Tân Cương: Anh tố cáo Trung Quốc vi phạm nhân quyền “với quy mô công nghiệp”

Trọng Nghĩa

Trên một diễn đàn Liên Hiệp Quốc, Anh Quốc vào hôm qua 22/02/2021 đã cực lực tố cáo các hành vi tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản phụ nữ mà Trung Quốc tiến hành tại Tân Cương với một “quy mô công nghiệp”. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc với lập luận cố hữu rằng đó là những lời “vu khống”. Cùng ngày, Canada trở thành nước thứ hai sau Hoa Kỳ xem các hành vi của Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là tội ác diệt chủng.

Nhân khóa họp của Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mở ra tại Genève (Thụy Sĩ), trong một phát biểu qua video, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã lại lên tiếng báo động: “Tình hình ở Tân Cương là điều không thể chấp nhận được… với các thông tin về các vụ lạm dụng – bao gồm cả tra tấn, cưỡng bức lao động, triệt sản phụ nữ – ở mức độ cùng cực và trên bình diện rộng, được tiến hành với một quy mô công nghiệp”.

Theo Ngoại trưởng Anh, trước tình hình đó, Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bà Michelle Bachelet hoặc một chuyên gia độc lập khác của định chế quốc tế phải được “quyền tiếp cận khẩn cấp và không bị ràng buộc” để đến Tân Cương xem xét tình hình.

Theo Luân Đôn, Hội đồng Nhân Quyền phải ra một nghị quyết về vấn đề này. Cả Anh Quốc lẫn Trung Quốc đều nằm trong số 47 thành viên năm nay của Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Theo cùng một chiều hướng với đồng nhiệm Anh, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng nói rằng “việc bắt giữ tùy tiện những người thuộc các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương” cần được chú ý.

Ông Mevlut Cavusoglu, lãnh đạo ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, thì kêu gọi Trung Quốc minh bạch trên vấn đề này và kêu gọi bảo vệ quyền của người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi Giáo khác ở Tân Cương.

Trung Quốc tố cáo những lời lẽ “vu khống”

Bắc Kinh đã lập tức phản ứng trước các cáo buộc kể trên. Theo hãng tin Anh Reuters, cũng phát biểu trước Hội đồng Nhân Quyền vào hôm qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lặp lại rằng Bắc Kinh đang thực hiện các biện pháp chống khủng bố phù hợp với luật pháp, và vùng Tân Cương được hưởng một tình trạng “ổn định xã hội và phát triển vững chắc” mà không bị có bất kỳ một “vụ khủng bố” nào.

Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, Tân Cương hiện có đến 24.000 đền thờ Hồi Giáo và tất cả các nhóm sắc tộc ở đó đều được hưởng quyền lao động.

Đối với ông Vương Nghị, “những thực tế cơ bản đó cho thấy không hề có cái gọi là diệt chủng, lao động cưỡng bức hay đàn áp tôn giáo ở Tân Cương”.

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng cho biết nước ông sẵn sàng mời đại diện Liên Hiệp Quốc – cụ thể là bà Michelle Bachelet đến thăm Tân Cương, nhưng không đưa ra thời điểm cụ thể.

Canada: Đàn áp người Duy Ngô Nhĩ là tội ác “diệt chủng”

Ngày hôm qua, 22/02, các dân biểu Canada đã thông qua một kiến nghị không mang tính ràng buộc, coi việc Trung Quốc đàn áp thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương là một “tội ác diệt chủng”.

Đề nghị do đảng Bảo Thủ (đối lập) chủ trương đã được thông qua tại Hạ Viện với 266 phiếu trên tổng số 338 dân biểu. Các nghị sĩ khác, đặc biệt là các bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã bỏ phiếu trắng.

Canada là nước thứ hai sau Hoa Kỳ xem những hành vi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc tại Tân Cương là “tội ác diệt chủng”.

Một điều khoản bổ sung vào kiến nghị kêu gọi dời ngày tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 nếu “nạn diệt chủng” tiếp tục, cũng đã được thông qua.

Nguồn: RFI tiếng Việt


This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng, Diệt chủng. Bookmark the permalink.