Hồ sơ biến đổi khí hậu – Kỳ 1: Chìm trong khói thuốc

Y Chan

Ảnh: iStock. Đồ họa: Luật Khoa.

Cuộc chiến chống lại các nỗ lực bảo vệ môi trường bắt đầu từ ngành công nghiệp thuốc lá.

Chúng ta đã bàn về những cánh rừng không ngừng bị tàn phá, về một tương lai thiếu nước sạch không hề xa, về cuộc khủng hoảng nhựa chưa thấy lối ra, và về một Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng rệu rã.

Chắc chắn phải có người tự hỏi, vì sao không thấy ai làm gì, vì sao đây không phải là những tin tức nóng sốt mỗi ngày trên tất cả các tờ báo và đài truyền hình, vì sao phải chờ tới những bạn trẻ mặt búng ra sữa lên tiếng, vì sao những người lớn có trách nhiệm lại quay lưng ngó lơ, và vì sao vẫn có quá nhiều người không những thờ ơ, còn sẵn sàng chụp các ngôn từ dơ bẩn lên những đứa trẻ như Greta Thunberg?

Quá nhiều vì sao, và thật đáng tiếc chúng đều núp sau những đám mây đen dày kịt che hết ánh sáng.

Một trong những tảng mây đen to nhất, dày nhất, và lì lợm nhất trong các cuộc thảo luận về môi trường được dựng nên từ những con người nghi ngờ khoa học, bác bỏ mọi bằng chứng thực tế, và luôn sống chết với ý thức hệ của mình.

Chúng ta đã điểm lướt qua chân dung về họ, những người vùi đầu trong cát trước thảm họa biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong loạt bài này, hồ sơ của quá khứ sẽ được mở ra, để chúng ta biết những người chối bỏ biến đổi khí hậu đã bắt đầu từ đâu, hiện tại vẫn đang kiên trì ra sao, và tương lai sẽ tiếp tục phá hoại những nỗ lực cứu lấy môi trường như thế nào.

Mọi thứ bắt đầu từ ngành công nghiệp thuốc lá. Những công thức tung hỏa mù, đánh tráo khái niệm, bẻ cong sự thật, những nhà khoa học được các ông chủ thuốc lá bỏ tiền mời về để thực hiện các chiến dịch “troll” khoa học… đều được bê từ ngành công nghiệp thuốc lá sang những ngành công nghiệp khác sau này.

Loạt bài tham khảo từ quyển sách Merchants of Doubt (tạm dịch: “Những con buôn gieo sầu cho Sự Thật”), cùng những tư liệu khác. Câu chuyện phần lớn diễn ra tại Mỹ, nhưng hậu quả và sức ảnh hưởng của nó thì rộng khắp toàn cầu.

***

“Hút thuốc lá có lợi cho sức khỏe”

Bạn không đọc nhầm. Đã từng có một thời cả thế giới tin vào “chân lý” này.

Ở Mỹ, vào thời kỳ hoàng kim của quảng cáo thuốc lá, hàng núi tiền được đổ ra để mời những nhân vật uy tín trong xã hội, những người nổi tiếng, từ các vận động viên, diễn viên, chính trị gia, đến bác sĩ, nha sĩ, thậm chí cả trẻ em lẫn ông già Noel, đều được lôi ra xuất hiện, phì phà về lợi ích to lớn từ khói thuốc.

Đó là ngày trước. Ngày nay, tin vào chú Cuội trên cung trăng dễ hơn là tin vào lợi ích của thuốc lá đối với sức khỏe.

Kể từ lúc những nghiên cứu đầu tiên về tác hại của thuốc lá được công bố, phải mất hơn nửa thế kỷ sau đó, thế giới mới chịu chung tay để kiểm soát loại sản phẩm độc hại này, khi Công ước Quốc tế về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) chính thức có hiệu lực vào năm 2005.

