Thụy My
Hoa Kỳ hôm 22/02/2021 đã trừng phạt hai tướng lãnh cao cấp Miến Điện vì vụ đảo chính ngày 01/02 và đe dọa sẽ có những biện pháp bổ sung. Các Ngoại trưởng G7 «cực lực lên án» việc dùng bạo lực đàn áp biểu tình, trong khi đó phong trào phản kháng vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.
Một chiếc xe chở người tị nạn Miến Điện bị Malaysia trục xuất, tại Lumut, Malaysia, ngày 23/02/2021. REUTERS – LIM HUEY TENG
Reuters dẫn thông cáo Bộ Tài chính Mỹ cho biết hai nhân vật bị trừng phạt là tướng Maung Maung Kyaw, tư lệnh không quân và tướng Moe Myint Tun, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội nay là giám đốc cơ quan giám sát các chiến dịch đặc biệt. Tài sản của hai người này tại Mỹ bị phong tỏa.
Bộ Tài chính cho biết sẽ có những biện pháp bổ sung nếu quân đội không để chính phủ dân cử hoạt động trở lại. Ngoại trưởng Antony Blinken trong một thông cáo riêng rẽ cũng cảnh báo sẽ có những trừng phạt mới, đồng thời đòi hỏi quân đội và cảnh sát Miến Điện chấm dứt tấn công người biểu tình, trả tự do cho những người bị bắt.
Theo Hiệp hội trợ giúp tù nhân chính trị, kể từ khi đảo chính đã có hơn 600 người bị bắt giữ. Dù đã có ba người biểu tình bị thiệt mạng và lời cảnh cáo của quân đội trên truyền hình, hôm qua vẫn có hàng ngàn người xuống đường phản đối.
Các ngoại trưởng G7 và người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu hôm nay «cực lực» lên án lực lượng an ninh Miến Điện dùng bạo lực đối phó biểu tình, kêu gọi «hết sức kềm chế». G7 một lần nữa phản đối vụ đảo chính, đòi hỏi trả tự do vô điều kiện cho những người bị bắt.
Malaysia trục xuất 1.200 người tỵ nạn Miến Điện
Tại Malaysia, khoảng 1.200 người gốc Miến Điện không có giấy tờ sắp bị trục xuất, ba chiếc tàu của quân đội Miến Điện đã đến đón họ. Trong số đó có những trẻ vị thành niên, người tỵ nạn, người sắc tộc thiểu số hoặc theo các tôn giáo bị đàn áp tại Miến Điện. Hôm nay, 23/02/2021, những người tỵ nạn Miến Điện tại Kuala Lumpur tỏ ra lo âu và thất vọng tràn trề.
Thông tín viên Gabrielle Maréchaud tường trình từ Kuala Lumpur:
“James Bawi Thang Bik là một trong số những người tỵ nạn hiếm hoi không sợ lên tiếng. Đứng đầu Liên minh người tỵ nạn Chin, ông là phát ngôn viên của sắc tộc thiểu số theo Công giáo lưu vong ở Malaysia. Cách đây một tuần, ông nhận được các cuộc gọi của 9 người Chin sắp bị giao cho tập đoàn quân sự Miến Điện.
James nói: «Cơ quan nhập cư cho phép họ gọi điện thoại liên lạc với gia đình, nhưng họ không còn thân nhân nên đã gọi cho tôi. Một số đã bị giam giữ từ một năm qua, nên họ không biết những gì đang diễn ra tại Miến Điện».
Khi James cho những người này biết tình hình hiện tại, họ nói rằng trong trường hợp đó họ thà tiếp tục ở tù. Họ lớn lên vào thời kỳ thiết quân luật, tại một vùng đất là nơi diễn ra xung đột vũ trang, làng quê của họ đã bị phá hủy, nên nếu trở về thì biết đi về đâu?
Ông James đến Malaysia tỵ nạn từ năm 16 tuổi. Kể từ khi đảo chính nổ ra tại Miến Điện, chuông điện thoại của ông không ngừng reo, tất cả các cộng đồng tỵ nạn đều lo lắng.
Trong lúc những chiếc xe ca đã rời các trung tâm tạm giữ sáng nay để đưa những người tỵ nạn đến căn cứ quân sự, nơi các tàu Miến Điện đang đậu, Ân Xá Quốc Tế và một tổ chức phi chính phủ khác đã nộp đơn kiện để cố gắng ngăn trở vào phút chót. James không muốn buông xuôi, ông nghĩ tới những trẻ em của cộng đồng mình. Tại trường học của Liên minh tỵ nạn hôm đó, những trẻ em người Chin đang tập đánh vần”.
Nguồn: RFI tiếng Việt