Bản báo cáo Đầu tư Xuyên biên giới của World Bank

Tạm không nói đến tệ quan liêu vẫn còn khủng khiếp (99 ngày mới xong một mảnh giấy trong khi Singapore có 9 ngày), trong “Bản báo cáo Đầu tư Xuyên biên giới” của WB ngày 7 tháng 7, 2010, ở phần bá cáo về VN có đoạn sau:

Việt Nam có điểm số khá cao trong việc cung cấp thông tin về đất công nghiệp, và thực tế Việt Nam là một trong 10 nước đứng đầu danh sách về việc cung cấp các thông tin này, có nhiều thông tin có thể tìm thấy trên internet. Tương tự đối với thời gian cho thuê đất công cộng cũng nhanh hơn so với trong khu vực, trung bình mất khoảng 133 ngày để cho thuê một miếng đất công cộng, còn ở khu vực con số trung bình là 151 ngày, đó là một điểm đáng khích lệ khác.

Tuy nhiên việc cho thuê đất tư thì Việt Nam lại mất nhiều thời gian hơn so với trong khu vực, của Việt Nam là 120 ngày còn khu vực là 66 ngày”.

Đoạn đầu cho chúng ta thấy ở VN “đất công”  (tức là đất trên nguyên tắc thuộc quyền sở hữu của nhân dân cả nước) được thông tin “sang lại” trên thị trường địa ốc quốc tế (nghĩa là cấp quyền sử dụng dài hạn, tối thiểu là 50 năm) một cách “nhanh, gọn, nhẹ” nhất so với các nước khác trong khu vực!

Trái lại,đối với “đất tư” (nghĩa là thuộc quyền sử dụng của người dân)  thì việc thực hiện thủ tục “sang lại” cho nước ngoài nói trên mất thời gian trung bình thường gấp đôi so với các nước khác trong khu vực!

Điều trái khoáy trong “thống kê” trên có thể giải nghĩa như sau :

1) Quyền sở hữu đất đai (công hay tư) đều thuộc Nhà nước, do đó các đất  công (đất đô thị, đất nông nghiệp hay đất có tài nguyên và đất rừng) đều được các cấp Chính quyền TW hay địa phương làm các thủ tục “sang tay” cực kỳ nhặm lẹ để có tiền bỏ túi ngay, không cần tính toán gì đến các yếu tố an ninh, văn hóa, cảnh quan, môi trường như chính quyền các nước thường cân nhắc rất cẩn thận, nên đã đến hồi cạn kiệt.

2) Bây giờ các cấp Chính quyền TW hay địa phương phải tính đến chuyện “sang tay” cho người nước ngoài các “khu đất tư” thuộc quyền sử dụng của người dân.

Tại các nước khác trong khu vực, thông thường không theo chế độ XHCN như nước VN,  quyền sở hữu đất đai được ghi trong Hiến pháp là quyền “thiêng liêng bất khả xâm phạm” của công dân. Do đó người dân có toàn quyền quyết  định về chuyện mua bán mảnh đất của mình theo giá thị trường “thuận mua vừa bán”. Các văn phòng Luật sư và các công ty bất động sản thực hiện việc mua bán các khu đất lớn trung bình trong vòng 66 ngày!

3) Nhưng tại sao một vụ “sang tay đất tư” cho nước ngoài tại VN lại mất đến 120 ngày? Xin thưa nó thường phải qua 3 giai đoạn:

a) Một công ty nhà nước hay công ty tư nhân trước hết phải “giải tỏa khu đất” và  đền bù cho những người dân có “quyền sử dụng” một diện tích nào đó thích ứng!

Ở đây không có chuyện “thuận mua vừa bán“, vì Ông chủ sở hữu khu đất là Nhà nước VN (giao cho Chính phủ quản lý), nên nói chung thì chính quyền sở tại tùy tiện ra “giá đền bù” (theo tiêu chuẩn mà tự đặt ra) để thu hồi quyền sử dụng đất của người dân.

b) Người dân làm đổ mồ hôi sôi nước mắt cả đời mới “mua được quyền sử dụng mảnh đất của mình” theo giá thị trường, bây giờ bị các công ty VN tước đoạt và bồi thường theo  giá “rẻ mạt“, rồi đem sang lại (cho thuê dài hạn) theo giá “gấp trăm gấp mười“. Thế cho nên tiếng “kêu oan đòi đất sống” mới vang dội cả nước, từ nông thôn đến thành thị, và nay đã đến giai đoạn khi mà đất cho thuê càng hiếm thì “máu và nước mắt” của dân kêu oan đổ ra càng nhiều trên đất nước “độc lập-tự do-hạnh phúc” này!

GSTS Nguyễn Thu

Trụ sở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tại Hà Nội, ảnh chụp hôm 26/04/2010. RFA Photo/Tyler Chapman

Trụ sở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tại Hà Nội, ảnh chụp hôm 26/04/2010. RFA Photo/Tyler Chapman

Hôm 7 tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Thế giới công bố bản báo cáo mang tên Investing Across Borders 2010, tạm dịch là đầu tư xuyên biên giới.