Bất chấp điều đó, tới tận ngày nay, bạn vẫn sẽ nghe đâu đó, rằng các bằng chứng về tác hại của thuốc lá vẫn còn “chưa đầy đủ”, còn “đang tranh cãi”, cần tiếp tục được “tranh luận”, và kết luận từ đó là bạn vẫn cứ yên tâm tiếp tục phì phèo khói thuốc, đừng bận tâm tới những thứ khoa học “chưa chắc chắn” và “phức tạp” đó.

Đó là phát súng khơi mào cho các chiến dịch sau này, chống lại mọi bằng chứng về biến đổi khí hậu dưới tác động của con người.

Nhưng trước hết, hãy vén bức màn khói thuốc.

Quả bom thuốc lá

Cuối năm 1953, các nhà nghiên cứu ở Viện Sloan-Kettering tại thành phố New York công bố kết quả nghiên cứu, rằng cao thuốc lá (cigarette tar) bôi lên da của chuột có thể dẫn đến ung thư. Thông tin này như một quả bom chấn động dư luận.

Vào thời điểm đó, chẳng ai nghĩ thuốc lá có hại. Gần một nửa số người trưởng thành ở Mỹ ngậm điếu thuốc trên môi mỗi ngày. Quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đều nhấn mạnh đến lợi ích của việc hút thuốc. Các hãng cạnh tranh khốc liệt trong việc ca ngợi thương hiệu thuốc lá ưu việt của mình. Không ai mảy may nghi ngờ thứ sản phẩm vừa tốt vừa sướng này.

“Không ai” ở đây là chỉ công luận, và ít nhất là công luận ở Mỹ.

Trên thực tế, từ giữa những năm 1930, các nhà khoa học Đức đã kết luận hút thuốc gây ra ung thư phổi. Chính quyền Đức Quốc xã thời kỳ đó đã tiến hành các chiến dịch rầm rộ tuyên truyền chống hút thuốc. Nhưng khi chiến tranh nổ ra, mọi thứ dính tới yếu tố “Đức Quốc xã”, bất kể nó là gì, đều bị dìm xuống hố. “Nhờ vậy” nên lời cảnh báo của các nhà khoa học Đức vài chục năm trước đó rơi vào thinh không. Cho tới khi chính những nhà khoa học Mỹ đưa ra cùng kết luận.

Liên tiếp những năm sau đó, thêm hàng loạt những nghiên cứu thử nghiệm về mối liên hệ giữa hút thuốc và bệnh ung thư được công bố.

Năm 1957, Cơ quan Dịch vụ Y tế Công cộng Mỹ kết luận hành vi hút thuốc là “nhân tố chính dẫn đến sự gia tăng các ca bệnh ung thư phổi”. Năm 1959, các nhà nghiên cứu hàng đầu tuyên bố trên tạp chí khoa học được đồng thẩm định rằng bằng chứng liên hệ giữa việc hút thuốc và ung thư là “không thể tranh cãi” (beyond dispute). Cùng năm đó, Tổ chức Ung thư Hoa Kỳ ra tuyên bố chính thức khẳng định “hút thuốc lá là nhân tố chính hàng đầu dẫn đến ung thư phổi”. Đến năm 1962, trường Cao đẳng Hoàng gia Đào tạo Y bác sĩ của London tuyên bố “hút thuốc lá là một nguyên nhân gây ra ung thư và viêm tiểu phế quản (bronchitis), và có thể là nhân tố góp phần gây ra bệnh mạch vành (coronary heart disease)”.

Vào năm 1962, Trưởng Y sĩ (Surgeon General) Luther L. Terry, người đứng đầu ngành y tế công cộng của chính phủ Mỹ, đã cho thành lập Ủy ban Tư vấn về Hút thuốc và Sức khỏe để kiểm chứng tất cả những nghiên cứu về tác hại của thuốc lá.

