Nhân quyền ở Việt Nam: đóng hay mở?

Sông Hàn

VNTB – Nhân quyền ở Việt Nam: đóng hay mở?

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, trong những năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tham gia các điều ước quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của người dân.

Nhân Ngày Quốc tế nhân quyền 10-12, thử ghi nhận ý kiến về quyền con người ở Việt Nam.

“Nhân quyền vẫn là chuyện nhạy cảm của yếu tố chính trị, nên nói mà báo có đăng ý kiến, mong đừng nêu tên thật!” – một nhà báo sống tại Đà Nẵng, nói.

Theo nhà báo ‘ẩn danh’, thì quyền được nói giờ đây ở Việt Nam trồi sụt tùy vào hàn thử biểu của phe nhóm trong chính nội bộ của Đảng.

Đơn cử, ở kỳ họp Hội đồng nhân dân cuối cùng trong năm 2020 của Đà Nẵng, báo chí được phép tường thuật về bài phát biểu dài hơn nửa tiếng đồng hồ của ông Huỳnh Đức Thơ – người sẽ rời ghế Chủ tịch thành phố Đà Nẵng ngay sau bài phát biểu đó trước Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng.

“Tôi nghĩ rằng ông Thơ đang có ý muốn nói đến việc điều hành một thành phố lớn nhất, nhì miền Trung vẫn chịu gò bó trong nếp nghĩ đóng khung của nghị quyết Đảng, để rồi sau này nếu có vấp váp thì bề trên lại lôi ra để triệt lúc cần thay ngựa giữa dòng.

Mấy năm trước, chuyện đăng đàn công khai kiểu như ông Thơ ở miền Trung, chẳng hề ai dám. Nếu nhìn từ giác độ đó, tôi nghĩ rằng bắt đầu có nhân quyền ngay trong chính nội bộ đảng cầm quyền!” – vị nhà báo ‘ẩn danh’, nhận xét.

Một nhà báo khác cũng ở Đà Nẵng dùng cụm từ “nhân quyền cởi mở” để nói về đời sống chính trị hôm nay. Theo đó, việc rất nhiều tài xế ‘Grabbike’ biểu tình bằng cách tụ tập nhau chạy qua nhiều đường phố ở Đà Nẵng ngay thời điểm khai mạc kỳ họp Hội đồng Nhân dân của thành phố này, cho thấy chắc hẳn nếu không nhận được lệnh bật đèn xanh từ ai đó, chắc chắc chẳng thể nào có cuộc tuần hành với đồng phục và ồn ào đến như vậy ở mùa dịch Covid.

Tuy nhiên dưới góc nhìn của một nữ luật sư từng theo đuổi nghiệp phóng viên tại Sài Gòn, thì dùng cụm từ “nhân quyền đóng – mở” sẽ phù hợp hơn.

Bà kể: “Tôi từng theo chân các nhóm xuống đường biểu tình ở Sài Gòn vào mấy năm trước. Tôi nhận thấy có điểm chung vầy, thường thì cuộc tuần hành của đoàn người không bị cản trở trong thời gian từ 30 phút đến 45 phút ban đầu. Sau đó thì sức nóng của đám đông cùng các hiệu ứng kích động dẫn đến sự trấn áp mạnh mẽ từ nhà chức trách.

Lần ngạc nhiên nhất là vụ biểu tình kéo dài đến mấy ngày, dẫn đến cuộc bạo động quy mô nhỏ ở tỉnh Bình Thuận. Lần đó có yếu tố Trung Quốc khá rõ, vì mọi việc bùng phát từ nơi có nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.

Sau đó quan sát từ sự kiện phía tập đoàn Pouchen của Đài Loan cho công nhân nghỉ việc ở Bình Tân, tôi càng củng cố ngờ vực nghi vấn ở cuộc đình công biểu tình mấy năm trước đó liên quan đến luật lao động của công nhân Pouchen, là có bàn tay tổng đạo diễn từ phía tạm gọi là ‘người của chính quyền’.

Lý do ư? Lần cho nghỉ việc và đền bù với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng cho một công nhân ở Pouchen, tôi có thực hiện phỏng vấn, và nhận ra gần như người lao động nơi đây ai làm phân xưởng nào, thì chỉ biết đúng mỗi khu vực mình. Họ không có thời gian để tìm hiểu những đồng nghiệp khác trong cùng công ty.

Do vậy việc con số lên tới hàng chục ngàn người đình công, biểu tình ở Pouchen trước đây là khó hiểu, nếu như không có một lực lượng chuyên nghiệp đủ mạnh trong quy tụ số đông… Nói như vậy để thấy rằng nhìn vẻ bên ngoài, khó thể nói Việt Nam thiếu nhân quyền; bởi biểu tình ầm ầm lên đến cả chục ngàn người kia mà!” – bà luật sư từng đeo đuổi nghề phóng viên, chia sẻ cách đánh giá cho sử dụng cụm từ “nhân quyền đóng – mở” của Việt Nam.

S.H.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.