Bản báo cáo cung cấp các dữ liệu về luật pháp và quy định ảnh hưởng đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại 87 quốc gia trên thế giới. Việt Hà của đài chúng tôi có bài tìm hiểu và tường trình.

Bản báo cáo Investing Across Border 2010 là bản báo cáo lần đầu tiên tổng hợp các thông số về luật và quy định ảnh hưởng đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, do Ngân hàng Thế giới thực hiện.

Thông cáo báo chí của World Bank nhân dịp này nói rằng các luật và quy định rõ ràng, hiệu quả là yếu tố quan trọng đảm bảo kết quả tốt nhất cho các nước tiếp nhận đầu tư và cho chính những nhà đầu tư.

Đây là bản báo cáo đầu tiên chúng tôi làm dưới dạng này, để so sánh các nước về sự cởi mở trong tiếp nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bà Cecilia Sager

So sánh các nước về sự cởi mở trong tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài

Ông Janamitra Devan, Phó Tổng giám đốc Bộ phận Phát triển khu vực tư nhân và Tài chính thuộc Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng “Đầu tư trực tiếp nước ngoài là quan trọng đối với sự phát triển của các nước, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài mang lại vốn cam kết mới và nhiều hơn, giới thiệu các công nghệ mới, cách quản lý, tạo việc làm, và khuyến khích cạnh tranh để giảm giá và cải thiện tiếp cận với hàng hóa và dịch vụ cho mọi người”.

Bà Cecilia Sager, phụ trách Bộ phận Khởi động Đầu tư thuộc Ban Môi trường đầu tư của World Bank cho biết về khởi đầu của quyết định thực hiện báo cáo này như sau:

“Đây là bản báo cáo đầu tiên chúng tôi làm dưới dạng này, để so sánh các nước về sự cởi mở trong tiếp nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chúng tôi cũng làm các nghiên cứu khác liên quan đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ban của chúng tôi đưa ra các tư vấn về mặt chính sách cho các nước quan tâm đến việc làm thế nào để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chính vì thế cho nên chúng tôi thấy là cần phải làm một nghiên cứu phân tích so sánh giữa các nước liên quan đến quy định, thể lệ, ảnh hưởng đến FDI, và đó là khởi nguyên của nghiên cứu này”.

Bản báo cáo dựa vào những điều tra tại 87 nước với 4 chỉ số chính, bao gồm đầu tư trên các lĩnh vực, bắt đầu kinh doanh, tiếp cận đất công nghiệp và các trọng tài thương mại trong các tranh chấp. Các chỉ số này tổng hợp các phân tích về luật, quy định và thực hiện luật. Các chỉ số này cho thấy sự khác nhau giữa các nước để xác định những cách làm tốt, tạo điều kiện cho các cơ hội học hỏi, khuyến khích đổi mới, và cung cấp dữ liệu của các nước phục vụ nghiên cứu và phân tích.

Phòng trưng bày xe Ford lắp ráp tại Việt Nam, ảnh chụp hôm 26/04/2010 ở Hà Nội. RFA Photo / Tyler Chapman.

Phòng trưng bày xe Ford lắp ráp tại Việt Nam, ảnh chụp hôm 26/04/2010 ở Hà Nội. RFA Photo / Tyler Chapman.

Bà Cecilia Sager cho biết báo cáo này đã cho thấy một số kết quả đáng chú ý.

Kết quả chung cho thấy có đến 90% các nước giới hạn các công ty nước ngoài trong việc đầu tư vào một số khu vực kinh tế. 1/5 các nước yêu cầu các công ty nước ngoài phải qua giai đoạn xét duyệt đầu tư trước khi đầu tư vào khu vực công nghiệp chế tạo. Những yêu cầu này theo bà Sager kéo dài thời gian ban đầu và làm chậm bước khởi đầu kinh doanh.

Ngoài ra tệ quan liêu và việc thực hiện các luật và quy định không tốt cũng là rào cản đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tại một vài nước các công ty nước ngoài phải mất đến nửa năm để thiết lập chi nhánh của mình ở nước ngoài. Việc chậm chạp trong cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng ở một số nước cũng ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Báo cáo về Việt Nam

Riêng tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, báo cáo lần này cho thấy đây là khu vực có nhiều hạn chế hơn so với các khu vực khác về phần vốn chủ sở hữu cho đầu tư nước ngoài. Nhận xét về Việt Nam, là nước cũng được xem xét trong báo cáo lần này, bà Sager nói:

“Việt Nam dường như có nhiều hạn chế hơn so với các nước khác trong khu vực, về phần chủ sở hữu có hơn 1/3 lĩnh vực kinh doanh mà chúng tôi xem xét ở Việt Nam có những hạn chế về vốn chủ sở hữu đối với đầu tư nước ngoài. liên quan đến việc tiếp cận với khu đất công nghiệp.

Việt Nam có điểm số khá cao trong việc cung cấp thông tin về đất công nghiệp, và thực tế Việt Nam là một trong 10 nước đứng đầu danh sách về việc cung cấp các thông tin này, có nhiều thông tin có thể tìm thấy trên internet.