Dưới áp lực của ngành công nghiệp thuốc lá, các thành viên của ủy ban đều được chọn theo tiêu chí “dân chủ” (các công ty thuốc lá được đề cử bất kỳ ai họ thích) và “khách quan” (những ai đã từng trước đó công khai bày tỏ quan điểm về tác hại của thuốc lá đều không được mời tham gia). Các doanh nghiệp thuốc lá thậm chí còn được phép gạch tên bất kỳ ai họ cảm thấy “không phù hợp”.

Bất chấp các nước cờ chốt chặn đầy tính toán đó, hai năm sau, vào năm 1964, báo cáo của ủy ban tiếp tục làm chấn động dư luận.

Sau khi thẩm định hơn bảy ngàn các nghiên cứu và công bố khoa học, bản báo cáo với cái tên “Hút thuốc và Sức khỏe” (Smoking and Health) đã đưa ra kết luận thống nhất, rằng số ca mắc ung thư phổi vào thế kỷ thứ 20, tính đến thời điểm đó, đã đạt đến mức dịch bệnh (epidemic). Nguyên nhân chính cho cơn dịch này không phải là ô nhiễm không khí, các hoạt động phóng xạ, hay tiếp xúc với amiăng (asbestos) như những nghi ngờ trước đó. Nó đến từ việc hút thuốc. Những người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 10-20 lần so với những người không hút. Họ còn có xác suất cao hơn trong việc mắc các bệnh về tim mạch, viêm phế quản và khí thủng phổi. Càng hút nhiều, bệnh càng nặng.

Đối với những nhà nghiên cứu khoa học, kết luận trên không có gì mới. Trong suốt hàng chục năm trước đó họ đã lên tiếng cảnh báo về tác hại này.

Nhưng trong khi những gì các nhà khoa học nói, và công bố trên những tạp chí nghiên cứu, chỉ có… các nhà khoa học khác nghe, và một số ít những người tò mò kiên nhẫn chịu đọc, thì những thứ được các bộ máy tuyên truyền công suất lớn của ngành công nghiệp thuốc lá bơm căng lại chui được đến tận phòng ngủ của rất nhiều người.

Đây sẽ là mô típ lặp đi lặp lại trong suốt hành trình này: cuộc đua không cân sức giữa Sự Thật, với những bước chân chắc chắn nhưng chậm chạp của rùa, và Dối Trá, trong guồng chân cuồng dại đầy ma mị của thỏ.

Người ta kể lại rằng khi vị Trưởng Y sĩ bắt đầu thành lập ủy ban thẩm định, một nửa số thành viên được mời tham gia là những con nghiện thuốc lá. Cho đến khi báo cáo được hoàn thành, hầu hết trong số họ đã tự động bỏ thuốc.

Những người dân Mỹ khác không được may mắn tiếp cận thông tin sớm như vậy. Vào thời điểm đó, gần một nửa số người trưởng thành ở Mỹ thường xuyên phì phèo điếu thuốc trên môi.

Khi người đứng đầu cơ quan y tế của đất nước công bố tác hại của nó đối với sức khỏe, nhiều người nổi giận. Họ không biết mình bị lừa bấy lâu nay. Thói quen giải trí mỗi ngày hóa ra đang giết lần giết mòn họ.

Và nhà nước không những cho phép mà còn khuyến khích việc này. Chính quyền tài trợ cho các nông trại trồng thuốc lá, thu hàng núi tiền thuế từ ngành công nghiệp khói thuốc. Nói cách khác, nhà nước rung đùi thu lợi từ một thứ hàng hóa hại chết người dân của mình.

Ngành công nghiệp thuốc lá phản công

Ngay từ năm 1953, khi công bố về tác hại của thuốc lá trên chuột thí nghiệm được đưa ra, các ông chủ của ngành công nghiệp thuốc lá đã quyết định không khoanh tay đứng yên. Họ thuê những chuyên gia hàng đầu về PR (quan hệ công chúng), dựng nên chiến dịch rầm rộ để gieo rắc nghi ngờ, dập bỏ các bằng chứng khoa học bất lợi.

