Thanh Trúc
2021-01-21
Hình minh hoạ. Công ty thép Formosa ở Hà Tĩnh. Hình chụp 29/10/2019. Reuters
Ngừng giám sát đặc biệt đối với Formosa Hà Tĩnh là quyết định mới đây nhất của Tổng cục Môi trường Việt Nam, sau khi kết quả kiểm định tính đến trung tuần tháng 12/2020 cho thấy tất cả 53 lỗi vi phạm đã được khắc phục.
Đây là 53 lỗi vi phạm do Ban Thanh tra Liên nghành, Bộ Tài nguyên – Môi trường, đề ra để liên tục quan trắc Nhà máy Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa ở Hà Tĩnh, công ty từng xả thải trực tiếp ra môi trường khiến nguồn nước biển 4 tỉnh miền Trung bị ô nhiễm làm hải sản chết hàng loạt hồi năm 2016.
Tin vừa nêu được mạng Dân Trí loan đi hôm 19/1, dẫn lời ông Hoàng Văn Thức, Phó cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên – Môi trường Việt Nam.
Từ hồi tháng 12/2020, Hội đồng Giám sát Liên ngành do Bộ Tài nguyên-Môi trường chỉ định, đã họp đánh giá kết quả khắc phục các vi phạm và sự thể hiện cam kết bảo vệ môi trường của Formosa, dẫn tới quyết định ngừng giám sát lần này.
Theo lời ông Hoàng Văn Thức, Formosa đã thực hiện đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên-Môi trường, đã bổ sung 10 hạng mục công trình bảo vệ môi trường.
Còn theo thẩm định của Tổng cục Môi trường, từ tháng 8/2020 toàn bộ các hạng mục công trình bảo vệ môi trường của dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn 1) và các công trình cải thiện, bổ sung bảo vệ môi trường tại đây coi như đã hoàn thành, được Bộ Tài nguyên-Môi trường Việt Nam cấp giấy xác nhận hoàn thành để vận hành chính thức.
Hình minh hoạ. Cá chết dạt vào bờ ở Quảng Bình hôm 20/4/2016 do chất thải từ Formosa
Một cư dân Vũng Áng nói với RFA rằng dân chỉ mong có được thông tin thuyết phục, rõ ràng về thực trạng môi trường nơi nhà máy gang thép đang hoạt động.
Một ngư dân khác, cũng ở Vũng Áng, cho rằng cứ hễ nói đến Formosa là có bức xúc:
“Người dân không hiểu hết được bởi vậy các cấp lãnh đạo cho đến công ty nên giải thích cho người ta hiểu, người ta mới là không bức xúc”.
Được biết mọi dữ liệu quan trắc tự động của Formosa vẫn liên tục được truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Tĩnh, kế đó là Tổng cục Môi trường để được theo dõi, giám sát. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng đã yêu cầu Formosa cài đặt số liệu quan trắc tự động liên tục lên bảng thông tin điện tử ngay tại cổng nhà máy để người dân có thể theo dõi một cách dễ dàng.
Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Việt Nam, cho hay từ tháng 7/2016 đến nay đã được gần 4 năm rưỡi, Tổ Kỹ thuật liên ngành đã nhận thấy quá trình “Giám sát đặc biệt” được thực hiện tốt và kết luận rằng có thể dừng việc “Giám sát đặc biệt” tại FHS:
“Tiếp theo, việc giám sát thông thường với chất lượng cao về quan trắc dữ liệu môi trường đối với FHS, một cơ sở sản xuất thép có rủi ro gây ô nhiễm cao, vẫn được tiếp tục 24/24 trong ngày”.
Người dân không hiểu hết được bởi vậy các cấp lãnh đạo cho đến công ty nên giải thích cho người ta hiểu, người ta mới là không bức xúc
Các dữ liệu quan trắc, vẫn lời tiến sĩ Đặng Hùng Võ, được truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các cơ quan quản lý môi trường ở Trung ương và Hà Tĩnh vẫn phân công công chức chịu trách nhiệm theo dõi thường xuyên:
“Tôi cho rằng, kết luận của Hội đồng Giám sát liên ngành về việc dừng chế độ “Giám sát đặc biệt” về môi trường đối với FHS là thỏa đáng, đủ độ tin cậy”.
