Thục-Quyên
Sau khi được văn phòng đại diện WHO tại Trung Quốc báo tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng đòi tin chính xác về những trường hợp đầu tiên “viêm phổi không rõ nguyên nhân” tại Vũ Hán. Chính phủ Trung Quốc hứa kiểm chứng với cơ quan Y tế Vũ Hán và hai ngày sau (3/01/2020) xác nhận tình trạng cũng như việc đã đóng cửa một khu chợ bán thức ăn tươi, nơi được cho là đã xuất hiện loại virút corona mới (sau này được đặt tên khoa học là SARS-CoV-2).
Hầu hết các nhà quan sát quốc tế đồng ý rằng Trung Quốc đã che đậy cuộc khủng hoảng ở Vũ Hán trong suốt thời gian từ cuối tháng 12/2019 cho tới giữa tháng 01/2020, và khoảng thời gian bị mất này có thể (có thể!) đã cho phép một dịch bệnh địa phương trở thành một đại dịch toàn cầu.
Tuy nhiên, để không thiên vị, không thể phủ nhận rằng từ khi đã nhận các dấu hiệu cảnh báo rõ ràng, các chính phủ quốc tế khác thậm chí cũng mất nhiều thời gian không kém Trung Quốc để có thái độ đối phó trong quốc gia họ (Vương quốc Anh, Mỹ…).
Ngay cả khi nước Ý đã đắm chìm trong tình trạng khẩn cấp Corona, từ ngày 30.01.2019 khi một cặp vợ chồng du khách Trung quốc nhập viện ở Rome, và chính phủ Ý đã cùng ngày ra lệnh hoàn toàn ngưng giao thông hàng không với Trung Quốc, ngay cả khi những phương tiện truyền thông tràn ngập những hình ảnh tuyệt vọng tại các trung tâm điều trị cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19, những đoàn xe tải quân đội đã được điều đến các bệnh viện để chở xác người chết ở vùng Lombardy miền Bắc Ý, các chính phủ Âu Mỹ vẫn lúng túng vật lộn với những lý do kinh tế, chính trị và tâm lý, để có thể dám đề nghị những biện pháp cách ly mạnh như tại Vũ Hán hay sau đó, tại các nước Á đông như Nhật, Đài Loan, Đại Hàn…
Ngày nay, với Internet, không thể nói là “chưa thấy quan tài thì chưa đổ lệ”, nhưng hàng hàng lớp lớp quan tài tại Vũ Hán hay Bergamo, Brescia (thuộc vùng Lombardy) vẫn chưa đủ thuyết phục để người dân những xứ Âu Mỹ sẵn sàng hơn trong việc cộng tác với giới y tế và chính phủ, để đối phó SARS-CoV-2
Đi tìm kẻ đốt nhà?
Các giả thuyết về nguồn gốc của virút SARS-CoV-2 đã được cộng đồng khoa học quốc tế bàn luận sôi nổi hơn một năm nay. Tuy nhiên tất cả vẫn không qua khỏi tình trạng nghi vấn, chưa có lý thuyết nào được kiểm chứng cả. Trong khi đó thì phản ứng tự nhiên của số đông vẫn là tìm người để kết tội cho hả giận.
Đối với giới khoa học, thủ phạm cần phải đối đầu trước hết là con virút nguy hiểm, cách lây lan, cách gây bệnh đưa đến tử vong của nó. Họ dồn hết sức lực tìm cách chống trả và tuyệt vời nhất họ đã làm được thuốc chủng ngừa (1).
Nhưng cho tới nay, khi chưa có thuốc chữa bệnh thật hữu hiệu, chưa có (đủ) thuốc chủng ngừa, thì cách duy nhất để ngăn Covid-19 lây lan vẫn là đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, nghĩa là tùy thuộc phần lớn vào sự hiểu biết và cố gắng của người dân.
Khổ nỗi người dân những xứ Âu Mỹ quen sống tự do, khó chấp nhận tự do cá nhân của họ bị giới hạn và họ cũng dễ quên khía cạnh trách nhiệm của Tự do, là bảo vệ tự do và quyền lợi của người khác. Mặc cho các chính phủ Âu châu như Đức, Pháp, Tây ban Nha…. kêu gào dân hãy tự nguyện chấp nhận những kỷ luật cần thiết để bảo vệ những người già yếu trong xã hội và ngăn chận lây lan, con số những người chống lại không nhỏ. Những người này biểu tình và thưa cả chính phủ không phải một lần mà nhiều lần ra toà.
Tại Mỹ lại càng tệ hại. Một quốc gia giàu có, với khả năng y tế vững nhất thế giới, với dân trí tưởng là cao, mà non nửa số dân lại lựa chọn nghe lời hướng dẫn y tế của ông thương gia Trump thay vì của BS Fauci, một chuyên gia hàng đầu, không những của Mỹ mà của thế giới, về miễn dịch học. Thay vì dồn sức ngăn chặn Covid-19 thì Mỹ là nơi sinh sản rất nhiều thuyết âm mưu, lúc thì phủ nhận đại dịch là có thật, lúc thì buộc tội Trung Quốc đã cố tình sản xuất virút để gây họa cho Mỹ (và thế giới), nhẹ nhất cũng là vi rút đã rò rỉ từ một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.
Mục đích là buộc tội, vạch mặt thủ phạm! Nhốn nháo chạy tìm thằng đốt nhà thay vì dồn lực ngăn chận ngọn lửa đang ngùn ngụt lan tỏa khắp nơi.