Tương tự, đối với thời gian cho thuê đất công cộng cũng nhanh hơn so với trong khu vực, trung bình mất khoảng 133 ngày để cho thuê một miếng đất công cộng, còn ở khu vực con số trung bình là 151 ngày, đó là một điểm đáng khích lệ khác. Tuy nhiên việc cho thuê đất tư thì Việt Nam lại mất nhiều thời gian hơn so với trong khu vực, của Việt Nam là 120 ngày còn khu vực là 66 ngày”.

Việt Nam dường như có nhiều hạn chế hơn so với các nước khác trong khu vực, về phần chủ sở hữu có hơn 1/3 lĩnh vực kinh doanh mà chúng tôi xem xét ở Việt Nam có những hạn chế về vốn chủ sở hữu đối với đầu tư nước ngoài. liên quan đến việc tiếp cận với khu đất công nghiệp.

Bà Cecilia Sager

Theo bà Sager thì mỗi nước có một lý do riêng khi đưa ra các hạn chế đầu tư của mình và bản báo cáo không dựa vào đó để đánh giá các nước.

Riêng đối với tiêu chí thời gian cấp phép kinh doanh, Việt Nam nằm trong danh sách các nước mà nhà đầu tư phải mất nhiều thời gian để có thể bắt đầu công việc kinh doanh của mình tại đây. Thời gian trung bình là 94 ngày, trong khi ở Singapore thì chỉ mất có 9 ngày. Bà Sager cho biết nguyên nhân là vì tại Việt Nam, các công ty nước ngoài phải có giấy phép phê duyệt đầu tư trước. Trong quá trình làm thủ tục xin giấy phép này, các công ty phải nộp hồ sơ nghiên cứu khả thi, và thời gian xem xét hồ sơ này mất 57ngày.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam hơn 8 tỷ đô la, bằng 80,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng đối với tiêu chí trọng tài thương mại, báo cáo cho thấy Việt Nam đang ngày một hiểu hơn tầm quan trọng của cơ chế này trong nền kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bà Antonia Menezes, một trong nhiều tác giả của bản báo cáo nhận xét:

“Việt Nam làm rất tốt, họ có nhiều cơ quan trọng tài, điều này cho thấy là họ đang ngày một hiểu hơn về việc xử lý các tranh chấp, mà điều đáng nói là họ mới có luật về trọng tài vào năm 2003, và việc xử lý các vấn đề tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì nhanh hơn so với nội địa, điều này cho thấy Việt Nam muốn có cùng thời gian giải quyết cho cả hai loại nhưng đối với các nhà đầu tư nước ngoài họ có thể tin tưởng rằng các phán quyết cho họ sẽ được giải quyết nhanh chóng ở Việt Nam so với các nước khác”.

Chi nhánh City Bank tại Hà Nội, ảnh chụp hôm 25/04/2010.

Chi nhánh City Bank tại Hà Nội, ảnh chụp hôm 25/04/2010.

Bản báo cáo không xem xét các yếu tố khác cũng rất quan trọng với đầu tư trực tiếp nước ngoài như ổn định kinh tế vĩ mô, quy mô thị trường, tham nhũng, kỹ năng hay chất lượng của hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, các chỉ số được đưa ra trong bản báo cáo lần này cung cấp điểm khởi đầu cho các chính phủ mong muốn cải thiện hơn nữa mức độ cạnh tranh đầu tư toàn cầu.

Những người làm báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị đối với các nước muốn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đó là có hệ thống luật pháp quy định rõ ràng đối với các nhà đầu tư bởi nó có ảnh hưởng đến quyết định ban đầu của các nhà đầu tư. Để đảm bảo những kết quả và khuyến nghị của bản báo cáo được tiếp nhận và thực hiện có hiệu quả, Ngân hàng Thế giới đã lên kế hoạch theo dõi tiếp theo báo cáo. Bà Sager giải thích:

“World Bank đã đưa báo cáo này lên mạng và các nước có thể tiếp cận các thông tin này và xem họ thế nào trong các lĩnh vực, theo tôi nó sẽ dẫn đến sự tự đánh giá của các cơ chế có liên quan để xem khu vực nào họ có thể cải thiện hơn nữa.

Ngoài ra chúng tôi cũng tổ chức các buổi họp khu vực trong các tháng tới để có những thảo luận với các nước và nhóm nước, nói với họ về những gì chúng tôi tìm thấy trong báo cáo này và các hành động mà họ có thể có”.

Bản báo cáo được thực hiện trong một thời gian dài suốt 3 năm. Riêng phần dữ liệu tổng hợp được thu thập từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2009. Các nhà làm báo cáo hy vọng nghiên cứu này sẽ có những ảnh hưởng tích cực đối với các nước. World Bank có thể sẽ tiếp tục xuất bản các báo cáo thường niên về đầu tư xuyên biên giới trong các năm tới với số lượng nước đông hơn.

Nguồn: RFA, 10-7-2010

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.