-
Bùi Thư – BBC News Tiếng Việt
2 tháng 10 2020
KHÓ XỬ: VỀ VỤ VU KHỐNG BÍ THƯ TỈNH UỶ ĐẠO VĂN
Chu Mộng Long
Tôi là người thượng tôn pháp luật, mong muốn mọi điều luật phải được thực thi chứ không có chuyện nhiều điều luật được tạo ra mà chưa một lần áp dụng. Trong trường hợp này là tội vu khống.
Tôi từng bị đồng nghiệp và báo chí vu khống. Tôi kiên nhẫn chờ kết luận thanh tra sau ba tháng mới chính thức đệ đơn ra công an (đính kèm kết luận thanh tra và bằng chứng) đề nghị khởi tố hình sự theo luật hình sự. Công an lại mất ba tháng điều tra. Và tôi lại kiên nhẫn chờ đợi.
Sau khi điều tra xong, điều tra viên gọi tôi đến gặp và hỏi:
– Thầy có chứng minh được thiệt hại về vật chất và tinh thần không?
Tôi nói một cách trung thực nhất:
– Vật chất thì tôi vẫn đi làm và ăn lương bình thường. Có ảnh hưởng thu nhập nhưng không đáng kể. Còn tinh thần thì khi bị bôi nhọ, vu khống, ắt khủng hoảng, bức xúc và rối loạn mọi thứ, từ gia đình đến các quan hệ xã hội khác.
Điều tra viên cười thân thiện:
– Vậy thì rất khó có đủ căn cứ để khởi tố hình sự lắm thầy ạ. Theo em cách tốt nhất là giải quyết nội bộ ôn hoà đi.
Tôi đồng ý và không nói gì thêm. Ừ thì giải quyết nội bộ bằng án kỷ luật đồng nghiệp đó. Tất nhiên, đối với báo chí thì phải bị xử phạt, nhưng họ đã phạt kiểu gì, tôi không biết.
Khi đồng nghiệp khác (đúng ra là thầy của tôi) bị sinh viên và phụ huynh vu khống “gạ tình đổi lấy biên bản”, đích thân tôi thanh tra và kết luận rõ ràng. Sau khi họp báo công khai Kết luận thanh tra, tôi đề nghị đồng nghiệp của tôi với tư cách là người bị hại chuyển hồ sơ ra công an đề nghị khởi tố hình sự tội vu khống, cả người vu khống lẫn báo chí.
Nhưng sau nhiều năm, sự vụ chìm xuồng. Đồng nghiệp của tôi thì uất ức cho đến bây giờ.
Trong vụ Bí thư tỉnh uỷ bị cho là nạn nhân của sự vu khống, tôi không rõ thông tin từ nhiều phía, nên không đứng về phía nào. Nếu đúng có sự vu khống thì phải xét xử nghiêm minh. Nhưng điều dư luận cần là sự minh bạch: 1) Công khai luận án tiến sỹ bị cho là đạo văn để dư luận soi xét; 2) Cần một Hội đồng giám định khách quan chứ không phải trả lời của cơ sở đào tạo; 3) Minh bạch sự tố tụng, từ lệnh khởi tố, bắt giam và điều tra xét xử.
Làm được 3 điều ấy thì mới trấn an được dư luận và người bị xét xử tâm phục khẩu phục.
Tôi chỉ băn khoăn là vụ này rất khó xử:
1) Nạn nhân là Bí thư tỉnh uỷ phải chứng minh được thiệt hại vật chất lẫn tinh thần. Cụ thể về lương, thu nhập bị ảnh hưởng, tinh thần bị khủng hoảng, uy tín bị suy giảm. Tất nhiên tinh thần cũng phải lượng hoá được như bị kỷ luật, bị mất chức.
2) Ngược lại, nếu không chứng minh được thiệt hại thì, vụ án phải bị đẩy xuống giải quyết hành chính bằng xử phạt người vu khống, giống như tờ báo đăng bài đã bị xử phạt.
Khó vì, điều 1), nếu nạn nhân bị thiệt hại ở hình thức kỷ luật, giáng chức vì có đạo văn thì tội vu khống là không tồn tại. Mà không thể vì lý do khác, vì nếu bị kỷ luật hay bị giáng chức vì lý do khác thì càng không liên quan đến người bị cho là vu khống.