Đây là một nước cờ định mệnh đúng nghĩa.

Nó bắt đầu cho một trong những nỗ lực phản-khoa-học tinh vi nhất trong lịch sử, là nền móng và cảm hứng cho hàng loạt các chiến dịch tương tự sau này chống lại bất kỳ bằng chứng nào đi ngược với lợi ích, niềm tin của những người “phe ta”.

Nó cũng đồng thời là cơ sở để vài chục năm sau, một tòa án liên bang Mỹ kết luận về tội ác lừa đảo của ngành công nghiệp thuốc lá, cố tình dối gạt công luận về tác hại của việc hút thuốc đối với sức khỏe.

Nhưng đó là chuyện sau này. Vào thời điểm trên, các ông chủ thuốc lá vẫn là một trong những thế lực có máu mặt nhất tại Mỹ. Họ bắt tay nhau cùng chống lại “kẻ thù”, bảo vệ đến cùng quyền lợi của mình. Họ thuê một trong những doanh nghiệp PR lớn nhất nước Mỹ, Hill and Knowlton, để bảo vệ “danh tiếng” của sản phẩm.

Một “Ủy ban Thông tin Công cộng của ngành Công nghiệp Thuốc lá” được lập ra nhằm truyền đi các thông điệp “tích cực”, “ủng hộ hoàn toàn” việc sử dụng sản phẩm.

John Hill, người sáng lập của hãng PR được thuê, đã thuyết phục các ông chủ thuốc lá phải có “tầm nhìn xa hơn”, rằng chỉ đơn thuần tuyên truyền chống lại những thông tin bất lợi là không đủ. Hill đề nghị thêm chữ “nghiên cứu” (research) vào trong tên của ủy ban vừa lập ra. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc tài trợ cho các chương trình nghiên cứu khoa học.

Phải dùng khoa học chống lại khoa học, mà mục đích cuối cùng là, như chính lời của John Hill, phải làm sao để “luôn tạo ra (trong công chúng) sự nghi ngờ đối với khoa học”. Tầm nhìn xa của Hill được ngành công nghiệp thuốc lá áp dụng triệt để cho tới tận ngày nay.

Họ tạo ra “Ủy ban Nghiên cứu của ngành Công nghiệp Thuốc lá” (Tobacco Industry Research Committee). Họ tài trợ hàng triệu đô cho các “nghiên cứu khoa học khác” để phản bác mối liên hệ giữa việc hút thuốc và bệnh ung thư. Họ in phát hàng trăm ngàn tờ rơi, sổ thông tin, gửi đến các bác sĩ, các cơ quan truyền thông, các nhà làm luật và công chúng khắp nước, thuyết phục tất cả rằng chẳng có gì phải lo lắng, rằng “không có bằng chứng nào” (no proof) tồn tại, và giới khoa học đang còn “tranh cãi” (debate) về vấn đề này.

Năm 1955, ngành công nghiệp thuốc lá lập ra chương trình học bổng hỗ trợ nghiên cứu y tế. Trong 79 trường y, có 77 trường đồng ý tham gia chương trình. Cho đến giữa thập niên 1980, các doanh nghiệp thuốc lá đã bỏ ra hơn 100 triệu đô la tài trợ cho các nghiên cứu y sinh.

Tài liệu nội bộ của ngành khoe rằng số tiền tài trợ dành cho nghiên cứu vượt xa các ngành khác, chỉ thua ngân sách cấp từ chính phủ liên bang. Một ví dụ là vào năm 1981, trong khi Tổ chức Ung thư Hoa Kỳ và Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ đóng góp chưa tới 300.000 USD cho các hoạt động nghiên cứu, ngành công nghiệp thuốc lá đã bỏ ra tới 6,3 triệu đô tiền tài trợ.

