Thừa cơ “nước đục thả câu” – Tập liền “tác quái” trên bờ Biển Đông

Hoàng Trung

Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) vừa kết thúc hôm 14/11 với việc Tuyên bố Hà Nội được ký kết mà không hề đề cập đến tranh chấp Biển Đông thì hôm 16/11 Trung Quốc đã thông báo tập trận, cấm tàu bè vào Biển Đông.

Tài khoản Twitter của Nhân dân Nhật báo Trung Quốc bản tiếng Anh hôm 16/11/2020 đã đăng tải tấm ảnh đảo Duy Mộng (thuộc quần đảo Hoàng Sa) kèm thông báo tập trận ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và lệnh cấm tàu bè qua lại.

Thông báo số GD039 của Cục An toàn hàng hải Quảng Đông cho biết, Trung Quốc sẽ tiến hành huấn luyện quân sự tại Biển Nam Trung Hoa, khu vực phía tây bán đảo Lôi Châu, tức vùng biển phía Bắc Vịnh Bắc Bộ từ ngày 17/11 đến ngày 30/11. Vị trí cụ thể là khoảng 21,23 độ vĩ Bắc và 109,54 độ kinh Đông.

Cục An toàn Hàng hải Quảng Đông cho biết việc tàu thuyền sẽ bị cấm đi lại trong khu vực có bán kính 5km.

Hiện Việt Nam vẫn chưa phản ứng với thông tin này.

Một thông báo khác của cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc cũng thông báo về cuộc tập trận ở ngoài khơi Hồng Kông ở phía Bắc Biển Đông, gần đảo Đông Sa của Đài Loan bắt đầu vào ngày 17/11.

Theo các thông báo của hai cơ quan gồm Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông và Cục Hải sự tỉnh Hải Nam thì từ đầu năm đến nay, quân đội Trung Quốc tiến hành ít nhất 8 cuộc tập trận tại Biển Đông, trong đó có 5 cuộc xung quanh khu vực Quần đảo Hoàng Sa.

Trong một diễn biến liên quan khác, ngày 14/11/2020 báo South China Morning Post dẫn lại nguồn tin từ một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc cho biết lần đầu tiên phía Trung Quốc tiết lộ chi tiết về vụ tập trận tên lửa diệt tàu sân bay ở Biển Đông hồi tháng 08. Theo nguồn tin này, các tên lửa DF-26B et DF-21D đã bắn trúng mục tiêu đang chuyển động gần quần đảo Hoàng Sa. Người cung cấp thông tin cho biết đây là « một tín hiệu để cảnh báo Hoa Kỳ không có các hành động phiêu lưu quân sự ».

Thông báo tập trận được đưa trong bối cảnh các cuộc họp cấp cao quan trọng giữa ASEAN trong vai trò là vị trí trung tâm với các đối tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vừa mới kết thúc với “nhiều niềm vui” cho Trung Quốc.

Tuyên bố Hà Nội là tuyên bố chung được 18 quốc gia thành viên ký kết nhân dịp Thượng đỉnh Đông Á (EAS) được tổ chức tại Hà Nội qua hình thức trực tuyến tối 14/11.

EAS là diễn đàn gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và các quốc gia khu vực Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), cũng như Úc, New Zealand, Ấn Độ, Mỹ, và Nga. EAS được coi là diễn đàn hàng đầu ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh và quốc phòng. Kể từ khi thành lập vào năm 2005, hội nghị đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển chiến lược, địa chính trị và kinh tế của Đông Á.

Tuyên bố Hà Nội nhấn mạnh đến cam kết giữa các quốc gia trong khối trong việc đảm bảo môi trường thuận lợi để kiểm soát dịch bệnh, trong bối cảnh đại dịch virus corona vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới. Ngoài các hợp tác khác, tuyên bố cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) trong việc tăng cường hợp tác kinh tế trong khu vực.