Vậy thì chỉ có thể xử theo điều 2). Nhưng trường hợp này thì mọi thứ cũng đều phải minh bạch. Một toà án văn minh thì mọi sự phải được phơi bày trước ánh sáng Công lý.
Trước ánh sáng của Công lý, dân và quan là bình đẳng. Mọi thiên vị chỉ có thể gây mất lòng tin và rối loạn an ninh.
Chu Mộng Long
Chụp lại hình ảnh, Tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên của trường Đại học Tôn Đức Thắng bị Công an Đắk Lắk bắt giữ vì tội vu khống.
Một số luật sư, nhà báo đã bày tỏ quan ngại trước khả năng Công an Đắk Lắk đã hành xử ‘tùy tiện’ khi bắt giữ Tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên của trường Đại học Tôn Đức Thắng về tội vu khống.
Trả lời BBC News Tiếng Việt, luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Thế Giới Luật Pháp, Đoàn Luật sư TP HCM nói theo Điều 119 BLTTHS, việc tạm giam chỉ áp dụng đối với bị cáo về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
“Tội vu khống là tội ít nghiêm trọng, Tiến sĩ Quý có nơi cư trú làm việc rõ ràng, cơ quan điều tra cũng đã khám xét chỗ ở và thu giữ đồ vật, máy tính… thì không có lý do gì để tạm giam Tiến sĩ Quý nếu thực sự hành vi của Tiến sĩ Quý đủ căn cứ để khởi tố”, LS Sơn nhận định.
Còn luật sư Hoàng Cao Sang viện dẫn trên Facebook cá nhân một số quy định về việc bảo vệ người tố cáo và cho rằng “ông Quý cần được bảo vệ đúng theo quy định của pháp luật và Chỉ thị của Bộ Chính trị”.
Điều kiện cấu thành tội danh vu khống?
Xoay quanh việc ông Phạm Đình Quý bị ‘bắt khẩn cấp’ vì hành vi vu khống theo điều 156 Bộ luật hình sự, nhiều câu hỏi đặt ra về hành vi của ông Quý khi làm đơn tố cáo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk có đủ để cấu thành tội danh hay không.
Giải đáp điều này, luật sư Phùng Thanh Sơn trích dẫn rằng điều kiện để cấu thành tội vu khống phải có yếu tố sau:
– Về mặt khách quan thì phải có sự bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền;
– Mục đích tội phạm: nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự.
Vì không có trong tay đơn tố cáo của Tiến sĩ Quý và cũng không có luận án tiến sĩ của ông Cường nên luật sư Sơn không thể đưa ra nhận định việc công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố vụ án này đúng hay sai.
Tuy nhiên, ông Sơn bình luận: “Trong sự vụ này, nếu có việc ông Cường làm luận án tiến sĩ và có vấn đề trong việc trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo thì không thể nói là bịa đặt. Có chăng thì đó là sự khác biệt về nhận thức trong việc nhận định sự việc”.
Luật sư Sơn cũng phân tích thêm: “Quan trọng là các sự kiện, tình tiết mà Tiến sĩ Quý nêu ra trong đơn có đúng không, chứ không phải là quan niệm, cách nhìn và góc nhìn của Tiến sĩ Quý về các sự kiện, tình tiết. Áp dụng pháp luật mà không cho phép người dân đưa ra góc nhìn khác, suy nghĩ, cảm nhận khác về sự vật, hiện tượng, sự kiện nào đó là đi ngược lại sự vận động và phát triển của xã hội. Mà nói ngắn gọn đó là sự phản động!”.
Công an tỉnh Đắk Lắk lên tiếng
Trong khi đó, ngày 2/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk ra thông cáo dài, nói về vụ bắt và khởi tố hai ông Hoàng Minh Tuấn và Phạm Đình Quý.
Theo phía công an, “Hoàng Minh Tuấn và Phạm Đình Quý đều đã khai nhận hành vi bàn bạc, thống nhất, có tổ chức thực hiện tội phạm, cố ý loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.
Thông cáo nói: “Lời khai nhận của Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn phù hợp với các tài liệu chứng cứ Cơ quan điều tra đã thu thập được”.