Bất chấp các thông tin tiêu cực, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp thuốc lá với ngành y tế và giới truyền thông mặn nồng hơn bao giờ hết.

Các ông chủ thuốc lá gặp mặt những nhân vật truyền thông có máu mặt, giải thích về “cam kết lâu dài” của họ khi tài trợ các nghiên cứu khoa học để “phục vụ lợi ích cộng đồng”, đặc biệt trong bối cảnh “giới khoa học vẫn còn quá nhiều bất đồng” về vấn đề quan trọng này.

Giới truyền thông, theo yêu cầu của ngành công nghiệp thuốc lá, phải có trách nhiệm tương tự với cộng đồng trong việc đưa tin “khách quan”, “công bằng”, trình bày “quan điểm của tất cả các bên”, tránh “gây hoang mang không đáng có cho công chúng”.

Những người làm thuốc lá quên nói với những người làm truyền thông, rằng tuyệt đại đa số các “bất đồng” và “tranh cãi” trong vấn đề tác hại của thuốc lá với sức khỏe đều là do chính họ tạo ra.

Nhiều năm sau này, khi nghiên cứu hàng ngàn trang tài liệu nội bộ của các doanh nghiệp thuốc lá, người ta mới phát hiện ra chính bản thân họ đã biết rõ, và trong nhiều trường hợp, biết trước cả công chúng, về mối nguy hại của thuốc lá.

Như đầu thập niên 1960, những nhà khoa học được các công ty thuốc lá thuê đã không chỉ kết luận rằng hút thuốc gây ung thư, họ còn khẳng định chất nicotine trong thuốc lá là thứ gây nghiện. Ngày nay gần như ai cũng biết rõ điều này, nhưng kết luận về tính chất gây nghiện của nicotine chỉ được giới khoa học kiểm chứng đồng thuận vào thập niên 1980, và các công ty thuốc lá thì vẫn tiếp tục công khai chối bỏ nó vài chục năm sau đó.

Năm 1967, khi vị Trưởng Y sĩ mới của Mỹ thẩm tra lại các bằng chứng khoa học, với hơn hai ngàn nghiên cứu mới được xem xét, kết quả còn tệ hơn lần trước. Kết luận lần này tiếp tục khẳng định rằng những người hút thuốc bệnh tật nhiều hơn và chết sớm hơn. Nếu không phải là do hút thuốc, gần như sẽ không ai phải chết sớm vì mắc ung thư phổi.

Đáp lại, các ông chủ thuốc lá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, như công bố vào thời điểm đó của công ty Brown and Williamson, “không có bằng chứng khoa học nào chứng minh hút thuốc gây ra bệnh ung thư và những bệnh tật khác”.

Lấy khoa học đánh khoa học

Vào năm 1969, khi Ủy ban Truyền thông Liên bang bỏ phiếu quyết định cấm việc quảng cáo thuốc lá trên tivi và radio, Clarence Cook Little lên tiếng khẳng định “không có mối liên hệ nhân quả nào được chứng minh giữa việc hút thuốc và bất kỳ bệnh tật gì”.

Clarence Cook Little là một nhà di truyền học danh tiếng, thành viên của Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (National Academy of Science), từng là Hiệu trưởng trường Đại học Michigan. Nổi tiếng, nhưng C. C. Little được nhiều người xem là không thuộc “chánh phái” (mainstream) trong giới khoa học. Một trong những nguyên do nằm ở việc Little là một “fan cứng” của thuyết ưu sinh (eugenics).

Những người theo thuyết ưu sinh cho rằng nhân loại sẽ tốt đẹp hơn khi xã hội chủ động cải thiện nguồn gen tốt bằng việc ưu tiên khuyến khích những cá thể “ưu việt” sinh sản và hạn chế, thậm chí cấm cản những cá thể “kém ưu” có thể truyền lại hạt giống cho đời sau.

