Trung Quốc nằm ở đâu trong chính trị Mỹ

Ryan Hass

Trung Quốc hiện diện gần như mọi cuộc thảo luận chính trị hằng ngày của Mỹ. Vì sao như vậy, và chuyện đó có ảnh hưởng gì đến cuộc bầu cử năm nay?

Luật Khoa trân trọng giới thiệu bài viết phân tích tầm ảnh hưởng của vấn đề Trung Quốc trong chính trị Mỹ và ý nghĩa đối với cuộc bầu cử năm 2020. Bài viết của nhà nghiên cứu Ryan Hass đăng trên website của Viện Brookings trong loạt bài cung cấp kiến thức cho cử tri Mỹ.

Xin lưu ý: Bài viết gốc được Viện Brookings đăng ngày 15/11/2019, tức là trước đại dịch COVID-19. Luật Khoa vẫn chọn đăng do bài có nhiều dữ liệu và phân tích đáng tham khảo.

Những ý chính

Xây dựng một chiến lược đối phó với Trung Quốc sẽ là nhiệm vụ bắt buộc đối với tổng thống Mỹ sắp tới, bất kể người được chọn là ai. Trong các chiến dịch tranh cử trước đây, các ứng viên đều cam kết theo đuổi chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc, và các nghị sĩ thuộc cả hai đảng đang tỏ ra ủng hộ đường hướng này. Tuy nhiên, mức độ ủng hộ của công chúng lại không cao.

• Các doanh nghiệp vỡ mộng với Trung Quốc, khiến cho cơ cấu quan điểm chính trị thay đổi mạnh.

• Chính quyền Trump xem quan hệ Mỹ – Trung như một cuộc cạnh tranh đa phương diện, trong khi bản thân Tổng thống Trump chỉ chăm chú vào việc phục hồi cán cân thương mại.

• Theo các khảo sát, sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là vấn đề lớn mà cử tri lưu tâm. Do đó, các cuộc tranh luận về vấn đề này trong kì bầu cử sắp tới được dự đoán là sẽ không sâu sắc.

Ảnh: Twitter/Axios/Getty/AFP.

Ít nhất từ năm 1992, Trung Quốc đã trở thành một vấn đề tranh cãi trong mỗi cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Trong cuộc đối đầu giữa George H. W. Bush (Bush cha) và Bill Clinton năm đó, Bill đã hứa hẹn sẽ mạnh tay với “bọn đồ tể Bắc Kinh” sau thảm sát Thiên An Môn. Ông Clinton cũng thấy ở Trung Quốc một cơ hội để tấn công Bush cha, người ưu tiên duy trì quan hệ hơn là trừng phạt Bắc Kinh vì cuộc thảm sát người biểu tình ôn hòa.

Có thể nói, mọi ứng viên tổng thống đều chính trị hóa Trung Quốc để ghi điểm trong chiến dịch tranh cử, trừ ngoại lệ là Obama năm 2008. Họ đều hứa hẹn sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc và đảm bảo các điều khoản tốt hơn trong quan hệ song phương so với người tiền nhiệm cũng như đối thủ của mình. Gần như chắc chắn xu hướng này sẽ lặp lại trong cuộc bầu cử năm nay.

Từ một quốc gia kém phát triển, Trung Quốc đã trở thành đối thủ kinh tế mạnh nhất của Hoa Kỳ. Từ năm 1992, tỷ trọng của GDP (tổng sản phẩm quốc nội) Trung Quốc trong toàn bộ GDP thế giới đã tăng từ dưới 1% lên 16%. Trong quá trình này, tỷ trọng của GDP Mỹ giảm, dù mức giảm không lớn (từ 26% năm 1992 xuống 24% năm 2017). Những nước có tỷ trọng GDP giảm mạnh nhất là châu Âu và Nhật Bản.

Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc song hành với việc hai nước Mỹ – Trung đẩy mạnh giao dịch thương mại song phương. Năm 2018, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 378,6 tỷ USD. Trong năm đó, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn từ bất cứ đâu, với các mặt hàng quan trọng nhất là máy tính và thiết bị điện tử. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ với các mặt hàng chủ lực là nông sản, máy bay, chất bán dẫn và ô tô.

Kể từ khi thông báo ra tranh cử tổng thống, Donald Trump đã coi Trung Quốc là một nhân tố quan trọng trong thương hiệu chính trị của mình. Ông thể hiện mình sẵn sàng đảo lộn truyền thống cũ, vạch ra một con đường mới để giải quyết vấn nạn mà ông gọi là “Trung Quốc đối xử không công bằng với chúng ta”. Ông liên tục coi Trung Quốc là kẻ đang lợi dụng điểm yếu của Mỹ để trở nên giàu mạnh hơn bằng mồ hôi và tiền bạc của người Mỹ.

Trong khi chính quyền Trump coi quan hệ song phương với Trung Quốc là cạnh tranh chiến lược ở nhiều mặt, thì cá nhân ông Trump lại tập trung vào mục tiêu hẹp hơn nhiều. Ông sử dụng các phát ngôn của mình và mối quan hệ ngoại giao cá nhân với lãnh đạo Trung Quốc để tái thiết lập quan hệ thương mại song phương. Nhất quán với quan điểm từ những năm 1980, ông coi cân bằng thương mại là phép đo lường quan trọng trong quan hệ hai nước. Ông cũng gây áp lực để chính quyền Bắc Kinh ủng hộ, hoặc ít nhất là không phương hại đến nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, có các dấu hiệu cho thấy giới nghị sĩ thuộc cả hai đảng ở Washington đều ủng hộ lối tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc, dù không nhất thiết ủng hộ các chiến lược cụ thể của chính quyền Trump.

Hai lãnh đạo Đảng Dân chủ đồng thời là những người thường xuyên chỉ trích Trump là Thượng nghị sĩ Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đều thúc đẩy việc phản đối Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio tìm được tiếng nói chung trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra cho Mỹ.

Chính hành động của chính quyền Bắc Kinh đã khiến giới chính trị Mỹ thay đổi quan điểm về Trung Quốc. Các lãnh đạo Trung Quốc đã đảo ngược đà cải tổ kinh tế, dập tắt mọi hy vọng le lói về khai phóng chính trị, ngó lơ các quan ngại ngày càng nghiêm trọng của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, tăng cường đàn áp những ai bị cho là thách thức đối với chính quyền, cưỡng bức đồng hóa các cộng đồng sắc tộc, kiểm soát chặt chẽ Hong Kong, gây căng thẳng trong quan hệ với cộng đồng các tổ chức phi chính phủ (NGO) và giới học giả Mỹ. Cuối cùng, Trung Quốc lộ rõ tham vọng thay thế vị trí lãnh đạo châu Á xưa nay của Mỹ, nếu không muốn nói là xa hơn.

Việc cộng đồng doanh nghiệp Mỹ vỡ mộng ở Trung Quốc có lẽ đã tác động mạnh nhất đến triết lý chính trị của Mỹ đối với Trung Quốc. Đầu những năm 1990, sau thảm sát Thiên An Môn, cộng đồng kinh tế Mỹ dẫn đầu nỗ lực kêu gọi chính quyền Clinton duy trì mối quan hệ ôn hòa với Trung Quốc. Lúc đó, lãnh tụ quan trọng của Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình đang đẩy mạnh quá trình cải cách để tạo ra môi trường nồng ấm thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Việc này khiến giới làm ăn ở Mỹ có động lực để ủng hộ quan hệ ngoại giao hai nước tốt đẹp hơn.

Nhưng nay tình thế đã đảo ngược. Chính sách kinh tế của Tập Cận Bình đã đổ bê tông vào một sân chơi cạnh tranh không công bằng giữa các công ty nước ngoài với công ty nội địa Trung Quốc. Việc này khiến những tiếng nói quan trọng trong giới làm ăn Mỹ đã phải rút lại những lời kêu gọi cải thiện quan hệ hai nước trước kia.

