Phung phí nguồn tài sản đất làm cho đất bỏ hoang tràn lan trong khi dân có đất bị thu hồi muốn cày cấy thì một tấc không có, đó là hành vi trái đạo lý trong một nước mà nông nghiệp vốn là nghề cha truyền con nối, “tấc đất tấc vàng”. Nhưng dùng quỹ đất “cưỡng chế” được trong tay nông dân để trả nợ cho nước ngoài thì lại là điều hết sức nguy hiểm đối với an toàn lãnh thổ, an ninh quốc gia – hành vi này không chỉ trái đạo lý mà còn phạm vào điều luật nghiêm trọng nhất.
Người dân buồn phiền trước chàng “công tử Bạc Liêu” vung tay quá trán trong 4 năm trời đến nay nợ ngập đầu lút cổ vẫn nói cứng, nhưng thật ra không lạ vì cứ ngẫm nghĩ cung cách vay nợ tiêu tiền của Chính phủ thì trong dự án nào CP trình ra QH gần đây cũng y chang một phong cách “xả láng” ấy cả. Tuy nhiên, lạ một điều là không hiểu ông Thủ tướng dựa vào quyền hạn nào mà để cho đứa con “Cậu Trời” của mình tự tung tự tác mãi như thế? Bởi thế dư luận không ngớt xì xầm tự hỏi: Có một thứ dây mơ rễ má kiểu “Đặng Thị Huệ” nào đứng đằng sau cái Tập đoàn con cưng ấy hay không?
Bauxite Việt Nam
Không loại trừ nguy cơ Vinashin dùng đất trả nợ
H.K (thực hiện)
“Vinashin đang nợ 80.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ USD. Nếu trong 3 năm trả hết nợ, mỗi năm Vinashin phải trả 1 tỷ 330 triệu USD. Nếu tính tỷ suất lợi nhuận của Vinashin là 20% thì lợi nhuận và doanh thu của Vinashin phải lên đến bao nhiêu là điều chưa có con số chứng minh đáng tin cậy”. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh trao đổi với PV Bee về việc tái cơ cấu Vinashin.
Vinashin nhận những ưu ái vượt tiền lệ quốc tế
Trong cuộc họp báo mới đây về vụ Vinashin, ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định: “Nói Chính phủ ưu ái Vinashin là không đúng”. Dư luận, giới nghiên cứu kinh tế đều không đồng tình với khẳng định này?
Trong một bài trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Nguyễn Quang A, đã mang cả từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, 2009) giải thích từ “ưu ái”. Theo đó, “ưu ái” có nghĩa là “yêu thương và lo lắng cho”.
Tôi xin đơn cử một vài ví dụ điển hình về sự ưu ái này mà công luận đều biết: Phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường quốc tế được 750 triệu USD, Chính phủ giao ngay cho Vinashin, một việc chưa có tiền lệ trên thế giới là Chính phủ đi vay trên thị trường quốc tế để trao lại cho một doanh nghiệp kinh doanh.
Ông Phạm Thanh Bình đến các địa phương được cấp đất với diện tích rất lớn, ở vị trí rất thuận lợi, dù chưa hề có dự án kinh tế – kỹ thuật, các tỉnh đề nghị cung cấp các phương án kinh doanh, dự án đầu tư thì ông Bình đã nhờ can thiệp để được cấp ngay.
Trong một thời gian ngắn, Vinashin đã có quỹ đất rất lớn từ Bắc vào Nam, dùng quỹ đất đó để vay tín dụng ở các ngân hàng và có số nợ khổng lồ mà không doanh nghiệp nào khác có được. Rất nhiều quỹ đất cho đến nay chưa được khai thác, nhiều tỉnh bức xúc đã phải cùng nhau đề nghị Vinashin phải trả lại đất.
Vinashin triển khai đầu tư tràn lan tới hàng trăm dự án. Có tới hàng trăm công ty con từ trại nuôi lợn Vinashin đến cửa hàng ô tô Vinashin trên đường Lê Duẩn (Hà Nội), hay resort ở gần đỉnh Tam Đảo đều mang nhãn hiệu… Vinashin! Mua tàu của Italia không qua giám định kỹ thuật, tàu về không thích hợp, càng hoạt động càng lỗ…
Khi Vinashin có số nợ quá hạn rất lớn, không trả được, lên đến 3.812 tỷ đồng (theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cuối năm 2008), Chính phủ đã có công văn yêu cầu các ngân hàng khoanh nợ cho Vinashin. Theo đó, nợ quá hạn của Vinashin không coi là quá hạn và không được áp dụng lãi suất cao hơn.
Trước tình hình bê bối của Vinashin, Thanh tra Chính phủ đề nghị thanh tra thì Vinashin đều được hoãn thanh tra trong năm 2009 và 2010, hoãn cả kiểm toán và kết quả là cho đến nay, khi có phương án tái cơ cấu, Vinashin vẫn chưa được thanh tra, kiểm toán.