Vào đầu thế kỷ 20, fan của thuyết ưu sinh không hiếm. Nhưng đến giữa thế kỷ 20, đặc biệt là sau Thế chiến II, khi người ta chứng kiến hệ quả kinh hoàng từ học thuyết ưu sinh mà Phát xít Đức “minh hoạ”, gần như tất cả đều từ bỏ tư tưởng này.

C. C. Little thì không. Ông vẫn chắc nịch với niềm tin rằng tất cả mọi đặc tính tốt xấu của con người đều là từ di truyền, kể cả bệnh tật. Bệnh ung thư vì vậy, đối với ông, phải là do nguyên nhân di truyền, không phải từ việc hút thuốc.

Không ngạc nhiên gì khi Little là gương mặt sáng giá để các công ty thuốc lá gửi gắm niềm tin cho chiến dịch “lấy khoa học đánh khoa học” của mình.

Năm 1954, ông được mời đứng đầu Ủy ban Nghiên cứu của ngành Công nghiệp Thuốc lá, góp công lớn vào chiến dịch tạo ra và duy trì “sự tranh cãi” không thống nhất trong giới khoa học về vấn đề tác hại của thuốc lá.

Ủy ban của ông soạn ra sổ tay với tiêu đề “Quan điểm khoa học về vấn đề thuốc lá gây tranh cãi”, phát tận tay đến gần 180.000 bác sĩ tại Mỹ. Họ còn in thêm 15.000 bản gửi đến các biên tập viên, nhà báo, và thành viên trong quốc hội. Công sức tuyên truyền của ngành công nghiệp thuốc lá đã gây ra cảm giác ảo diệu về một vấn đề “gây nhiều tranh luận” trong giới khoa học.

Một tài liệu khác của ngành được chuẩn bị với “mười lăm câu hỏi chất vấn tác hại của thuốc lá”, mà đọc sơ qua, tất cả đều là những thắc mắc có căn cứ và cần được xem xét.

Nó là những câu hỏi kiểu như: Vì sao tỉ lệ người mắc ung thư giữa các thành phố lại chênh lệch nhiều hơn tỉ lệ người hút thuốc? Vì sao tỉ lệ mắc ung thư ở nam gần đây lại gia tăng, trong khi tỷ lệ hút thuốc ở nữ gia tăng nhiều hơn nam? Tỷ lệ phát hiện ung thư gia tăng có phải do tuổi thọ tăng và kỹ thuật chẩn đoán tiến bộ?…

Đó đều là các vấn đề nghiêm túc, nhưng những người quăng ra các câu hỏi đó lại không quan tâm đến câu trả lời thật sự. Đơn giản vì họ, cũng giống như giới khoa học, đã nghiên cứu và biết câu trả lời từ trước.

Tỉ lệ ung thư chênh lệch so với tỷ lệ hút thuốc vì hút thuốc không phải nguyên nhân duy nhất gây ra ung thư. Tỉ lệ nam mắc ung thư gia tăng hơn nữ là vì ung thư do hút thuốc phải mất 10, 20, thậm chí 30 năm mới bộc phát, trong khi số nữ mới hút thuốc sẽ phải “chờ” chừng ấy thời gian mới phát bệnh (thực tế sau này chứng minh đúng điều đó). Tiến bộ trong chẩn đoán góp phần tăng việc phát hiện ung thư, nhưng nó không thể giải thích tỉ lệ mắc bệnh cao, vì trước khi thuốc lá được phổ biến, số ca mắc bệnh ung thư phổi là rất hiếm.

Hầu hết các “thắc mắc” mà ngành công nghiệp thuốc lá đưa ra đều đã có giải đáp từ nhiều nghiên cứu khác nhau. Nhưng trong khi giới khoa học đi tìm sự thật, thì những người làm trong ngành công nghiệp đi tìm câu trả lời mà họ thích.

Và rõ ràng là họ không thích các câu trả lời mà giới khoa học đã tìm được. Vì không thích các câu trả lời, họ giả vờ rằng đó là những “tranh cãi” chưa có lời đáp.