“Đây là hoạt động có dấu hiệu hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, thông qua bôi nhọ, vu khống lãnh đạo cấp cao của Đảng trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp. Quá trình giải quyết vụ án đã được các cơ quan tố tụng tiến hành công tâm, khách quan, trên quan điểm “thượng tôn pháp luật””.
Công an tỉnh nói tiếp họ “đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để mở rộng điều tra và xử lý nghiêm những người có liên quan theo đúng quy định của pháp luật”.
Thông cáo của Công an tỉnh Đắk Lắk khẳng định: “Quá trình xử lý vụ việc các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk bảo đảm phương châm “thượng tôn pháp luật”, thực hiện đầy đủ quy trình tố tụng, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo và được sự đồng ý của cơ quan ngành dọc ở Trung ương”.
Bộ Công an trả lời
Chiều tối 2/10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng Bộ Công an, đã trả lời về vụ việc.
Ông cho hay Bộ Công an đã nhận được báo cáo của Công an tỉnh Đắk Lắk.
“Quá trình xác minh cho thấy có dấu hiệu tội phạm nên ngày 19-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đắk Lắk ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam (thời hạn 2 tháng) đối với ông Hoàng Minh Tuấn, sinh năm 1980, về tội vu khống, theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)” – ông Xô nói.
“Quá trình điều tra ban đầu, Hoàng Minh Tuấn, Phạm Đình Quý bước đầu khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để mở rộng điều tra và xử lý hai bị can này theo đúng quy định của pháp luật”, Thiếu tướng Tô Ân Xô thông tin.
NGUỒN HÌNH ẢNH,
Về đơn tố cáo của ông Quý, nhà báo Hoài Nam, cựu phóng viên báo Thanh Niên viết trên Facebook: “Việc tố cáo Bí thư Cường đạo luận văn chưa thấy có cơ quan nào khẳng định tố cáo không có cơ sở, hoặc tố cáo sai sự thật, bởi lẽ đây là công trình khoa học, cần phải có cơ quan chuyên môn vào cuộc và kết luận”.
“Đặc biệt, theo tài liệu tố cáo Bí thư Cường sử dụng 07 tài liệu khoa học khác copy vào luận án của mình, những tài liệu này là của những nghiên cứu sinh đã bảo vệ những năm trước đó. Muốn biết có đạo hay không, phải có Hội đồng Khoa học nghiên cứu và kết luận mới đủ cơ sở khẳng định việc tố cáo sai sự thật”, nhà báo Hoài Nam nhận định.
Đồng thời, ông Nam cũng chỉ ra cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắc chỉ là một cơ quan chuyên về tố tụng, không phải là cơ quan chuyên môn về khoa học có thẩm quyền khẳng định luận án của Bí thư Cường có đạo hay không.
Trên Facebook cá nhân, ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP HCM đặt câu hỏi ai là người đã yêu cầu khởi tố vụ án dẫn đến việc ông Quý bị bắt. Theo đó, nhà báo Đức Hiển bình luận:
“Theo Điều 155 Bộ luật Tố Tụng Hình sự 2015, Việc khởi tố vụ án hình sự về tội vu khống chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của người bị hại. Với trả lời của CA Đắc Lắk, có thể hiểu người bị hại ở đây là cá nhân”.
“Vì thông báo trên của CA không nói rõ ai là người bị hại, cũng không nói rõ số và ngày ban hành quyết định khởi tố vụ án nên tôi không biết người bị hại là ai. Chỉ chắc chắn một điều: Nếu nội dung thông báo của CA Đắk Lắc là chính xác thì vụ án đã được khởi tố theo yêu cầu của một người nào đó, dẫn đến việc bắt Tiến sĩ Quý”.
Tuy nhiên, ông Hiển cũng dẫn luật rằng yêu cầu của người bị hại về việc khởi tố là điều kiện chứ không phải là căn cứ khởi tố vụ án hình sự.
Khi nào bắt người khẩn cấp?
Theo Điều 110 BLTTHS, một trong ba trường hợp cơ quan cảnh sát điều tra được phép giữ người trong trường hợp khẩn cấp là: “nếu xét thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở, nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ”.
Tuy nhiên, luật sư Phùng Thanh Sơn cũng chỉ ra rằng: “Khi nào cần thiết khi nào không cần thiết thì luật không quy định rõ nên rất dễ dẫn đến việc giữ người tuỳ tiện”.