Cho đến khi, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì mới có kết luận về ông Phạm Thanh Bình: “Trong huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn của Nhà nước đã thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị”. Hy vọng kết luận này của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ không bị hoãn thi hành như đối với Thanh tra Chính phủ và vụ việc phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Việc dành những đặc quyền đặc lợi cho các tập đoàn kinh tế cũng đã có tiền lệ ở các nước khác trên thế giới. Vậy các nước đó giới hạn và kiểm soát những đặc quyền đặc lợi của các tập đoàn như thế nào, thưa ông?
Trung Quốc cũng có nhiều tập đoàn doanh nghiệp nhà nước còn lớn hơn Vinashin nhiều lần, hoạt động của các tập đoàn đó cũng còn có vấn đề, song chưa thấy có trường hợp nào phá sản nghiêm trọng như Vinashin.
Kinh nghiệm cho thấy Trung Quốc bổ nhiệm Tổng giám đốc tập đoàn có thời hạn và có điều kiện, dựa trên hợp đồng mà Giám đốc ký kết khi nhậm chức, trong đó quy định rõ các tiêu chí định lượng khắt khe mà Giám đốc phải hoàn thành như: tỷ suất lợi nhuận hàng năm, tỷ lệ tăng năng suất lao động hàng năm, tỷ lệ đổi mới khoa học – công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu, tỷ lệ tăng lương cho công nhân… phải đạt được.
Như vậy, Giám đốc nhận tài sản thì phải nhận trách nhiệm ngay, không như Vinashin cứ trao tiền của, đất đai, quyền kinh doanh mà không quy định điều kiện ràng buộc gì cả.
Hàng năm, đối chiếu với cam kết, Chính phủ đánh giá công khai hoạt động của Tập đoàn và Tổng giám đốc. Nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ bị kỷ luật đến mức sa thải. Cán bộ, công nhân viên đều biết các cam kết và tích cực tham gia thực hiện các cam kết, giám sát việc điều hành của Tổng giám đốc.
Các nhà máy nhỏ, kém hiệu quả bị tái cấu trúc lại, có thể bị đóng cửa. Đó là kinh nghiệm tốt, đã được gợi ý nhiều lần nhưng chưa được áp dụng ở Việt Nam.
Phải ngăn chặn nguy cơ Vinashin nhượng quyền sử dụng đất để trả nợ
Dư luận đặt câu hỏi, Vinashin sẽ làm gì sau khi được tái cơ cấu? Bởi nếu việc tái cơ cấu chỉ là chuyển một số đơn vị làm ăn cho người khác thì liệu điều đó có giải quyết được nguyên nhân chính khiến Vinashin làm ăn thua lỗ?
Việc tái cơ cấu của Vinashin diễn ra rất vội vã, chưa có phương án kinh tế – kỹ thuật, làm cho dư luận cho rằng đây là một phương án “gán nợ”, nhằm giảm gánh nặng nợ nần của Vinashin.
Đáng chú ý là trong các doanh nghiệp được chuyển giao có nhiều doanh nghiệp thuộc chuyên ngành đóng tàu thủy nên dư luận không rõ các căn cứ, tiêu chí chuyển giao này là thế nào và phục vụ gì cho chuyên ngành đóng tàu của Vinashin trong tương lai.
Nhưng “thuyền trưởng” mới của con tàu Vinashin, ông Trần Quang Vũ tuyên bố, 3 năm nữa Tập đoàn này sẽ trả hết nợ?
Đây là điều làm dư luận hết sức ngạc nhiên. Vinashin đang nợ 80.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ USD, nếu trong 3 năm trả hết nợ, mỗi năm Vinashin phải trả 1 tỷ 330 triệu USD.
Nếu tính tỷ suất lợi nhuận của Vinashin là 20% thì lợi nhuận và doanh thu của Vinashin phải lên đến bao nhiêu là điều chưa có con số chứng minh đáng tin cậy.
Theo tôi, không thể loại trừ khả năng Vinashin có thể nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường để trả nợ, điều này nhất thiết phải bị ngăn chặn vì đất đai là tài sản quốc gia, giao cho Vinashin kèm theo nhiệm vụ kinh doanh công nghiệp tàu thủy, không phải để mang nhượng lại để trả nợ.
H.K
Nguồn: http://bee.net.vn/channel/2043/201007/Khong-loai-tru-nguy-co-Vinashin-dung-dat-tra-no-1758588/
Vinashin phung phí đất, dân nghèo lãnh đủ
Trung Dân
Xin cấp đất để thực hiện hàng loạt dự án, nhưng Vinashin sau đó bỏ hoang hoặc chậm triển khai, với hàng nghìn ha trải dài từ Bắc chí Nam. Điều này cũng gây bức xúc trong dân không kém những sai phạm gây thiệt hại lớn về kinh tế của Tập đoàn này trong những năm qua.