Họ nhận ra một bí kíp: chỉ cần giả ngu không biết, cứ liên tục đặt câu hỏi, và nhai đi nhai lại câu hỏi bất kể có ai trả lời như thế nào, đưa bằng chứng ra sao, tức thì sẽ tạo ra ấn tượng về “sự tranh cãi” trong một vấn đề nào đó.

Công chúng, và một phần đáng kể là giới truyền thông, vốn không mấy khi (chịu) tiếp cận với những báo cáo khoa học dài hàng trăm trang trên các tạp chí nghiên cứu khô khan, dễ dàng rớt vào cái bẫy này.

Một thứ bẫy giết lần giết mòn từ lương tính đến lương tri, mà phải hàng thập kỷ sau, công luận mới dần dần nhận ra.

Cứ phải thấy quan tài mới chịu đổ lệ?

Năm 1999, Bộ Tư pháp (DOJ) Mỹ khởi kiện hàng loạt công ty thuốc lá lớn về tội lừa đảo người tiêu dùng và yêu cầu bồi thường chi phí y tế điều trị bệnh tật phát sinh từ việc hút thuốc. Bên công tố áp dụng đạo luật nổi tiếng RICO (Racketeer Influenced and Corrupt Organizations Act – Luật chuyên chống các tổ chức gian lận, lũng đoạn và hủ bại) vốn được sinh ra để chuyên trị các băng nhóm tội phạm mafia.

Năm 2006, Thẩm phán Kessler trong bản phán quyết dài 1.683 trang đã kết luận các công ty thuốc lá cố tình lừa đảo người tiêu dùng, che giấu thông tin về tác hại của sản phẩm trong một chiến dịch quy mô lớn kéo dài cả nửa thế kỷ.

Các công ty thuốc lá kháng án. Năm 2009, Tòa Phúc thẩm giữ nguyên phán quyết của Thẩm phán Kessler. Các doanh nghiệp thuốc lá còn phải đối mặt với vô số vụ kiện trên khắp thế giới với hàng tỷ đô la tiền đòi bồi thường thiệt hại sức khỏe.

Dư luận tỉnh ra vì một lẽ rất giản dị: sau từng ấy năm, những nạn nhân của thuốc lá mới bắt đầu phát bệnh.

Giống như câu ngạn ngữ quen thuộc, rất nhiều người phải tận mắt nhìn thấy quan tài mới bắt đầu đổ lệ. Với nhiều người khác, thậm chí nhìn thấy là chưa đủ. Ai nằm trong quan tài thì mặc kệ. Phải đến khi chính mình đặt chân vào trong quan tài, họ mới sực tỉnh. Họ đích thực là những “học viên quan tài”.

Những người hút thuốc lá sở dĩ có thể dễ dàng bị lừa phỉnh, và trong nhiều trường hợp, tự lừa dối bản thân, một phần lớn là do hậu quả của việc hút thuốc không hiển hiện ngay tức khắc. Nó diễn ra một cách âm thầm, không báo trước. Một khi xuất hiện, giống như nước lũ tràn về, nó sẽ không để cho ai có thời gian để nhìn xuống chân mà nhảy. Họ sẽ phát hiện nước ở đâu đó bỗng dưng ngập qua đầu mình.

Đây là điều đã và đang lặp đi lặp lại với những vấn đề nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe, đơn giản vì hậu quả của nó không hiển hiện ngay tức khắc.

Trong khi các “học viên quan tài” loay hoay với những biển thông tin thật giả lẫn lộn, những “con buôn quan tài” vẫn tiếp tục bỏ túi những nguồn lợi khổng lồ cho tới tận ngày nay.

Chỉ có thế hệ tương lai là phải trả giá.

Hồ sơ biến đổi khí hậu – Kỳ tới: Ngộp trong mưa acid

Y.C.

Nguồn: Luậtkhoa

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.