Hoạt động của Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu tại VN

Dĩ nhiên là Việt Nam đang phát triển, còn đang thuộc vào cộng đồng các nước có thu nhập thấp trên thế giới, nên việc Chính phủ VN kêu gọi các Đoàn thể phi chính phủ (NGO) đến giúp đỡ, tài trợ thêm về y tế giáo dục cho các vùng dân cư kém phát triển nhất là chuyện bình thường.

Nhưng sau khi đọc các hàng chữ trong bản tin sau đăng trên RFA, tôi không khỏi cay cay lỗ mũi :

Hôm thứ Năm, tại Washington DC, Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu (GCSF), tổ chức buổi gây quỹ để tìm kiếm thêm sự tài trợ cho các dự án giáo dục và y tế ở hai quốc gia Châu Á là Miến Điện và Việt Nam“.

Trước khi VN tái lập lại nền hòa bình và thống thống nhất lãnh thổ năm 1975, miền Nam VN (tức CHVN) dù trong tình trạng chiến tranh cũng chưa bao giờ phải xếp vào cuối bảng danh sách các nước ASEAN thân Mỹ hay trung lập như Phi Luật Tân, Miến Điện, Lào và Cam-bốt.

Tuy không có sắp hạng của LHQ, nhưng chúng ta đều biết trước khi Thái Lan xây xong phi trường Bangkok để thay thế Sài Gòn mở cửa “Cực Đông Nam” của khu vực về mặt kinh tế đối với thế giới, thì ngay trong thời gian chiến tranh Sài Gòn vẫn được gọi là hòn ngọc Viễn Đông và hàng hóa công nghiệp nhẹ sản xuất tại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn vẫn có mặt trên thị trường Thái Lan, Lào và Cam-bốt !

Đó là lý do tại sao một người VN như tôi lại  “cay cay lỗ mũi” khi đọc hàng tin trên và tự hỏi: “Chẳng lẽ hai nước có chế độ độc đảng, một Tả một Hữu, lại là hai nước đội sổ về kinh tế trong khu vực cần đến hỗ trợ của “NGÔ-KHOAI” (NGO) nhiều đến như vậy à”?

CHXHCNVN là nước trong khu vực được UNDP đánh giá là có GDP tăng trưởng trên 8%-9% /năm trong 10 năm liên tiếp chỉ sau Trung Quốc, là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới sau Thái Lan, làm  sao lại không có khả năng nhường những hỗ trợ này cho  Lào và Cam-bốt trong khi VN đang là Chủ tịch thường niên của ASEAN ?

Tiêu chuẩn của Quỹ Phục vụ Cộng đồng toàn cầu (GCFC) như sau :

“The Global Community Service Foundation, Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu, là tổ chức phi chính phủ ở Hoa Kỳ, được sáng lập trong mục đích hỗ trợ cộng đồng người nghèo và cộng đồng thiểu số tại các quốc gia Đông Nam Á với những dự án lâu dài, tập trung vào hai mảng giáo dục và y tế, bên cạnh những dịch vụ chăm sóc sức khỏe đồng thời đáp ứng những nhu cầu thiết thực của người nghèo”.

Tại VN, Qỹ này chọn tỉnh Quảng Trị là địa phương khai triển phục vụ vì những lý do sau:

Vùng đất Quảng Trị là nơi chúng tôi lựa chọn vì đó là khu vực mà đời sống còn nhiều khó khăn. Nói một cách khác, đó là khu vực còn tồn tại nhiều vấn đề lấn cấn giữa hai quốc gia... Hiện có mười lăm tổ chức phi chính phủ ở Quảng Trị, 70% các tổ chức này hoạt động trong lãnh vực rà phá bom mìn. Có hai mảng cụ thể, một mảng là rà phá và một mảng là phục hồi.


Quỹ phục vụ cộng đồng đặt trọng tâm vào khu vực phục hồi. Tức là sau khi các tổ chức kia rà phá bom mìn tại các khu vực bị nhiễm bom mìn thì Quỹ này sẽ đến giúp xây nhà tình nghĩa cho những nạn nhân bom mìn, rồi thì hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ y tế, nước sạch cho đồng bào ở khu vực vừa mới rà phá đó” .

