẽ chẳng cần tới giáo viên làm gì. Không có dân chủ, không có tự do, không có sáng tạo, không có tự chủ…, rốt cuộc người thầy đang phải làm cái gì trên bục giảng vậy?

3. Không được làm người

Từ chỗ bị tước đi các quyền cơ bản của con người như tự do tư tưởng, tự do biểu đạt; bị hạ thấp chất lượng sống bởi đồng lương rẻ mạt; bị biến thành những người làm thuê cho hiệu trưởng…, dần dần người giáo viên bị bào mòn các phẩm chất cơ bản. Ý thức về nhân phẩm, về lòng tự trọng, về sự ngay thẳng cho đến những rung động trước cái đẹp và sự phẫn nộ trước bất công…, tất cả dần trở nên xa xỉ.

Ngày nay chúng ta đang phải chứng kiến một hình ảnh méo mó về nhà giáo, cái hình ảnh ấy đang hiện ra mỗi lúc một đáng thất vọng hơn. Người ta thấy giáo viên vụ lợi, giáo viên hèn nhát, giáo viên dốt nát, giáo viên kéo bè kết mảng…ngày càng nhiều.

4. Vì đâu nên nỗi?

Một hệ thống giáo dục với quá nhiều lổ hổng chuyên môn và những lạc hậu từ chương trình đến phương pháp và thi cử đã làm cùn mòn người giáo viên theo thời gian.

Môi trường giáo dục mang bản chất chuyên chế và độc đoán mà ở đó số phận mỗi giáo viên luôn luôn bị đe dọa bởi quyền lực tối cao của người đứng đầu đã khiến họ phải sống trong áp lực, âu lo và dần đánh mất bản lĩnh của mình.

Từ chỗ để sống còn trong một môi trường thiếu dân chủ và thiếu nhân văn, người giáo viên phải tự đẽo gọt mình sao cho không còn phải “va chạm” với điều gì nữa cả. Họ tròn lẳn, vô hại, và dần trở nên “vô hình”.

Tóm lại, tình trạng bạo lực tinh thần và lối quản lý chuyên chế đã tạo ra một môi trường với 2 hình thái trái ngược nhau song song tồn tại: nô lệ và vô chính phủ – tình trạng nào cũng có tính hủy hoại.

Giờ phải làm sao?

Xin rủ lòng thương ư? Không ai nghe đâu. Chẳng ai giúp được giáo viên cả, ngoài chính họ. Giáo viên chỉ còn một cách là phải đoàn kết cùng nhau để tranh đấu cho nghề nghiệp và sự tự tôn của bản thân.

P/S: Tôi sẽ kể những câu chuyện của tình trạng bạo ngược này trong những stt sau.

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người và văn bản

Nguồn: FB Kim Dung Pham

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.