LS Sơn nói thêm: “Khi thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải tuân thủ theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 113 BLTTHS. Tức phải đọc lệnh, giải thích lệnh, lập biên bản. Nếu giữ người phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt, giữ và người khác chứng kiến.
Nếu khi bắt Tiến sĩ Quý mà không đọc lệnh, không giải thích lệnh, không lập biên bản, không có sự chứng kiến của chính quyền phường nơi Tiến sĩ Quý bị giữ, không có sự chứng kiến của người khác là trái luật”, LS giải thích.
Nói với BBC hôm 29/9, ông Phạm Đình Phú, anh trai của TS Phạm Đình Quý kể lại: “Khoảng 18g ngày 23/9, em trai tôi cùng em dâu ăn tối tại đường D1 thì bị một nhóm 8 người mặc thường phục vây bắt. Em dâu tôi còn bị buộc ký vào cam kết không được tiết lộ về cuộc vây bắt này”.
Theo ông Phú, đây là vụ bắt cóc chứ không phải được mời để phối hợp điều tra vì “cuộc vây bắt này không được thông báo hay mời làm việc theo quyết định tạm giam như luật pháp Việt Nam quy định”.
Hôm 30/9, ông Phạm Đình Trang xác nhận với BBC rằng ông vừa nhận thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk về việc bắt giữ con trai ông là tiến sĩ Phạm Đình Quý đêm 23/9.
Chụp lại hình ảnh, Ông Phạm Đình Trang nói gia đình chỉ nhận được thông báo sau gần 8 ngày đêm con trai ông là TS Phạm Đình Quý bị bắt.
Theo quy định của Điều 116 BLTTHS, trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận người bị giữ, cơ quan điều tra phải phải thông báo cho gia đình người bị giữ, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc biết.
“Tuy nhiên, nếu việc thông báo đó gây cản trở truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở điều tra thì sau khi việc cản trở không còn nữa thì phải thông báo ngay. Còn khi nào được xem là cản trở thì luật cũng không quy định tiêu chí xác định rõ ràng nên cơ quan điều tra hoàn toàn có quyền vịn vào lý do này để biện minh cho việc vi phạm tố tụng của mình”, LS Sơn phân tích.
Trên Facebook cá nhân, ông Chau Doan cũng bình luận về việc TS Phạm Đình Quý cùng học trò Hoàng Minh Tuấn bị bắt khẩn cấp bởi tố cáo Bùi Văn Cường, bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk, đạo luận án tiến sĩ. Ông nói:
“Tôi không hề biết tới họ trước đây nhưng sự việc ngang trái này khiến tôi cảm thấy bất an bởi mức độ lạm quyền trầm trọng của công an Đắk Lắk. Một xã hội muốn tiến tới công bằng, văn minh, thượng tôn pháp luật thì quyền lực không thể được dùng một cách tuỳ tiện như vậy được. Điều đáng buồn hơn nữa là báo chí cũng vào hùa để biện minh cho việc bắt bớ này là hợp lý, họ nói rằng đây là việc bắt giữ khẩn cấp với người bị tạm giữ chứ không phải bắt khẩn cấp. Với tôi thì có uốn éo câu chữ thế nào, bản chất cũng vậy thôi”.
Chụp lại hình ảnh, Ông Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng được xác nhận bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk tạm giữ.
Trên Facebook, một số người như luật sư Nguyễn Duy Bình lo ngại rằng sự việc này sẽ dẫn đến ‘tiền lệ nguy hiểm’.
Luật sư Hoàng Cao Sang cũng lên tiếng trên Facebook cá nhân của mình về quyền của người tố giác. LS Sang trích dẫn, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Theo đó, ông Sang cho rằng ông Quý cần được bảo vệ đúng theo quy định của pháp luật và Chỉ thị của Bộ Chính trị.
Trước đó, Công an Đắk Lắk ngày 30/9 thông báo cho báo chí ở Việt Nam rằng giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng Phạm Đình Quý (39 tuổi, tạm trú TP.HCM) bị bắt khẩn cấp về hành vi vu khống theo điều 156 Bộ luật hình sự.
Ngày 19/9, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án vu khống theo Điều 156 BLHS nhưng nhiều ngày sau đó họ mới công bố thông tin khởi tố này.