Cổ súy tam quyền phân lập không phải để nhằm chống nhà nước XHCN

Hồng Hà

(VNTB) – Phát triển kinh tế thị trường, thực hiện tam quyền phân lập và xã hội dân sự có phải là mô hình tổ chức và vận hành của xã hội có tính khuôn mẫu, bất biến mà mọi đất nước phải noi theo để phát triển không?

Câu trả lời là không.

Vậy thì có phải lựa chọn “đường lối đổi mới phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đưa nước ta vào dòng chảy của thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội để phát triển đất nước là đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại và điều kiện của đất nước” là duy nhất đúng?

Câu trả lời cũng là không.

Đề xuất lựa chọn phương thức quản lý nào là phù hợp, hoàn toàn không liên quan đến việc “chính trị hóa” kiểu như cáo buộc “chống nhà nước xã hội chủ nghĩa” – vì trên thực tế, lý thuyết của chủ nghĩa xã hội không phản bác học thuyết tam quyền phân lập, bởi xét về mặt khoa học thì quan điểm nào cũng có sự đa chiều ưu – khuyết của nó.

Có ý kiến, vì không chọn quản trị quốc gia bằng học thuyết tam quyền phân lập, nên gần đây, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chính sách, luật pháp nhằm kiểm soát quyền lực, đặc biệt là Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.

Quyền lập pháp luôn gắn với chủ quyền quốc gia, đó là ý chí của nhân dân có chủ quyền quyết định. Vì vậy, quyền hành pháp chỉ là được ủy quyền và phục vụ chủ quyền nhân dân, quyền tư pháp phải lệ thuộc và tuân theo pháp luật, nhưng có tính độc lập tương đối với lập pháp và hành pháp. Rõ ràng, nhà nước “tam quyền phân lập” có mặt tích cực trong hạn chế lạm quyền, tùy tiện sử dụng quyền lực.

Lại có ý kiến, nguyên tắc phân quyền chỉ tồn tại khi có sự cạnh tranh quyền lực giữa các đảng phái chính trị khác nhau. Ở Việt Nam thì Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội, không có bất kỳ cạnh tranh nào nên không cần thiết phân quyền rạch ròi giữa lập pháp – hành pháp – tư pháp.

Thế nhưng ngay trong nội bộ Đảng cũng nhận ra rằng dân chủ trong Đảng chưa được thực hiện đầy đủ. Nguyên tắc tập trung dân chủ thực hiện chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng “thành tích là của cá nhân, khuyết điểm là do tập thể”.

Việc Đảng ban hành hai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã khẳng định vấn đề đó. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền còn những bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc cơ bản: Thượng tôn pháp luật; hoạt động thực sự dân chủ; chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…

Nguyên tắc “Đảng lãnh đạo – Nhà nước quản lý – Nhân dân làm chủ” chưa được thể chế hóa đầy đủ, cụ thể và rành mạch thành cơ chế đồng bộ để nhân dân thực sự là chủ và làm chủ các quá trình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, làm chủ theo tinh thần “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.

Cơ chế kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước chưa đầy đủ, chưa đồng bộ; nỗ lực ban hành các văn bản lãnh đạo, quản lý nhằm kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước chậm đi vào thực tế cuộc sống; tình trạng lạm quyền, tham quyền, tha hóa quyền lực đã gây bức xúc trong xã hội…

Cụ thể hơn nữa, trong bản tin phát hành vào đầu giờ chiều ngày 22-12-2020, có tựa Ông Trần Quốc Vượng: ‘Chống tham nhũng để giữ uy tín cho Đảng, không lo giảm uy tín’, viết rằng, khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sáng 22-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, khẳng định: “Gần đây chúng ta tiếp tục kỷ luật đảng viên có vi phạm, điều tra vụ việc, xét xử vụ án dù gần đến Đại hội. Điều này giúp dân tin rằng Đảng không ngừng nghỉ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng” (*).

Đoạn diễn văn trên của ông Trần Quốc Vượng, người từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (nhiệm kỳ 2007 – 2011), cho thấy người dân hoài nghi vào khả năng quản trị quốc gia của Đảng.

Chính điều này cho thấy giả dụ như có người dân nào đó – như trường hợp nhà báo Phạm Chí Dũng chẳng hạn, ông đã đề xuất về vận dụng thuyết tam quyền phân lập vào thực tế đơn nguyên đảng chính trị ở Việt Nam, thì đó cần trân trọng xem xét, thay cho quy chụp các ý kiến này là “chống nhà nước xã hội chủ nghĩa”, rồi sau đó bắt bỏ tù ông.

________

Chú thích:

(*) https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-tran-quoc-vuong-chong-tham-nhung-de-giu-uy-tin-cho-dang-khong-lo-giam-uy-tin-1320109.html

VNTB gửi BVN

This entry was posted in tù nhân lương tâm, Xã hội dân sự. Bookmark the permalink.