Vấn đề “lấn cấn giữa hai quốc gia” không nói rõ ở đây chính là vấn đề chất độc màu da cam (Agent orange) mà quân đội Mỹ rải thường xuyên tại tỉnh Quảng Trị trong thời gian chiến tranh để ngăn chặn quân VN từ miền Bắc xâm nhập vào miền Nam qua các thung lũng như Lao Bảo, Khê Sanh…

Đọc hết hai hàng trên thì người đọc mới vỡ lẽ ra là đất Quảng Trị anh hùng với những bà mẹ Gio Linh, với bộ đội hy sinh tử chiến hàng ngàn người trên thành cổ Quảng Trị,… giờ đây 35 năm sau khi chiến tranh kết thúc trên mảnh đất “mùa hè máu lửa” này…,  dân chúng sinh sống tại đây ngày ngày vẫn là nạn nhân bom mìn sót lại trên đồng ruộng, nơi làng mặc vẫn cần “hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ y tế, nước sạch“!

Ông Nguyễn Xuân Tâm đại diện Việt Nam trong Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu, trong buổi gây quỹ hôm thứ Năm được đánh giá là là thành công bởi nhiều nhà tài trợ đăng ký, đã nói như sau:

“Sau buổi gây quỹ, tôi được nghe Ban giám đốc công bố là số người hỗ trợ rất nhiều. Chúng tôi cũng thực hiện đấu giá thành công bức tượng Phật của Myanmar. Buổi gây quỹ đó là dành cho các dự án về giáo dục, nước sạch và vệ sinh dành cho phụ nữ tại Việt Nam và Myanmar”.

Đọc đến chữ “Chúng tôi” trong câu trên trên mà Đại diện của VN tự hào phát biểu trong buổi lễ, người dân VN như tôi cảm thấy tủi hổ.

Và mắt mũi tôi càng cay cay khi được biết dù sao các ông tướng quân phiệt Myanmar cũng đã giữ liêm sỉ khi gửi sang đóng góp một di sản văn hóa để Quỹ GCSF bán đấu giá và lấy tiền gây quỹ phục vụ cho nhân dân Myanmar! Còn các quan chức độc đảng nước mình?

GS TS Nguyễn Thu

Lễ khánh thành Trường tiểu học & trung học cơ sở Avao ở Quảng Trị hôm 8/5/2010. Trường được xây dựng với sự tài trợ của Quĩ phục vụ cộng đồng toàn cầu (GCSF). Photo courtesy of globalcommunityservice.org

Lễ khánh thành Trường tiểu học & trung học cơ sở Avao ở Quảng Trị hôm 8/5/2010. Trường được xây dựng với sự tài trợ của Quĩ phục vụ cộng đồng toàn cầu (GCSF). Photo courtesy of globalcommunityservice.org

Hôm thứ Năm, tại Washington DC, Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu (GCSF), tổ chức buổi gây quỹ để tìm kiếm thêm sự tài trợ cho các dự án giáo dục và y tế ở hai quốc gia Châu Á là Miến Điện và Việt Nam.

Tỉnh Quảng Trị là nơi Quỹ  phục vụ cộng đồng toàn cầu chính thức hoạt động từ 2005 đến giờ. Thanh Trúc trình bày chi tiết về hoạt động của tổ chức này ở miền Trung Việt Nam.

Hoạt động tại Quảng Trị

The Global Community Service Foundation, Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu, là tổ chức phi chính phủ ở Hoa Kỳ, được sáng lập trong mục đích hỗ trợ cộng đồng người nghèo và cộng đồng thiểu số tại các quốc gia Đông Nam Á với những dự án lâu dài, tập trung vào hai mảng giáo dục và y tế, bên cạnh những dịch vụ chăm sóc sức khỏe đồng thời đáp ứng những nhu cầu thiết thực của người nghèo.

Tại buổi gây quỹ hôm thứ Năm vừa qua ở Washington, ngoài đại diện Miến Điện trong tổ chức, còn có sự hiện diện của viên chức Sở ngoại vụ Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Quang, và thành viên của Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu ở Quảng Trị, ông Nguyễn Xuân Tâm.

Giám đốc Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu, bà Marsha Selva, khẳng định Miến Điện và Việt Nam là hai trong số các quốc gia mà tổ chức do bà sáng lập được phép hoạt động. Năm 1992, bà Marsha Selva lần đầu tiên đến Việt Nam:

Lần đầu tới Việt Nam năm 1992, tôi  tận mắt chứng kiến thực trạng ở đất nước này. Tôi trở về và quyết định thành lập Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu với lòng mong mỏi giúp đỡ, vì tôi hiểu mối liên hệ đặc biệt giữa Hoa Kỳ với Việt Nam.