Kỳ 1: Dân nghèo lãnh đủ
Với quy mô hàng trăm ha đất và vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng, chính quyền địa phương nơi có dự án KCN và Nhà máy đóng tàu Hậu Giang của Vinashin kỳ vọng rất nhiều vào việc dự án này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra ngược lại.
Dự án Khu công nghiệp (KCN) và Nhà máy đóng tàu Hậu Giang của Vinashin đặt tại KCN Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, Hậu Giang) ngốn tới 290 ha đất, tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, khởi công từ cuối tháng 4/2007.
Hết đất, hết kế sinh nhai
Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng hàng loạt nhà máy, như nhà máy sản xuất container lớn nhất phía Nam với công suất 120.000 container một năm, nhà máy lắp ráp động cơ thủy công suất lớn, các cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng… Dự kiến, dự án giải quyết việc làm cho 20.000 lao động.
Quy mô hoành tráng là thế, song từ khi khởi công đến nay, Nhà máy đóng tàu Hậu Giang (diện tích 60ha, tổng vốn đầu tư là 1.100 tỷ đồng, giai đoạn 1 đóng được tàu có trọng tải 30.000 DWT) mới giải quyết việc làm cho… 2 lao động trong trong tổng số 25 người mà Vinashin đưa đi đào tạo. Đến nay, nhiều phần việc vẫn đang bị đình trệ, không thể triển khai do đủ thứ nguyên nhân, khiến phần lớn diện tích dự án bị bỏ hoang.
Nhìn đất ruộng vườn bị bơm cát để cỏ mọc đầy năm này qua năm kia, anh Võ Văn Liêm (ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú), không khỏi xót xa: “Nhà tôi bị thu hồi hơn 1.000 m2 đất trồng rau thơm. Trước kia, mỗi vụ tôi kiếm được vài triệu đồng, nhưng giờ lãnh được mấy trăm triệu đồng tiền bồi hoàn, song lại chẳng có việc gì làm. Khi xài hết tiền thì không biết lấy gì ra mà sống”.
Tương tự, ông Võ Văn Mười (ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú), cho biết, trước đây với gần 1 ha đất, ông nuôi cá tra và nuôi bò mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi bị thu hồi hết đất, kinh tế gia đình ông ngày càng thê thảm.
Cay đắng hơn, ông Nguyễn Văn Hai (cùng ấp Phú Nhơn), cho hay, gia đình ông bị thu hồi 1,4 ha đất, giờ phải dắt díu nhau tha hương kiếm kế sinh nhai bởi không còn đất để canh tác. Ông Hai bức xúc: “Mỗi ngày ngồi không “ăn” hết 1m2 đất (tiền bồi hoàn đất nông nghiệp 50.000 đồng một m2 – PV) con cái thì đi làm thuê làm mướn tứ tán. Hồi còn trồng lúa lúc nào trong nhà cũng có lúa, còn bây giờ chạy gạo từng bữa rất khổ sở”.
Lãng phí ghê gớm
Chính quyền xã Đông Phú cho biết, khu đất dự án của Vinashin là đất phù sa, lại nằm dọc theo sông Hậu nên trồng lúa rất tốt, năng suất bình quân 14 tấn một ha mỗi năm, trồng màu thì thu nhập khoảng 40 triệu đồng một ha mỗi năm. Trước khi giao đất cho Vinashin làm dự án, trung bình mỗi năm người dân thu nhập được 68 triệu (tính giá lúa 2.000 đồng một kg).
Như vậy, với 80 ha đất mà Vinashin giải phóng mặt bằng rồi để cho cỏ mọc thì mỗi năm người dân trong vùng dự án mất hơn 5,4 tỷ đồng, mà đất bỏ hoang đã 3 năm nay. Điều đáng nói là tổng thu ngân sách của xã mỗi năm cũng chỉ khoảng 1,6 tỷ đồng. “Đây là một sự lãng phí ghê gớm”, ông Phạm Văn Chởm, Chủ tịch UBND xã Đông Phú nói và cho biết thêm, cuộc sống của người dân sau khi triển khai dự án khó khăn hơn trước nhiều.
Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, UBND tỉnh đã thống nhất thu hồi dự án Vinashin. Tuy nhiên, dự án đang được chuyển giao về Tổng công ty hàng hải Việt Nam nên phải chờ. Nếu Tổng công ty hàng hải Việt Nam không sử dụng hết diện tích đã giải phóng mặt bằng, tỉnh sẽ thu hồi và trả lại kinh phí mà Vinashin đã bồi thường cho dân.
Trung Dân