Tuy nhiên trong Tuyên bố Hà Nội, các tranh chấp Biển Đông, đặc biệt tăng cao trong năm nay với các hoạt động gây hấn của Trung Quốc giữa bối cảnh đại dịch, không được đề cập. Tuyên bố chỉ nói rằng các quốc gia thành viên sẽ “tăng cường các hành động thực tiễn và sự phối hợp toàn diện trong những lĩnh vực ưu tiên của hợp tác Thượng đỉnh Đông Á, và các ứng phó đối với các thách thức cùng quan tâm.”

Điều đặc biệt là ngay trước đó tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 37 hay tại Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN lần thứ 8 cũng như tại chính Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), các nhà lãnh đạo Đông Nam Á nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung đều bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN mở ra tại Hà Nội hôm 12/11, Việt Nam và Philippines liên thủ thúc đẩy hồ sơ Biển Đông để yêu cầu một giải pháp hòa bình, trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế.

Với tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN, lại là nước bị Trung Quốc lấn lướt dữ dội nhất trong thời gian gần đây, Việt Nam không thể không nêu bật vấn đề Biển Đông bị Trung Quốc tranh chấp một cách trái phép ra trước công luận khu vực và thế giới, nhân hội nghị lần này. Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị của lãnh đạo 10 nước ASEAN hôm 12/11, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã gián tiếp đề cập đến vấn đề Biển Đông và các hành động hung hăng áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời ca ngợi quyết tâm mạnh mẽ của ASEAN trong việc xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn.

Một ngày trước đó, hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hôm 11/11 đã kết luận: “Biển Đông tiếp tục là vấn đề nổi lên trong tình hình quốc tế và khu vực” với “nhiều hành động đơn phương, trong đó có quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ, hành xử áp đặt vẫn tiếp diễn gây lo ngại đến hòa bình ổn định trên Biển Đông nói riêng, khu vực nói chung.”

Điều đáng chú ý là Philippines đã bất ngờ trở thành nước lên tiếng mạnh nhất trên vấn đề Biển Đông, cho dù lãnh đạo nước này thường được cho là có xu hướng hòa hoãn với Bắc Kinh.

Sau phát biểu của Thủ tướng Việt Nam, trong diễn văn của mình, Tổng thống Philippines đã bất ngờ lên tiếng bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 bác bỏ các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tổng thống Philippines cũng đã gợi lại diễn văn mà ông đọc trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 vừa qua nhấn mạnh phán quyết trọng tài năm 2016 là một thực tế “mà không một quốc gia nào có thể bỏ qua, cho dù nước đó có mạnh đến đâu chăng nữa”. Còn tại Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN lần thứ 8, cũng theo hình thức trực tuyến, trưởng đoàn phía Mỹ là cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, thay mặt cho tổng thống Donald Trump, đã lên tiếng thúc đẩy các nước Đông Nam Á tích cực phát huy một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở, một khu vực đang phải chịu các hành vi bành trướng của Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường các hành vi gây hấn ở Biển Đông, chèn ép các nước ASEAN đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như cản trở các hoạt động đánh bắt cá và thăm dò khoáng sản của các quốc gia láng giềng trong những năm gần đây, ông O’Brien đã nhấn mạnh đến lợi ích to lớn mà quan hệ đối tác giữa hai bên mang lại cho sự thịnh vượng, an ninh và hạnh phúc của hơn một tỷ người ở Hoa Kỳ và các quốc gia ASEAN, đồng thời tái khẳng định cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở.

Còn tại chính Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tối 14/11, các nhà lãnh đạo châu Á – Thái Bình Dương đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, dù không nêu đích danh Trung Quốc.

Một quan chức của chính phủ Nhật Bản cho hãng tin Kyodo biết, Thủ tướng Yoshihide Suga đánh giá những hành động ở Biển Đông và biển Hoa Đông “đi ngược lại với luật pháp và xu thế cởi mở” và chia sẻ những quan ngại này với các nước trong khu vực. Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Sekaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát đã bị Thủ tướng Suga bác bỏ tại Hội nghị EAS vì xâm phạm chủ quyền của Nhật Bản.

