Mai Vân
Các hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông tiếp tục bị vạch trần tại Liên Hiệp Quốc. Trong một động thái chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc tức tối, Nhật Bản mới đây đã gửi công hàm ghi ngày 19/01/2021 đến tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bác bỏ các đường cơ sở mà Bắc Kinh vẽ ra quanh một số thực thể địa lý trên Biển Đông, đồng thời cáo buộc Trung Quốc hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Đá Vành Khăn, trong vùng quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Ảnh do không quân Philipines chụp qua khoang của kính máy bay ngày 11/05/2015. REUTERS/Ritchie B. Tongo/Pool TPX
Nhật Bản là nước mới nhất chính thức ra công hàm phản đối Trung Quốc trước Liên Hiệp Quốc về vấn đề Biển Đông.
Công hàm mang ký hiệu SC/21/002 của phái đoàn thường trực của Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc nêu rõ mục tiêu của Tokyo là nhằm đáp trả công hàm CML/63/2020 mà Trung Quốc đã gởi đến Liên Hiệp Quốc vào năm ngoái để bác bỏ công hàm chung của ba nước Pháp, Đức và Anh. Công hàm của Nhật bao gồm hai điểm chính:
Tokyo trước hết “bác bỏ lập trường của Trung Quốc cho rằng ‘việc vẽ đường cơ sở phân định lãnh hải mà Trung Quốc thực hiện quanh các đảo và đá ở Biển Đông là phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS và luật pháp quốc tế nói chung’”.
Không có quyền vẽ đường cơ sở ở Biển Đông
Đối với Nhật Bản, UNCLOS đã thiết lập những điều kiện để áp dụng đường cơ sở một cách cụ thể và đầy đủ, trong khi Trung Quốc đã không thể viện dẫn các điều khoản liên quan của UNCLOS để khẳng định tính hợp pháp của các đường cơ sở này.
Tokyo khẳng định: “Không có chuyện một quốc gia thành viên biện minh cho việc áp dụng những đường cơ sở mà không đáp ứng các điều kiện được quy định trong khuôn khổ UNCLOS”.
Điểm thứ hai mà Nhật Bản phản bác là tuyên bố của Trung Quốc trong công hàm CML/63/2020 về quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Không có quyền hạn chế tự do hàng không và hàng hải
Theo Nhật Bản: Quyền tự do hàng hải và hàng không phải được đảm bảo trên vùng biển và không phận xung quanh và bên trên các thực thể biển được xác định là bãi cạn lúc chìm lúc nổi (low-tide elevation), vốn không có lãnh hải và không phận, như những gì đã được ghi nhận trong phán quyết về Biển Đông ngày 12/07/2016, một phán quyết mang tính chất chung cuộc và ràng buộc đối với tất cả các bên tranh chấp.
Công hàm của Nhật Bản tuy nhiên cũng ghi nhận sự kiện là “Trung Quốc đã không công nhận phán quyết, và đã khẳng định họ có ‘chủ quyền’ trên biển và trên không xung quanh và bên trên những thực thể được xác định là lúc chìm lúc nổi”, và trong thực tế đã “phản đối việc phi cơ Nhật Bản bay qua khu vực xung quanh Đá Vành Khăn và tìm cách hạn chế quyền tự do hàng không trên Biển Đông”.
Danh sách các nước ra công hàm phản đối Trung Quốc dài thêm
Nhật Bản như vậy là nước mới nhất tham gia vào điều mà báo chí gọi là “cuộc chiến công hàm” về Biển Đông, cùng với các nước ngoài vùng như Anh, Pháp, Đức, Úc và Mỹ, và các quốc gia trong vùng như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia bác bỏ các yêu sách quá đáng và phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông.
Đối với nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) ngày 21/01/2021, công hàm của Tokyo rất đáng chú ý vì rất hiếm khi Nhật Bản – đang có tranh chấp lãnh thổ riêng với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông – công khai phản đối hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, cho dù Tokyo trước đó đã nhiều lần thúc giục Bắc Kinh công nhận phán quyết 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông.
Trần Tương Miểu (Chen Xiangmiao), một chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Nam Hải của Trung Quốc cho rằng việc gới công hàm “có thể là một cách để Nhật Bản nâng cao vị thế trong các cuộc đàm phán [về Biển Hoa Đông] với Trung Quốc”. Do việc Tokyo là đồng minh thân cận của Washington, lập trường cứng rắn của Nhật Bản về Biển Đông sẽ được Mỹ hoan nghênh, cho dù đó là chính quyền Donald Trump hay chính quyền Joe Biden.
Nhật Bản giúp gia tăng trọng lượng của phán quyết Biển Đông
Riêng giáo sư Yoichiro Sato thuộc Đại học Châu Á-Thái Bình Dương Ritsumeikan ở Nhật Bản thì thấy rằng việc Nhật Bản tham gia vào “liên minh luật pháp quốc tế” phản đối Trung Quốc về Biển Đông đã củng cố thêm “trọng lượng của phán quyết trọng tài năm 2016”. Tuy nhiên, theo ông Sato, khác với Mỹ và các đồng minh – vốn bác bỏ điều mà Bắc Kinh gọi là quyền lịch sử của họ đối với Biển Đông – công hàm của Nhật Bản chỉ đề cập đến việc Trung Quốc cản trở quyền tự do hàng hải và hàng không chung quanh các bãi ngầm và thực thể nửa chìm nửa nổi không có quyền sản sinh ra lãnh hải.
Theo ông Sato, tranh chấp với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông có thể làm phức tạp thêm vị thế của Tokyo ở Biển Đông: “Thái độ thận trọng của Nhật Bản chủ yếu bắt nguồn từ nỗi lo ngại theo đó Trung Quốc có thể trả đũa ở Biển Hoa Đông trong tranh chấp về quần đảo Senkaku nếu Tokyo can dự quá mạnh vào Biển Đông”.
Dẫu sao theo giáo sư Sato, sự hiện diện của các tàu tuần duyên Trung Quốc gần Senkaku “đã thuyết phục Nhật Bản rằng sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở cả hai vùng biển đều xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc và ý định bành trướng” của nước này.
M.V.
Nguồn: RFI tiếng Việt