1. Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc (1935-2021), người để lại nhiều dấu ấn cải cách
27-1-2021
Ông Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp (người ngồi giữa) trong một cuộc họp. Ảnh: Báo Giáo Dục
Thời kỳ sau Đổi Mới, tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc là một trong những người để lại dấu ấn lên tiến trình lập hiến và lập pháp của Việt Nam nhiều nhất. Cho dù được đào tạo theo tinh thần “pháp chế xã hội chủ nghĩa”, ông Lộc vẫn chịu ảnh hưởng bởi tư duy pháp quyền từ thế hệ cha anh Tây học.
Ông Lộc biết rõ không gian hình thành Hiến pháp 1959, Hiến pháp, theo ông, mới thực sự là “Hiến pháp Hồ Chí Minh”. Ông tham gia với vai trò chuyên viên khi Quốc hội làm Hiến pháp 1980. Và, là “Chủ biên” của Hiến pháp 1992 – Hiến pháp đưa nước ta căn bản thoát ra khỏi mô hình Xô – Viết.
Những Bộ luật quan trọng sau đó, thiết lập những hành lang pháp lý căn bản cho kinh tế thị trường hình thành, ông đều đóng vai trò quan trọng nhất như: Bộ Luật Dân sự 1995; Bộ Luật Hình sự 1999.
Tôi chứng kiến cuộc tranh luận nảy lửa giữa ông, lúc ấy đã là Bộ trưởng Tư pháp và Chánh án TAND Tối cao Phạm Hưng khi Quốc hội thảo luận Luật Tổ chức Tòa án. Chánh án Phạm Hưng muốn Tòa án Tối cao quản lý tòa theo ngành dọc. Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc ủng hộ phương án Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án Tối cao quản lý tòa địa phương.
Ông Lộc cho rằng, tòa án không phải là một cơ quan hành chính để cấp trên quản lý cấp dưới mà là một cơ quan xét xử. Theo ông, việc tòa án cấp dưới phụ thuộc tòa án cấp trên về mặt tổ chức là nguyên nhân nảy sinh hiện tượng “thỉnh thị án”, hiện tượng “án bỏ túi”.
Bộ Tư pháp, trong kỳ họp ấy, còn gửi đến các đại biểu Quốc hội một “sách trắng” cho thấy: Nhiều tòa án cấp tỉnh đã xếp lịch cụ thể để lên thỉnh thị án; năm 1988, do tòa hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao có văn bản chỉ thị tòa án Hà Nam Ninh xử một bị cáo năm năm tù mà bị cáo này đã bị ức chế, dùng súng bắn hai cán bộ tòa án rồi tự sát.
Chiều ngày 5-10-1992, Quốc hội đã quyết định để Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa tối cao quản lý tòa địa phương. Cho dù “thỉnh thị án” vẫn tồn tại dưới nhiều cách thức. Quyết định này đã có ảnh hưởng rất nhiều.
Trong thời kỳ chuẩn bị Hiến pháp 1992, tôi có rất nhiều cuộc phỏng vấn, trò chuyện với ông. Thời làm Bộ Luật Dân sự 1995, tôi tiếp tục phỏng vấn và có vài tranh luận với ông, cả trên báo và trong phòng Bộ trưởng. Cả về tư duy và nhận thức, những “diễn biến” trong ông, từ Hiến pháp 1992 đến “Nhóm kiến nghị 72”, là một tiến trình. Sở dĩ có tiến trình đó, bởi ông còn là một trí thức không ngừng học hỏi.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc là người rất có ảnh hưởng lên những cải cách tư pháp trong thập niên 1990. Những ảnh hưởng có được đó không chỉ vì những chức vụ ông nắm giữ mà còn vì tư duy và mức độ uyên thâm của ông thường vượt lên những người cùng địa vị và cùng thời khác.
H.Đ.
Nguồn: FB Truong Huy San
2. Tiễn biệt một kẻ sĩ xứ Nghệ
Nguyễn Khắc Mai
Sáng nay 25-1-2021 nhờ Nguyễn Hữu Vinh mà tôi biết được tin anh Nguyễn đình Lộc đã ra đi. Dẫu biết rằng tuổi tám sáu (86) là đã đến cõi, nhưng vẫn bùi ngùi, như có chút gì hụt hẫng.