Phía Ấn Độ cũng bày tỏ quan ngại trước những “hành động” và “sự cố” đang phá hủy niềm tin ở Biển Đông, theo trang BC Focus. Phát biểu tại Hội nghị EAS, Ngoại trưởng Ấn Độ, S. Jaishankar nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng hối thúc các nước ASEAN hoàn thiện Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Tuy nhiên, song song với tiến độ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh đến một bộ quy tắc ứng xử “hiệu quả và thực chất” và “vẫn còn nhiều việc phải làm”.

Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, khi đề nghị tăng tốc đàm phán, Bắc Kinh muốn thúc ép ASEAN chấp nhận các điều khoản có lợi cho Trung Quốc, không chấp nhận để Hoa Kỳ can thiệp vào Biển Đông.

Lý giải cho việc mặc dù diễn biến các cuộc họp thượng đỉnh đều đề cập đến tranh chấp Biển Đông nhưng văn kiện quan trọng nhất được thông qua tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) là Tuyên bố Hà Nội lại không nhắc đến vấn đề nhạy cảm này, giới quan sát đã đưa ra một số nguyên nhân.

Các nhà phân tích cho rằng những chủ đề về ứng phó với đại dịch COVID-19 và việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP được chờ đợi từ lâu đã “nâng cao tâm trạng của mọi người” tại cuộc họp thượng đỉnh ở Hà Nội trong khi không ai có bất cứ một đề xuất gì mới để nới lỏng tranh chấp hàng hải sau một năm đầy biến động với sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ trước các hoạt động của Trung Quốc trên biển.

Việt Nam cùng 14 quốc gia khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc, hôm 15/11 ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, RCEP. RCEP được Trung Quốc hậu thuẫn từ khi được khởi xướng vào năm 2012 và được cho là một công cụ để Trung Quốc tăng sức mạnh địa chính trị ở châu Á – Thái Bình Dương.

Oh Ei Sun, thành viên cao cấp của Viện nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế của Singapore, nói với phóng viên Ralph Jennings của VOA rằng: “Giữa tâm trạng ăn mừng này, tôi không nghĩ rằng họ sẽ làm gì để giảm bớt điều đó bằng một điều gì đó rất khắc nghiệt trên Biển Đông.”

Theo nhà nghiên cứu Oh, các nước Đông Nam Á đang gác lại tranh chấp hàng hải trong năm nay để chờ Tổng thống đắc cử Mỹ cho biết quan điểm của ông về vấn đề này.

Ông Stephen Nagy, phó giáo sư cấp cao về chính trị và nghiên cứu quốc tế của Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo cũng nhận định: “Tôi nghĩ khủng hoảng COVID có lẽ sẽ làm cho (các nước ASEAN) khó khăn trong việc đặt ưu tiên vào một bộ quy tắc ứng xử trong khi họ đang lo ngại nhiều hơn về việc phục hồi kinh tế trong nước và nối lại thương mại, du lịch cùng mọi thứ khác.”

Hơn nữa, theo các nhà quan sát, do việc trưởng phái đoàn Mỹ chỉ là cố vấn an ninh chứ không phải là tổng thống, tiếng nói của Hoa Kỳ tại Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN cũng như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần này bớt đi tầm quan trọng, một điều đáng tiếc vào lúc Hoa Kỳ và ASEAN kỷ niệm 5 năm Quan hệ Đối tác chiến lược

Ông Trump đã tham dự Thượng đỉnh ASEAN vào năm 2017 ở Philippines, nhưng sau đó đã không dự bất kỳ hội nghị nào.

Lần này, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á EAS, trưởng đoàn Mỹ chỉ là ông O’Brien, trong lúc các nước khác đều có đại diện cấp nguyên thủ quốc gia hay thủ tướng chính phủ.

H.T.

Nguồn: Thoibao.de

 

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.