Bắc Kinh cũng đưa ra các chính sách như buộc các thương hiệu Mỹ phải chấp nhận lập trường chính trị của họ về các vấn đề nhạy cảm như Hong Kong và Đài Loan, nếu muốn được làm ăn ở Trung Quốc. Các quyết định tai tiếng này càng làm cho các công ty Mỹ không sẵn sàng ra mặt ủng hộ cải thiện quan hệ song phương, do e ngại làm vậy sẽ bị coi là đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhìn chung, hiện nay tại Mỹ không có bất kỳ một khối cử tri có ảnh hưởng chính trị nào muốn công khai ủng hộ tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc.

Cùng lúc đó, công chúng Mỹ không tỏ ra đồng thuận với việc xem Trung Quốc như là thù địch. Ngay cả khi công luận Mỹ ngày càng không ưa Trung Quốc, xu hướng này chưa đến mức coi Trung Quốc là một mối nguy hiểm (giọng điệu mà chính quyền Trump đang liên tục thể hiện).

Theo một khảo sát toàn quốc do Hội đồng Đối ngoại toàn cầu Chicago tiến hành, công luận Mỹ đang chia đều về hai quan điểm: xem Trung Quốc là địch thủ (49%) và xem Trung Quốc như đối tác (50%). Trung Quốc đứng thứ tám trong danh sách thăm dò 12 mối nguy hiểm hàng đầu đối với Mỹ. Theo khảo sát này, người Mỹ coi “họa” Trung Quốc kém nguy hiểm hơn nhiều so với khủng bố nội địa, bom hạt nhân của Bắc Hàn hay chương trình hạt nhân Iran.

Khảo sát của Trung tâm Pew cũng cho kết quả tương tự. Trong khảo sát này, người tham gia được yêu cầu đánh giá bảy mối đe dọa đối với Mỹ. Kết quả là Trung Quốc đứng thứ tư, sau tấn công mạng, biến đổi khí hậu và Iran. 2/3  số người trả lời thăm dò của Hội đồng Chicago nói họ muốn thấy Mỹ xử lý vấn đề Trung Quốc thông qua hợp tác và tương tác hữu nghị, trong khi chỉ ít hơn 1/3 muốn Washington kiềm chế sức mạnh của Bắc Kinh.

Với rất nhiều người Mỹ, Trung Quốc không phải là mối bận tâm hàng đầu. Bởi thế, ngoại thương với nước này cũng chỉ là một yếu tố nhỏ trong hàng loạt các vấn đề kinh tế rộng lớn hơn, và không được coi là ưu tiên cao nhất của các cử tri. Thái độ này sẽ định hình mức độ của các cuộc tranh luận về Trung Quốc trong cuộc bầu cử sắp tới.

Do đó, trừ khi có một động thái cực đoan mới ở Đại Trung Hoa [thuật ngữ “greater China” chỉ khu vực gồm Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Ma Cao và Đài Loan – ND] gây chấn động lương tâm người Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống 2020 khó có thể tạo ra một cuộc thảo luận sâu sắc tầm quốc gia về chiến lược ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nước Mỹ có thể trì hoãn việc tìm ra câu trả lời cho việc này trong kỳ bầu cử, nhưng sẽ không thể trì hoãn lâu. Xây dựng một chiến lược hợp lý để ứng phó với Trung Quốc – đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Hoa Kỳ – sẽ là trách nhiệm không thể tránh khỏi của chính quyền tổng thống Mỹ tiếp theo, bất kể người thắng là ai.

R.H.

Nguồn bản gốc: https://www.brookings.edu/policy2020/votervital/why-has-china-become-such-a-big-political-issue/

Nguồn bản dịch: luatkhoa.org/2020/10

This entry was posted in Mỹ - Trung. Bookmark the permalink.