Tôn chỉ của tổ chức là hỗ trợ những người nghèo và những người thiệt thòi tại địa bàn Quảng Trị nói riêng và miền Trung Việt Nam nói chung, trên các mặt giáo dục, sức khỏe, vệ sinh và nước sạch.

Ông Nguyễn Xuân Tâm

Vùng đất Quảng Trị là nơi chúng tôi lựa chọn vì đó là khu vực mà đời sống còn nhiều khó khăn. Nói một cách khác, đó là khu vực còn tồn tại nhiều vấn đề lấn cấn giữa hai quốc gia .

Dưới mắt ông Nguyễn Xuân Tâm, đại diện Việt Nam trong Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu, buổi gây quỹ hôm thứ Năm được đánh giá là là thành công với nhiều nhà tài trợ đăng ký đóng góp:

Sau buổi gây quỹ, tôi được nghe Ban giám đốc công bố là số người hỗ trợ rất nhiều. Chúng tôi cũng thực hiện đấu giá thành công bức tượng Phật của Myanmar. Buổi gây quỹ đó là dành cho các dự án về giáo dục, nước sạch và vệ sinh dành cho phụ nữ tại Việt Nam và Myanmar.

Từ năm 2002, Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu đã có mặt tại Việt Nam, nhưng chỉ đến 2005 thì mới chính thức hoạt động tại tỉnh Quảng Trị ở miền Trung:

Khi đến Quảng Trị năm 2005 thì họ hợp tác với Sở ngoại vụ tỉnh Quảng Trị để thành hình các hoạt động nhân đạo tại đây.

Tôn chỉ của tổ chức là hỗ trợ những người nghèo và những người thiệt thòi tại địa bàn Quảng Trị nói riêng và miền Trung Việt Nam nói chung, trên các mặt giáo dục, sức khỏe, vệ sinh và nước sạch. Các đối tượng chính là những người khuyết tật, trẻ em cũng như người dân tộc thiểu số.

Tưởng cần biết, Quảng Trị là một trong mười bốn tỉnh nghèo nhất trên cả nước. Ngoài cộng đồng người Kinh, ở đây còn có khoảng sáu chục nghìn người thiểu số gồm hai sắc dân miền núi là dân tộc Paccoh và dân tộc Vân Kiều, đa số sống trong kham khổ và thiếu thốn:

Về cơ bản thì Quỹ phục vụ cộng đồng lựa chọn những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Việt Nam so với thế giới thì vẫn còn là một quốc gia đang phát triển. Gần đây Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách những nước có thu nhập thấp, tức là được nâng lên nước có thu nhập trung bình. Nhưng mà một số khu vực miền núi và nông thôn thì số lượng người nghèo vẫn còn nhiều.

Đó là một trong những lý do để Quảng Trị được Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu lựa chọn:

Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu hoạt động phối hợp với chính quyền địa phương. Hàng năm, trước mỗi kỳ như vậy, chúng tôi đều có làm việc với Sở ngoại vụ Quảng Trị cũng như các ban ngành ở đó. Tỉnh sẽ đề ra các lãnh vực mà các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động trong tỉnh sẽ phối hợp cùng, trong đó giáo dục và y tế là hai mảng mà tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu hàng đầu.

Về mặt giáo dục thì Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu cải thiện hệ thống hạ tầng cho một số trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, đặc biệt là tại các vùng sâu vùng xa và vùng miền núi.

Hỗ trợ về nhiều mặt

Trường tiểu học & trung học Avao ở Quảng trị đang được xây dựng với sự tài trợ của quĩ phục vụ cộng đồng toàn cầu. Ảnh chụp năm 2009. Photo courtesy of globalcommunityservice.org

Trường tiểu học & trung học Avao ở Quảng trị đang được xây dựng với sự tài trợ của quĩ phục vụ cộng đồng toàn cầu. Ảnh chụp năm 2009. Photo courtesy of globalcommunityservice.org

Thời chiến, Quảng Trị là vùng địa đầu với sông Bến Hải chia cách hai miền Nam Bắc. Đây cũng là khu vực hứng chịu nhiều bom đạn và tổn thất nặng nề, với những địa danh như Cam Lộ hay Gio Linh, chỉ cách khu vực phi quân sự vài kilômét:

Chúng tôi đang nhắm vào dự án Trường tiểu học A Vao, khu vực Đakrông ở miền núi Quảng Trị. Đầu tư giáo dục là một trong những ưu tiên, được rất nhiều nhà tài trợ trong Quỹ phục vụ cộng đồng hỗ trợ. Quỹ phục vụ cộng đồng lựa chọn những thôn làng mà ở đó người nghèo cần một trường điểm hội tụ giáo dục mầm non cho trẻ. Vừa rồi chúng tôi đã hoàn tất Trường mầm non Lễ Môn ở khu vực Gio Linh chỉ cách khu vực DMZ (phi quân sự) một cây số rưỡi.

Trong lãnh vực y tế và xã hội, chính quyền địa phương cho rằng Quảng Trị là nơi thực sự cần được hỗ trợ vì số nạn nhân của chất độc màu da cam rất cao. Vẫn lời đại diện Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu, ông  Lê Xuân Tâm:

Chất độc da cam đã nhiễm tới thế hệ thứ ba từ sau chiến tranh rồi. Quảng Trị, đặc biệt là khu vực Cam Lộ, hồi xưa bị rải chất da cam rất là nặng, dẫn đến tỷ lệ trẻ em sinh ra bị khuyết tật tương đối cao. Không chỉ đơn thuần là nhiễm trực tiếp từ bố mẹ sang con mà nó còn nhiễm qua nguồn nước nữa. Lý do Quảng Trị được hầu như các tổ chức phi chính phủ đến hoạt động nhất là vì hậu quả chiến tranh ở đây quá lớn.

Được hỏi Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu có hỗ trợ tiến trình rà phá hoặc tháo gỡ bom mìn còn sót lại từ thời chiến không, ông Lê Xuân Tâm trả lời:

Hiện có mười lăm tổ chức phi chính phủ ở Quảng Trị, 70% các tổ chức này hoạt động trong lãnh vực rà phá bom mìn. Có hai mảng cụ thể, một mảng là rà phá và một mảng là phục hồi. Quỹ phục vụ cộng đồng đặt trọng tâm vào khu vực phục hồi. Tức là sau khi các tổ chức kia rà phá bom mìn tại các khu vực bị nhiễm bom mìn thì Quỹ này sẽ đến giúp xây nhà tình nghĩa cho những nạn nhân bom mìn, rồi thì hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ y tế, nước sạch cho đồng bào ở khu vực vừa mới rà phá đó.

Đầu tư giáo dục là một trong những ưu tiên, được rất nhiều nhà tài trợ trong Quỹ phục vụ cộng đồng hỗ trợ. Quỹ phục vụ cộng đồng lựa chọn những thôn làng mà ở đó người nghèo cần một trường điểm hội tụ giáo dục mầm non cho trẻ.

Ông Nguyễn Xuân Tâm

Năm 2011, Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu đặt trọng tâm vào việc xây dựng một trường học dành cho trẻ em mù trên địa bàn Quảng Trị.

Đó là một ngôi trường sẽ được xây theo mô hình của trường Perkins School tức là trường dành cho người mù ở Mỹ.

Với mô hình như vậy, ông Nguyễn Xuân Tâm nói tiếp, Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu hy vọng trường dành cho trẻ em mù này sẽ là ngôi trường tiêu biểu cho người tàn tật không riêng vùng Quảng Trị mà cho cả miền Trung.

Giai đoạn thu nhận đầu tiên của Trường mù Quảng Trị là năm chục trẻ khiếm thị. Theo dự tính của Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu, dự án trường học cho người khiếm thị sẽ kéo dài năm năm, bảy năm hoặc lâu hơn tùy theo năng lực hoạt động và khả năng tài chánh của tổ chức.

Theo lời người sáng lập kiêm Giám đốc Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu, bà Marsha Selva, người nghèo và người sắc tộc tại các quốc gia đang mở mang của Đông Nam Á như Việt Nam và Miến Điện, thường phải đối diện với những trở ngại của cuộc sống mà nếu không được hỗ trợ thì cơ hội thoát nghèo đối với họ rất khó.

Chính vì thế, bà nhấn mạnh, sự giúp đỡ khẩn cấp, thiết thực, đúng người đúng việc, là điều quan trọng nhất mà Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu luôn cố gắng thực hiện.

TT

Nguồn: RFA, 12-7-2010

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.