Tìm cách chữa và phòng lửa
Ngày 14/01/2021, một nhóm 10 nhà khoa học quốc tế đã được WHO gửi đến Vũ Hán điều tra nguồn gốc vi rút SARS-CoV-2 sau khi phải qua cuộc điều tra của TQ và phải được quốc gia này chấp thuận cho tham dự. Chương trình định rõ, những nhà khoa học quốc tế phải làm việc với con số tương đương những nhà khoa học Trung Quốc. Có thể hiểu là với sự cộng tác hay dưới sự kiểm soát của những người này?
WHO đã tranh đấu suốt năm 2020 để gửi người đến Vũ Hán và phải tới tháng 12, dưới áp lực quốc tế, Trung Quốc mới đồng ý.
Trung Quốc biết rõ thế đứng mới của WHO từ khi ông Biden thắng cử tổng thống và tuyên bố “nước Mỹ trở lại”, cũng như những khó khăn Hiệp định Thương mại Tự do của họ với EU còn phải đối mặt trước Nghị viện Âu châu: vấn đề nhân quyền tại Hongkong và Uighur có thể bị thế giới tự do để rơi vào quên lãng, nhưng số người chết vì corona đã lên tới 2,5 triệu trên toàn thế giới, thì Trung Quốc không có hy vọng lì lợm chờ giải pháp “chuyện đã qua”, mà phải chấp nhận mở một cánh cửa để có cơ hội thoát bế tắc.
Dư luận cho rằng cuộc điều tra của các nhà khoa học tại Vũ Hán là một trò tốn tiền và vô tích sự của WHO, có thể lại còn lợi dụng cơ hội để đánh bóng Trung Quốc và tạo điều kiện “trắng án” cho “thủ phạm”, vì chuyện xảy ra đã hơn một năm và Trung Quốc đã có thời gian để dọn sạch “vết tích”.
Nhưng với những hiểu biết chuyên môn và kinh nghiệm lần tìm nguồn gốc virút bệnh SARS 2003, ai trong giới khoa học cũng hiểu là không thể có hy vọng mong manh nào dò tìm nguồn gốc virút SARS-CoV-2 nếu không đặt chân được tới Vũ Hán.
Do đó phái đoàn chuyên gia quốc tế của WHO đã chính thức tuyên bố: mục đích của chúng tôi không phải là đi tìm lý do đổ lỗi cho ai hay một quốc gia nào. Mục đích của chúng tôi là tìm hiểu nguyên nhân cũng như thời điểm vi rút xuất hiện và bắt đầu lưu hành, để học hỏi và cố gắng giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Đối diện sự thật
Mục đích của WHO rõ ràng không đáp ứng sự mong muốn của đám đông đòi tìm thủ phạm. Nhưng đó là quyết định sáng suốt.
Hãy trắng trợn đặt ra câu hỏi: Dù một trong những thuyết âm mưu “Trung Quốc là thủ phạm cố ý hay vô tình” có được chứng minh đi nữa , thì thế giới làm gì được Trung Quốc?
Với những liên hệ thương mại chằng chéo hiện nay, quốc gia nào trên thế giới có thể cắt liên lạc thương mại hay ngoại giao với Trung Quốc? Thí dụ ngay cả cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump suốt năm 2020 đổ tội chắc nịch cho Trung Quốc, cũng không dám ngưng một ngày, dù đơn giản là ngưng mua khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế của TQ.
Muốn thắng đại dịch, cần sự hiểu biết
Quan tâm hàng đầu hiện nay phải là tìm hiểu nguồn gốc của vi rút vì ba lý do chính (2):
1/ Một là nếu chúng ta tìm ra nguồn gốc và nếu nó vẫn còn ở đó, chúng ta có thể ngăn chặn sự tái xâm nhập của cùng một loại virút vào con người trong tương lai.
2/ Lý do thứ hai là nếu chúng ta hiểu làm thế nào mà loài virút này lại nhảy từ nguồn gốc dơi sang người (3), chúng ta có thể ngăn chặn những sự kiện tương tự sắp tới, có nghĩa là ngăn chặn những đại dịch tương tự trong tương lai.
3/ Và lý do thứ ba là nếu chúng ta có thể tìm thấy virút ở dạng trước khi lây sang người, thì chúng ta có thể có một nền tảng tốt hơn để phát triển các phương pháp điều trị và vắc-xin hiệu quả hơn cho loại bệnh này.
Giới khoa học quốc tế, cũng như nhà cầm quyền TQ, đều ngầm biết rằng, tìm thấy nguồn gốc vi rút SARS-CoV-2 cũng là cơ hội để tìm ra manh mối có bàn tay người nhúng vào nguồn gốc thảm trạng hay không. Những cấm đoán, gây khó khăn do nhà cầm quyền TQ dĩ nhiên làm tăng nghi ngờ nhưng giới khoa học quốc tế vẫn nuôi hy vọng tìm được những dấu vết cần thiết tại Vũ Hán, và nhất là trong giới khoa học TQ còn có những người như BS Lý văn Lượng (Ly Wen Liang) (4).
__________
(3) Đại đa số các chuyên gia virút học tin rằng SARS-CoV-2 xuất phát từ một virút tìm thấy ở loài dơi.
(4) https://en.wikipedia.org/wiki/Li_Wenliang
T.Q.
Tác giả gửi BVN