“Về mặt tâm lý quản lý, không dại gì các cán bộ nhà nước để sơ hở trong thực thi công vụ đối với một sự cố môi trường nghiêm trọng, đã gây tác hại cho mọi người dân và hoạt động kinh tế của 4 tỉnh, bị phán xét trên tầm quốc gia và quốc tế”.
Trao đổi với RFA qua điện thư, kỹ sư chuyên ngành Đào Nhật Đình, đã về hưu nhưng vẫn hoạt động trong lãnh vực môi trường, giải thích 2 lý do được coi là hợp lý trong quyết định ngừng chế độ giám sát đặc biệt đối với Formosa lúc này:
“Thứ nhất là hai chiếc xe quan trắc môi trường di động nhưng lại để cố định ở FHS (Formosa Hà Tĩnh) từ năm 2016. Phải kích bánh lên để cố định cho khỏi hỏng lốp xe và cũng là ổn định các thiết bị bên trong khi tiến hành phân tích. Cả Bộ TNMT chỉ có hai xe đó là hoạt động tốt. Thử hỏi xe tải để một chỗ không chạy liền trong 4 năm thì liệu khi nổ máy có chạy được nữa không? Cả nước có bao nhiêu vụ việc cần quan trắc môi trường gấp như vụ bể hồ chứa đuôi quặng ở Lào Cai, vụ ống nước từ sông Đà bị nhiễm dầu, những vụ đổ trộm chất thải… Xe di động phải là xe di động, không thể dùng như cái nhà cố định được”.
“Thứ hai, sau vài năm liên tục quan trắc hàng ngày, mỗi ngày ba lần lấy mẫu mà không phát hiện ra vi phạm gì thì cũng không còn ý nghĩa phải quan trắc liên tục như vậy nữa. Giờ đây các thiết bị quan trắc tự động đã tiến bộ nhiều hơn so với năm 2016. Chúng lấy mẫu 2 phút một lần về nước thải, khí thải, truyền số liệu liên tục về Sở TNMT Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường. Nếu có gì bất thường về số liệu mới phải đi lấy mẫu để phân tích sâu. Toàn bộ 20 ống khói đều đã trang bị đo tự động. Nước thải thậm chí còn đo song song 2 trạm”.
Về mặt tâm lý quản lý, không dại gì các cán bộ nhà nước để sơ hở trong thực thi công vụ đối với một sự cố môi trường nghiêm trọng, đã gây tác hại cho mọi người dân và hoạt động kinh tế của 4 tỉnh, bị phán xét trên tầm quốc gia và quốc tế.
TS Đặng Hùng Võ
Đó là chưa nói đến chi phí, kỹ sư Đào Nhật Đình nhấn mạnh, trong việc bảo quản 2 phòng thí nghiệm di động đầy đủ trang thiết bị hiện đại.
Ngoài ra còn phải kể đến một tổ phân tích với 3 hay 4 nhân viên có kinh nghiệm túc trực hàng ngày để lấy mấy chục mẫu. Công sức và chi phí mỗi năm 365 ngày như thế cũng không hề rẻ, là khẳng định của kỹ sư Đào Nhật Đình.
Đối với nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Đặng Hùng Võ, thực hiện “Giám sát đặc biệt” tiêu tốn thêm ngân sách nhà nước, tốn kém nhân lực, tài lực, vật lực và thời gian:
“Khi có thể đủ độ tin cậy đối với FHS, quá trình giám sát và đánh giá (M&E – Monitoring & Evaluation) về môi trường tại FHS có thể thay thế bằng chế độ thông thường đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Hơn nữa, các dữ liệu quan trắc môi trường hàng ngày được công khai hoàn toàn mà mọi người dân đều có quyền tiếp cận. Như vậy, hệ thống Giám sát và Đánh giá thông thường này có thể coi như thỏa mãn yêu cầu của một hệ quản trị tốt, đủ độ tin cậy”.
Thêm vào đó, Tổng cục Môi trường nên có báo cáo giám sát và đánh giá hàng quý hoặc hàng nửa năm hoặc hàng năm đối với việc bảo vệ môi trường tại FHS để công bố cho công luận được hoàn toàn yên tâm, là góp ý và cũng là kết luận của tiến sĩ Đặng Hùng Võ.
Dân chúng sống tại địa phương có nhận được thông tin một cách minh bạch như đề nghị của Tiến sĩ Đặng Hùng Võ là điều mà cư dân trong vùng vẫn chưa có được như trình bày của những tiếng nói được ghi nhận.
T.T.