Tôi bắt đầu biết rồi quen thân với anh Lộc từ một Hội Thảo marathon do ban Khoa giáo tổ chức hồi năm 1991, đề tài xây dựng nhà nước pháp quyền. Cứ mỗi tuần một buổi họp, bàn về một chủ đề nào đó liên quan đến vấn đề Nhà nước và Pháp luật. Tôi nhớ có GS. Đoàn Trọng Truyến, có Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, anh Thảo, một nhà nghiên cứu luật học đáng kính và nhiều anh chị nữa, lâu rồi đã quên tên.
Đó là hội thảo lớn do chính hai ông Lê Đức Anh và Võ văn Kiệt chủ trì, để chuẩn bị “ný nuận” cho xây dựng bản HP 1992. Tôi chỉ còn nhớ mình đã phát biểu mấy vấn đề, mà anh Lộc đã bình luận: “Cậu có ý kiến táo bạo đấy”. Và dường như anh Lộc bắt đầu có cảm tình với tôi.
Tôi nói, phải xây dựng một đạo Luật cho hoạt động của Đảng và phải nghiên cứu để luật hóa tư cách nhà nước của BCH Trung ương, coi đó như vai trò của một Thượng viện. Nếu không, Đảng sẽ hoạt động vênh ra khỏi quỹ đạo của Luật pháp và Hiến pháp.
Tôi không biết ý kiến ấy có tác dụng gì không, hay chỉ như phát tên bắn vu vơ ở chân trời. Nhưng khi tôi còn làm việc, tôi nghe anh em bên văn phòng Trung ương nói, có lần ông Kiệt nêu ý kiến tại một cuộc họp Bộ Chính trị, rằng có người đề xuất phải có Luật hoạt động cho Đảng, nhưng không thấy ai động ria động mép phản ứng, nên ổng nói: Thôi, tội gì mình mua dây trói mình.
Về sau, một số anh em, trong đó có Vũ Mão, đã nêu lại vấn đề này công khai trên báo. Bây giờ tôi coi đó chỉ là chuyện tào lao. Điều đáng nhớ là, từ đấy, kể cả lúc anh Lộc là Bộ trưởng, cho đến lúc về hưu, anh Lộc đã rất thân thiết với Trung tâm Minh triết. Chúng tôi mời anh dự nhiều sinh hoạt học thuật, đi dã ngoại với nhau…
Tôi đã đến thăm anh ở nhà riêng và anh cũng đến chơi với tôi, trà lá tâm đắc. Khi tôi phát hiện và cho công bố hai câu thơ sấm của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Rồi tổ chức hội thảo công bố “Chương trình minh triết làm chủ Biển Đông”, anh Lộc đã hăng hái tham gia góp với chúng tôi nhiều ý kiến. Anh thật thà thú với tôi làm cho tôi cũng cảm động: “Mai này, mình làm Bộ trưởng 13 năm, mà trong đầu hai chữ Biển Đảo rất nhạt”.
Đây quả là một con người lão thực, dám nói cái điều thiếu sót của mình. Tôi đã đến tận nhà anh, đem tặng anh bức thư pháp viết hai câu thơ sấm kể trên, khiến anh rất vui.
Bây giờ Lộc không còn nữa, nhưng cái chồi lộc ấy đã phát triển tươi xanh, góp nhiều năng lượng cho đời. Tôi càng nhớ anh, càng quý mến cái nhân cách kẻ sĩ của anh. Anh ra đi ở tuổi tám sáu (86).
Con số 86 rất có ý nghĩa. Như vào năm 86 ở ta có cái Đại hội VI, nó mở ra một lối đi mới, đặt lợi ích của Dân lên trên hết, mà quá trình đó luôn luôn là một cuộc đấu tranh của một bên là những mong ước chân thành, thật sự coi Dân là gốc nước, còn một bên đang cố níu kéo cái cỗ xe Đất Nước để trở thành quốc gia không muốn phát triển, như một nhà trí thức nữ tâm huyết đã nhận định.
Nhưng tôi càng quý anh khi thấy anh thuộc về nhóm số một. Đó cũng chính là niềm vui, niềm tự hào của anh khi thanh thản ra đi, phiêu diêu vào một cõi vĩnh hằng.
Tiễn biệt Anh và trong tôi vẫn còn hình bóng của một cành Lộc tươi xanh, trưởng thành, đang lan tỏa vào môi trường một năng lượng của khí sắc một kẻ sĩ xứ Nghệ.
Nguyên Khắc Mai, người già Ô Đồng Lầm, Hà Nội.
Tác giả gửi BVN